Tại sao chôn hoa trong hồng lâu mộng

Chắc cũng giống nhiều người, bài thơ ám ảnh tôi nhất trong Hồng Lâu Mộng là Táng hoa từ.

Nùng kim táng hoa nhân tiếu si
Tha niên táng nùng tri thị thùy?

(Hôm nay ta chôn hoa, mọi người đều cười ta ngốc,

Sau này ta chết, ai là người sẽ chôn ta?)

Tôi xem Hồng Lâu Mộng từ khi còn rất nhỏ, nhà còn xem bằng TV đen trắng, nhưng có lẽ vì ngày xưa chẳng có phim gì để xem, hay là vì câu chuyện trong đó, mà cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ nhiều chi tiết. Có lẽ cảnh tượng ghi dấu mãnh liệt nhất với tôi là cảnh Lâm Đại Ngọc nước mắt lã chã đi chôn hoa, và rồi Giả Bảo Ngọc đứng ngẩn ra nhìn nàng tới nỗi hoa trong vạt áo rơi hết cả xuống suối. Cảnh thứ hai mà tôi nhớ mãi là cô Ba họ Vưu cầm lấy thanh kiếm Uyên Ương tự cứa cổ mình vì bị người mình yêu khinh rẻ.

Tôi không rõ với người khác ra sao, nhưng với tôi thì bất cứ khi nào nghĩ về Hồng Lâu Mộng, tôi đều nghĩ ngay tới Lâm Đại Ngọc. Cách đây lâu lâu, có người tặng tôi bộ bài Hồng Lâu Mộng, thấy người ta vẽ Đại Ngọc cũng là cảnh nàng vác cuốc đi chôn hoa. Có lẽ sự đa tình, đa cảm và nhan sắc và số phận bi đát của nàng dồn cả vào cảnh ấy – một cảnh tượng khiến cho một đứa bé chưa tới mười tuổi là tôi cũng phải xúc động tới tận đáy lòng mà ghi nhớ mãi. Trước đây, khi mười lăm tuổi, chúng tôi mới đọc Hồng Lâu Mộng trọn bộ lần đầu tiên, tôi còn rất hậm hực khi bạn bè mình bàn tán rằng Lâm Đại Ngọc đúng là dở hơi… Bây giờ nghĩ lại, chỉ thấy rằng Hồng Lâu Mộng vốn không phải dành cho những người thực tế, mà chỉ dành cho những đứa mê chữ, chết chìm trong sách mà thôi. Ngay khi Tào Tuyết Cần viết, ông ta cũng đã tự biết rằng nhân vật của ông ta sẽ có người bảo là “si”.

Từ lúc biết Hồng Lâu Mộng cho tới giờ, tôi đã nghe không biết bao nhiêu người nhận mình giống Đại Ngọc. Nghĩ cũng buồn cười, một người con gái hay tủi phận như thế, đụng cái gì cũng u uất, lại bệnh tật đầy mình, lại đau đớn si tình tới mức chết đi như thế, mà ai cũng muốn nhận vào. Chỉ có điều, nàng là người được miêu tả là xinh đẹp tuyệt trần, trái tim đa cảm, thông minh, trang nhã như trúc, mong manh như sen… Còn ở đời thực, người đẹp thì hay nông cạn, mau nước mắt một tí thì cho mình là người đa cảm, nhưng nước mắt chảy xong thì tâm tư cũng cạn. Người đa sầu đa cảm, thông minh hiểu biết thì thường mặt mũi xấu xí, tướng tá chả ra sao, cái sự tủi phận của họ kia cũng chẳng qua là xuất phát phần nhiều từ sự cô đơn chẳng có anh giai nào vừa ý dòm ngó tới cả thôi. Hay chẳng lẽ những người như Đại Ngọc đều đã chết sớm cả rồi? Có lẽ người như Đại Ngọc chỉ có ở trong sách, và nàng xuất hiện ở đó để người ta cứ mãi mãi than tiếc về một cái đẹp đa đoan sớm nở tối tàn.

Còn dì Ba họ Vưu, khi còn nhỏ xem phim, tôi cũng chẳng hiểu chính xác nàng là ai. Về sau đọc sách, mới biết nàng cũng được miêu tả xinh đẹp chẳng khác gì Lâm Đại Ngọc, lại có tính cách quyết liệt. Nếu so về mức độ si tình, thì chắc cả Hồng Lâu Mộng không được có nhân vật nào được miêu tả được như nàng. Chỉ tiếc rằng nàng một mình trong sạch mà sống trong cái chốn dâm ô, cuối cùng thì bị coi rẻ, tới mức thất vọng, uất ức tự tử. Bởi vì nàng không phải nhân vật chính, cũng chẳng được miêu tả kỹ càng về tâm tư, tài năng, nên nhiều người chẳng nhớ gì tới nàng nữa. Tôi nghĩ, cho tới bây giờ, một người con gái vì người mình yêu không đáp lại mà tự sát vẫn còn bị coi là khờ dại, ngốc nghếch và chẳng mấy ai thông cảm thì không biết thời xưa đó, người ta sẽ nói gì về nàng.

Cả hai người con gái, Lâm Đại Ngọc và Vưu Tam Thư đều chết trong sự thất vọng của tình yêu, nhưng nếu được chọn, có lẽ tôi thích cách chết của Tam Thư hơn.

Sau khi tả cái chết của nàng Vưu, Tào Tuyết Cần tả luôn sự vô tình của Tiết Bảo Thoa trước chuyện đó. Tôi nghĩ tuyệt đại đa số đàn bà châu Á đều muốn được như nàng Tiết, vừa xinh đẹp, khỏe mạnh, mỡ màng hấp dẫn, lại sống có trước có sau, tốt bụng, giàu có, thông minh, hiểu biết, thi họa đủ cả, lại rộng lượng, bao dung… Nhưng rốt cục, nàng vẫn thua Đại Ngọc ở cái tâm tình nhạy cảm. Từ đầu tới cuối truyện, Bảo Thoa luôn được miêu tả tròn vẹn, khôn ngoan, nhưng cuối cùng người ta vẫn không thích nàng, đa phần là vì nàng cướp Bảo Ngọc của Đại Ngọc, và một phần ít là vì sự lãnh đạm này. Nhưng dù phẳng lặng làm vậy, số phận của Bảo Thoa cũng đâu có gì là vui?

Bây giờ, khi các nền văn hóa khác thay Trung Quốc tấn công Việt Nam, chẳng còn mấy ai trẻ tuổi mà đọc hay thích Hồng Lâu Mộng. Ngay đứa bé thích đọc sách như em gái tôi cũng chỉ đọc tới Hồng Lâu Mộng bản rút gọn. Người xem phim truyền hình Trung Quốc thì còn nhiều đấy, nhưng có lẽ các em trẻ trẻ cũng chẳng quan tâm tới Hồng Lâu Mộng là gì. Thứ sách vở lắm chữ này làm phiền chúng, câu chuyện nhỏ nhặt trong sách làm chúng rầu óc, kết thúc bi đát làm người ta chán.

Nhưng cũng chẳng có gì để nói, thời của cái đẹp như Lâm Đại Ngọc đã qua… Có thương tiếc cho cái đẹp như nàng mãi, thì nàng cũng đã chết rồi.

Có lẽ chỉ nên băn khoăn việc: Sau này ta chết, ai là người chôn?

Mà chính ra cả những việc ấy cũng chẳng cần băn khoăn mới phải.