Public enemies kẻ thù quốc gia đánh giá năm 2024

Đó là John Dillinger, chân dung của tên tội phạm số một của Mỹ trong thời kỳ Đại khủng hoảng cho tới khi hắn bị bắn hạ trước của rạp chiếu phim ở Chicago vào năm 1934.

(vì tui không phải là chuyên gia kinh tế nên những nhận định của tui về kinh tế thời kỳ Đại khủng hoảng vừa kể trên có thể sai be bét. Điều đó cũng không quan trọng vì ngay trong phim Public Enemies, bạn cũng không hề có một cảm giác nào về cuộc sống người dân Mỹ chịu những áp lực bởi khủng hoảng kinh tế, khác xa với câu chuyện của Cinderella Man của Russell Crowe đóng cách đây vài năm)

Public enemies kẻ thù quốc gia đánh giá năm 2024

Và đây là chân dung thật của John Dillinger. Kế bên là chân dung của Johnny Depp trong Public Enemies. Kế bên là chân dung của Clark Gable trong phim Manhattan Melodrama, bộ phim cuối cùng mà John Dillinger xem. Nếu bạn thắc mắc vì sao Johny Depp trog Public Enemies khi đánh cướp ngân hàng hành xử không khác gì những tay gangster trong các bộ phim kiểu xưa – với áo choàng tung bay phất phới, nón phớt phong lưu và súng dài cầm một tay oai hùng – thì câu trả lời nằm ở bức hình trên: John Dillinger có lẽ đã sống cuộc đời mình như một gangster trên màn bạc…

“Tôi cướp nhà băng” – John Dillinger đã nói như thế, giản dị, ngắn gọn và thẳng thắn, với người con gái anh để ý trong lần gặp đầu tiên trong một nhà hàng sang trọng ở Chicago. Khi họ gặp nhau lần thứ hai, đúng hơn là khi John tìm đến nơi Billie Frechette (Marion Cotillard) làm việc bởi cô bỗng biến mất trước cửa nhà hàng vào đêm hôm trước sau khi anh bảo cô chờ anh trước cửa, John thổ lộ nhiều hơn về mình khi Billie từ chối đi cùng anh. “Tôi không biết anh là ai”, cô nói, và khi John bảo “Tôi rất dễ mủi lòng với bóng chày, xe xịn, quần áo đẹp, phim ảnh… và em”, cô hoàn toàn bị cưa đổ. Cô gái nhỏ nhắn ấy cần có một người đàn ông để bảo vệ mình, và John Dillinger muốn được bảo vệ người yêu nhỏ bé để chứng tỏ mình là đấng trượng phu. Những cuộc đánh cướp nhà băng của John diễn ra đơn giản, hiệu quả, và dễ dàng. Ngay cả khi bị bắt, John cũng dễ dàng trốn thoát khỏi nhà tù được canh phòng cẩn mật nhất – chỉ với một khẩu súng gỗ! Michael Mann đã quay cảnh thoát ngục nổi tiếng của John Dillinger tại Crown Point, Indianna, nơi thật sự diễn ra vụ đào ngục nổi tiếng này. Đó có lẽ là một trong những đoạn phim tiêu biểu nhất của Public Enemies – mọi thứ dễ dàng với John Dillinger, nhưng người xem có lẽ vẫn bị cuốn theo trong một chừng mực nào đó, nín thở hồi hộp, bật cười vì sự mỉa mai dí dỏm, nhưng rồi nhanh chóng bàng quan với số phận của John… Bởi ngoài câu chuyện John Dillinger đánh cướp nhà băng một cách dễ dàng, bộ phim không còn gì để khai thác sâu hơn về số phận của người đàn ông này nữa.

