Tính cách Nhà khoa học

Điểm nhanh về nhóm tính cách INTJ

- Được coi là nhóm hiếm nhất. - Có khoảng 2% dân số. - Từ để nói về nhóm:Nhà khoa học, Người quân sư.

- Nghề nghiệp phù hợp: Kế toán, kiểm toán, công tố viên, luật sư, nghiên cứu thị trường, lập trình viên, kỹ sư phần mềm, ...

1. Nhóm tính cách INTJ là gì?

INTJ là một trong 16 kiểu tính cách trong đánh giá MBTI. INTJlà viết tắt của Introverted, iNtuitive, Thinking, Judging. Những người thuộc nhóm tính cách INTJ cảm thấy thoải mái nhất khi có thời gian ở một mình (Hướng nội), tập trung vào các ý tưởng và khái niệm hơn là các sự kiện và chi tiết (iNtuitive), đưa ra quyết định dựa trên logic và lý trí (Suy nghĩ) và thích được lên kế hoạch và tổ chức hơn là linh hoạt (Đánh giá).

2. Người thuộc nhóm INTJ là người như thế nào?

INTJ còn được gọi là nhân cách Nhà khoa học, Bậc thầy vì lối suy nghĩ logic, chiến lược của họ. Những người thuộc tính cách INTJ cũng có kỹ năng giải quyết vấn đề xuất sắc dựa trên phân tích chi tiết, mong muốn cải thiện hệ thống và quy trình bằng những ý tưởng sáng tạo của họ. Họ có tài nhìn ra những khả năng cải thiện, dù là ở cơ quan, trong gia đình hay ở chính bản thân họ.

Trí tuệ và thích suy luận logic nên INTJ không ngại các vấn đề phức tạp. Họ tiếp cận cuộc sống bằng cách phân tích lý thuyết đằng sau những gì họ thấy, và thường tập trung hướng nội, chỉ chú ý vào việc nghiên cứu chu đáo về thế giới xung quanh. INTJ bị thu hút bởi các hệ thống logic và không thoải mái khi gặp phải những người khó đoán hay phải phân tích cảm xúc của người khác. Tính cách INTJ cũng thiên về độc lập và chọn lọc trong các mối quan hệ, chỉ thích kết giao với những người phù hợp. Một đặc điểm khác là INTJ khá cầu toàn, làm việc luôn hướng tới sự hoàn hảo.

Nhóm tính cách INTJ không quá phổ biến trong dân số

3. Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách INTJ

  • Hillary Clinton.
  • Al Gore.
  • Jane Austen.
  • Ruth Bader Ginsbur.
  • Bill Gates.
  • Dwight Eisenhower.
  • Alan Greenspan.
  • Ulysses S. Grant.
  • Stephen Hawking.
  • John Maynard Keynes.
  • Ayn Rand.
  • Isaac Asimov.
  • Lewis Carroll.
  • Cormac McCarthy.
  • Sir Isaac Newton.

4. Lựa chọn nghề nghiệp cho INTJ

Trong công việc, nhóm tính cách INTJ rất xuất sắc trong việc tạo ra và thực hiện các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề khác nhau. Họ có năng lực và khả năng bẩm sinh để phân tích được hệ thống phức tạp, tìm ra giải pháp nhanh chóng với những ý tưởng thực tiễn, có tính ứng dụng cao.

Mặc dù những người thuộc tính cách INTJ thường cảm thấy thoải mái với sự trừu tượng và lý thuyết nhưng họ chỉ thực sự đạt được sự hài lòng khi biến ý tưởng thành hiện thực, nhìn thấy kết quả trực quan. Họ thường thích làm việc độc lập hoặc với một nhóm nhỏ, thực hiện các bước chiến lược, đo lường để thực hiện thay đổi. Môi trường làm việc lý tưởng cho INTJ là hợp lý, hiệu quả, có cấu trúc và cần tư duy phân tích, được phối hợp với các đồng nghiệp có năng lực, thông minh và năng suất.

