Bài dự thi cây bút tuổi hồng 2023

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH BẮC NINH

Giấy phép số 40/GP-STTTT do Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bắc Ninh cấp ngày 15 tháng 9 năm 2015

Tổng biên tập: Nhà báo Ngô Hồng Giang

Địa chỉ : Số 01, Lý Thái Tổ, Thành phố Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh

ĐT: 02223875551

Email:

Bản quyền thuộc về nguoikinhbac.vn
Ghi rõ nguồn  khi phát hành lại thông tin từ website này

Xin chào tất cả các bạn!

Xin tự giới thiệu tôi là một tờ tiền, nhưng các bạn có biết tôi có mệnh giá là bao nhiêu không? Gợi ý nhé, đó là một mệnh giá rất nhỏ, các bạn đã đoán ra chưa? Chưa hả? Thôi, tôi sẽ nói cho nhanh luôn nhé, TÔI LÀ MỘT TỜ TIỀN NĂM TRĂM ĐỒNG. Chắc các bạn nghĩ tôi là một tờ tiền nhỏ. Không quan trọng. Và tôi chẳng có giá trị gì. Cũng không quan trọng. Tôi đã trải qua chuyện đó rồi. Tôi đã từng bị cuộn tròn, giắt vạ vật ở một nơi đầy bụi bẩn và mạng nhện nào đó mà không ai biết đến. Tệ hơn, tôi từng nằm phơi mình trên đường phố với tấm áo hồng bị dính đầy vết bẩn, bao nhiêu người qua lại mà không một ai đếm xỉa đến tôi. Thậm chí có người nhìn thấy rồi, đã chẳng chịu nhặt lên mà còn giẫm cả vào tôi, làm như thể tôi chưa từng tồn tại, như thể tôi là một tờ giấy vứt đi hay một trong những thứ rác rưởi bẩn thỉu nhất… Nhưng thôi, những chuyện ấy đã qua rồi, lâu rồi. Còn bây giờ, tôi đang hạnh phúc trong căn phòng ấm cúng của mình - chiếc ví của một cô chủ đã biết quý trọng tôi, và đặt tôi ở một vị trí mà tôi cho là trang trọng nhất trong chiếc ví da xinh xắn của cô. Làm thế nào mà tôi lại được như vậy? Chắc các bạn tò mò lắm nhỉ! Chuyện là thế này…
Giống như bao tờ tiền khác, tôi được sinh ra từ một ngân hàng lớn, tấp nập người qua lại. Lứa sinh ấy, tôi có cả ngàn anh em, tất cả giống tôi như đúc, cũng màu hồng, cũng hoa văn hình vẽ như nhau. Trên mặt anh nào cũng in số 500 to tướng. Đó là kí hiệu để chúng tôi biết mình là ai, giá trị thế nào. Những nhân viên ngân hàng xếp chúng tôi thành một tập, rồi lại xếp những tập tiền ấy vào trong những hộp các tông rất lớn. Tôi thấy hơi chật chội và bức bối. Đầu óc tôi nghĩ vẩn nghĩ vơ với hàng ngàn câu hỏi đặt ra: “Cuộc sống ở bên ngoài có buồn chán như thế này không?” “Ngoài kia chắc vui lắm nhỉ?” “Khi nào thì mình được ra ngoài kia, được người ta chuyền tay nhau như mấy anh chị polime ấy?” v.v… Thật may, tôi sớm được tạm biệt những anh chị em Năm Trăm đồng của mình để bắt đầu cuộc sống mới. Họ mang tôi lên ngăn kéo của khu quầy giao dịch. Tôi ở cũng với bao tờ tiền mệnh giá khác. Sự bỡ ngỡ ban đầu khiến tôi không để ý một tiếng cười vang lên từ phía sau:
- Ồ! Tưởng ai, hóa ra là cái anh chàng Năm Trăm đồng. Sao anh lại lạc vào đây kia chứ? Xin lỗi vì đã không nhận ra anh, chỉ vì anh quá nhỏ bé mà thôi! Ha ha!
Đó là anh Hai Trăm Nghìn đồng. Anh ta nhẵn bóng và nằm ngay giữa ngăn, bên cạnh là ông Năm Trăm Nghìn trong bộ cánh màu xanh, mới tinh. Ông ta cất giọng ồm ồm, chậm rãi nhưng không giấu nổi vẻ kiêu căng:
- Cậu Năm Trăm đồng làm gì ở đây vậy? Cậu không xứng đáng ở chỗ này đâu. Cậu nhìn xem, ở đây chẳng có ai giống cậu cả. Họ đều xinh đẹp, bóng bẩy, mặt polime nhẵn nhụi khiến nước cũng không làm gì nổi. Còn cậu thì sao, nhỏ bé, xấu xí, cái áo hồng của cậu thật là lỗi thời, cậu mà dính tí nước là lại rách tươm cho mà xem!
