Nguyên nhân Nhà nước ta khuyến khích ngư dân phát triển đánh bắt xa bờ trên biển Đông

Theo Tổng cục Thủy sản, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 2 trở đi, số lượng tàu thuyền “nằm bờ” ngày càng nhiều, tình trạng ngừng ra khơi đánh bắt hải sản đã rất đáng báo động.

GIÁ XĂNG DẦU QUÁ CAO, NGƯ DÂN THUA LỖ

Tại Kiên Giang, theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh này, toàn tỉnh có gần 4.000 tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên. Trong đó, có khoảng 900 tàu cá đã nằm bờ, không ra khơi đánh bắt từ giữa tháng 2/2022 đến nay.

Nguyên nhân do giá xăng dầu tăng cao, sản lượng đánh bắt giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí ra khơi. Sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh Kiên Giang trong 2 tháng đầu năm giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Thủy sản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại chia sẻ những khó khăn với ngư dân trong tình hình dịch bệnh khó khăn cũng như giá xăng dầu tăng cao, các ngân hàng thực hiện các giải pháp hỗ trợ trong vay vốn. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng sớm thực hiện việc mở rộng, khoanh nợ, giãn nợ cho tất cả các chủ tàu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định về 7 nhóm đối tượng được hưởng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ do nguyên nhân khách quan.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá chia sẻ, giá xăng dầu tăng cao mà nhiên liệu lại chiếm đến 70% tổng chi phí chuyến đi. Các doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải biển cũng neo cầm chừng chịu đồng cảnh khó như ngư dân. Phần lớn chủ tàu đều đã thế chấp tài sản nhà cửa cho ngân hàng nên tình trạng này kéo dài họ có nguy cơ mất nhà, mất tàu.

Tại tỉnh Thanh Hóa, trên các bến bãi, cảnh cá ở Ngư Lộc, Hòa Lộc thuộc huyện Hậu Lộc, hiện cũng xảy ra tình trạng tương tự, tàu bè cũng neo đậu "im lìm" trên bến.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Hòa Lộc, cho biết mỗi chuyến ra khơi mất thêm hàng chục triệu đồng (tùy công suất từng tàu). Số tiền bán hải sản đánh bắt được không đủ mua nhiên liệu là lý do nhiều tàu phải nằm bờ. Hiện vào những ngày thời tiết đẹp, số lượng tàu ra khơi đánh bắt chỉ chiếm khoảng 50% số lượng tàu đăng ký ở cảng Hòa Lộc.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND tỉnh Thanh Hóa vào chiều 21/3/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, cho biết địa phương này hiện có 1.128/1.135 tàu cá đã kích hoạt thiết bị giám sát hành trình (99,4%).

Trong năm 2021, toàn tỉnh có 1.897 lượt tàu rời cảng, 1.339 lượt tàu cập cảng, thu 1.090 nhật ký khai thác thủy sản đạt 81,4% số tàu cập cảng. Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiên quyết không cho các tàu cá hoạt động trên biển khi không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục giấy tờ theo quy định.

Hiện nay, nhiều hạng mục công trình tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ở tỉnh Thanh Hóa đã xuống cấp, luồng lạch vào cảng, khu neo đậu bị bồi lắng, chưa đáp ứng được yêu cầu neo đậu, bốc dỡ sản phẩm.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, Thanh Hóa cũng đang lên lộ trình thực hiện nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Hới, Lạch Bạng để đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I và theo khuyến nghị của EC.

Thanh Hóa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ phê duyệt dự án “Thực phẩm nông nghiệp an toàn Việt Nam” sử dụng vốn vay WB giai đoạn 2022 - 2027 để các đơn vị triển khai thực hiện; xem xét bổ sung Cảng Nghi Sơn vào danh sách Cửa khẩu cảng biển tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam..

HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ CHO NGƯ DÂN

Làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa vào chiều 21/3, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Thanh Hóa xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao để nhân rộng; đề nghị tỉnh Thanh Hóa xây dựng đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân làm cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bố trí vốn.

