Tại sao chúng ta phải học học quá nhiều

“Em phải học quá nhiều!”

Khi tập luyện để thi môn cử tạ trong Thế Vận Hội, vận động viên không cố lập kỷ lục mỗi ngày. Để có sức nâng tạ nặng, họ tăng cường thể lực bằng cách tập luyện đều đặn với tạ nhẹ hơn. Nếu luôn gắng sức quá mức, họ sẽ làm tổn thương các cơ bắp, khớp xương và có khi phải từ bỏ sự nghiệp.

Tương tự, là học sinh, hẳn bạn siêng năng và chăm chỉ học hành. Như thế, khi có bài tập khó hoặc đến kỳ thi, bạn sẵn sàng gắng sức nhiều hơn, và có khả năng làm bài.* Nhưng nói sao nếu ngày nào lịch học và làm bài tập của bạn cũng dày đặc? Có lẽ bạn thường ăn uống vội vã và thiếu ngủ. Khi bị quá nhiều áp lực như thế trong thời gian dài, bạn sẽ dễ ngã bệnh. Có thể chính bạn đang cảm thấy sức khỏe bất ổn.*

Một núi bài tập

Bạn gái Hiroko* 15 tuổi, người Nhật, nói: “Càng học lên cao, bài tập càng nhiều và khó. Em phải mất hàng giờ mới làm xong”. Hiroko cho biết thêm: “Em muốn làm nhiều việc khác, nhưng hôm nào em cũng có bài tập phải trả cho ngày hôm sau. Đôi khi, em lo cuống cuồng”. Nói đến bài học, bạn gái Svetlana 14 tuổi, ở Nga, viết: “Việc hoàn tất bài tập ngày càng khó. Mỗi năm, em phải học nhiều môn hơn và thầy cô cho nhiều bài hơn, mà thầy cô nào cũng xem môn mình dạy là quan trọng nhất. Cho nên thật vất vả để học đều các môn và làm hết tất cả bài tập”.

Tại sao giáo viên cho quá nhiều bài tập? Bạn trai Gilberto 18 tuổi, người Brazil, viết: “Thầy cô nói họ muốn chuẩn bị cho chúng em bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh”. Dù lý do nào đi nữa, bạn cũng cảm thấy choáng ngợp bởi một núi bài tập. Để giảm bớt căng thẳng, bạn hãy thử thay đổi suy nghĩ về bài tập, và làm những bước cụ thể để sắp xếp công việc.

Hãy xem việc có nhiều bài tập là sự rèn luyện cần thiết để bạn thành công khi bước vào đời. Dù bạn cảm thấy việc làm bài tập không bao giờ kết thúc, nhưng năm tháng học hành sẽ chóng qua. Khi đi làm, bạn sẽ vui vì đã hoàn thành tốt bài tập. Bạn sẽ “hưởng những thành quả do công lao khó nhọc” của mình suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường.—Truyền-đạo 2:24, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Bạn có thể giảm bớt căng thẳng bằng cách có kỷ luật tự giác và khéo sắp xếp. (Xin xem khung “Cách thực tế để giảm căng thẳng”). Khi luôn làm bài kỹ và đúng thời hạn, bạn sẽ được thầy cô tin tưởng cũng như sẵn sàng giúp đỡ. Giả sử, bạn có mối quan hệ tốt như thế với một giáo viên. Nếu xảy ra chuyện ngoài ý muốn, bạn đến giải thích với giáo viên là không thể hoàn thành bài đúng thời hạn, chẳng phải giáo viên ấy sẽ dễ dàng thông cảm cho bạn sao? Thời xưa, một người phụng sự Đức Chúa Trời là Đa-ni-ên rất đáng tin cậy và “không hề sơ suất hoặc mắc phải lỗi gì” (Đa-ni-ên 6:4, Bản Dịch Mới). Là người tận tụy trong công việc, ông được nhà vua khen và tín nhiệm. Trong việc học hành, nếu noi gương Đa-ni-ên, chắc chắn bạn cũng được thầy cô quan tâm và thông cảm.

Có phải việc chú ý lắng nghe trong giờ học, và hoàn thành bài tập đúng thời hạn sẽ làm cho mọi áp lực tan biến không? Không hẳn thế. Chính ước muốn học giỏi của bạn cũng có thể là một áp lực. Nhưng đây là áp lực tốt vì nó khiến bạn ham thích tìm hiểu và học sao để được lợi ích, thay vì có tư tưởng học cho xong miễn là lên lớp.

Tuy nhiên, bên cạnh áp lực tốt, có thể bạn cũng chịu áp lực tai hại mà lẽ ra mình tránh được.