- Phải rồi! - Anh mười ngàn đồng lên tiếng - Thời đại này ai người ta còn dùng tiền giấy, lại là đồng Năm Trăm như cậu, chẳng nổi một cái kẹo cao su. Cậu không tin thì nhìn kìa, ngân hàng người ta chuẩn bị cả một hộp kẹo, để trả cho khách hàng thay vì trả đồng Năm Trăm như cậu đấy. Bởi vì có khách hàng nào muốn nhét một tờ tiền như cậu vào cho chật ví đâu.
Tai tôi như ù đặc đi vì những tiếng cười hô hố và những lời gièm pha. Cuộc sống ở bên ngoài là thế này ư? Tôi thà ở trong cái hộp ban đầu cùng với các anh chị em Năm Trăm đồng của tôi. Tôi buồn lắm, nhưng cũng chẳng dám làm gì. Họ lớn hơn tôi, mạnh hơn tôi, nhất là cái ông Năm Trăm Nghìn, ông ta chỉ hơn tôi có một số 0 trên mặt mà ra điều hống hách, ai trong cái ngăn kéo này cũng có vẻ sợ ông ta. Lúc này, có một người khách đến rút tiền. Ông ta đưa chứng minh thư cho cô nhân viên rồi nói:
- Cho tôi rút tiền trong tài khoản.
- Thưa ông, ông rút bao nhiêu?
- Tôi rút hết.
- Vâng, ông làm ơn chờ một lát.
Một lát trôi qua. Cô nhân viên lấy ở đâu đó ra một tập tiền Năm Trăm Nghìn, cho vào máy đếm tiền. Những con số hiện ra trong sự chăm chú của vị khách hàng. Xong, cô lùa tay vào chỗ chúng tôi, nhấc ra vài anh chị trong đó có tôi. Tôi sung sướng vô hạn. Vậy là tôi lại được đi, được dấn thân vào cuộc sống ngoài kia, có thể còn nhiều điều đáng sợ nhưng ít nhất tôi cũng thoát khỏi sự khinh rẻ đáng sợ của đám tiền ở đây.
- Dạ thưa ông, tổng số tiền cả lãi của ông là hai mươi triệu bốn trăm năm mươi nghìn năm trăm đồng ạ! Tiền đây, xin ông kiểm tra lại!
Người khách nhìn qua rồi cất cả xấp tiền (trong đó có tôi) vào ví. Về đến nhà, bé gái con ông ta đòi mở ví ra chơi đồ hàng. Ông ta chiều chuộng quẳng tôi và mấy anh Một Nghìn, Hai Nghìn đồng nữa cho cô bé. Nhưng chẳng hiểu sao, khi chơi xong, cô bé ấy chỉ đem mấy tờ Một Nghìn, Hai Nghìn trả bố, còn tôi, cô ấy vo viên và vô tình đá tôi vào gầm ghế sopha. Vậy là tôi nằm đó, vo viên, giữa đống bụi bẩn và mạng nhện tối tăm. Thỉnh thoảng, vài ba thằng gián có mò mẫm qua tôi, nhưng rồi lại đi mất. Các bạn không thể tưởng tưởng được tôi đã khát khao một cơn gió quạt hoặc sức hút của chiếc máy hút bụi luồn tới chỗ tôi thế nào đâu. Nhưng tất cả đều vô vọng. Tôi tưởng đời mình sẽ chết dí ở đây cho đến một ngày bà giúp việc nhà ấy quờ cái chổi chít vào gầm ghế, lia mạnh một nhát, tôi bắn ra, nằm trơ giữa sàn nhà sáng trưng. Bà giúp việc nhấc tôi lên, vuốt phẳng, trả lại cho bà chủ, nhưng bà chủ không cần nên tôi được yên vị trong cái bọc vải lúc nào cũng đeo ở trước bụng của bà giúp việc.
Một hôm, tôi theo bà giúp việc ra chợ. Bà ấy định mua bánh mì, thằng bé bán bánh bảo hai nghìn rưỡi một chiếc, bà mua hai chiếc cho chẵn tiền chứ nó không có tiền trả lại. Bà tự tin “Tôi có tiền lẻ” và đưa tôi cùng chị Hai Nghìn đồng cho nó. Nó cầm tiền. Vậy là tôi lại nằm trong túi thằng bán bánh mì. Chả hiểu thế nào mà nó làm tôi rách, thế nên nó thẳng tay ném tôi đi, gió gạt tôi xuống rãnh nước ven đường. Tôi khóc nức nở, tưởng rằng đời đã hết. Nhưng may thay, tối hôm ấy, có một bác lao công đã nhặt tôi lên, cho tôi tắm nước sạch cẩn thận, rồi bác ấy đi xin mảnh băng dính trong băng bó vết rách cho tôi. Bác cẩn thận thấm khô nước rồi cất tôi vào túi áo. Sau khi làm xong công việc, bác đem tôi theo. Trên đường về, chiếc xe đạp cà tàng của bác bị xịt lốp. May thay đúng chỗ ấy có một cụ già đang ngồi co ro trong cái lạnh với một chiếc bơm tay. Sau khi cụ run rẩy bơm xe cho bác lao công xong, cụ chỉ xin năm trăm đồng. Bác lao công phấn khởi ra mặt:
