So sánh các loại hình sân khấu dân gian năm 2024

(HNMCT) - Mặc dù luôn đau đáu với câu hỏi về đổi mới song những người trong ngành cũng phải thừa nhận rằng, đề tài hiện đại luôn là một thách thức với sân khấu truyền thống. Liệu các loại hình nghệ thuật kịch hát dân tộc có theo kịp "hơi thở thời đại"?

So sánh các loại hình sân khấu dân gian năm 2024

Vở "Những đứa con oan nghiệt" của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

PGS.TS Trần Trí Trắc: Chèo vẫn theo khuynh hướng hoài cổ

Trong văn học nghệ thuật không có “chủ nghĩa đề tài”, đó là sự thật. Đề tài nào cũng có những tác phẩm hay và nghệ sĩ tài năng. Nhưng, từ góc độ giá trị xã hội của tác phẩm thì đề tài hiện đại có phần nào được ưu ái và đề cao hơn. Vì, cái hiện đại - đương thời - hôm nay gắn bó với con người hiện tại nhiều hơn, mật thiết hơn. Do đó, không phải ngẫu nhiên, nó đã trở thành một yêu cầu hàng đầu trong sáng tạo: Phải có tính thời sự, tính đương thời với tinh thần "lấy xưa vì nay". Đây đã thành một trong các tiêu chí để đánh giá tầm vóc và giá trị của các đề tài trong sáng tạo nghệ thuật.

Nhưng rất tiếc, nhiều năm qua, kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện cho đến nay, nghệ thuật chèo Việt Nam phần lớn đứng ngoài đổi mới, nghiêng về sáng tạo theo khuynh hướng hoài cổ. Nghĩa là, các tác phẩm thường dựa vào đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại với tinh thần “ăn khách, thu vốn nhanh, chi phí ít” và xa rời cuộc sống đương thời, bỏ quên nhân vật trung tâm là con người trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế...

Nhiều nghệ sĩ cho rằng: Chèo phản ánh đề tài hiện đại rất khó và chỉ phù hợp với đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại mà thôi. Họ đã quên rằng những vở chèo cổ mẫu mực, kinh điển đều dựa theo đề tài đương thời của các nghệ sĩ sáng tạo ra chúng. Thiết nghĩ, nguyên nhân cơ bản, theo tôi là nhiều nghệ sĩ chúng ta còn chưa hiểu sâu sắc về sự chuyển hóa lớn của hiện thực đất nước đi từ chiến tranh sang hòa bình, từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế... Có nghĩa là, văn nghệ sĩ còn thiếu vốn sống thực tế về đề tài hiện đại, chưa nhận thức được đầy đủ về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam hôm nay trên trường quốc tế.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ: Cần hệ giải pháp đồng bộ

Văn học nghệ thuật (trong đó có nghệ thuật sân khấu) thời gian qua còn bộc lộ một số yếu kém, khuyết điểm như Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị đánh giá: “Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật...”; “... Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí...”. Đặc biệt là việc thiếu vắng những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn, tầm cỡ phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tôi xin đề cập một số giải pháp để sân khấu có nhiều tác phẩm sáng tác về đề tài hiện đại có chất lượng, đáp ứng được sự mong mỏi của khán giả. Một là, các cơ quan chức năng, các tác giả tăng cường tổ chức đi thực tế cơ sở để bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khán giả để sáng tác nhiều kịch bản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Hai là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại quy chế tổ chức các cuộc liên hoan nghệ thuật cũng như cách đánh giá chất lượng nghệ thuật, tránh hiện tượng "loạn chuẩn" và bệnh chạy theo thành tích. Cần ưu tiên, đề cao những tác phẩm sáng tác về đề tài hiện đại và tổ chức nhiều cuộc liên hoan sân khấu về đề tài hiện đại. Ba là, đẩy mạnh đầu tư cho đội ngũ lý luận phê bình, tạo sức sống mới cho văn học nghệ thuật phát triển. Tạp chí chuyên ngành cần tăng chế độ nhuận bút cho các tác phẩm lý luận phê bình. Tổ chức nhiều hội thảo khoa học để tránh tình trạng khen chê thiếu tính chuyên nghiệp. Bốn là, cần xây dựng kênh thông tin để giới thiệu văn học nghệ thuật cho mọi đối tượng xã hội. Năm là, tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài hiện đại. Với những kịch bản có chất lượng, được giải thưởng cao, các cơ quan chức năng nên tổ chức đấu thầu dàn dựng.

Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu: Sân khấu cải lương “lảng tránh” đề tài hiện đại

Có thể nhận thấy, đề tài hiện đại đang là “khoảng trống” trên sân khấu kịch hát nói chung và sân khấu cải lương nói riêng. Dẫu biết rằng, đề tài quá khứ cũng vô cùng quan trọng và các nghệ sĩ đều lồng vào chuyện xưa những vấn đề đương đại để phục vụ khán giả đương thời. Tuy nhiên, khán giả vẫn cần đến những vở diễn phản ánh trực tiếp cuộc sống của chính họ trên sân khấu và việc đi vào đề tài hiện đại cũng là cách để làm mới sân khấu kịch hát, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ đến với di sản văn hóa nghệ thuật của cha ông để lại. Chưa kể, bản chất của cải lương là thể loại “cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, coi đó như là một nhu cầu tự thân để tồn tại và phát triển.

Có bốn nguyên nhân cơ bản dẫn đến điều này, trong đó có việc những người làm sân khấu kịch hát nói chung và sân khấu cải lương nói riêng còn lúng túng trong việc sáng tạo các vở diễn đề tài hiện đại. Bởi lẽ sân khấu kịch hát vốn đã được định hình về phong cách thể loại (tĩnh), trong khi đó, cuộc sống đương đại luôn thay đổi từng ngày, từng giờ với muôn hình vạn trạng của hiện thực lẫn con người (động). Do đó, để đưa đề tài hiện đại vào sân khấu kịch hát nói chung và sân khấu cải lương nói riêng mà vẫn giữ được tinh hoa giá trị truyền thống của thể loại... là điều không đơn giản đối với những người làm nghề. Chính sự khó khăn đó đã khiến các đoàn nghệ thuật, các nhà hát nương vào đề tài lịch sử, dã sử, dân gian vì các đề tài này dễ “vào cải lương”, các nghệ sĩ khi ca, múa, diễn đỡ mất công tìm tòi, thử nghiệm. Thứ nữa là việc lựa chọn đề tài liên quan đến hợp đồng biểu diễn, doanh thu của các đơn vị biểu diễn. Đây cũng là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến sân khấu kịch hát nói chung và sân khấu cải lương nói riêng thiếu vắng đề tài hiện đại, bởi nguồn doanh thu đáng kể của nhiều đơn vị phải dựa vào các lễ hội và những vở diễn đề tài quá khứ lại phù hợp với không gian hội hè đình đám ở các địa phương.

Bên cạnh đó, trong công tác quản lý, chúng ta thiếu định hướng để các đơn vị lựa chọn đề tài hiện đại khi dựng vở theo dạng “đặt hàng”. Hiện nay, trong cơ chế “đặt hàng”, đa số Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các địa phương đều duyệt vở “đặt hàng” từ những kịch bản do các đoàn gửi lên, mà chưa có định hướng để thúc đẩy sự phát triển của sân khấu theo kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài.