Thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ

Để tránh hiểu lầm, xin được nói ngay rằng, trong nền thơ Việt Nam hiện đại, chúng ta có không ít nhà thơ đặc sắc - đặc sắc ở những mức độ nào đó. Theo kiểu phân chia thành thế hệ - một cách tương đối - như thường thấy, thì các nhà thơ đặc sắc ấy trưởng thành - cùng với các nhà thơ khác - trong các thế hệ: trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, và sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay. Tuy vậy, mỗi thế hệ có thể có những nhà thơ đặc sắc nhất, nổi hẳn lên, mà mỗi khi nói đến thơ của thế hệ ấy, người ta phải nói đến họ, không thể quên họ.

Với thời kỳ kháng chiếng chống Mỹ, những nhà thơ nào có thể được coi là đặc sắc nhất? Theo tôi, có hai người: Trần Đăng Khoa và Phạm Tiến Duật. Không hẹn mà nên, như một cách "phi đối xứng", Trần Đăng Khoa và Phạm Tiến Duật, một là thiếu nhi - một là người lớn, một là người dân - một là người lính, một ở hậu phương - một ở chiến trường... Với những phong cách thơ độc đáo, họ phản ánh hiện thực của thời kỳ bi tráng này của đất nước, của dân tộc, từ những đặc điểm khác nhau, ở những cung bậc khác nhau.

Thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Từ năm 1966 đến năm 1974, mà đặc biệt là từ 1966 đến 1970 - trong khoảng năm năm - là lúc Trần Đăng Khoa từ tám tuổi đến 12 tuổi, cậu bé này đã làm rúng động đời sống thơ ca Việt Nam - bấy giờ là miền Bắc, vì đất nước chưa thống nhất.Tôi sẽ không dẫn ra ở đây những bài thơ, những câu thơ của Trần Đăng Khoa hồi ấy mà ai cũng đã biết. Tôi chỉ muốn lưu ý thêm: có những người đọc rất bình thường, ở xa có khi đến hàng trăm cây số, đã tìm đến cái làng Điền Trì hẻo lánh ở tỉnh Hải Dương thăm (hay xem mặt) Trần Đăng Khoa. Đã có những nhà thơ nổi tiếng về nhà Trần Đăng Khoa. Lại có cả người viết những câu thơ cảm động viếng Trần Đăng Khoa, vì nghe tin ở đâu rằng Trần Đăng Khoa đã chết. Rồi vô tuyến truyền hình Pháp đến Việt Nam làm phim về Trần Đăng Khoa - ngay trong lúc Việt Nam đang có chiến tranh, và người hướng dẫn những người làm phim là nhà thơ Xuân Diệu. Thơ của Trần Đăng Khoa viết hồi ấy được in nhiều lần trong nước đã đành, mà còn được dịch ở nhiều nước, có lẽ vào loại nhất so với các nhà thơ, nhà văn khác của Việt Nam - không chỉ bấy giờ đến những năm sau, mà còn đến tận ngày nay. Người ta gọi Trần Đăng Khoa là thần đồng. Nếu hiểu thần đồng như các từ điển thường giải nghĩa: đứa trẻ thông minh đặc biệt, thì Trần Đăng Khoa đúng là thần đồng. Tuy nhiên, tưởng cần nhấn mạnh hơn một mức nữa. Ba chục năm trước, tôi có lần viết: Trần Đăng Khoa là một hiện tượng thơ rất hiếm thấy, có thể phải tính bằng nhiều chục năm, thậm chí bằng những thế kỷ. Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ đó không phải là một cách nói đại ngôn. Với thành tựu thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, năm 2001, Trần Đăng Khoa đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) học xong Trường Đại học Sư phạm thì đi bộ đội, và gắn bó với đường Trường Sơn tám năm liền trong 14 năm ở quân ngũ. Tám năm ấy, đường mòn Hồ Chí Minh đã làm nên nhà thơ Phạm Tiến Duật độc đáo, từ một người lính, và trước hết là của những người lính.

Chùm thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật được giải nhất cuộc thi thơ năm 1969 - 1970 của Báo Văn nghệ tập trung những tinh hoa của thơ Phạm Tiến Duật trước đó, và báo hiệu cho một tài năng thơ sẽ còn phát triển trong những năm về sau. Đêm trao giải thưởng cuộc thi thơ ấy ở Hà Nội, mà tôi có dự, không thấy Phạm Tiến Duật; về sau mới biết anh đang trong một nẻo rừng Trường Sơn chiến trận, không ra dự được. Điều đó cũng có thể coi như một sự lý thú và đầy ý nghĩa. Nghệ thuật thơ Phạm Tiến Duật bấy giờ tạo được một tiếng nói rất riêng, rất mới, được cả bộ đội và nhân dân ưa thích.

Thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ
Nhà thơ Phạm Tiến Duật trước khi lâm bệnh nặng và mất.

