Bài học rút ra từ phong trào Áo vàng

Người biểu tình "Áo vàng" phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Paris, Pháp ngày 8/12 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

(Mạng “Người quan sát”, Trung Quốc, ngày 11/12/2018) Phong trào “Áo vàng” bùng phát do tăng thuế nhiên liệu ở Pháp đã kéo dài từ giữa tháng 11 đến nay. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó luôn tuyên bố không cúi đầu trước “chính trị đường phố” cuối cùng cũng phải nhượng bộ, tuyên bố năm 2019 ngừng tăng thuế nhiên liệu. Tuy nhiên, tôn chỉ của phong trào “Áo vàng” đã không còn giới hạn ở đấu tranh giảm thuế xăng dầu, mà đã sớm mở rộng sang sự bất mãn của đám đông xã hội bị thiệt thòi đối với tầng lớp tinh hoa do Macron làm đại diện, thậm chí hoài nghi đối với thể chế của nền cộng hòa thứ năm. Vì thế, cuối tuần qua, Paris và các tỉnh bên ngoài lại bùng phát cuộc biểu tình quy mô lớn theo kế hoạch đã định, tính đến nay đã có 1723 người bị bắt giữ.

Hiện nay, đa số thông tin báo cáo trong nước đều nghiêng về khía cạnh bạo lực của phong trào “Áo vàng”. Mặc dù mỗi lần bãi công hoặc biểu tình ở Pháp hoặc ít, hoặc nhiều đều kèm theo bạo lực, nhưng lần này rất đặc biệt, chúng ta không thể vì hình thức mà xem nhẹ bản chất vấn đề. Trên thực tế, theo điều tra thống kê của Hãng thăm dò dư luận Elabe and Harris Interactive, 70% người dân Pháp bày tỏ đồng tình đối với nguyên nhân sâu xa của việc bùng phát phong trào “Áo vàng”: đó là thuế khắc nghiệt, phân hóa giàu nghèo, cũng như chính phủ hoàn toàn không lắng nghe ý kiến trái chiều khi thúc đẩy cải cách.

Ngoài ra, một vấn đề cần phải đề cập là rất nhiều phần tử bạo lực đập phá cướp bóc trên đại lộ Champs Élysées mà truyền hình đưa tin không phải là thành viên của phong trào “Áo vàng” được phép biểu tình, mà là một “nhóm chuyên nghiệp” nhân cơ hội té nước theo mưa. Những “con sâu làm rầu nồi canh” thiểu số này vừa phá hoại tài sản công cộng và tư nhân, vừa làm ô danh phong trào “Áo vàng” vốn có tôn chỉ chính đáng, cần được các bên lên án.

Bài viết này sẽ xoay quanh một loạt chính sách mà Macron thực hiện sau khi lên nắm quyền, cũng như một loạt vấn đề mang tính kết cấu của nền cộng hòa thứ năm, rút ra tổng kết về nguyên nhân chính trị và kinh tế của việc bùng phát phong trào “Áo vàng”, đồng thời đưa ra một số dự báo và triển vọng về tương lai của nền chính trị dân chủ nước Pháp.

Đầu tiên, theo báo cáo do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố vào hôm 4/12 về chính sách thu thuế của các nước thành viên, tỷ lệ thu thuế của Pháp chiếm đến 46,2% GDP, đứng đầu trong số 20 nước thành viên của OECD; thuế khắc nghiệt đã khiến cho người dân thường cảm thấy không thể gánh vác nổi. Một nữ dược sỹ tên là Natalie cùng con trai tham gia phong trào “Áo vàng” khi trả lời phỏng vấn của France Culture đã phàn nàn rằng chi phí cho đời sống thiết yếu hàng ngày như xăng, điện, giao thông… đều đang tăng giá; chẳng hạn như giá điện, hóa đơn tiền điện giá gốc là 515 euro, sau khi bị cộng thêm các loại thuế, cuối cùng bà phải thanh toán 904 euro, nhưng mức lương hàng tháng chưa đến 2000 euro.