Để lựa chọn đúng nghề nghiệp, INTJ nên tập trung vào các công việc cho phép họ sử dụng khả năng tư duy logic, phân tích và nghiên cứu, tránh các công việc cần EQ cao và sự đồng cảm với những người xung quanh.

4.1. Những công việc phù hợp nhất cho INTJ

Như đã đề cập, tính cách INTJ phù hợp nhất với những nghề nghiệp cho phép họ sử dụng lý luận logic, có trật tự của mình để giải quyết các vấn đề thú vị. Mặc dù họ thường bị thu hút bởi các lĩnh vực STEM, INTJ cũng có thể phát triển sự nghiệp trong kinh doanh hoặc thậm chí là nghệ thuật. Các nghề nghiệp hàng đầu cho INTJ bao gồm:

  • Kinh doanh, tài chính, toán học: Kế toán, kiểm toán, chuyên viên phân tích tài chính, chuyên viên hậu cần, tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường, chuyên viên phân tích dữ liệu, cố vấn tài chính, quản lý cấp cao, nhà toán học, thống kê...
  • Kiến trúc và kỹ thuật: Kỹ sư hàng không vũ trụ, kiến trúc sư, kỹ sư y sinh, kỹ sư xây dựng, kỹ sư phần cứng máy tính, kỹ sư điện, kỹ sư môi trường, kỹ sư cơ khí...
  • Pháp luật, hành chính công: Thẩm phán, công tố viên, luật sư...
  • Nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe: Nhà khí tượng học, khoa học vật liệu, nhà hóa học, nhà vật lý học, nhà kinh tế học, khoa học chính trị, dược sĩ, bác sĩ...
  • Khoa học máy tính và CNTT: Lập trình viên, quản trị mạng, kỹ sư phần mềm, kỹ sư hệ thống...
  • Mỹ thuật, thiết kế, truyền thông: Chuyên viên thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, biên tập viên, biên phiên dịch, nhiếp ảnh gia, nhà văn, biên kịch...

4.2. Các nghề nghiệp mà INTJ nên tránh

Có những nghề nghiệp, công việc không phải INTJ sẽ không làm được nhưng nhìn chung, thực tế cho thấy tính cách INTJ sẽ không phù hợp với các vai trò như:

  • Nhân viên lễ tân.
  • Thư ký.
  • Telesales.
  • Giáo viên mầm non.
  • Công nhân sản xuất.
  • Nhân viên bán hàng.
  • Y tá.
  • Các công việc phục vụ cộng đồng.

4.3. Khả năng làm việc nhóm (teamwork) của INTJ

Khi làm việc nhóm, tính cách INTJ khiến họ trở thành những người giỏi phân tích và tập trung vào chiến lược, đóng góp nhiều cho tổng thể công việc. INTJ rất chu đáo và rõ ràng, giỏi xác định mục tiêu của nhóm, giúp tổng hợp các ý tưởng phức tạp, có thể tạo ra kế hoạch thống nhất và hiệu quả. Không chỉ vậy, tính cách INTJ cũng tiếp cận vấn đề theo kiểu phản biện, đề xuất những ý tưởng thú vị trong khi đảm bảo tính logic và khách quan.

Tuy nhiên, đặc điểm của INTJ là họ muốn được tự do cải tiến các hệ thống hiện có và làm tốt nhất trong một nhóm ưu tiên sự đổi mới. Những người có tính cách INTJ rất cởi mở, xem xét quan điểm của các thành viên trong nhóm với cách tiếp cận đồng đều. Mặc dù vậy, họ chắc chắn và rõ ràng trong phân tích logic của mình, ít kiên nhẫn cho những điều vô nghĩa. Họ không có khả năng cung cấp hỗ trợ hoặc đảm bảo cho thành viên khác nếu cảm thấy không có đóng góp hữu ích. Một số trường hợp, INTJ dễ xích mích và xung đột khi làm việc nhóm.