Kín lịch với hoạt động ngoại khóa

Hãy tưởng tượng một người có kiểu lái xe rất hăng. Dù thấy đèn đỏ từ xa nhưng người ấy vẫn chạy với tốc độ cao, tới đèn đỏ mới thắng xe nghe tiếng ken két. Đèn vừa chuyển xanh, người ấy phóng nhanh làm bánh xe quay tít. Khi luôn lái hăng như thế, điều gì sẽ xảy ra? Người ấy sẽ làm hư động cơ và các bộ phận khác của xe. Chưa kể đến việc người ấy có thể làm tan nát chiếc xe trong một tai nạn.

Tương tự, nhiều bạn dốc sức và tâm trí quá mức vào việc học, hết học chính khóa lại học ngoại khóa. Trong cuốn sách Doing School (tạm dịch là Học đường lạc lối), tác giả Denise Clark Pope đã viết về một vài học sinh mà bà quan sát như sau: “Một ngày của các em bắt đầu từ sáng sớm, trước giờ làm việc của đa số người lớn một hoặc hai tiếng, và đến tối khuya mới kết thúc—vì các em còn học thể thao, khiêu vũ, họp sinh viên, đi làm thêm, và học bài”.

Nếu nhịp học cứ hối hả như thế hết ngày này qua ngày khác, các bạn trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề. Vì quá căng thẳng, các bạn có thể đau dạ dày và đau đầu. Mệt mỏi kéo dài sẽ làm các bạn giảm sức đề kháng, và dễ ngã bệnh. Rồi các bạn sẽ đuối sức, phải rất cố gắng mới có thể hồi phục. Bạn có đang rơi vào tình trạng này không?

Phấn đấu để đạt mục tiêu thích đáng là điều tốt. Tuy nhiên, dù khỏe mạnh đến đâu, số việc bạn làm được trong một ngày vẫn có giới hạn. Kinh Thánh khuyên: “Hãy cho mọi người biết tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5, NW). Từ “phải lẽ” có nghĩa là không thái quá và biết suy xét hợp lý. Người phải lẽ cân nhắc các quyết định của mình để không gây hại cho bản thân và người khác. Người ấy thể hiện sự chín chắn, là đức tính cần thiết trong thế giới phức tạp thời nay. Vậy muốn giữ gìn sức khỏe, bạn cần tỏ ra phải lẽ bằng cách cắt bớt một số hoạt động kém quan trọng mà bạn đang tham gia.

Mơ ước làm giàu

Một số bạn trẻ cho rằng muốn đạt mục tiêu thì cần phấn đấu, còn nếu phải lẽ thì chẳng được gì. Đối với những bạn đó, công việc với mức lương cao, và của cải vật chất là chìa khóa của sự thành công trong cuộc sống. Trong số học sinh mà bà Pope quan sát, nhiều bạn có lối suy nghĩ như thế. Bà nhận xét: “Các em ước có nhiều thời gian hơn để ngủ và chăm sóc sức khỏe, nhưng không thể được vì thời khóa biểu kín mít—nào là học hành, nào là gia đình và việc làm. Các em cũng muốn có thêm thời gian vui chơi với bạn bè, tham gia các sinh hoạt khác, hoặc nghỉ ngơi vài ngày, nhưng phần lớn cho rằng không thể làm những điều đó nếu muốn giữ điểm cao. Các em ý thức mình phải chọn lựa, và với các em thì sự thành công trong tương lai vẫn quan trọng hơn hạnh phúc hiện tại”.

Những bạn trẻ dốc hết sức vào việc học như thế cần lưu ý lời nhận xét sau của một đấng khôn ngoan: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Ma-thi-ơ 16:26, GKPV). Qua lời này, Chúa Giê-su cảnh báo rằng những mục tiêu trong thế gian không đáng để chúng ta hy sinh sức khỏe thể chất, tinh thần và nhu cầu tâm linh.

Trong sách của mình có nhan đề Cái giá của công danh thành đạt (The Price of Privilege), nhà tâm lý học Madeline Levine viết về “một thực tế là tiền bạc, học vấn, địa vị, danh tiếng và của cải không bảo vệ [các em trẻ] trước sự bất hạnh và bệnh về tâm lý”. Bà Pope, người được đề cập ở trên, nhận xét như sau: “Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh và học sinh đã kỳ vọng quá cao, vì họ có quan điểm lệch lạc về thành công”. Bà nói thêm: “Đúng hơn, chúng ta nên vươn tới một lối sống lành mạnh—về thể chất lẫn tinh thần và cả quan điểm sống”.

Tiền bạc không phải là quan trọng nhất. Một số điều còn quan trọng hơn như sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, lương tâm trong sạch và tình bạn với Đấng Tạo Hóa. Đây là những món quà vô giá từ Đức Chúa Trời. Nếu cứ ham muốn tiền tài và địa vị mà đánh mất những món quà ấy, có thể bạn sẽ không bao giờ lấy lại được. Vì thế, hãy lưu ý đến lời dạy của Chúa Giê-su: “Phúc cho ai biết tâm linh mình nghèo khổ, vì sẽ hưởng Nước Trời”.—Ma-thi-ơ 5:3, Bản Diễn Ý.

