Viêm não mô cầu BC tiêm bao nhiêu mũi?

Ai cũng có thể mắc bệnh do não mô cầu nếu chưa có miễn dịch chống lại bệnh. Tuy nhiên gần đây chúng tôi thấy lứa tuổi trẻ (dưới 30) thường hay gặp hơn các nhóm tuổi khác.

-Bệnh này thường xảy ra vào mùa nào? Miền Bắc hay miền Nam dễ mắc bệnh hơn? (bạn Quỳnh Thu, quận Hoàng Mai)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Thực tế chúng tôi thấy bệnh có thể tản phát, rải rác quanh năm, bất kỳ mùa nào. Nhưng số mắc nhiều hơn vào thời điểm cuối năm tháng 11,12 và đầu năm tháng 1 đến tháng 4 là mùa đông xuân ở miền Bắc thời tiết thường lạnh và ẩm thuận lợi cho việc lây lan của những bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có bệnh viêm màng não do não mô cầu. Bệnh có ở cả 2 miền. Chúng tôi không thấy miền nào dễ mắc bệnh hơn, đều có nguy cơ như nhau.

-Xin ông cho biết: Những biểu hiện cụ thể của viêm não, viêm màng não do mô cầu? Bệnh lây truyền qua những con đường nào? (độc giả Tuấn Hà, huyện Đan Phượng)

-Ông Nguyễn Nhật Cảm: Viêm màng não do não mô cầu thường rất đột ngột và diễn biến rất nhanh với sốt cao (39-40 độ C), mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn. Người bệnh có thể mê sảng, lú lẫn, mất ý thức, có thể có co giật, hôn mê và xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tức là khi hít phải các giọt bắn từ người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. cũng có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với đồ vật, dụng cụ, bị nhiễm vi khuẩn nhưng ít gặp hơn.

- Khi mắc viêm não, viêm màng não do mô cầu, cần kiêng những gì? (bạn Thái Bình, quận Hoàng Mai)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Khi bị viêm màng não, viêm não do não mô cầu, cần phải được nhập viện điều trị càng sớm càng tốt và phải được cách ly để không lây bệnh cho những người xung quanh. Chế độ ăn uống, sinh hoạt phải theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị.

-Tôi nghe nói, nếu mắc viêm não mô cầu nguy hiểm, bệnh nhân có thể tử vong chỉ sau một ngày. Xin hỏi có đúng không? Vậy, thông thường, từ lúc mắc bệnh đến khi bị tử vong (nếu có) có lâu không? (anh Hoàng Hà, quận Thanh Xuân)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Đúng. Bệnh do não mô cầu có nhiều thể, ở thể rất nặng (nhiễm khuẩn huyết kịch phát có sốc) tỷ lệ tử vong cao và có thể chỉ trong 1 đến 3 ngày. Thông thường từ 1-7 ngày. Hiện nay tỷ lệ tử vong có xu hướng giảm do công tác điều trị tốt hơn. Và nếu bệnh nhân nhập viện sớm, khả năng phục hồi rất cao.

-Viêm màng não và viêm não do mô cầu thường hay bị nhầm với bệnh gì và cách phân biệt? (bạn Huỳnh Minh, Long Biên)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Viêm màng não do não mô cầu có thể nhầm với viêm màng não do các vi khuẩn khác, như tụ cầu, phế cầu, vi khuẩn Heamephilus influenza và bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn…Phân biệt được cần dựa vào các đặc điểm dịch tễ ví dụ như đã tiếp xúc với người bệnh khác trong ổ dịch…nhưng thực tế là khó và cần có bác sỹ chuyên khoa và cần xét nghiệm để xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh.

-Xin  bác Cảm cho biết các biện pháp để phòng chống bệnh này là gì? (độc giả Thái Sơn, Long Biên)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Bạn cần tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh này, nếu đã tiếp xúc thì phải dùng thuốc dự phòng; súc họng hằng ngày bằng nước muối hoặc các dung dịch sát trùng mũi họng; giữ vệ sinh thân thể, thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc; tránh làm việc quá sức và có thể đi tiêm vắc xin phòng bệnh.

-Tiêm vắc xin phòng bệnh do não mô cầu cần tiêm mấy mũi? Vắc xin này có nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hay không? Tôi nghe nói hiện nay đang khan vắc xin này. Vậy tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội hiện có vắc xin này không, nếu không thì khi nào có? (bạn Văn Hòa, quận Nam Từ Liêm).

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Vắc xin này cần tiêm 2 mũi. Vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và bạn cần đến các điểm tiêm chủng dịch vụ để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng đúng lịch. Hiện nay ở Việt Nam Bộ Y tế cấp phép cho 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, một là vắc xin phòng 2 típ vi khuẩn A và C có tên thương mại là Meningo AC do Pháp sản xuất, tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 2 mũi cách nhau 3 năm; hai là vắc xin phòng 2 típ vi khuẩn B và C có tên thương mại là VA-MENGOC-BC do Cu Ba sản xuất, theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin này tiêm 2 mũi mỗi mũi cách nhau 6 đến 8 tuần cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, tuy nhiên theo hướng dẫn của Cục quản lý dược Bộ Y tế hiện nay chỉ tiêm cho trẻ 6 đến 10 tuổi, có thể thời gian tới vắc xin này sẽ được cấp phép tiêm từ 3 tháng tuổi trở lên. 

Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội có vắc xin do Cu-ba sản xuất tiêm cho đối tượng trẻ từ đủ 6 đến 10 tuổi. Vắc xin do Pháp sản xuất có thể có trong tháng 4/2016, để chắc chắn bạn nên liên hệ trước khi đến tiêm, số điện thoại tư vấn tiêm chủng: 04.3.903.5688


-Tôi ở Hà Đông, muốn đi tiêm phòng bệnh này thì đến đâu tiêm? Độ tuổi nào thì tiêm được? Giá của mỗi lần tiêm? Xin cảm ơn. (bạn đọc Thủy Nguyễn, quận Hà Đông)

- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Bạn có thể đến phòng tiêm chủng vắc xin của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30 tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày lễ. Hiện chúng tôi có vắc xin cho trẻ từ đủ 6 tuổi đến 10 tuổi, cần tiêm 2 mũi và giá mỗi lần tiêm là 200.000 đồng. Chi tiết hơn bạn có thể liên hệ số điện thoại: 04.3.903.5688.