4.4. INTJ trong vai trò leader, quản lý

Trong vai trò lãnh đạo, INTJ là những nhà hoạch định chiến lược, phân tích và giải quyết vấn đề. Họ giỏi đưa ra những quyết định khó khăn và phân loại những vấn đề phức tạp. Tính cách INTJ đặc trưng giúp họ thành thạo trong việc quản lý các dự án, xây dựng tầm nhìn, cải thiện hiệu quả chiến lược hoặc đổi mới. Về bản chất thì INTJ có thể không thích làm người quản lý nhưng nếu được tin tưởng, họ vẫn sẽ làm tốt. Phong cách lãnh đạo của INTJ là cởi mở, dân chủ, coi trọng năng lực và sự quyết đoán, không thực sự giỏi lắng nghe, đôi khi bỏ qua chi tiết mà chỉ tập trung vào mục tiêu cuối cùng.

INTJ lựa chọn nghề nghiệp thế nào cho phù hợp?

5. Nguyên tắc để INTJ phát triển bản thân, thăng tiến sự nghiệp

Rõ ràng, bên cạnh những điểm mạnh thì tính cách INTJ cũng có những điểm yếu nhất định. Muốn thành công, thăng tiến và có cuộc sống như ý nhất, phát huy hết tiềm năng của mình, INTJ nên:

  • Tư duy rộng hơn, trao đổi nhiều hơn với người khác: Những người có tính cách INTJ quen với việc tự mình suy nghĩ để tìm ra câu trả lời đúng hoặc những kế hoạch tốt nhất theo ý kiến của chính mình. Sự tập trung như vậy có thể khiến bạn bỏ lỡ chi tiết quan trọng, ít lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác. Lắng nghe nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn sẽ giúp bạn vượt qua những điểm mù.
  • Quan tâm tới trạng thái cảm xúc của bản thân: Các INTJ không tự nhiên nhìn vào nội tâm sâu sắc hoặc dành nhiều thời gian để xem xét trạng thái cảm xúc của bản thân mà dễ bị sa vào những khái niệm trừu tượng, quên đi cảm giác thực sự. Đây cũng bị xem là một khiếm khuyết về tính cách INTJ. Thay vì tìm ra lỗi của bản thân hay người khác, bạn hãy thử rèn luyện tính khiêm tốn và lòng trắc ẩn của mình.
  • Cố gắng giữ cân bằng: Người có tính cách INTJ rất dễ trở nên hoàn toàn tập trung vào công việc hoặc một số dự án, kế hoạch. Xu hướng này mang lại cảm giác phấn khích cho cá nhân bạn nhưng ảnh hưởng tiêu cực tới hạnh phúc, các mối quan hệ thân thiết về lâu dài. Muốn thành công và tiến xa, bạn nên cân bằng công việc - cuộc sống, chú ý đến cảm xúc của chính mình cũng như đối phương.
  • Chỉ tập trung vào những gì quan trọng: Sự tự tin và đôi khi là hiếu thắng có thể khiến các bạn có tính cách INTJ tranh luận nhiều để bảo vệ ý kiến của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ là bạn không nhất thiết phải như vậy. Sự cầu toàn không phải lúc nào cũng cần, đôi khi, hãy học cách lờ đi những gì không quá nghiêm trọng (dù nó không hợp logic đi chăng nữa).

