Thuốc bám dính trong bảo vệ thực vật là gì năm 2024

Thuốc bảo vệ thực vật là các loại hoá chất do con người sản xuất ra để trừ sâu bệnh và cỏ dại có hại cho cây trồng. Thuốc bảo vệ thực vật được phân thành hai loại chính là thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Các loại thuốc này có ưu điểm là diệt sâu bệnh, cỏ dại nhanh, sử dùng lại đơn giản, nên được nông dân ưa thích. Nhưng thuốc bảo vệ thực vật cũng có rất nhiều tác hại, đó là:

Trong tự nhiên có rất nhiều loại sâu hại khác nhau, có loại sâu ẩn núp dưới lá, có loại đục vào thân cây, có loại lại chui vào đất, nên phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để tiêu diệt chúng. Việc này gây khó khăn cho người sử dụng, nhất là những người nông dân có trình độ văn hoá thấp. Nhiều người chỉ thích mua thuốc rẻ để phun, không cần biết phạm vi tác dụng của chúng ra sao. Có người hay phun quá liều chỉ dẫn để cho “chắc ăn”, làm tăng lượng thuốc thừa tích đọng trong đất và nước.

Các loại thuốc trừ sâu thường có tính năng rộng, nghĩa là có thể diệt được nhiều loại côn trùng. Khi dùng thuốc diệt sâu hại một số côn trùng có ích cũng bị diệt luôn, đồng thời ảnh hưởng tới các loại chim ăn sâu, vì chim ăn phải sâu đã trúng độc. Nói cách khác, sau khi phun thuốc trừ sâu, số lượng thiên địch của nhiều loại sâu cũng giảm. Điều đó có lợi cho sự phát triển của sâu hại.

Các loại thuốc trừ sâu đều có tính độc cao. Trong quá trình dùng thuốc, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời đến chết, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Do trình độ hạn chế, một số nông dân không tuân thủ đầy đủ các quy định về sử dụng, bảo quản thuốc trừ sâu, có người cất thuốc vào chạn, vào tủ quần áo, nên đã gây nên những trường hợp ngộ độc, thậm chí chết thảm thương do ăn nhầm phải thuốc.

Một số loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt.

Việc dùng thuốc trừ sâu liên tục sẽ sinh chứng nhờn thuốc. Vì thế mỗi loại thuốc trừ sâu chỉ có tác dụng mạnh một số năm đầu sử dụng. Để hạn chế bệnh nhờn thuốc, tăng khả năng diệt trừ sâu người ta thường tăng dần nồng độ thuốc, tăng số lần dùng thuốc. Tuy nhiên biện pháp này không lâu dài do không thể tăng mãi nồng độ được. Mặt khác, nó làm ô nhiễm môi trường mạnh hơn, do lượng tồn dư trong môi trường nhiều lên.

Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng hoá học ổn định, khó phân huỷ, nên sẽ tích luỹ trong môi trường. Sau nhiều lần sử dụng lượng tích luỹ này có thể cao đến mức gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và con người. Do thuốc tồn đọng lâu không phân huỷ, nên có thể theo nước và gió phát tán tới các vùng khác, theo các loài sinh vật đi khắp mọi nơi. Thuốc diệt cỏ được dùng ở mức ít hơn. Tuy nhiên do có tính độc, chúng cũng gây nên những tác hại tới môi trường giống như thuốc trừ sâu.

Nói tóm lại, thuốc trừ sâu, diệt cỏ không chỉ có tác dụng tích cực bảo vệ mùa màng, mà còn gây nên nhiều hệ quả môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và con người. Do vậy cần phải thận trọng khi dùng thuốc và phải dùng đúng liều, đúng loại, đúng lúc theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Vì sao DDT bị cấm sử dụng?

DDT là loại thuốc trừ sâu đã được sử dụng trong nhiều năm qua. Công thức hoá học của loại thuốc này là C14H9Cl5’ tên khoa học là dichloro-diphenyl-trichloroethane và gọi tắt là DDT, do nhà sinh hoá học Thuỵ sĩ, Paul Muller phát minh năm 1938. Thuốc DDT vừa ra đời đã tỏ rõ tác dụng tuyệt vời trong việc tiêu diệt các loại côn trùng có hại trong nông nghiệp. Hầu như tất cả các loại sâu bọ có hại đều bị chết khi gặp phải DDT. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, người ra đã dùng DDT để tiêu diệt rất hiệu nghiệm loại bọ chét, giúp cho các binh sĩ chiến đấu ở Bắc Phi thoái khỏi nạn dịch thương hàn do bọ chét lây truyền. Tiếp đó, Tổ chức Y tế thế giới đã dùng DDT để diệt muỗi và thu được thành công lớn trong việc ngăn chặn bệnh sốt rét lây lan. Với những thành tích đó DDT đã trở thành vua của các loại thuốc trừ sâu và năm 1948, ông Muller – người phát minh ra DDT đã vinh dự nhận giải thưởng Nobel về hoá học.

