Vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày nay

(HNM) - Năm 1968, trong các ngày từ 10 đến 19-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lại và viết lại bản Di chúc. Trong đó, có những lời Người dành riêng cho phụ nữ. Thực hiện Di chúc của Người, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới; cùng với đó, phụ nữ cũng vươn lên ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng của mình.

Vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày nay

Phụ nữ Việt Nam luôn góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất. Ảnh: Thái Ngọc Linh

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ". Không chỉ trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ, làm thế nào để giúp phụ nữ bình đẳng, phát triển tiến bộ. Người đã ghi nhận, đánh giá cao truyền thống quý báu, những đóng góp của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: "Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước". Ngày 9-3-1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần III, Bác dặn dò phụ nữ phải nhận rõ địa vị làm chủ của mình: "Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta"… Thực hiện lời dạy của Bác, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, chủ trương của Ðảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng, các nghị quyết và chỉ thị của TƯ Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước". Trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, năm 2013, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 55-KL/TƯ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa X. Kết luận khẳng định, công tác phụ nữ là vấn đề lớn, quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đã đề ra. Trong đó, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, thể chế hóa nội dung nghị quyết, đặc biệt quan tâm thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu; tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển; có chính sách phù hợp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số. Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Hệ thống luật pháp, chính sách về phụ nữ ngày càng được hoàn thiện, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030... Những chủ trương, chính sách phù hợp cùng với xu thế phát triển chung đã tạo động lực giúp người phụ nữ vươn lên, khắc phục khó khăn, trở ngại đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Tiếp nối truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã bền bỉ cống hiến, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng cách mạng quan trọng. Và trong công cuộc CNH, HĐH đất nước hôm nay, phụ nữ có mặt ở tất cả các lĩnh vực công tác xã hội, ngày càng có nhiều nhà chính trị, nhà khoa học, nữ doanh nhân nổi tiếng… đã, đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, phụ nữ Việt Nam hôm nay đang dần khẳng định các giá trị của người phụ nữ hiện đại năng động, tự tin, ngày càng chứng tỏ được vị thế, vai trò quan trọng của mình trong gia đình và xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, phụ nữ đều có những đóng góp tích cực. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp xã, cấp huyện và nữ đại biểu HĐND các cấp đều tăng; nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%. Đội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, chỉ tính trong 5 năm gần đây, phụ nữ chiếm gần 40% số người có trình độ thạc sĩ, hơn 21% số người có học vị tiến sĩ. Phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong nhiều lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, y tế, nông nghiệp… Đặc biệt, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng hàng triệu phụ nữ Việt Nam thực hiện thiên chức của mình bằng tình yêu thương và trách nhiệm, đã tần tảo, chăm lo, giáo dục con, cháu; trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình. Từ đó góp phần giữ vững ổn định xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phụ nữ vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác phụ nữ, còn biểu hiện coi công tác phụ nữ là trách nhiệm của Hội LHPN và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hệ thống văn bản pháp luật về bình đẳng giới, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển còn thiếu đồng bộ. Công tác truyền thông và giáo dục về bình đẳng giới, về xây dựng gia đình chưa thường xuyên. Một bộ phận phụ nữ chưa thực sự phấn đấu vươn lên… Từ đó đặt ra cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành đoàn thể và chính chị em phụ nữ phải tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn lời dạy của Bác trong Di chúc. 

Vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày nay

Tự tin, dám nghĩ dám làm đã giúp chị Lê Thị Thanh Hương (xã Sông Lô, TP Việt Trì) thành công với xưởng may gia công giầy da, tạo việc làm cho 20 lao động nữ, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội.

PTĐT - Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ sẽ là hạt nhân của tế bào đó, bởi vai trò, vị thế của người phụ nữ quan trọng không chỉ trong gia đình mà cả ngoài xã hội.

Ngày nay, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành, phụ nữ đã có được môi trường thuận lợi để thực hiện thiên chức cũng như phát huy năng lực, sở trường và khẳng định được vị thế trong xã hội.

Cơ hội vươn lên

Qua các ngõ xóm, hai bên là những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau, chúng tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Tâm-Trưởng Ban công tác mặt trận, kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu 1, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì. Trong căn nhà 2 tầng khang trang rộng rãi, người phụ nữ ngoài 60 tuổi nhanh nhẹn, hoạt bát đã bộc bạch những tâm huyết của bản thân với nhiệm vụ mà bà đang đảm nhiệm...

Bà Tâm từng là công nhân Nhà máy Dệt Vĩnh Phú suốt những năm tháng tuổi trẻ cho đến năm 2009 ngay sau khi “chân ướt chân ráo” về nghỉ hưu, sẵn đức tính chăm chỉ, trách nhiệm, nhiệt tình, bà đã được khu tín nhiệm là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Quá trình hoạt động tích cực, năng nổ, đến năm 2017 bà lại được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư số 2. Năm 2019, thực hiện chủ trương sáp nhập các khu dân cư thì bà giữ chức vụ Trưởng tiểu ban công tác Mặt trận khu dân cư kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu 1. Suốt những năm tháng qua, bà Tâm luôn làm việc bằng “tâm” đúng như tên gọi của mình.

Bà bộc bạch: “Trước kia mới đi công nhân về, tôi đã được bà con trong khu tín nhiệm giữ trọng trách quan trọng trong hoạt động phụ nữ của khu. Khi đó, tôi còn bỡ ngỡ lắm, không biết mình cần bắt đầu từ đâu, chưa mạnh dạn đưa ra những ý kiến. Tuy nhiên, được sự quan tâm, khích lệ của cấp trên, đặc biệt là chị em phụ nữ trong khu đã động viên nên tôi đã cố gắng hoàn thành mọi công việc được giao”.

Vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày nay

Nhờ có chi hội trưởng gương mẫu, tích cực nên tỷ lệ thu hút hội viên của khu đạt 100%. Chị em trong khu đã cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Với vai trò “đầu tàu” phụ trách mô hình rau an toàn của xã, bà Tâm đã vận động được 45 hội viên tham gia mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên diện tích 0,8ha, các gia đình hội viên đã trồng các loại rau, củ, quả cho giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Không chỉ giúp chị em phát triển kinh tế, bà Tâm còn tập hợp được đông đủ hội viên phụ nữ tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao; các Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, CLB nhóm nhỏ; Nhóm tiết kiệm chi hội nhằm hỗ trợ vốn vay cho hội viên phát triển kinh tế... Không chỉ “giỏi việc nước”, bà Tâm còn “giỏi việc nhà”, vun vén xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành, yêu thương các cháu và chăm sóc mẹ chồng đã ngoài 90 tuổi...

Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội phụ nữ các cấp, không chỉ chi hội trưởng chi hội phụ nữ gương mẫu, tích cực các hoạt động của khu mà cả các hội viên phụ nữ ở cơ sở cũng được tạo điều kiện phát huy năng lực, mạnh dạn phát triển kinh tế. Điển hình như chị Lê Thị Thanh Hương cũng ở xã Sông Lô, mặc dù tuổi còn trẻ song chị cũng đã có “chí lớn”. Bản thân chị xuất phát từ một công nhân may giầy da cho một công ty. Nhưng công việc vất vả mà thu nhập không được là bao, được sự khích lệ của gia đình cũng như của Hội phụ nữ nên chị mạnh dạn vươn lên làm chủ xưởng may gia công giầy với vốn đầu tư ban đầu gần 1 tỷ đồng. Tuy xưởng mới đi vào hoạt động được một năm nhưng bước đầu mang lại thu nhập ổn định; tạo việc làm cho 20 công nhân là chị em phụ nữ trong xã với mức lương trung bình 5-6 triệu đồng/tháng...

Từ những tấm gương nêu trên cho thấy trong xã hội phát triển, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, vai trò, vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng lên, sự bình đẳng giới đã được khẳng định rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Sông Lô (thành phố Việt Trì) cho biết: “Hội phụ nữ xã rất chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện giúp phụ nữ không ngừng nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội. Phụ nữ dù họ là ai, xuất phát điểm như thế nào cũng đều được tạo cơ hội phát triển, cùng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế và tích cực các hoạt động xã hội, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần”.

Tạo môi trường khẳng định vị thế

Thực tế nhiều năm qua phụ nữ trong toàn tỉnh đã được tạo cơ hội tốt để học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước; phát huy tài năng, trí tuệ, cống hiến cho quê hương, đất nước, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày nay

Đồng hành cùng sự tiến bộ của phụ nữ cũng như nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, với vai trò là tổ chức đại diện về giới, Hội LHPN tỉnh và các cấp Hội luôn đặt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ làm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới đã được các cấp Hội phát huy tốt vai trò nòng cốt trong vận động phụ nữ tham gia. Các cấp hội phụ nữ đã thực hiện vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Cụ thể như đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện giảm nghèo bền vững”. Chỉ tính riêng năm 2019 các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 43 lớp tập huấn cho trên 2.165 cán bộ, hội viên kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; vận động hội viên thực hiện tốt các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Hiện nay, hội viên, phụ nữ đã xây dựng và duy trì các mô hình kinh tế tập thể, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh theo chuỗi sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch; xây dựng và duy trì 354 mô hình phát triển kinh tế, trong đó có 229 mô hình kinh tế tập thể với 1.902 thành viên và 111 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình với 3.130 thành viên.

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã hỗ trợ vốn, ngày công, con giống, kiến thức cho hơn 13.600 hộ phụ nữ nghèo. Bên cạnh đó, hội phụ nữ các cấp cũng quản lý hiệu quả nguồn vốn vay thông qua tổ chức Hội với dư nợ Ngân hàng chính sách xã hội đạt trên 1.400 tỷ đồng cho hộ hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức, hành động cho hội viên, phụ nữ trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, có điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc.

Vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày nay

Bà Nguyễn Thị Tâm dành tâm huyết của mình vào mô hình phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, được chị em hội viên noi theo.

Thực tế cho thấy, ngày nay phụ nữ không chỉ được tạo điều kiện nâng cao vị thế trong gia đình mà ngoài xã hội cũng đặc biệt được quan tâm, nhất là trong công tác cán bộ nữ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ nữ. Chính vì vậy số lượng và chất lượng cán bộ nữ ngày càng được nâng lên có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Hiện nay, cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh đạt tỷ lệ 16%, cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ cấp huyện và tương đương đạt tỷ lệ 18,1%; 26% cán bộ lãnh đạo quản lý các sở, ban, ngành là phụ nữ; 3 đồng chí là Bí thư cấp huyện và tương đương. Có trên 30% đại biểu HĐND tỉnh là nữ; gần 10% cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo HĐND, UBND cấp huyện.

Vị thế của người phụ nữ Việt Nam ngày nay

Để tiếp tục nâng cao vị thế của người phụ nữ, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ tích cực học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức, trình độ, tích cực lao động, sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Phát huy vai trò chủ động tham mưu, đề xuất của các cấp hội với cấp ủy đảng, chính quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, nhất là tham mưu công tác chuẩn bị giới thiệu quy hoạch, giới thiệu nguồn nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025; đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Sinh thời, khi nói về vai trò của phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trước lúc đi xa Người cũng căn dặn “Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực bình đẳng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa tới quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”. Không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, phụ nữ đất Tổ đã và đang ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội, xứng đáng là người phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Huyền Nga

Huyền Nga