Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực khám bệnh chữa bệnh đối với cá nhân là bao nhiêu

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì phạt tiền là một trong các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Và theo quy định tại Điều 23 Luật này thì Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định của pháp luật.

Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực, tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định cụ thể. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân như sau:

  • Đối với cá nhân:

-  Phạt tiền đến 30.000.000 đồng: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê;

-  Phạt tiền đến 40.000.000đồng: an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính;

-  Phạt tiền đến 50.000.000đồng: phòng cháy, chữa cháy; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng; thú y; kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; điện lực; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh;

-  Phạt tiền đến 75.000.000 đồng: quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; dạy nghề; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội;

-  Phạt tiền đến 100.000.000 đồng: quản lý công trình thuỷ lợi; đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; giao thông hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; báo chí; xuất bản; thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản;

-  Phạt tiền đến 150.000.000 đồng: quản lý giá; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư;

-  Phạt tiền đến 200.000.000 đồng: sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả;

-  Phạt tiền đến 250.000.000 đồng: điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước;

-  Phạt tiền đến 500.000.000 đồng: xây dựng; quản lý rừng, lâm sản; đất đai;

-  Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng: quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường.

  • Đối với tổ chức:

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán; hạn chế cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng.

Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực mới chưa được quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trên đây là toàn bộ tư vấn về Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực trong xử phạt vi phạm hành chính. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những thông tin cần thiết. Vui lòng liên hệ chúng tôi nếu còn những vướng mắc chưa rõ hoặc tư vấn pháp lý khác để được tư vấn cụ thể.

04/05/2020

Hỏi: Căn cứ Điểm c Khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng”. Khi Chủ tịch UBND huyện xem xét hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND xã trình thì Chủ tịch UBND huyện quyết định áp dụng mức phạt thấp nhất là 5.000.000 đồng có đúng không?Trường hợp này hiểu về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã theo Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính là không quá 5.000.000 đồng. Như vậy, Chủ tịch UBND cấp xã được quyền xử phạt mức thấp nhất là 5.000.000 đồng của khung phạt này được không? Không cần đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt. Hay hiểu theo mức tối đa là 10.000.000 đồng nên vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã.

Đáp: Căn cứ Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.” Do đó, khi xem xét ra quyết định xử phạt, Chủ tịch UBND huyện phải xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định tại Điều 59 Luật XLVPHC để xem xét quyết định mức phạt tiền theo quy định nêu trên. Nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức phạt tiền là mức trung bình của khung tiền phạt. Có nghĩa là mức phạt đối với hành vi này là 7.500.000 đồng (được xác định bằng cách lấy tổng số của mức tối thiểu của khung tiền phạt cộng với mức tối đa của khung tiền phạt rồi chia đôi). Việc Chủ tịch UBND huyện quyết định áp dụng mức phạt thấp nhất là 5.000.000 chỉ được áp dụng khi “có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt”.

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực y tế dự phòng là 50 triệu đồng: “Phạt tiền đến 50.000.000 đồng: phòng cháy, chữa cháy; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS….”. Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 38 Luật XLVPHC, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: “Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng.”Căn cứ Khoản 2 Điều 52 Luật XLVPHC “ thẩm quyền phạt tiền quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật XLVPHC được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể”.Theo nguyên tắc nêu trên thì thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt. Trường hợp này mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt là 10.000.000 đồng (Điểm c Khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP) cao hơn thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp xã nên việc Chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này là đúng, Chủ tịch UBND cấp huyện mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

THƯ VÕ