Nguyên tắc khoa học trong truyền thông - giáo dục sức khỏe

Các nguyên tắc TT GDSK

Các nguyên tắc truyền thông GDSK

I. Nguyên tắc tính khoa học:

Là xác định các nội dung GDSK, lựa chọn phương tiện, phương pháp một cách khoa học, làm cho các nội dung này phù hợp với từng đối tượng giáo dục, từng cộng đồng. Nguyên tắc tính khoa học được thể hiện trong việc xác định nội dung GDSK dựa trên cơ sở điều tra nghiên cứu toàn diện về xã hội, tâm lý, dịch tể, kinh tế chính trị của mỗi cộng đồng để xác định và lựa chọn vấn đề ưu tiên cần giáo dục. Những nội dung GDSK cũng phải thực sự khoa học, đã được chứng minh bằng khoa học và thực tiễn. Trong khi tiến hành GDSK không nên đưa những nội dung mà các nhà khoa học còn đang bàn cãi, chưa rõ ràng, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Nguyên tắc tính khoa học được thể hiện trong việc lựa chọn những phương pháp, hình thức, phương tiện giáo dục sức khỏe khoa học, hiện đại song phải phù hợp với từng đối tượng, từng cộng đồng, từng giai đoạn, và từng hoàn cảnh kinh tế - xã hội nhất định.

II. Nguyên tắc tính đại chúng:

GDSK không những được tiến hành cho mọi người và vì lợi ích của mọi người trong cộng đồng xã hội, mà còn được mọi người tham gia thực hiện. Mọi người vừa là đối tượng của GDSK vừa là người tiến hành GDSK. Đối tượng của GDSK rất đa dạng, không thể cùng một lúc chúng ta có thể làm thay đổi hành vi sức khỏe của tất cả mọi người với mọi vấn đề về sức khỏe. Việc nghiên cứu đối tượng trong một đợt hoặc một nội dung là việc làm hết sức quan trọng cho phép chúng ta đạt được mục tiêu và hiệu quả của GDSK. Khi nghiên cứu đối tượng GDSK chúng ta cần chú ý những đặc điểm văn hóa, địa lý, xã hội, kinh tế, tôn giáo, trình độ học vấn và yếu tố dân tộc. Nội dung, phương pháp, phương tiện giáo dục phải mang tính phổ cập phù hợp với từng loại đối tượng.

III. Nguyên tắc tính trực quan:

Sử dụng các phương tiện trực quan trong GDSK sẽ gây được ấn tượng mạnh với đối tượng giáo dục làm cho đối tượng dễ tập trung và dễ nhớ. Để gây được ấn tượng sâu sắc cho mọi người, nội dung GDSK phải được minh họa hết sức cụ thể bằng những hình tượng sinh động, các phương tiện trực quan cần sử dụng trong GDSK là các tranh ảnh, mô hình, vật thật… Sử dụng phương tiện trực quan phải nhằm tạo thuận lợi cho đối tượng suy nghĩ và hành động để đạt được những mục tiêu đã định. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng bất cứ nội dung gì cũng phải có phương tiện trực quan. Bản thân người cán bộ y tế và cơ sở y tế với toàn bộ những hoạt động của mình phải là những mẫu hình trực quan sinh động có tác dụng giáo dục mạnh mẽ nhất đối với nhân dân. Tấm gương người cán bộ y tế và cơ sở y tế thông qua các hoạt động có thể phản chiếu thành hai mặt tích cực và tiêu cực cho sự hình thành hay thay đổi hành vi sức khỏe nhân dân.

IV. Nguyên tắc tính thực tiễn:

Mỗi lý luận khoa học về GDSK đều phải góp phần tích cực giải quyết được các vấn đề sức khỏe một cách thiết thực, mang lại hiệu quả một cách cụ thể thì mới có sức thuyết phục cao.