Vấn đề tồi tệ hơn là, “tầng lớp trung lưu bậc thấp” như Natalie đóng thuế cao cho nhà nước do có một mức lương có thể đảm bảo ấm no, nhưng không có quyền nhận được bất cứ khoản trợ cấp công cộng nào. Khi trả lời phỏng vấn, Natalie cho biết bản thân mình không phản đối việc nộp thuế, nhưng mong muốn tiền nộp thuế của mình và những người khác có thể được sử dụng để giúp đỡ những người vô gia cư một cách thiết thực, chứ không phải bị vợ chồng Macron sử dụng 300.000 euro chỉ để thay thảm cho điện Élysée.

Tình cảnh của Sophie - một người bạn học của tác giả ở Học viện chính trị Paris cũng tương tự như Natalie. Sau khi tốt nghiệp, Sophie trở thành một nhân viên công vụ bình thường của Bộ Giáo dục Pháp, mức lương hàng tháng khoảng 2000 euro. Sau khi lên cầm quyền, Macron đã sa thải, hạ mức lương một số vị trí phục vụ công được cho là không quan trọng để giảm chi tiêu khu vực công. Khi tác giả đến Paris công tác vào đầu năm nay, cô phàn nàn rằng đã 3 năm không được tăng lương, hơn nữa cơ quan nơi cô đang công tác vẫn không có ngân sách tăng lương trong thời gian tới. Hàng tháng sau khi trả tiền thuê nhà, phí điện nước và ăn uống, lương của Sophie chẳng còn lại bao nhiêu, thậm chí có lần, nhà bếp của chung cư cô thuê do lâu ngày không bảo trì nên rò rỉ khí CO, nhưng nhân viên bảo trì được gọi đến để sửa chữa không thể khắc phục được, buộc cô phải lập tức chuyển đi nơi khác.

Bên cạnh việc phàn nàn Macron, Shopie cũng thừa nhận mình đã lựa chọn sai ngành học, nếu học các chuyên ngành liên quan đến kinh tế để thi tuyển vào làm việc ở Bộ Kinh tế, lương hàng tháng có thể lên đến 2800 euro. Tuy nhiên, các bạn học trúng tuyển vào Bộ Kinh tế - nơi Macron từng làm bộ trưởng lại luôn viện lý do công việc bận rộn, không thể gặp cô. Mấy ngày trước, Sophie còn tâm sự với người viết cuối tuần này cô cũng chuẩn bị xuống đường, tham gia vào hàng ngũ “Áo vàng”.

Tuy nhiên, nông dân là những người rơi vào tình cảnh tồi tệ nhất do cơ sở hạ tầng của nông thôn và vùng ngoại ô nước Pháp nhiều năm không được duy tu sửa chữa, giao thông công cộng rất bất tiện, trong khi đó để vận chuyển nông sản tươi vào thành phố, xe chở hàng là phương tiện giao thông không thể thiếu. Số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos cho thấy nông dân là nhóm có khả năng nhất được nhận định là gặp khó khăn về năng lượng, những hộ gặp khó khănvề điện sưởi ấm là 26,1%, trong khi tỷ lệ hộ gặp khó khăn giao thông chiếm đến gần 1/3. Bên cạnh đó, trong tầng lớp “chuyên viên tri thức cao cấp và cán bộ”, chỉ có 3,9% và 5,9% lần lượt thuộc diện hộ gặp khó khăn về điện sưởi ấm và hộ khó khăn về giao thông. Lần này cộng thêm việc tăng thuế nhiên liệu, những người nông dân sẽ càng gặp khó khăn hơn.

Công việc toàn thời gian của Ayloy ở khu vực nông thôn miền Đông nước Pháp là nuôi giống gà Bresse nổi tiếng thế giới và cung cấp trực tiếp cho Điện Élysée, nhưng chàng trai đáng thương này phải làm việc 77 giờ mỗi tuần, trong ba năm chỉ được nghỉ phép 1 tuần, thu nhập mỗi tháng chỉ được 700 euro, cầm cự sống qua ngày dựa vào 50 euro tiền sinh hoạt do mẹ đưa cho mỗi tuần. Sau khi phong trào “Áo Vàng” bùng nổ, anh không còn có thể tiếp tục nhẫn nhịn, đã quay những video chứa đầy nước mắt để tải lên Youtube, chỉ trích Tổng thống Pháp Macron làm cho cuộc sống của anh ngày càng đen tối và bế tắc, căn bản không có tư cách ăn thịt gà do anh nuôi.