Theo Tổng cục Thủy sản, chuyển đổi nghề cho ngư dân, hướng tới khai thác hiệu quả bền vững là vấn đề các ngành chức năng luôn nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Việc khai thác quá mức, đánh bắt tất cả các loại hải sản từ lớn đến nhỏ làm cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của ngư dân.

Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản bị đe dọa, những năm gần đây, các cơ quan chức năng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi nghề cho ngư dân, theo hai hướng chính.

Một là, hỗ trợ khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ. Bên cạnh đó, tập trung rà soát lại số phương tiện đang hành nghề, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân xây dựng mô hình quản lý ven bờ.

"Thời điểm hiện nay, khi giá xăng dầu tăng quá cao, đông đảo ngư dân lâm vào cảnh thua lỗ, phải ngừng hoạt động, thì việc chuyển đổi nghề cho ngư dân càng trở nên cấp bách".

Tổng cục Thủy sản

Hai là, tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề. Một trong những hướng chính là hỗ trợ đầu tư vào nuôi trồng hải sản. Chủ trương của ngành thủy sản là thúc đẩy nuôi trồng hải sản nhằm tăng lượng hải sản phục vụ chế biến xuất khẩu, đồng thời giảm đánh bắt hải sản. 

Tuy vậy, số lượng ngư dân đã chuyển đổi nghề đến thời điểm này vẫn rất chậm so với mục tiêu. Theo các chủ tàu hành nghề khai thác ven bờ cho biết, nếu chuyển đổi tàu sang đánh bắt xa bờ, chi phí cải hoán vỏ tàu hoặc đóng mới, chi phí ngư cụ cũng phải mất hàng tỷ đồng. Chưa kể đến việc chuyển đổi tập quán đánh bắt thì ngư dân phải có thời gian học hỏi, làm quen với cách thức đánh bắt mới.

Đặc biệt, hầu hết ngư dân khai thác thủy sản ven bờ có kinh tế tích lũy thấp nên gặp nhiều hạn chế trước các cơ hội chuyển đổi ngành nghề sang các lĩnh vực khác như: kinh doanh, sản xuất công nghiệp...

Trước tình hình cấp bách hiện nay, để đạt hiệu quả cao trong chương trình chuyển đổi nghề cho ngư dân, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương ven biển cần xây dựng lộ trình thời gian với sự hỗ trợ của Nhà nước và các ban, ngành chức năng trong việc tạo nguồn vốn để những ngư dân khai thác thủy sản gần bờ có điều kiện, động lực chuyển đổi nghề.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân một cách hiệu quả hơn và thiết thực hơn. Các địa phương cần ưu tiên giao mặt nước không thu tiền sử dụng mặt nước cho người dân chuyển từ nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề nuôi trồng thủy sản.

Dù trên biển Đông đang bất ổn do hành động ngang ngược của Trung Quốc, nhưng ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn kiên cường ra khơi bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải quốc gia. Ngư dân không quản ngại khó khăn, vì thế các cơ quan chức năng cần có hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả đánh bắt, tăng thu nhập cho ngư dân.

Theo kinh nghiệm của các làng biển, ngày 17 hoặc 19 âm lịch hàng tháng là ngày mở biển của ngư dân. Do đó, cuối tuần vừa qua, đồng loạt các tàu cá của ngư dân miền Trung đã bắt đầu một chuyến biển mới. Ở lần mở biển này, giống như truyền thống lâu nay, ngư dân tại Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, tiếp tục gắn kết với nhau theo các tổ, đội sản xuất trên biển. Cùng trong một làng biển, cùng trong một dòng họ, các tàu cá gắn kết với nhau theo từng tổ gồm 5-10 tàu cá, hỗ trợ nhau trong việc tìm luồng cá và hỗ trợ nhau ứng phó với những rủi ro trên biển. Chuyến đi biển mới này như một tiếng nói của ngư dân với đồng bào cả nước khẳng định chủ quyền biển, đảo của nước ta. 