V. Nguyên tắc lồng ghép:

Lồng ghép trong GDSK là nhằm phát huy mọi nguồn lực sẵn có để đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình GDSK, tránh được những trùng lắp không cần thiết hoặc bỏ sót công việc, tiết kiệm nguồn lực, tránh lãng phí và nâng cao chất lượng công tác GDSK. Lồng ghép trong GDSK là sự phối hợp các mặt hoạt động trong quá trình GDSK. Phối hợp một số hoạt động của các chương trình GDSK có tính chất giống nhau hoặc có liên quan mật thiết với nhau nhằm tạo điều kiện hỗ trợ và tăng cường lẫn nhau để đạt hiệu quả chung tốt hơn. Phối hợp các hoạt động của GDSK với các lĩnh vực hoạt động khác của ngành y tế và các ngành khác, các giới, các đoàn thể nhân dân thành một quá trình chung nhằm tạo được những hành vi sức khỏe lành mạnh, từ bỏ được hành vi sức khỏe lạc hậu, có hại cho sức khỏe của mọi người.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 28/03/2020


Page 2

Nghiên cứu cắt ngang

Định nghĩa của nghiên cứu cắt ngang, ưu và nhược điểm của nghiên cứu cắt ngang

Là nghiên cứu trong đó tình trạng mắc bệnh và tiếp xúc được đánh giá đồng thời ở 1 dân số và ở tại 1 thời điểm xác định. Toàn bộ dân số (1 xí nghiệp, 1 nhà máy, 1 thành phố, hay 1 đơn vị địa dư) hay 1 mẫu của dân số được đánh giá có hay không có hiện diện của yếu tố tiếp xúc và đồng thời người ta cũng xác định có hay không có sự hiện diện của vấn đề sức khoẻ bệnh tật.

Trong dịch tể học từ dân số không chỉ mang ý nghĩa là toàn bộ người sống trong 1 vùng địa dư nhất định, mà nó mang ý nghĩa là những nhóm người xác định theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau như là: trẻ em trong trường, công nhân trong xí nghiệp, nhà máy, những người hút thuốc, những người có dùng thuốc ngừa thai uống… trong các khảo sát thực địa, thường gặp thuận lợi khi sử dụng dân số được xác định bởi biên giới hành chánh như: làng, huyện, tỉnh…

Sau đây là sơ đồ của nghiên cứu cắt ngang

- Nghiên cứu cắt ngang chỉ ra mức độ phổ biến của 1 vấn đề sức khoẻ đặc biệt trong dân số nghiên cứu.

- Nó giúp xác định cho mối liên hệ giữa các vấn đề sức khoẻ và 1 số yếu  tố trong các điều kiện thích hợp.

- Nghiên cứu cắt ngang có thể gợi ý cho sự tương quan giữa tiếp xúc và bệnh tật.

- Nghiên cứu cắt ngang cung cấp thông tin cho các quyết định hành chánh đối với vấn đề tiếp xúc, cũng như những người bị ảnh hưởng của tiếp xúc trong dân số ở 1 thời điểm nào đó.

Ưu và nhược điểm của nghiên cứu cắt ngang:

- Cung cấp kết quả nhanh chóng và dễ thực hiện, chi phí không cao.

- Cung cấp các chứng cứ chứng minh có sự kết hợp giữa các yếu tố quan tâm và bệnh. Đặc biệt đối với các đặc tính tiếp xúc có tính chất liên tục như màu da, màu sắc, giới tính thì nghiên cứu cắt ngang được xem như là nghiên cứu phân tích.

2. Nhược điểm:

- Chỉ có các ca đang mắc hay những người sống sót được điều tra khảo sát (do người sống sót được chọn lọc)

- Trong nhiều trường hợp, người ta không thể rút ra mối liên hệ nhân quả vì trình tự thời gian không xác định chắc chắn.

- Không phù hợp khi áp dụng cho các bệnh hiếm hay tiếp xúc hiếm được vì đòi hỏi cỡ mẫu hay dân số lớn nên tốn kém.