Các câu chuyện giống như của Natalie, Sophie và Ayloy rất nhiều, những người lao động phổ thông ở Pháp (chứ không phải là những người đàn ông lười biếng mà Macron coi thường) đã tạo thành lực lượng chủ yếu của phong trào “Áo vàng”. Sau khi lên cầm quyền, Macron luôn muốn cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích đổi mới nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Pháp, do đó lập tức giảm thuế cho người giàu và doanh nghiệp, hàng loạt khái niệm cầm quyền này vốn không đáng bị chỉ trích, nhưng vị tổng thống xuất thân từ Ngân hàng Rothschild dường như lại hoàn toàn coi nhẹ vấn đề đời sống nhân dân, không hiểu rằng chỉ có giảm thuế và tăng tiền lương cho người lao động phổ thông thì mới có thể giành được sự ủng hộ của đa số người dân.

Mặc dù kinh tế, đặc biệt là đời sống nhân dân là nhân tố căn bản bùng phát phong trào “Áo vàng”, nhưng nguyên nhân chính trị cũng không thể bị coi nhẹ. Trước hết, nền tảng cầm quyền của Tổng thống Macron không vững chắc, chỉ giành được 24% trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ vòng 1 vào tháng 4/2017, cử tri bầu cho các đảng cực tả và cực hữu trong vòng này lên tới hơn 40%; nếu không phải vì lương tâm chống phát xít quyết liệt trong ý thức dân tộc Pháp, Macron có lẽ căn bản không có cơ hội để trở thành tổng thống. Thứ hai, trên nền tảng cầm quyền mỏng yếu đó, Macron không những không vỗ về dân chúng, ngược lại áp dụng rất nhiều biện pháp được xem là chuyên chế độc tài và gây cảm giác bất an, chẳng hạn như bỏ qua quốc hội, trực tiếp ban hành sắc lệnh hành chính của tổng thống để thúc đẩy cải cách luật lao động, gắn mác cho những người đứng dậy phản đối là lười biếng, yếm thế và phần tử cực đoan, sớm mất đi lòng dân. Căn cứ vào số liệu thống kê điều tra trong một bài viết dài đăng trên tờ Financial Times ngày 7/12/2018, trước khi phong trào “Áo vàng” bùng nổ, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron đã giảm xuống còn 26%.

Ngoài nhân tố cá nhân của Macron, còn phải đề cập đến màu sắc độc tài trung ương mạnh mẽ của bản thân cơ chế bán tổng thống của nền cộng hòa thứ 5 của Pháp. Đặc biệt là khi chính phủ và quốc hội đều do chính đảng của tổng thống kiểm soát, tổng thống dường như là một vị “vị vua được bầu”, chịu ít sự hạn chế trong nội bộ của cơ chế này.

Ngoài việc tổng thống có thể bỏ qua quốc hội để ban hành sắc lệnh hành pháp, chẳng hạn như trong lĩnh vực tư pháp, do truyền thống kiềm chế quyền lực của các thẩm phán trong thời gian dài, dẫn đến tòa án tối cao ở Pháp chia thành 3 cấp, hơn nữa các thẩm phán chỉ có quyền giải thích chứ không có quyền tạo ra luật. Mặc dù về mặt lý thuyết, thẩm phán của Tòa án tối cao ở Pháp cũng có một số quyền phán xét các sắc lệnh hành pháp trái pháp luật và không có giá trị của tổng thống, nhưng từ giữa thế kỷ 20 đến nay, tòa án tối cao phải có nhiệm vụ tham mưu chính sách cho tổng thống, do đó bị nghi ngờ về tính độc lập và tính trung lập.

Hơn nữa, chính quyền địa phương ở Pháp phải trực tiếp báo cáo lên chính quyền trung ương; không giống như Đức hoặc Mỹ, chính phủ liên bang về lý thuyết chỉ là sự bổ sung cho chức năng của chính quyền các bang, lại không thể lãnh đạo các thống đốc bang. Do đó, tổng thống không chịu sự hạn chế của nội các, quốc hội và tòa án, cũng không chịu sự ràng buộc của chính quyền địa phương, con đường duy nhất để chống lại chính sách không được hoan nghênh của tổng thống Pháp chỉ còn một: Ra đường phố biểu tình!