Quyết tâm bám biển của ngư dân đã được các cơ quan chức năng và xã hội ghi nhận. Nhưng có lẽ chúng ta không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận quyết tâm này, mà hãy nghĩ đến các giải pháp để ngư dân có thể yên tâm ra khơi, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo. Trong đó, nhân tố quan trọng là phải phát triển đội đánh bắt xa bờ chuyên nghiệp, hiện đại và có hiệu quả cao nhất. Thực tế, số lượng tàu khai thác hải sản chủ yếu là cỡ nhỏ, chiếm 84% trong tổng số khoảng 130.000 tàu đánh bắt trên cả nước. Hầu hết các tàu đánh cá đều được đóng bằng gỗ, sử dụng máy tàu cũ (80%). Tàu đánh cá chỉ có hầm chứa nước đá, muối chưa đạt tiêu chuẩn cách nhiệt, chưa có hệ thống bảo quản lạnh hiện đại nên chất lượng sản phẩm sau thu hoạch bị giảm sút, gây lãng phí. Nghề khai thác hải sản nước ta mang nặng tính chất nghề cá quy mô nhỏ, rất dễ bị tổn thương khi gặp thiên tai và nhân tai trên biển.

Do chất lượng sản phẩm sau thu hoạch thường bị giảm sút, nên hiện hải sản đánh bắt được chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong nước và sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm đóng hộp xuất khẩu. Còn nhớ, lãnh đạo tỉnh Bình Định từng mang 4 con cá ngừ tốt nhất sang chào bán tại thị trường Nhật Bản để làm các món ăn đòi hỏi khắt khe về chất lượng thịt cá và là nơi có giá thu mua nguyên liệu cao. Tuy nhiên, 3 con cá bị loại, con còn lại chỉ khai thác được 50% lượng thịt. Chất lượng sản phẩm sau thu hoạch thấp, khiến giá thu mua hải sản còn thấp. Chưa kể, việc đánh bắt các loại hải sản thường theo mùa, nên ngư dân rất dễ rơi vào cảnh bị thương lái ép giá khi vào chính vụ.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng các chính sách để phát triển hiệu quả đội tàu đánh bắt xa bờ; có chính sách hỗ trợ để ngư dân có thêm kinh phí cho mua sắm tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đủ sức chống chọi với thiên tai, địch họa thay vì phải chấp nhận mọi rủi ro trong quá trình đánh bắt như hiện nay. Hơn nữa, khi tiềm lực được củng cố, ngư dân có khả năng bám biển dài ngày hơn, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Cụ thể, phải tổ chức các mô hình khai thác gắn với dịch vụ trên biển; hỗ trợ ngư dân thành lập tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm ngay trên biển cho các tàu khai thác xa bờ, khai thác viễn dương. Bên cạnh đó, tăng mức đầu tư ngân sách Nhà nước vào các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng hạ tầng nghề cá, đào tạo nghề, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, dịch vụ hậu cần trên biển đảo; hỗ trợ về lãi suất để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển khai thác thủy sản xa bờ...

Ngoài ra, ngư dân là lực lượng hàng ngày bám biển sản xuất (với khoảng 10.000 tàu thuyền) nên cần được trang bị tiềm lực đủ mạnh để tự bảo vệ chính mình, góp phần bảo đảm an ninh, chủ quyền vùng biển tổ quốc. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần tập trung xây dựng tuyến ven biển gắn với một số tuyến đảo chính thành những điểm kinh tế mạnh, có căn cứ hậu cần kỹ thuật vững chắc cho các hoạt động biển xa. Tiến hành xây dựng mô hình thí điểm các khu quốc phòng - kinh tế, kinh tế - quốc phòng tại một số khu vực biển - đảo... tạo nên một thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trên biển.

Hải Thanh