Bác sĩ Lê thế Trung chuyên nghiên cứu và chế tạo loại thuốc nào

1.1. Đặt vấn đề

Chuyện về bác sĩ Lê Thế Trung

– Lê Thế Trung tốt nghiệp lớp y tá, tự học thêm để trở thành người chữa bệnh bằng thuốc nam giỏi.

– Năm 1963 ông tốt nghiệp loại xuất sắc tại học viện Ki – Rốp ở Lê – Nin- Grát về chuyên ngành bỏng. Năm 1965 ông hoàn thành 2 cuốn sách về bỏng để kịp thời phát đến các đơn vị trong toàn quốc.

– Ông nghiên cứu thành công, tìm da ếch thay thế da người trong điều trị bỏng.

– Chế ra loại thuốc bỏng mang tên B76 và nghiên cứu thành công gần 50 loại thuốc khác cũng có giá trị chữa bỏng và đem lại hiệu quả cao.

– Bác sĩ Lê Thế Trung là người say mê, tìm tòi, sáng tạo trong công việc, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả.

1.2. Nội dung bài học

a. Khái niệm

– Làm việc có năng suất, chất lượng và hiệu quả là tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, cả về nội dung và hình thức, trong một thời gian nhất định.

– Làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả là yêu cầu đối với lao động trong sự nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

b. Ý nghĩa

Làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả là yêu cầu đối với mỗi người trong thời đại ngày nay. Vì nó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và xã hội.

c. Cách rèn luyện

Để làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, mỗi người lao động phải tích cực nâng cao tay nghề, rèn luyện sức khỏe, lao động một cách tự giác, có kỉ luật và luôn năng động, sáng tạo.

2. Luyện tập

Câu 1: Theo em, thế nào là làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả ? Điều đó có ý nghĩa gì trong cuộc sống ?

Gợi ý trả lời

– Làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả là tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị cao cả về nội dung và hình thức trong một thời gian nhất định.

– Làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả là yêu cầu đối với người lao động trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Câu 2: Theo em, những hành vi nào sau đây thể hiện làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả ? Vì sao ?

a) Để tranh thủ thời gian, trong giờ học môn Lịch sử, Minh thường đem bài tập của môn khác ra làm ;

b) Trong giờ kiểm tra, chưa đọc kĩ đề bài, Nam đã vội làm ngay ;

c) Hà thường sắp xếp thời gian và kế hoạch học tập một cách hợp lí, vì vậy đã đạt được kết quả cao trong học tập ;

d) Anh Phong cho rằng, để nâng cao hiệu quả sản xuất thì cần phải,tăng nhanh số lượng sản phẩm trong một đơn vị thời gian ;

đ) Chị Thuỷ thường tranh thủ thời gian để hoàn thành tốt công việc trong thời gian ngắn nhất ;

e) Anh Tân bảo vệ luận án trước thời hạn và đạt kết quả xuất sắc.

Gợi ý trả lời

– Hành vi (c), (e), (đ) thể hiện sự làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Bởi vì Hà, chị Thuỷ và anh Tân đã biết sắp xếp thời gian hợp lí để hoàn thành tcít công việc với kết quả cao nhất.

– Hành vi (a), (b), (d) không thể hiện sự làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Câu 3: Vì sao làm việc gì cũng đòi hỏi phải có năng suất, chất lượng, hiệu quả ? Nếu làm việc chỉ chú ý đến năng suất mà không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả thì hậu quả sẽ ra sao ? Em hãy nêu một ví dụ cụ thể.

Gợi ý trả lời

– Làm việc gì cũng cần phải có năng suất, chất lượng vì ngày nay, xã hội chúng ta không chỉ có nhu cầu về số lượng sản phẩm mà điều quan trọng là chất lượng của nó phải ngày càng được nâng cao (hình thức đẹp, độ bền cao, công dụng tốt…). Đó chính là hiệu quả của công việc.

– Nếu làm việc chỉ chú ý đến năng suất mà không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả thì chúng ta có thể gây nên những tác hại xấu cho con người, môi trường và xã hội.

– Ví dụ: Khi quy định bắt buộc mọi người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm được ban hành, vì hám lời một số cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm đã sản xuất ồ ạt, chất lượng mũ không đảm bảo, gây hậu quả không tốt cho người sử dụng…

3. Kết luận

Bài học giúp học sinh hiểu thế nào là làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả và ý nghĩa của việc làm đó. Qua đó, các em biết cách rèn luyện để làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả kể cả trong học tập và công việc hằng ngày.