Cuối cùng, người viết dự đoán phong trào “Áo vàng” hiện tại không có người lãnh đạo nên đang chờ đợi sự xuất hiện của nhà lãnh đạo mới. Mặc dù phe cực tả và phe cực hữu ở Pháp hiện nay đều có những người đi theo đường lối dân túy, nhưng do gánh nặng lịch sử và tính chất hạn chế hiện nay, rất khó xâm nhập vào phe đối lập, hơn nữa, khả năng tập hợp lực lượng của tầng lớp trung lưu cũng rất hạn chế. Xu hướng phát xít của gia đình bà Le Pen và xu thế “cướp của người giàu, chia cho người nghèo” của Jean-Luc Mélenchon chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng xã hội trong phạm vi nhất định, nhưng cuối cùng lại chấp nhận thực tế không thể đoàn kết 72% người Pháp ủng hộ phe “Áo vàng”. Người có thể thực sự lãnh đạo phong trào này, người đại diện của họ vừa không phải đại diện cho lợi ích của người thất nghiệp, không phải là lợi ích của người da trắng ở Pháp, càng không phải là lợi ích của tầng lớp tinh hoa theo chủ nghĩa tự do mới, mà là lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân cần cù lao động và xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp hơn như Natalie, Sophie, Ayloy. Đồng thời, nhà lãnh đạo đó còn cần tiến hành cải cách thích hợp đối với chế độ dân chủ của Pháp, và mở nhiều kênh tham gia chính trị, thay vì ép người dân phải ra đường biểu tình.

Nếu nhà lãnh đạo này có thể đi lên từ quần chúng trong tương lai gần, đó sẽ là một thời thế tạo anh hùng thực sự, khả năng tác động của người đó đối với vũ đài chính trị lục địa châu Âu sẽ không thể kém đảng Phong trào 5 sao ở nước láng giềng Italy. Gần 2 năm trước, Macron đã khởi xướng phong trào “Tiến bước” để tranh cử tổng thống, hiện tại dường như “anh hùng tạo thời thế” đang bị lật đổ.

***

Theo trang mạng Atlantico ngày 10/12/2018, không ai có thể phủ nhận rằng một bộ phận dân chúng Pháp đang gặp khó khăn trong cuộc sống thường ngày, hay thậm chí phải đấu tranh sinh tồn. Đó là những người không có việc làm, sống xa những thành phố, với những điều kiện hạn hẹp về chỗ ở, và nhận thấy sự hiện đại và những tiến bộ chỉ mang lại ánh hào quang lấp lánh cho một bộ phận người dân khác.

Nếu như chất xúc tác cho phong trào nổi dậy "Áo vàng" nằm ở vấn đề thuế nhiên liệu, thì những yêu sách đã nhanh chóng mở rộng sang vấn đề thuế khóa, sức mua và các điều kiện sống trong một xã hội ngày càng chia rẽ, giữa những người được hưởng lợi và những người thua thiệt, với một khoảng cách biệt rất lớn. Ở Pháp, những yêu sách chính trị hiện có thể được tóm tắt theo hai trục: một là, giảm thuế với diện rộng hơn; hai là, gia tăng các dịch vụ công và các dịch vụ xã hội.

Tìm kiếm một sự thỏa hiệp nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng là điều rất khó đạt được một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, chính khó khăn trong việc tìm kiếm sự thỏa hiệp này đã mở ra một con đường cho tất cả những ai mơ ước lật đổ chính quyền hiện tại và thay đổi hệ thống chính trị lẫn kinh tế.

Emmanuel Macron hiển nhiên là mục tiêu của tất cả các phần tử cực đoan. Các ông chủ lớn thuộc Nhóm Chỉ số thị trường chứng khoán Pháp CAC 40 (những chủ thể của chủ nghĩa tư bản tài chính) cũng sớm trở thành mục tiêu.