Nhưng 30 năm sau, DDT bị tuyên án “tử hình” (bị cấm sản xuất và sử dụng). Khi DDT mới ra đời, đúng là nó có sức mạnh vô địch. Nhưng chỉ mười mấy năm sau đã có một số loại côn trùng có hại không sợ DDT nữa. Chúng đã nhờn với DDT. Đến năm 1960 đã có 137 loại côn trùng có hại nhờn thuốc DDT. Chưa hết, DDT đã kém hiệu quả trong việc tiêu diệt côn trùng có hại, lại còn giết chết khá nhiều chim chuyên ăn côn trùng có hại. Do DDT có thành phần tương đối ổn định nên khó bị phân giải trong môi trường tự nhiên và thâm nhập vào cơ thể các loại chim theo hệ thống nước, thực vật phù du, động vật phù du, tôm cá nhỏ… DDT khi ở trong nước có nồng độ không đáng kể, nhưng khi xâm nhập vào cơ thể chim, nồng độ của DDT sẽ tăng lên hàng triệu lần khiến chim nếu không bị chết cũng mất khả năng sinh sản. Đây là điều mà con người không ngờ tới.

Cũng do được sử dụng khắp thế giới, DDT qua nước và thực phẩm xâm nhập vào cơ thể con người, phá hủy nội tiết tố giới tính của con người, gây ra các bệnh về thần kinh, ảnh hưởng tới công năng của gan. Hậu quả này xảy ra cũng ngoài dự kiến của con người.

Thuốc trừ sâu DDT còn có đặc điểm ngoại lệ, đó là kể từ năm 1974 toàn thế giới hoàn toàn ngừng sản xuất DDT, nhưng hậu quả của DDT trong môi trường còn lâu mới hết. Thuốc DDT trong không khí phải sau 10 năm mới giảm nồng độ xuống tỉ lệ ban đầu là 1/10; DDT tan trong biển còn phải mất thời gian lâu hơn nữa mới phân hủy hết. Theo dự đoán của các nhà khoa học, phải đến sau năm 1993 DDT trong nước biển mới phân hủy về cơ bản.

Vì sao chỉ dựa vào thuốc trừ sâu hoá học không khống chế được sâu hại cây trồng?

Trên trái đất có khoảng 1 triệu loài côn trùng, trong đó có khoảng 5 vạn loại ăn thực vật và chỉ có khoảng 1% (khoảng 500 loài côn trùng) chuyên ăn hoa màu, cây ăn quả. Tuy số lượng chủng loại không nhiều nhưng chúng rất phàm ăn và ăn rất khoẻ, gây tác hại rất lớn đối với cây lương thực, rau xanh, cây ăn quả. Theo thống kê, ở Trung Quốc mỗi năm sâu bọ gây tổn thất 10% sản lượng lương thực, 20% sản lượng dầu thực vật, 30% sản lượng rau xanh và 40% sản lượng trái cây các loại.

Ngành hoá học và công nghiệp hoá chất không ngừng phát triển và sản xuất ra hết loại thuốc sâu này đến loại thuốc sâu kia để đối phó với côn trùng có hại. Nhưng chỉ một thời gian sau các côn trùng có hại không sợ thuốc nữa. Con người buộc phải tăng liều lượng phun thuốc và thu được kết quả nhất định, nhưng cũng chỉ kéo dài được một thời gian.