Tôi biết Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS,TSKH) Lê Thế Trung bắt đầu từ quyển sách “Trưởng thành” của nhà báo Khánh Vân viết về ông khi ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Câu chuyện ấn tượng nhất không thể nào quên là năm 1971 ông đến Hội nghị Oslo ở Na Uy để kể cho nhân loại biết quân đội Mỹ đã sử dụng các vũ khí hủy diệt man rợ ở Việt Nam. Ông gói ghém mang theo các chứng tích tội ác chiến tranh: bình phoóc-môn chứa gan người bị bom phốt-pho; não của người bị bom bi Mỹ giết; chân người cháy đen, có chỗ trơ xương bởi bom na-pan của Mỹ... Ðó là những phần thi thể của bộ đội ta bị giết bởi vũ khí hóa học của Mỹ ở Khe Sanh, Quảng Trị. Cả hội nghị kinh hoàng, sợ hãi khi nhìn thấy các hiện vật ghê rợn không thể chối cãi đó. Họ lại càng lo lắng hơn khi nghe ông thuyết trình về các loại vũ khí hủy diệt, đặc biệt là vũ khí hóa học tàn bạo của quân đội Mỹ. Câu chuyện về tội ác hủy diệt do bác sĩ Lê Thế Trung kể và chứng minh bằng các hình ảnh, chứng tích mang theo đã vượt khỏi không gian hội nghị, vượt qua biên giới Na Uy lan xa đến nhiều quốc gia. Sau đó, người ta thấy các hình ảnh nạn nhân của bom na-pan được sử dụng trong nhiều cuộc biểu tình ở phương Tây để phản đối quân đội Mỹ gây tội ác hủy diệt trong chiến tranh Việt Nam.

Nói đến GS Lê Thế Trung là nói về tinh thần vượt khó, bền bỉ, kiên trì vươn lên để trưởng thành. Từ một chàng trai Hà Nội học xong Trường Bưởi, ông tham gia Ðoàn Thanh niên cứu quốc, Tự vệ thành, rồi nhập Vệ quốc đoàn. Năm 1946, ông học lớp y tá ngắn hạn, ngày tốt nghiệp được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trao bằng. Bắt đầu từ đó, ông hành nghề y. Ở mặt trận Ðiện Biên Phủ thiếu thốn đủ bề, ông cùng đồng đội sử dụng các thanh tre, gáo dừa, mảnh bầu khô để làm dụng cụ cầm máu. Nước đun sôi, tự pha chế làm dịch truyền. Ánh sáng phục vụ các ca phẫu thuật thương binh là những chiếc đèn pin, đèn dầu...

GS Lê Thế Trung không chỉ giỏi lý thuyết y học mà còn là người thực tế và hành động. Từ một y tá chiến trường, ông phấn đấu trở thành y sĩ, bác sĩ, rồi TSKH, GS, Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi tôi về Viện Quân y 103 thì Khoa Bỏng mà một thời GS Lê Thế Trung làm Trưởng khoa đang phát triển rất mạnh, vang tiếng khắp nước. Trước đó, ông đã nghiên cứu tìm ra nhiều cây thuốc để chữa bỏng thành công. Ðiển hình nhất là thuốc bỏng Maduxin chiết xuất từ cây sến mật, hoặc thuốc bỏng B76 được điều chế từ vỏ cây sơn trà. Rồi kỹ thuật dùng da ếch tiệt trùng để phủ vết thương bỏng... Khoa Bỏng của Viện Quân y 103 đã trở thành tuyến cuối chuyên ngành bỏng của toàn quân, toàn quốc. Không vừa lòng với những gì đã có, ông cùng các cộng sự viết dự án xin phép Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế nâng cấp Khoa Bỏng thành Viện Bỏng quốc gia. GS Lê Thế Trung là nhà tổ chức, người sáng lập, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ, phát triển khoa học - kỹ thuật. Mọi người vẫn nhắc đến ông với một niềm kính trọng và biết ơn.