Yêu sách "cắt giảm thuế, đồng thời gia tăng các dịch vụ công" rõ ràng là điều không thể đáp ứng được, đặc biệt trong ngắn hạn. Pháp là nhà vô địch thế giới về sức ép thuế, và cũng là nhà vô địch thế giới về chi tiêu công và chi tiêu xã hội. Nước Pháp không thể giảm sức ép về thuế nếu không thay đổi cơ cấu nhà nước và giảm bớt gánh nặng các dịch vụ, chưa kể đến phải thực hiện chuyển đổi sinh thái.

Chúng ta có thể nỗ lực một cách chậm chạp, có thể không nhìn thẳng vào thực tế, có thể nói rằng quá trình chuyển đổi sinh thái cần có thời gian, rằng nước Pháp không đủ giàu có để có thể làm sạch bầu không khí mà người dân đang hít thở, hay trách nhiệm này thuộc về người khác. Pháp cũng có thể mắc nợ nhiều hơn nữa cho đến khi các chủ ngân hàng nước ngoài không còn thấy có đủ sự tin cậy để cho chúng ta vay. Năm nay, nợ công của nước Pháp đã vượt quá ngưỡng 100% GDP, tức nợ công tương đương với tổng tài sản mà chúng ta làm ra.

Như vậy, nếu "giảm thuế và tăng chi tiêu công" trở thành một phương trình không có lời giải đối với chính quyền hiện nay, thì việc tìm kiếm sự thỏa hiệp sẽ là trọng tâm trách nhiệm của Tổng thống Pháp Macron.

Emmanuel Macron, người đã tuyên bố hoạt động như một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, do vậy, phải biết rằng một lãnh đạo doanh nghiệp khi đối mặt với sự sụp đổ của thị trường cần cố gắng thích nghi và tìm ra giải pháp. Emmanuel Macron cần đề xuất một thay đổi lớn trong chính sách của ông, như nhiều người tiền nhiệm đã làm trong nhiệm kỳ của họ:

Georges Pompidou đã xoa dịu được các sự kiện tháng 5/1968, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng tiềm ẩn và ồ ạt, đề cao trách nhiệm cá nhân. Valéry Giscard d’Estaing cũng mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ tàn khốc và khó dự đoán xảy ra ngay sau khi ông thắng cử tổng thống năm 1974.

Năm 1983, François Mitterrand cũng buộc phải quay lưng lại với luận điểm cánh tả mà ông đã tuyên bố khi tranh cử. Nicolas Sarkozy, được người dân Pháp bầu ra để đưa nước Pháp thoát khỏi những thủ tục hành chính quan liêu, đã phải từ bỏ mục tiêu của ông để đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 2008 và tìm cách giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó. Nước Pháp vẫn đứng vững, nhưng ngân sách nhà nước suy sụp. Điều này đã để lại cho người kế nhiệm của ông, François Hollande, những bài học sâu sắc.

Emmanuel Macron lên nắm quyền hứa hẹn mang lại một thế giới mới. Nhưng giờ đây, làm thế nào ông có thể kiên định lập trường của mình, khi hơn một nửa dân chúng Pháp không ủng hộ ông? Thay đổi là điều bắt buộc.

Ông Macron sẽ giảm thuế, cải thiện các dịch vụ công và các khoản trợ cấp xã hội, nhưng với 3 điều kiện:

- Thứ nhất, ông Macron cần giảm gánh nặng các khoản thuế và đóng góp bắt buộc, đặc biệt là phân bổ chúng tốt hơn, tuy nhiên không vì thế mà nhượng bộ những người nghĩ tới việc khôi phục FSI (thuế đánh vào tài sản người giàu) hay loại bỏ mức thuế đồng nhất, vì trong trường hợp này, nó thúc đẩy tiềm năng đổi mới, đầu tư và tạo thêm việc làm trong lĩnh vực tư nhân.

- Thứ hai, ông Macron cần có bước lùi để cải cách nhà nước và các cơ quan hành chính. Đây là một việc làm không dễ dàng. Macron cần vận dụng năng lực của mình.