6. Điểm mạnh của INTJ

  • Tư duy chiến lược: Những người thuộc nhóm tính cách INTJ không chỉ xem xét các kế hoạch hoặc quá trình hành động mà còn luôn ở trạng thái sẵn sàng, chuẩn bị cả kế hoạch dự phòng để ứng phó với các tình huống phát sinh. Với tầm nhìn xa trông rộng, INTJ tập trung vào tương lai để thấy rõ các khả năng và nhận ra tiềm năng, chú ý tới chi tiết và logic để thấy được các lỗ hổng, khoảng trống và sự mâu thuẫn từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất.
  • Tìm kiếm sự đổi mới: Mặc dù bề ngoài thì tính cách INTJ thể hiện ra có thể hơi phức tạp và khó hiểu nhưng thực tế, họ dễ tiếp thu và ủng hộ sự thay đổi, sẵn sàng tiếp cận cái mới. Cái nhìn cởi mở này giúp nâng cao hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề. Họ tin rằng hầu hết mọi người, quy trình và hệ thống đều có tiềm năng có thể thay đổi và cải tiến được, do đó, họ sẽ là người tìm ra cách thức mới để mang lại sự thay đổi tích cực đó.
  • Quyết tâm: Một trong những điểm hấp dẫn nhất của tính cách INTJ khiến họ được tôn trọng là vì lòng quyết tâm, sự dũng cảm và kiên định khi đối mặt với các thử thách. Đặc trưng của INTJ là luôn quyết tâm trong bất cứ việc gì họ đang làm, thậm chí chăm chỉ đến mức không ngừng nghỉ và không ngại dấn thân để giải quyết thử thách thực sự khó khăn. Thay vì cảm thấy nản lòng hoặc thất vọng, điều này sẽ kích thích và làm INTJ phấn chấn. Họ tin tưởng vào phán đoán của mình và tự tin vào khả năng giải quyết các vấn đề, vượt qua những thách thức họ gặp phải trong cuộc sống cũng như công việc.
  • Sẵn sàng học hỏi: INTJ không chỉ tìm cách thay đổi bên ngoài hay tác động tới người khác mà chính bản thân họ cũng rất siêng năng, cam kết nỗ lực để thay đổi bản thân. Thực tế, người có tính cách INTJ thường không chú ý đến cảm xúc và trạng thái của mình nhưng họ luôn tìm cách phát triển bản thân, chăm chỉ học hỏi suốt đời để nâng cao kiến thức và kỹ năng.

Ưu và nhược điểm của người thuộc nhóm tính cách INTJ

7. Điểm yếu của INTJ

  • Kiêu ngạo: Năng lực của INTJ, sự thông minh, tư duy logic và lý trí là điểm mạnh của họ, đồng thời cũng có thể khiến họ quá tự tin. Cảm thấy mình ưu việt, INTJ có thể trở nên kiêu ngạo, có phần trịch thượng và dễ cảm thấy không kiên nhẫn với những người không nhanh nhẹn, thông minh như họ kỳ vọng. Tính cách INTJ có thể trở nên tiêu cực vì không khoan dung, hay phán xét.
  • Không giỏi biểu đạt, EQ thấp: Những người thuộc nhóm tính cách INTJ cũng được biết đến là EQ thấp và không giỏi thể hiện cảm xúc, kém tinh tế trong nhìn nhận chính mình cũng như tâm tính của người khác. Họ thích phân tích khái niệm dựa trên cơ sở logic, hợp lý và ít kiên nhẫn đối với các mối quan tâm về tình cảm. Điều này có thể ngăn cản mối quan hệ giữa các cá nhân, cũng như ảnh hưởng tới sự trưởng thành và phát triển của chính họ, tạo khoảng cách không đáng có với người thân, bạn bè hay đồng nghiệp.
  • Chủ nghĩa hoàn hảo: Mặc dù sự tỉ mỉ có thể là một điểm mạnh với tính cách INTJ nhưng cái gì quá cũng sẽ trở thành vấn đề. INTJ quá kỹ tính, theo đuổi sự hoàn hảo nên nhiều tình huống họ sẽ thành khó tính và gay gắt. Dĩ nhiên, các tiêu chuẩn của họ có thể chính xác nhưng họ không khoan nhượng với bản thân và mọi người xung quanh nên thường tạo áp lực lớn và sự mệt mỏi, căng thẳng.
  • Dễ bị mất cân bằng: INTJ là nhóm tính cách ưu tiên cho công việc. Điều này có thể khiến họ phải trả giá, cụ thể là thời gian dành cho gia đình, các mối quan hệ khác và giải trí. Tính cách INTJ dễ bị mất cân bằng, đặt ưu tiên không đúng chỗ và có cuộc sống cá nhân không mấy thú vị do quá bận rộn.