Tôi may mắn là người chứng kiến ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam thành công. Dạo ấy (năm 1992), GS Lê Thế Trung như một tổng chỉ huy “chiến dịch”. Kỹ thuật ghép thận quá mới ở Việt Nam, nhưng Học viện Quân y lại tiên phong thực hiện. Thiếu tá Vũ Mạnh Ðoan (40 tuổi) được chọn là bệnh nhân ghép thận đầu tiên, người hiến tặng thận là em trai của người bệnh. Ðể thực hiện ca ghép thận thì trước đó, ông đã cử nhiều bác sĩ đi Cu-ba học tập. Ðến bây giờ, kỹ thuật ghép thận được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế toàn quốc và hàng nghìn ca ghép thận đã thành công. Ðồng nghiệp và người bệnh đều ghi nhớ GS Lê Thế Trung như là một nhà khoa học tiên phong trong kỹ thuật ghép thận của Việt Nam.

Có thể nói Học viện Quân y là “cái nôi” ghép tạng của Việt Nam vì ba kỹ thuật ghép: thận, gan và tim đều được thực hiện ở Viện Quân y 103, đơn vị trực thuộc Học viện Quân y. GS Lê Thế Trung là người chỉ huy điều hành hoặc trực tiếp tham dự vào cả ba kỹ thuật tiên tiến này. Có một điều thú vị là sau ca ghép thận đầu tiên, thì ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam cho cháu Nguyễn Thị Diệp (bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan, lá lách quá to, tính mạng bị đe dọa) được thực hiện ngày 31-1-2004, được GS Lê Thế Trung và người con trai của ông là GS Lê Trung Hải cùng tham gia thực hiện. Sau 16 tiếng đồng hồ căng thẳng, hồi hộp, ca ghép gan đã thành công. Bé Diệp của 14 năm trước, nay đã tốt nghiệp trung cấp dược và được nhận về làm việc ở chính nơi ngày trước cứu sống mình. Diệp nhận GS Lê Thế Trung là ông. Những ngày nằm viện cuối cùng, dù mệt mỏi, ông vẫn nhận ra người bệnh mình cứu năm xưa, ông gắng gượng trò chuyện với đứa cháu mà ông và đồng nghiệp đã đưa từ cõi chết trở về.

GS, TSKH, Thiếu tướng Lê Thế Trung là một người gần gũi với giới báo chí và văn nghệ. Ông có hai kỷ niệm sâu sắc với nhạc sĩ Văn Cao. Ấy là dạo năm 1958, đoàn văn nghệ sĩ gồm Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tý đi thực tế ở Tây Bắc. Ðường sá xa xôi, lại nhiều ổ voi, ổ trâu, quá vất vả, đến Hát Lót (Sơn La) thì Văn Cao không may bị thủng dạ dày. Người bệnh được chuyển đến cơ sở điều trị mà lúc đó bác sĩ Lê Thế Trung đang công tác. Ðèn măng-xông thắp sáng, đèn pin soi vào ổ bụng..., bác sĩ Lê Thế Trung và đồng nghiệp đã thực hiện mổ cấp cứu kịp thời. Mấy chục năm sau, người nhạc sĩ nổi tiếng Văn Cao bị đau cột sống, đi lại rất khó khăn. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư giới thiệu nhạc sĩ đến Viện Quân y 103 điều trị. Rất bất ngờ, GS, Viện trưởng Lê Thế Trung gặp lại người bệnh năm xưa với căn bệnh mới. Một lần nữa người nhạc sĩ tài hoa lại được chữa khỏi bệnh sau gần một tháng điều trị đông tây y kết hợp. Hẳn một đêm nhạc Văn Cao được tổ chức ở Hội trường A như một nghĩa cử của gia đình nhạc sĩ tri ân GS Lê Thế Trung và các thầy thuốc đã chữa bệnh cho mình.

Gia đình GS Lê Thế Trung có ba đời làm nghề y. Ông và người con trai - Thiếu tướng, GS Lê Trung Hải và cộng sự cùng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ với công trình kỹ thuật ghép tạng. Nhiều người không nhớ vợ ông mang họ gì, nhưng lại gọi bằng cái tên thân mật, quý mến... bà Dĩnh. Bà Dĩnh giản dị, nhân hậu, là y tá trong bệnh viện, luôn đứng sau chồng chăm lo hậu phương và nuôi dạy con cháu trưởng thành. Cháu nội cũng theo ông cha làm nghề y. Gia đình ông có đến 12 người làm nghề thầy thuốc.