Public enemies kẻ thù quốc gia đánh giá năm 2024

Michael Mann dường như loay hoay giữa việc tìm kiếm một chủ đề chính, một đường dây chính cho Public Enemies. Liệu bộ phim kể về cuộc đối đầu giữa tên tội phạm hàng đầu của nước Mỹ John Dillinger và tay nhân viên FBI xuất chúng nhất thời bấy giờ Melvin Purvis (Christian Bale, vẫn bộ mặt lầm lì không thay đổi của The Dark Knight với cái giọng ít khàn đục hơn một chút), hay về sự ra đời của FBI, lúc này chỉ mới ở thưở ban sơ không hề có được sự tín nhiệm từ chính phủ, hay về câu chuyện tình của John Dillinger và Billie Frechette? Tất cả mọi thứ đều có mặt, mỗi thứ một chút, nhưng không có phần nào có được độ sâu cần thiết. Người xem dễ dàng bị rơi ra khỏi mạch phim vì nhiều lý do, nhưng chính yếu bởi nhà làm phim không tạo ra những cảm xúc để nối kết người xem với nhân vật chính. Cuộc khủng hoảng kinh tế làm nền cho mọi hành động của John Dillinger hầu như không có mặt trong phim; huyền thoại về một ‘Robin Hood của thời đại’ chỉ loé lên trong một tích tắc khi John, trong tư thế thoải mái thư giãn gác tay lên một nhân viên công vụ áp giải mình, trả lời phỏng vấn báo chí như một ngôi sao của công chúng. Michael Mann cố gắng tạo nên một chân dung của kẻ cướp ngân hàng mà người xem có thể đồng cảm, chia sẻ và đứng về phía anh ta trong đoạn mở đầu phim khi John Dillinger không buông tay để cố níu giữ người đồng sự già bị thường và bị lôi theo chiếc xe đang chạy trốn khỏi nhà tù. Máy quay đặt ngay bên cạnh Johnny Depp, quay thẳng xuống khuôn mặt người đàn ông, và máy quay đặt ngược từ dưới lên để thấy khuôn mặt của John Dillinger đang gắng gượng, phía sau là trời xanh đè xuống người anh. John Dillinger, một kẻ cướp ‘chánh nghĩa’, một kẻ cướp ‘trung thành với đàn em’, một kẻ quyết không bỏ rơi ai lại phía sau – như mọi phim về những tên cướp ‘đại nghĩa’ mà chúng ta đều biết. John Dillinger trong Public Enemies còn là một kẻ nổi loạn chán ghét hệ thống xã hội đầy ràng buộc – nhà tù giam hãm người, nhà băng giam hãm tiền, và bọn cảnh sát ngán đường. John Dillinger còn là một kẻ cướp đào hoa, lịch lãm, thích ăn mặc đẹp, ăn uống nơi sang trọng, và thưởng thức phim ảnh. Thú vui mê phim ảnh của John đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời John, ít ra có đến hai khoảnh khắc quan trọng trong đời John đều liên quan đến rạp chiếu bóng: lần đầu John thấy tin lệnh truy nã chính mình khi anh ở trong rạp, và khi anh đi xem bộ phim gangster Manhattan Melodrama và kết thúc cuộc đời của mình ở đó. Johnny Depp gần như không diễn. Depp ‘mô tả’ lại John Dillinger, ngay cả cách ăn nói, cách đi lại. Khi Johnny Depp được thấy chiếc vali thật của Dillinger từng bỏ lại trong một cuộc bỏ chạy, anh sướng như trẻ được quà! Johnny Depp được đặc cách cho nghiên cứu những vật dụng của Dillinger, từ chiếc áo được xếp ngay ngắn đến chiếc hộp đựng vật dụng cá nhân của Dillinger. Johnny Depp thể hiện xuất thần John Dillinger ở khoảnh khắc anh bước vào sở cảnh sát Chicago, vào văn phòng của chuyên án Dillinger để ngắm nhìn những hồ sơ điều tra về mình. Có lẽ đó là một trong những khoảnh khắc đắt giá và mang đậm dấu ấn của Michael Mann – như khoảnh khắc Robert de Niro và Al Pacino ngồi uống café trong Heat. Nói tới khoảnh khắc đối đầu giữa trùm tội phạm và trùm cảnh sát, tui đã mong đợi một khoảnh khắc tương tự trong Public Enemies giữa Johnny Depp và Christian Bale, tiếc thay khoảnh khắc ấy lại không có sức nặng như từng có trong Heat. Cũng không thể so sánh, bởi bối cảnh của Public Enemies khác hẳn với Heat. Cuộc đụng độ mặt chạm mặt duy nhất của hai đối thủ gờm nhau diễn ra trong nhà tù và bị ngăn bởi song sắt nhà giam. Điều đáng nói chính là diễn xuất lép vế của Christian Bale, hay bởi kịch bản đã làm giảm sức nặng của nhân vật Melvin Purvis của Christian Bale, đã khiến cho cán cân hoàn toàn nghiên về John Dillinger, kẻ bị giam cầm nhưng phong thái đủng đỉnh và tự do hơn kẻ bắt giữ mình.

Public enemies kẻ thù quốc gia đánh giá năm 2024

Vì John Dillinger là ‘ngôi sao’ nên Melvin Purvis của Christian Bale bị giảm sức nặng đáng kể. Melvin, ‘ngôi sao’ của FBI lúc bấy giờ, cũng ăn mặc lịch lãm không thua kém John Dillinger, đi xe xịn (Pierce-Arrow), và có tài xế chở đi làm mỗi ngày. Mở đầu phim, Melvin được giới thiệu đầy hứa hẹn. Phong thái ung dung khi truy bắt một tên tội phạm đang bỏ trốn – chú này lúc xem không thể nhớ ra là ai vì nhìn quen quá mà cũng lạ quá, về nhà xem lại mới biết là Channing Tatum – hứa hẹn đây là một nhân vật thú vị. Thế nhưng, cũng như hầu hết các nhân vật khác trong phim, Melvin Purvis được khắc hoạ khá hời hợt, nông cạn, một chiều, đơn thuần là một tay cảnh sát chỉ có một mục đích duy nhất trong đời: triệt hạ bọn tội phạm. Tương tự là giám đốc FBI Hoover do Billy Crudup – một diễ viên giỏi được đóng một vai không được đào sâu về tính cách. Cả diễn xuất của Johnny Depp, Christian Bale và cả ngôi sao Pháp từng đoạt Oscar Marion Cotillard cũng không biến Public Enemies thành một phim xuất sắc. Ý tưởng kịch bản của bộ phim do Michael Mann ấp ủ từ những năm 70. Michael Mann cùng hai đồng sự khác chuyển thể kịch bản Public Enemies dựa theo cuốn sách tư liệu của Bryan Burrough, Public Enemies: America’s Greatest Crime Wave and the Birth of the FBI, 1933–34 (Những kẻ thù công chúng: làn sóng tội phạm nguy hiểm nhất nước Mỹ và sự ra đời của FBI, 1933 – 34). Bryan sau khi xem Public Enemies thì kết luận “Dù không đúng với lịch sử 100% nhưng đây có lẽ là nỗ lực tối đa mà một phim Hollywood có thể đạt đến”. Đoạn kết của phim có lẽ là một trong những thêm thắt ‘điện ảnh’ nhất của bộ phim – dù không phải là một sáng tạo mới lạ. Theo lịch sử ghi chép, John Dillinger đã bị bắn chết và không một lời trăn trối. Với điện ảnh, nhất là một phim về chuyện tình yêu giữa John và Billie, điều đó đương nhiên được chỉnh sửa lại. May mắn thay, nó giúp cho cuộc đối thoại cuối phim là một trong những cảnh phim thú vị nhất trong bộ phim này.

Public enemies kẻ thù quốc gia đánh giá năm 2024

Để tạo nên cảm giác ‘chân thật’ cho bộ phim, Michael Mann và quay phim Dante Spinotti đã quyết định chọn lựa phong cách quay máy cầm tay kiểu phim tài liệu với chất liệu phim kỹ thuật số. Rất tiếc, ngay cả khi Johnny Depp rất xuất sắc trong vai John Dillinger, người xem cũng khó có cảm giác đây là một phim tài liệu bởi họ nhìn thấy Johnny Depp, Christian Bale và Marion Cotilard hơn là những con người thật. (Đó là lý do mà The hurt locker, bộ phim vừa ra tại thị trường Bắc Mỹ hồi tuần trước, đã hoàn toàn chinh phục ban giám khảo ở LHP Venice và khiến tui nhiều lần nghĩ thầm đây là một phim tài liệu chứ không phải phim truyện bởi không biết nam diễn viên chính là ai. Sẽ review phim này sau). Không như Benjamin Button hay Slumdog Millionaire được đánh sáng xuất sắc đến mức khó lòng nhận ra hai bộ phim này cũng được quay bằng máy kỹ thuật số, hình ảnh của Public Enemies sắc nét theo kiểu phim kỹ thuật số với những khoảng trắng bị blow-out như kiểu phim sinh viên còn lơ mơ không biết ứng dụng công nghệ mới này. Các động tác máy không dứt khoát cộng thêm nhiều cú máy cận tạo nên sự khó chịu, khiến người xem như tui trở thành kẻ đứng ngoài theo dõi câu chuyện hơn bị cuốn theo câu chuyện. Mặc cho New York Times ca ngợi phong cách hình ảnh của bộ phim, với tui, quay phim của Public Enemies là một thất bại nặng nề. Không kém phần thất vọng là phần dựng âm nhạc, với nhiều đoạn nhạc được vào và ra ngẫu nhiên và đột ngột.

Public enemies kẻ thù quốc gia đánh giá năm 2024

Có thể vì tui không may mắn xem phim này trong một cái rạp hoành tráng hơn nên cảm giác thưởng ngoạn không như mong đợi, cũng có thể vì tui đã kỳ vọng quá cao vào bộ phim này nên cảm giác thưởng ngoạn cũng không như mong đợi, cũng như dẫu có vài khoảnh khắc hài hước thú vị (chẳng hạn như khi John Dillinger xem đoạn phim truy nã mình, khi John bị bắt giam ở Indiana, khi Billie mỉa mai tay cảnh sát Chicago đã để vuột cơ hội bắt John, khi John bước vào văn phòng ban chuyên án Dillinger), vài khoảnh khắc hồi hộp, gay cấn (như khi John trốn ngục, cuộc đụng độ ở Little Bohemian, hay cảnh cuối cùng của bộ phim), nhưng Public Enemies thật sự khiến tui hoàn toàn thất vọng và rời khỏi phòng chiếu ra về với câu hỏi ‘mình vừa xem cái gì?’