- Vì tiếp xúc và bệnh tật được đo lường cùng 1 lúc nên có thể không xác định được sự tương quan giữa tiếp xúc và bệnh tật là do hậu quả của sự tiếp xúc hay là do hậu quả của bệnh

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 28/03/2020


Page 3

Khái niệm về hành vi và hành vi sức khoẻ

Trình bày khái niệm về hành vi và hành vi sức khỏe

I. Hành vi của con người:

Mỗi cá nhân đều sống trong một tập thể xã hội và có quan hệ với những người xung quanh trong những mối tác động qua lại nhất định. Sự tác động qua lại giữa người này với người khác, hay giữa con người với các sự việc, hoàn cảnh xung quanh được thể hiện bởi một hành động đơn lẻ hay các hành động phối hợp được gọi là hành vi. Như vậy hành vi của con người được hiểu là một hành động hay nhiều hành động phức tạp trước một sự việc, hiện tượng mà các hành động này lại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, chủ quan và khách quan. Có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến hành vi của một người như trình độ văn hóa, phong tục tập quán cộng đồng, kinh tế xã hội, chính trị, luật pháp, nguồn lực, kỹ năng, phương tiện kỹ năng, thông tin… Mỗi hành vi của một người là biểu hiện của các yếu tố cấu thành nên nó, đó là kiến thức, niềm tin, thái độ, cách thực hành (hay kỹ năng) của người đó trong một hoàn cảnh hay tình huống cụ thể nào đó. Một hành vi có thể thấy ở một cá nhân, cũng có thể thấy trong thực hành của một nhóm cá nhân hay cả một cộng đồng. Hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài có thể trở thành thói quen.

Hành vi sức khỏe là những hành vi của con người có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến sức khỏe của chính bản thân họ, của những người xung quanh và của cộng đồng. Theo ảnh hưởng của hành vi đến sức khỏe, chúng ta có thể thấy ba loại hành vi sức khỏe.

Những hành vi có lợi cho sức khỏe: Đó là các hành vi lành mạnh được người dân thực hành để phòng chống bệnh tật, tai nạn, bảo vệ và nâng cao sức khỏe hay các hành động mà một người thực hiện để làm cho họ và những người khác khỏe mạnh và phòng các bệnh tật, ví dụ như khám thai định kỳ, tiêm chủng cho trẻ, tập thể dục, dinh dưỡng hợp lý, nuôi con bằng sữa mẹ, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, thực hành vệ sinh môi trường, giảm các hành vi làm tổn hại sức khỏe như: hút thuốc lá, nuôi con bằng sữa chai, uống rượu quá nhiều…

Những hành vi có hại cho sức khỏe: Là các hành vi có nguy cơ hoặc có tác động xấu đến sức khỏe do một cá nhân, một nhóm người hay có thể cả một cộng đồng thực hành. Một số hành vi có hại cho sức khỏe do cá nhân và cộng đồng thực hành đã lâu và có thể trở thành những thói quen, phong tục tập quán gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người. Ví dụ như sử dụng phân tươi bón ruộng, không ăn chín uống chín, hút thuốc lá, lạm dụng và nghiện rượu, quan hệ tình dục bừa bãi thiếu bảo vệ,…

Hành vi trung gian: là các hành vi không có lợi và cũng không có hại cho sức khỏe. Ví dụ một số bà mẹ đeo vòng bạc (hay vòng hạt cây) cho trẻ em để tránh gió, tránh bệnh. Với các loại hành vi trung gian này thì không cần phải tác động để loại bỏ, đôi khi cần chú ý khai thác những khía cạnh có lợi của các hành vi này đối với sức khỏe, ví dụ như hướng dẫn các bà mẹ theo dõi độ chặt, lỏng của vòng cổ tay, cổ chân của trẻ để đánh giá tình trạng tăng trưởng của trẻ.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 28/03/2020


Page 4

Biến dạng cột sống xảy ra do trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, cột sống có những hình dạng thay đổi khác với các đường cong sinh lý bình thường và có khả năng ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể. Đây là chứng bệnh khá phổ biến, có thể đeo đẳng suốt cả đời người. Nếu nhẹ, có thể sẽ khiến ngoại hình mất cân đối, kém thẩm mỹ, hạn chế phần nào khả năng lao động. Trong trường hợp nặng, lồng ngực BN sẽ bị lép do xương sườn xẹp, dung tích phổi giảm gây hạn chế sức thở và giảm tuổi thọ. Các nguyên nhân thường gặp có thể gây biến dạng cột sống ở trẻ em là:

1. Do bàn ghế thiếu, hay không phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh trường học: bàn ghế quá thấp, hoặc bàn quá cao mà ghế lại quá thấp, hay bàn thấp mà ghế lại quá cao, hoặc bàn ghế chật hẹp làm cho trẻ bị gò bó, ngồi xiêu vẹo…

2. Ánh sáng trong lớp học không đầy đủ, học sinh phải ngồi xoay vở ra phía có nhiều ánh sáng để học, để viết.