Điều chắc chắn là ông có thể nâng cao năng lực tổ chức để tăng cường hiệu suất công việc. Những gì đã diễn ra đối với Tập đoàn Bưu chính Pháp (La Poste) trong 10 năm qua là điều đáng chú ý. Tập đoàn nhà nước này lao đao trước sự cạnh tranh của thị trường, và đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số. Việc cải tổ La Poste đã mang lại những kết quả ngoạn mục, có lợi cho người lao động lẫn khách hàng. Ông có thể giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước trung ương để tăng cường vai trò của các chính quyền địa phương thực sự gần với dân chúng. Ông có thể đẩy nhanh chương trình tư nhân hóa. Đặc biệt, ông cần xem xét lại hệ thống bảo trợ xã hội mà hiện đang chiếm hơn một nửa thâm hụt ngân sách.

Nếu như trong một cuộc đối thoại trung thực, chúng ta đặt câu hỏi nghiêm túc cái gì thuộc về tình đoàn kết dân tộc và cái gì thuộc về bảo hiểm, chúng ta có thể thực hiện những thay đổi về hình thức chi trả và chất lượng của những dịch vụ bảo trợ xã hội. Nếu chúng ta tham gia cuộc tranh luận mang tính ý thức hệ về vai trò của người dân và của các công ty bảo hiểm, thì chúng ta có thể tìm ra những giải pháp.

Phí bảo hiểm ô tô giờ đây là bắt buộc, không kể bảo hiểm cho bên thứ ba. Để đảm bảo công bằng, mức phí phụ thuộc vào kích thước của xe. Phí bảo hiểm được trả cho công ty bảo hiểm sau khi hai bên thống nhất những rủi ro được bảo hiểm.

Người mua bảo hiểm có quyền kết thúc hợp đồng với một công ty bảo hiểm và lựa chọn một công ty khác. Quyền lựa chọn này, cùng với sự tồn tại của cạnh tranh, buộc công ty bảo hiểm phải nâng cao dịch vụ để giữ chân khách hàng. Lôgích bảo hiểm và sự tự do lựa chọn được trao cho các bên liên quan cuối cùng đảm bảo sự ổn định của hệ thống.

Các công ty bảo hiểm có thể cung cấp nhiều dịch vụ bảo hiểm đa dạng. Bảo hiểm về các rủi ro đối với hàng hóa cố định và di động, bảo hiểm chống trộm cắp... Nhiều sản phẩm bảo hiểm bổ sung cho các hệ thống xã hội trong lĩnh vực công. Các công ty bảo hiểm còn cung cấp các gói bảo hiểm bảo vệ cá nhân và gia đình của họ trước rủi ro thất nghiệp hoặc tuổi già…

Bảo hiểm cho phép giảm bớt gánh nặng của các khoản thuế và đóng góp bắt buộc, buộc các nhà cung cấp cải thiện chất lượng dịch vụ để có thể cạnh tranh, giúp các cá nhân có toàn quyền quyết định đối với những rủi ro của họ. Hầu hết các nước Bắc Âu có các hệ thống bảo trợ xã hội phong phú và tiện lợi như Pháp, nhưng phương thức chi trả của họ đa phần gắn với lôgích bảo hiểm, cho dù đó là công ty bảo hiểm nhà nước, tư nhân hay các công ty bảo hiểm tương hỗ.

- Thứ ba, ông Macron cần mở một cuộc đàm phán với châu Âu về việc điều chỉnh lại quy định đồng sở hữu, chi phối các mối quan hệ giữa 27 quốc gia thành viên mà phần lớn trong số họ đang tìm kiếm sự thay đổi.

Đối với những ai tin rằng Emmanuel Macron rất do dự đối với cách tiếp cận này, trong khi ông Macron đang tìm cách thể hiện về một châu Âu nghiêm túc, một châu Âu không có nợ nần, một châu Âu không có sai sót, chúng ta có thể trả lời họ rằng tương lai của châu Âu thà phải nhận một chút sỉ nhục, còn hơn là phải chịu hoặc gây ra thất bại. Có các nội dung quy định trong Hiệp ước Maastricht cho phép thảo luận về việc điều chỉnh chức năng hoạt động ở cấp độ Ủy ban châu Âu, và đối với các nhà lãnh đạo chính trị của các nước thành viên EU./.