8. Những nhóm tính cách hợp với INTJ

  • Thấu hiểu lẫn nhau: ISTJ, INTP, INTJ, ENTJ là những nhóm tính cách phù hợp nhất với INTJ. Sự tương đồng về quan niệm, sở thích và cách tiếp cận vấn đề, tư duy logic sẽ giúp hai bên dễ dàng gắn kết.
  • Thu hút nhờ sự khác biệt: Trong khi đó, những nhóm tính cách INFP, INFJ, ENTP, ENFJ thường có sự khác biệt "vừa đủ" với tính cách INTJ. Một chút giống nhau, có chút khác nhau nhưng không hề bài xích mà cảm thấy nhau thú vị nên dễ thân thiết và hợp tác trong công việc cũng như cuộc sống.
  • Bổ sung cho nhau: Những người thuộc nhóm tính cách INTJ có thể rất khó thân thiết ngay từ đầu với những ai thuộc nhóm ISTP, ESTP, ESTJ và ENFP vì 2 bên quá khác biệt và có thể mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, theo thời gian thì hai bên có thể bổ sung cho nhau, cùng phát triển bản thân và học hỏi tốt hơn.
  • Dễ xảy ra tranh chấp, xung đột: ISFP, ISFJ, ESFP, ESFJ là những nhóm tính cách trái ngược với INTJ, gần như đối lập hoàn toàn. Mâu thuẫn tính cách khiến INTJ khó mà giao tiếp hoặc làm việc cùng do giá trị quan, động lực đều khác. Quá khác biệt với nhau nhưng không có nghĩa là không có cơ hội nào, nếu có thể thân thiết thì hai bên sẽ học hỏi được nhiều điều từ nhau.

Làm thế nào để phát triển bản thân, sự nghiệp cho nhóm tính cách INTJ

9. INTJ trong mắt những người xung quanh

Đối với người khác, những người thuộc nhóm tính cách INTJ có vẻ dè dặt và nghiêm túc, suy nghĩ nhiều hơn là nói. Bên cạnh đó, INTJ cũng có nhiều sự tò mò với thế giới xung quanh, thường muốn tìm hiểu nguyên lý đằng sau những gì họ nhìn thấy, kiểm tra kỹ thông tin họ nhận được. Khi được đặt câu hỏi, người có tính cách INTJ sẽ cân nhắc nhiều trước khi trả lời đầy đủ, cẩn thận.

Nhìn chung thì nhóm tính cách INTJ suy nghĩ chín chắn và rõ ràng, thường có những ý tưởng để cải thiện hiệu quả hoặc hiệu suất công việc, tập trung vào chiến lược lớn thay vì chi tiết nhỏ.

Mặc dù INTJ thường không nồng nhiệt hoặc đặc biệt hòa đồng nhưng họ có xu hướng thể hiện thái độ tự tin và mong đợi được người khác chú ý, nhận định đúng về sự khôn ngoan của bản thân. Tính cách INTJ hướng đến chủ nghĩa hoàn hảo và đánh giá cao môi trường thử thách trí tuệ.

Tính cách INTJ khá khác biệt. Không chỉ giỏi phân tích, tư duy chiến lược mà INTJ còn là người hướng nội, chín chắn và cẩn thận. Đặc điểm tính cách giúp họ xây dựng quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh, đồng thời phát triển sự nghiệp, nâng cao trình độ và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Đối với giao tiếp, tính cách INTJ có kiểu trò chuyện và trao đổi khá trực tiếp, tách biệt. Họ thẳng thắn truyền đạt quan điểm, ý tưởng ngay cả khi đó là những lời chỉ trích hay chê bai. Ngoài ra, INTJ cũng độc lập và bình tĩnh, không quan tâm nhiều đến thái độ yêu ghét mà chỉ muốn được ghi nhận là người có năng lực và chu đáo. Mỗi thông tin họ chia sẻ cũng đều đã được suy nghĩ kỹ lưỡng, sâu sắc. Đặc điểm khác nữa là INTJ giỏi lên kế hoạch cho tương lai và đưa ra phân tích toàn cảnh để cải thiện hệ thống.

JobOKO vừa chia sẻ cùng bạn một số những thông tin đầy đủ, chi tiết nhất về đặc điểm tính cách, thế mạnh, điểm yếu của nhóm tính cách INTJ. Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp chỉ mang tính chất tham khảo, tuy nhiên, bạn cũng có thể cân nhắc để tìm ra hướng đi cho mình và thành công hơn nhé.