- Ơn Trời, hôm nay cháu toàn gặp may ông ạ, cháu làm ca đêm mà cũng chẳng có tiền mang theo, vừa rồi cháu nhặt được tờ năm trăm đồng rách bên rãnh nước, chẳng ngờ nó lại có ích đến thế. Mà cũng may là khuya thế này vẫn có người bơm xe như ông.
          Và thế là tôi lại tạm biệt bác lao công để vào tay ông cụ. Đến đêm, tôi cùng cụ trở về căn lán nhỏ ở gầm cầu, nơi có cả cô cháu gái nhỏ của cụ. Trong ánh điện mờ mờ, hai ông cháu giở tiền ra đếm. Chao ôi, đến lúc này tôi mới kịp nhìn kĩ, xung quanh tôi, toàn là các bạn Năm Trăm đồng, Một Nghìn, Hai Nghìn đồng mà thôi. Chỉ có duy nhất một chị Mười Nghìn nhưng chị cũng giản dị, sờn cũ, hiền lành chứ không kênh kiệu như cái anh Mười Nghìn trong ngân hàng dạo nọ. Cô cháu gái reo lên:
- Hôm nay khá quá ông nhỉ! Cháu cũng bán được hết báo đấy ông ạ!
Ông cụ run run nhặt từng tờ tiền nhăn nhúm trong chúng tôi, vuốt cho phẳng phiu rồi đặt cái hộp gỗ đè lên cho khỏi quăn trở lại. Đứa cháu cũng làm như thế. Khi nhặt đến tôi, ông cụ bỗng dừng lại, bảo:
- Cháu nhìn đi. Nó là đồng tiền đặc biệt đấy.
- Tại sao lại đặc biệt hả ông? Đứa cháu gái ngơ ngác hỏi.
- Hôm nay, nhờ nó mà một cô lao công làm ca đêm có thể về nhà đúng giờ với chồng con mà không phải dắt xe bộ cả một chặng đường xa. Người ta vứt nó đi vì chê nó tầm thường nhỏ bé và rách rưới, nhưng người ta đâu có biết có những lúc nó cứu người khác thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Cũng như ông cháu mình vậy, giờ người ta bơm xe bằng máy hơi hay đọc báo trên mạng vi tính, có mấy khi để ý đến những người bơm xe dạo hay bán báo rong như ông cháu mình. Nhưng trong một số hoàn cảnh đặc biệt, sự xuất hiện của ta lại có thể giúp ích được cho người khác.
Giọng ông lão chìm dần vào màn đêm. Tôi nghe xong mà thấy chưa bao giờ mình hạnh phúc đến thế. Từ hôm ấy, tôi theo ông cụ đi khắp nơi làm việc. Cho đến một ngày, ông cụ không dậy được nữa, ông gọi cô cháu gái đến bên giường và nói:
- Cháu à, ông sắp phải đi xa, đi rất xa. Ông chẳng có gì cho cháu cả, chỉ có tờ tiền Năm Trăm đồng cũ nát này. Cháu nhìn thấy nó cũng coi như nhìn thấy ông vậy. Sau này, chỉ còn mình cháu cũng hãy luôn tự tin và sống tốt nhé. Bố mẹ đã bỏ rơi cháu không phải vì cháu vô ích như cháu đã nghĩ đâu. Đến tờ Năm Trăm đồng cũ nát này còn có ích huống chi là cháu gái chăm chỉ của ông. Ông … đi … đây…
Và ông cụ đã trút hơi thở cuối cùng trong sự đau đớn của cô cháu gái và nỗi tiếc thương vô hạn của tôi. Tôi cảm thấy đau hơn cả cái lần bị cậu bé bán bánh mì làm rách, buồn thảm hơn cả khi tôi nằm dưới rãnh nước bẩn thỉu. Bởi không ai khác, chính ông cụ ấy là người cho tôi thấy được lợi ích của bản thân mình, của một tờ tiền mệnh giá Năm Trăm đồng giữa thời đại tiền polime. Chính ông cụ là người trân trọng tôi nhất vì cho dù nghèo khó, ông vẫn không đem tôi ra để tiêu - kể cả là tiêu việc có ích. Mặc dù về sau này, cô cháu gái rất nâng niu quý trọng tôi. Cô lớn lên, đã thành một bà chủ nhưng vẫn không vứt bỏ tôi, thậm chí còn đem tôi đi ép plastic. Tôi cảm ơn cô lắm, tuy nhiên, đối với tôi, ông cụ vẫn là người quan trọng nhất. Ông cụ đã giúp tôi hiểu rằng, mỗi chúng ta sinh ra đều là những con người hoàn hảo, có ý nghĩa với đời. Nhưng trong hoàn cảnh nào, thời khắc nào, ta mới có cơ hội thể hiện cái ý nghĩa ấy. Hãy đừng tự ti và đau khổ, hãy cố gắng sống tốt để đến một ngày nào đó, ta sung sướng nhận ra giá trị của mình.