Tôi cũng sẽ không nhắc lại ở đây nhiều bài thơ, câu thơ của Phạm Tiến Duật mà ai cũng đã biết. Tôi chỉ muốn dẫn ra những câu thơ này, cách nói này, dường như chưa được chú ý, chưa được đánh giá đúng, có trong bài Công việc hôm nay Phạm Tiến Duật viết vào khoảng những năm 1967 - 1968:

Cục Tác chiến báo sang tin cuối cùng Về số máy bay rơi trong ngày và tàu chiến cháy, Nha khí tượng báo tin cơn bão tan, Bộ Nông nghiệp báo tình hình vụ cấy... Trong những tờ trình Thủ tướng đọc trong đêm Còn có việc hoàn thành bộ thông sử đầu tiên. Bộ thông sử hoàn thành Trang cuối cùng viết trong hầm trú ẩn Chồng bản thảo rời khu sơ tán Chở trên xe xích lô

Lọc cọc xe qua trận đồ cao xạ...

Những công việc cụ thể ở tầm vĩ mô của những câu thơ như vậy, chưa bao giờ thấy trong thơ được viết từ chiến trường, kể cả ở những nhà thơ kỳ cựu và những nhà thơ trẻ tuổi - mà Phạm Tiến Duật bấy giờ là một nhà thơ trẻ tuổi. Cho đến bây giờ, đọc những bài thơ viết trong chiến tranh của ta, sẽ thấy không ai tạo dựng được một chân dung nhà thơ đậm nét như Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật tạo ấn tượng mạnh đến mức, đã có những chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ đề nghị dựng tượng Phạm Tiến Duật trên đường Trường Sơn. Bằng thành tựu thơ ca chủ yếu ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ này, Phạm Tiến Duật đã hai lần được tặng giải thưởng lớn về văn học nghệ thuật: năm 2001 Giải thưởng Nhà nước, năm 2011 Giải thưởng Hồ Chí Minh. Với những gì đã nêu trên, tôi xin nói một lần nữa: Trần Đăng Khoa và Phạm Tiến Duật là hai nhà thơ đặc sắc nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

(Tất nhiên, tôi không quên, có những nhà thơ làm thơ cùng thời với hai nhà thơ trên đã từng là những nhà thơ đặc sắc của các thời kỳ trước; có người vào những ngày kháng chiến chống Mỹ chưa thực sự nổi tiếng, đến sau thời kỳ ấy mới có những đóng góp quan trọng và là những nhà thơ đặc sắc của thời kỳ mới. Nhưng đó là chuyện không thuộc phạm vi bài này).

Theo Hồng Diệu/CAND

Chúng ta rất tự hào khi có hẳn một thế hệ nhà thơ mà sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước người ta gọi là “thế hệ nhà thơ chống Mỹ” với nhiều vần thơ được cả thế giới biết đến.

Đó là những nhà thơ mà trước và trong khi làm thơ, họ đã là những người lính hoặc tình nguyện sống như những người lính chống Mỹ. Đã có nhiều người trong thế hệ ấy ngã xuống khi viết những bài thơ, những vần thơ về tình yêu, về lòng căm giận, những câu thơ dành cho Tổ quốc mình, nhân dân mình, người yêu của mình. Những câu thơ ấy được gọi chung là “những câu thơ chống Mỹ”. Đã có một thời kỳ, những năm tháng mà làm thơ với chống Mỹ là hai hành động đồng thời, trùng hợp, cái này xốc dậy cái kia, cái kia động tới nơi sâu kín của cái này. Nếu Mỹ không xâm lược Việt Nam thì chắc chắn không có thế hệ những nhà thơ chống Mỹ. Nhưng chúng ta đã có một thế hệ nhà thơ như thế, đó là điều độc đáo của Việt Nam.

Thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ

 Nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Mỹ cũng đã từng xâm lược Triều Tiên, từng can thiệp bằng chiến tranh vào nhiều vùng, nhiều nước… Nhưng chỉ ở cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đẻ ra một thế hệ những nhà thơ chống Mỹ. Vì yêu nước, yêu nhân dân mình mà chống Mỹ, cũng vì tình yêu ấy mà làm thơ. Rồi ngược lại, những bài thơ yêu nước và chống Mỹ ấy lại tác động đến đông đảo người đọc - những người Việt Nam yêu nước và chống Mỹ. Trong chiến tranh, giữa những thời khắc của hiểm nguy và khủng hoảng, người ta mới thấy hết tác dụng và giá trị của thơ. Những người lính giữa chiến trường thường khát khao tìm đọc thơ của người đã nổi tiếng và cả người chưa nổi tiếng. Trong rất nhiều ba-lô của những người lính trẻ đều có một cuốn sổ tay nhỏ chép thơ, bất kể là của ai, từ một nhà thơ trong nước đến một nhà thơ nước ngoài xen lẫn những dòng thơ mà người lính viết vội giữa cuộc hành quân, trước giờ vào trận đánh. Điều này, chính người Mỹ cũng biết khi họ lấy được chiến lợi phẩm là những cuốn sổ tay của bộ đội Việt Nam. Thơ chống Mỹ của những người lính Việt Nam bình thường, chưa bao giờ được gọi là nhà thơ, nhưng đã được trưng bày tại nhiều bảo tàng ở Mỹ.

Thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ

 Nhà thơ Trần Nhuận Minh.

Cho đến nay, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã lùi xa gần 40 năm. Nhưng với thế hệ nhà thơ chống Mỹ, những vần thơ rất bình thường mà mình viết được trong chiến tranh như những vắt cơm đã nuôi mình khi đói, như hớp nước cuối cùng trong bi-đông mà mình sẻ chia với đồng đội, lại như một ân sủng mà mình tình cờ nhận được. Để đến tận bây giờ, họ vẫn rất trân trọng những vần thơ mình viết khi đó, coi nó như một phần máu thịt của cuộc đời. “Ôi cái ngày xưa thương mến quá/ Cái ngày xưa không biết cũ bao giờ” (Lê Thành Nghị). Nguyễn Đức Mậu thì “náo nức”, “bồn chồn” khi nhớ về những câu thơ của một thời trận mạc. Có nhiều câu thơ hay, có nhiều bài thơ hay. Hay bởi cảm xúc thăng hoa, hay bởi sức khái quát, hay bởi giọng điệu riêng biệt. Nhà thơ Chim Trắng cảm thấy “tự hào về một thời thơ có ích cho đất nước”. Còn nhà thơ Trần Nhuận Minh thì tỏ ra nuối tiếc về việc “đến tận ngày hôm nay, những giá trị tinh thần to lớn của một thế hệ chủ lực của kháng chiến sắp đi qua vẫn không được tổng kết một cách đầy đủ và trí tuệ”.

Những bài thơ có thể góp phần “chống Mỹ”, tức là chống kẻ xâm lược, chống chiến tranh xâm lược, là những bài thơ đầy yêu thương, gắn sâu sắc với bộ phận nhân dân trong chiến tranh, những bài thơ mà nhà thơ không ngần ngại tự bộc lộ mình, nhiều khi đến trần trụi, bộc lộ thân phận của mình và những nỗi niềm của cả thế hệ mình. Những bài thơ không lên gân nhưng cũng không hề yếu đuối, những bài thơ mà tác giả tự thấy trước và chấp nhận khi mình dấn thân vào cuộc chiến. Về sau này, người ta gọi đó là thế hệ những nhà thơ tự ý thức.

Thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Thơ ca là truyền thống, là tiếp nối, nhưng cũng là đột biến, bùng nổ. Đã có một thế hệ những nhà thơ chống Pháp với những tên tuổi lớn được định hình hay bị dắt ngang con đường tìm tòi đổi mới thơ vì những lý do ngoài thơ. Bây giờ đọc lại vẫn thấy rõ những giọng thơ khác nhau của thế hệ ấy. Nhiều nhà thơ có tác phẩm sống lâu hơn cả cuộc đời họ lại là những nhà thơ đương thời sống chưa được công nhận, chưa được đánh giá đúng. Nhưng thơ luôn có khả năng “tự bảo quản” bởi thơ trước hết, dù là thơ chống Pháp hay chống Mỹ, cũng được viết ra từ nhu cầu tự thân, từ những bức xúc của chính nhà thơ. Sự thôi thúc từ bên ngoài nếu có, chỉ là những tác nhân góp phần thúc đẩy cho những thôi thúc nội tâm. Vì thế, thơ có thể nằm yên trong sổ tay, trong bản thảo, thậm chí hàng mấy chục năm nhưng nếu thơ ấy thực sự vì con người, có ích với con người thì nó vẫn sống và sẽ xuất hiện, sẽ được đánh giá đúng vào một lúc nào đó.

Cùng với thử thách của thời gian, cho đến nay, có thể khẳng định rằng các nhà thơ chống Mỹ cùng với những vần thơ chống Mỹ của họ ngày càng khẳng định được vị trí vững vàng trong lịch sử thơ ca Việt Nam: gần 40 năm qua, nó vẫn tồn tại như một vầng sáng, như một tầm cao trong thơ Việt Nam hiện đại. Nhiều bài thơ hay vẫn sống trong lòng người yêu thơ và thế hệ trẻ. Truyền thống của nó như một mạch ngầm vẫn tiếp tục lưu chuyển hồng cầu vào sự sống của thơ đương đại.

 Mươi năm trở lại đây, thơ Việt Nam đang nỗ lực cách tân với nhiều hướng tìm tòi. Trên hành trình tìm đường đổi mới, việc vượt qua những giới hạn của chặng đường trước là lẽ tất yếu. Nhưng đổi mới không có nghĩa là xóa bỏ và phủ định những giá trị đích thực của quá khứ. Thế hệ các nhà thơ chống Mỹ và những bài thơ kháng chiến chống Mỹ là một phần không thể phủ định trong các giá trị tinh thần của một thời đại lịch sử, đã và sẽ còn được lưu giữ, trân trọng bởi những thế hệ hôm qua và cả hôm nay. 

Thanh Thảo