Nhiều bạn trẻ đã hiểu điều này. Trong khi cố gắng học hành cho tốt, họ cũng ý thức rằng thành tích học tập xuất sắc và sự giàu sang không đem lại hạnh phúc lâu dài. Họ nhận thấy việc theo đuổi những mục tiêu như thế chỉ tạo áp lực không cần thiết. Những bạn ấy hiểu rằng đáp ứng nhu cầu về tâm linh mới là nền tảng cho đời sống hạnh phúc và tương lai chắc chắn. Nhà xuất bản của tạp chí này và Nhân Chứng Giê-hô-va ở nơi bạn sống đều sẵn lòng giúp bạn tìm hiểu về Đức Chúa Trời để có đời sống thỏa nguyện.

[Chú thích]

Nếu bạn có thành tích học tập khiêm tốn hoặc chưa quan tâm đúng mức đến việc học, xin xem chương 18 “Làm sao để đạt điểm cao hơn?” trong sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Dù khỏe mạnh đến đâu, số việc bạn làm được trong một ngày vẫn có giới hạn

[Câu nổi bật nơi trang 8]

Sự hiểu biết về Đấng Tạo Hóa là kiến thức quý báu nhất mà bạn nên có

[Khung/​Hình nơi trang 5]

CÁCH THỰC TẾ ĐỂ GIẢM CĂNG THẲNG

❑ Bạn có mất nhiều thời giờ tìm sách vở, bài tập không? Một số người cần sự giúp đỡ để biết cách sắp xếp tốt hơn. Các em đừng e ngại nhờ người khác góp ý.

❑ Bạn có hay trì hoãn không? Hãy thử hoàn thành một bài tập trước thời hạn. Bạn sẽ ngạc nhiên với cảm giác nhẹ nhõm và vui vẻ, điều này là động lực để bỏ thói quen trì hoãn việc làm bài tập.

❑ Trong giờ học, bạn có thường mơ màng không? Hãy thử trong một tháng: Chú tâm nghe giảng và ghi chép đầy đủ để về ôn bài. Bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy việc làm bài tập dễ dàng hơn nhiều. Nhờ điều này, bạn sẽ bớt căng thẳng trong chuyện học.

❑ Bạn có đang học lớp chuyên dành cho học sinh giỏi, đòi hỏi nhiều thời giờ và năng lực không? Bạn có nhất thiết phải học những lớp đó không? Hãy nói chuyện với cha mẹ, tham khảo ý kiến của người có quan điểm thăng bằng về học vấn. Có lẽ bạn sẽ nhận ra việc học những lớp đó không góp phần bao nhiêu vào kết quả tốt nghiệp của bạn.

[Khung nơi trang 6]

BỨC TƯỜNG ẢO

“Tài-vật người giàu, ấy là cái thành kiên-cố của người, trong ý-tưởng người cho nó như một bức tường cao” (Châm-ngôn 18:11). Vào thời xưa, những bức tường cao bao quanh một thành che chở dân trong đó khỏi bị tấn công. Nói sao nếu bạn sống trong một thành mà những bức tường chỉ ở trong trí tưởng tượng của bạn? Bạn sẽ không được che chở dù cố tin bức tường ấy là thật đi nữa.

Như người sống trong một nơi không có bức tường bảo vệ, bạn trẻ nào mơ ước làm giàu sẽ sớm vỡ mộng. Nếu là cha mẹ, bạn nên giúp con cái tránh cạm bẫy tiền bạc và không chọn sống trong thành có bức tường ảo.

Sau đây là một số lời dạy dỗ của Kinh Thánh có thể giúp bạn lý luận với con:

◼ Lắm tiền của thì lợi bất cập hại. “Người giàu có dư dả lại lo lắng ngủ không yên”.—Truyền-đạo 5:12, Bản Dịch Mới; 1 Ti-mô-thê 6:9, 10.

◼ Muốn hạnh phúc, không hẳn phải giàu có mà phải khéo trù tính. “Trù liệu chu đáo, [được] no nê”.—Châm-ngôn 21:5, Bản Diễn Ý; Lu-ca 14:28.

◼ Mức thu nhập đủ đáp ứng nhu cầu của đời sống đem lại cuộc đời thỏa nguyện. “Chớ cho tôi nghèo-khổ, hoặc sự giàu-sang; hãy nuôi tôi đủ vật-thực cần-dùng”.—Châm-ngôn 30:8.*

[Chú thích]

[Hình nơi trang 7]

Gắng sức quá sẽ phản tác dụng

[Hình nơi trang 7]

Hãy xem việc làm bài tập là sự chuẩn bị cho công việc sau này chứ KHÔNG PHẢI là một cực hình