Con người lại tìm cách chế ra các loại thuốc sâu tổng hợp mới. Tính đến thập kỷ 70, toàn thế giới đã sử dụng hơn 12.000 loại thuốc trừ sâu để đối phó với côn trùng có hại. Nhưng trong thực tế, con người không những không tiêu diệt hết được côn trùng có hại mà càng ngày chúng càng phát triển hơn. Đến nay, loài người mới tỉnh ngộ rằng, nếu chỉ dựa vào thuốc trừ sâu thì không thể tiêu diệt hết được côn trùng có hại. Bởi lẽ trong quá trình sử dụng thuốc sâu tràn lan, đối tượng bị hại nhiều nhất không phải là côn trùng có hại mà là kẻ thù của chúng – đó là các loài chim có ích. Thực tế cho thấy rất nhiều loại chim có ích đã bị chết vì thuốc trừ sâu, trứng của nhiều loại chim bị nhiễm thuốc trừ sâu không thể nở thanh chim non được. Trong khi đó các loại sâu bọ có hại sinh sôi nảy nở rất nhanh và mau chóng nhờn thuốc. Dù phun với liều lượng lớn, chúng vẫn không chết mà vẫn sinh sôi nảy nở như thường. Thuốc sâu càng phun nhiều càng làm ô nhiễm không khí, nước, đất và cây trồng. Có thể nói hiện nay trên trái đất không có nơi nào không có thuốc trừ sâu xâm nhập vào môi trường sống.

Đương nhiên con người vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu trong phạm vi cho phép, nhưng không thể chỉ dựa vào thuốc trừ sâu để tiêu diệt côn trùng có hại. Ngày nay, người ta áp dụng các biện pháp tổng hợp đối phó với côn trùng có hại, trong đó có biện pháp dùng côn trùng diệt côn trùng, dùng vi trùng diệt côn trùng và đặc biệt chú ý bảo vệ các loại chim chuyên ăn côn trùng có hại. Ngoài ra người ta còn gây, nhân giống và nhập khẩu các loại côn trùng có ích để tiêu diệt côn trùng có hại. Chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn đuợc ô nhiễm môi trường và khống chế một cách hiệu quả các loại côn trùng có hại.

Vì sao cần sản xuất rau xanh vô hại?

Gần đây, ở Mỹ và Đức xuất hiện một số cửa hiệu chuyên bán “lương thực sinh thái”, “trái cây sinh thái” và “rau xanh sinh thái”. Chẳng cần phải giới thiệu nhiều cũng đủ biết cửa hiệu đó rất đông khách, bởi lẽ tâm lý người tiêu dùng đều thích mua loại lương thực, trái cây và rau xanh vô hại.

Mấy chục năm gần đây, cùng với nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, người ta đã phát hiện ra các loại chất gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Không ít chất ô nhiễm đã xâm nhập vào lương thực, trái cây và các loại rau xanh. Đó là điều đe doạ rất lớn đối với loài người và các thế hệ con cháu. Ví dụ ăn lương thực có chứa nhiều cadimi sẽ tích tụ trong cơ thể người khiến xương bị giòn dễ gẫy, nghiêm trọng hơn còn gây bệnh đau xương; hoặc ăn rau xanh có chưa muối nitrat quá mức cho phép sẽ gây ngộ độc, trẻ em bị bệnh khó thở, thậm chí bị ung thư. Một số loại thuốc trừ sâu bám dính rất lâu vào rau xanh, trái cây khiến người ăn phải bị phản ứng ngộ độc ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ. Để tránh tình trạng này, người ra đã sử dụng biện pháp tối ưu là trong quá trình trồng cây lương thực, cây ăn quả, rau xanh,… tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, các chất ô nhiễm có hại cho cây trồng như cadimi, nitrat,… Những sản phẩm nông nghiệp đó được gọi là “Nông sản không ô nhiễm “, “Rau xanh vô hại”, “Lương thực sinh thái”, “Trái cây sinh thái”.

Việc sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp “hoàn toàn vô hại” như trên đòi hỏi rất nhiều công sức. Chỉ riêng việc trồng “rau xanh vô hại”, các giai đoạn gieo trồng, chăm sóc,…đòi hỏi không được bón phân đạm hoặc bón rất ít phân đạm để tránh ô nhiễm muối nitrat, mà thay vào đó phải bón phân vô cơ như phân chuồng, phân bắc,… Muốn tránh ô nhiễm thuốc sâu, phải chọn loại giống cây khoẻ chống được sâu bệnh và chỉ được phun thuốc sâu sinh học, chứ không phun thuốc sâu hoá học, đặc biệt là trước khi thu hoạch rau tuyệt đối không được dùng thuốc trừ sâu. Nếu vườn rau xuất hiện sâu bệnh phải dùng côn trùng có ích diệt sâu hoặc con người phải trực tiếp bắt sâu. Ngoài ra không tưới rau bằng nước thải của thành phố vì nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt của thành phố có chứa nhiều hoá chất ô nhiễm và vi trùng gây bệnh. Đạt được những yêu cầu trên, rau xanh sản xuất ra về cơ bản có thể gọi là “rau xanh vô hại”.