3. Do học sinh có tư thế ngồi học xấu, không điều chỉnh, uốn nắn kịp thời. ví dụ như: ngồi vẹo đầu, vặn người, tì ngực vào bàn, hay ngồi xổm để học…

4. Xách hay đeo cặp thuận 1 bên quá nặng, kéo dài lâu ngày…

5. Do trẻ phải lao động chân tay quá sớm hoặc phải ngồi làm nghề thủ công ở tư thế gò bó trong thời gian dài, gánh vác, đội, cõng hoặc bế nách em nhỏ…

6. Do bệnh tật, tai nạn, còi xương, suy dinh dưỡng…

1. Vẹo cột sống (Scoliosis)

Đây là loại biến dạng cột sống thường gặp nhất. Khi đó, đoạn cột sống ngực cong sang 1 bên, thường cong sang bên phải (bên thuận), do trẻ ngồi học không thẳng mà nghiêng sang 1 bên thường xuyên, tật này đáng lẽ chỉ gặp ở những người nhạc sĩ kéo đàn Violon, dân chày kéo lưới, người chèo thuyền đò… Khi BN đứng thẳng, quan sát từ phía sau thường gặp 4 dạng sau: hình chữ C thuận, hình chữ C ngược, hình chữ S thuận, hình chữ S ngược. Tình trạng cong vẹo cột sống có thể ít hay nhiều, từ đó dẫn tới các dị tật ở mức độ khác nhau, thông thường được phân làm 3 loại:

- Vẹo độ 1: khi đứng thẳng thì có xoáy vặn cột sống nhưng hình thể vẹo không thấy rõ ràng, khó phát hiện bằng mắt thường, nói chung chưa ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.

- Vẹo độ 2: khi đứng thẳng, nhìn sau lưng cũng đã thấy được hình dáng cong vẹo cột sống, thấy được ụ ngồi sườn do đốt sống bị xoáy vặn, bắt đầu có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.

- Vẹo độ 3: nhìn thấy rõ tư thế lệch, cột sống bị cong ảnh hưởng rõ tới quá trình hô hấp, có thể biến dạng khung chậu, ở nữ việc sinh con bị trở ngại.

Ở các trường hợp nặng, bắp thịt bị kéo căng và có hiện tượng đau, xương ngực có thể bị biến dạng, tim phổi xê dịch vị trí, chiều dài của lưng bị ngắn lại. Xương chậu cũng có thể bị xoay lệch, các cơ quan trong ổ bụng cũng có thể dịch vị trí.

2. Gù lưng (cyphosis):

Sự thay  đổi cấu trúc cột sống thể hiện ở chỗ đoạn cột sống ngực quá cong lồi ra phía trước, tật này hay gặp ở trẻ em ngồi học lâu thường xuyên, đầu cúi sát mặt bàn, tì ngực vào bàn hoặc thường xuyên gánh gồng, mang vác nặng quá sức, tật đáng lẽ chỉ gặp ở người già. Khi trẻ đứng thẳng, nhìn từ bên hông sẽ thấy đường cong cột sống lưng nhô lên quá cao khiến thân hình ngắn lại.

3. Ưỡn lưng (lordosis):

Đây là loại biến dạng cột sống ít gặp, đoạn cột sống thắt lưng quá ưỡn ra trước, tật này có thể gặp ở những trẻ ngồi ưỡn bụng, hay ở những bé gái mang giầy – guốc quá cao gót làm cho cột sống thắt lưng bẻ gập vào đoạn cột sống cùn cụt đẩy mông ra sau rõ hơn. Khi trẻ đứng thẳng, quan sát từ bên hông thấy vòng cong thắt lưng ưỡn ra phía trước, làm ngực nhô lên, hai vai so lại, mặt có xu hướng ngữa lên.

Đăng bởi: ycantho - Ngày đăng: 28/03/2020