Liên hoa thanh ôn cách dùng

Hiện nay, số ca bệnh Covid-19 (F0) trong cộng đồng tăng cao. Đa phần các F0 được điều trị, cách ly y tế tại nhà nên nhiều người tự mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội về dùng. Việc F0 tự điều trị tại nhà và tự ý mua thuốc theo các đơn trên mạng, gây lãng phí, phương pháp điều trị không đúng khiến bệnh trở nặng hơn.

Liên hoa thanh ôn cách dùng

Trên mạng xã hội, nhiều người quảng cáo bán thuốc Liên Hoa Thanh Ôn của Trung Quốc có tác dụng trị vi rút.

Số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao thời gian gần đây. Nhiều trường hợp khi mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thường lựa chọn tự điều trị tại nhà. Nhiều người tự điều trị tại nhà theo toa thuốc do các F0 đã khỏi bệnh truyền lại hoặc chỉ cần đến nhà thuốc yêu cầu bán thuốc cho người mắc Covid-19 dẫn đến tình trạng “loạn” đơn thuốc, gây hoang mang cho nhiều F0 đang điều trị tại nhà bởi không phải ai cũng biết rõ công dụng, liều dùng của từng loại thuốc mà mình mua về.

Theo chị N.T.T., phường Hòa Chung (Thành phố), sau khi test nhanh cho kết quả dương tính, phát hiện mình mắc Covid-19, tôi gọi điện cho người bạn đã mắc và chữa khỏi Covid-19 trước đó để hỏi kinh nghiệm được bạn chia sẻ 1 đơn thuốc, đơn chỉ có các loại thuốc thông thường, nhưng khá nhiều, từ nước súc miệng, xịt mũi, C sủi plus, panadolt extra, omeprazole, dexamethason..., tổng giá trị đơn thuốc trên 300 nghìn đồng.

Mặc dù ngành Y tế và cơ quan chức năng liên tục cảnh báo người dân cần cẩn trọng, không nên tự ý mua thuốc điều trị Covid-19, tuy nhiên, do tâm lý lo lắng, nhiều F0 đang điều trị tại nhà đã tự ý mua và sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 không theo hướng dẫn. Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân rao bán các mặt hàng thuốc điều trị vi rút “xách tay” từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam. Các thuốc “xách tay” này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo… nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.

Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ cần không đến 5 phút lướt trên các trang mạng có thể bắt gặp hàng trăm lời quảng bá về các loại thuốc trị Covid-19 “xách tay” với rất nhiều lời mời chào hấp dẫn và hướng dẫn cách sử dụng… Thuốc được tư vấn là thuốc điều trị Covid-19 của Nga, có tác dụng ức chế vi rút, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm Covid-19. Thuốc có nhiều dạng, dùng cho các lứa tuổi và giá thì “trên trời”, liệu trình 40 viên 10 triệu đồng, hộp 100 viên 13 triệu đồng, 17 viên giá gần 3 triệu đồng… Thuốc molnupiravir 400mg được chào bán với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên; molcovir có giá gần 5 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang; thuốc arbidol 200mg của Nga được rao bán giá 290 - 350 nghìn đồng/hộp 10 viên; thuốc areplivir có giá từ 2,1 - 2,5 triệu đồng/hộp; thuốc favipiravir và remdesivir cũng được chào bán với giá từ 3 - 5 triệu đồng... Ngoài ra, tìm trên mạng xã hội Facebook từ khóa “đơn thuốc điều trị F0”, ngay lập tức trang mạng xã hội này hiện ra các thông tin với nhiều đơn thuốc khác nhau. Các đơn thuốc này phần lớn được những người từng là F0 chia sẻ lại.

Trong quá trình theo dõi sức khỏe tại nhà, chị N.B.D., phường Sông Bằng (Thành phố) được cán bộ y tế hướng dẫn thường xuyên tự theo dõi sức khỏe, tăng cường bổ sung các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, vì sốt ruột, chị D. lên mạng tìm mua các loại thuốc điều trị để sử dụng. Qua mạng Facebook, chị liên hệ, được người bán quảng cáo thuốc Liên Hoa Thanh Ôn của Trung Quốc có tác dụng trị vi rút, được người dân Trung Quốc sử dụng rất nhiều. Theo lời quảng cáo, người lớn điều trị ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 viên, uống sau khi ăn, trẻ em uống nửa liều của người lớn. Người chưa mắc Covid-19, để phòng, chống, ngày uống 2 viên vào buổi sáng, tối. Tin vào lời quảng cáo, chị mua 3 hộp thuốc Liên Hoa Thanh Ôn và sử dụng theo hướng dẫn của người bán.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, việc F0 điều trị tại nhà và tự ý mua thuốc theo các đơn trên mạng rất nguy hiểm. Người nhiễm Covid-19 có thể chưa cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, kháng viêm nhưng lại vô tình sử dụng, có thể gây tác dụng phụ. Trường hợp sử dụng quá nhiều loại thuốc cùng lúc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. F0 điều trị tại nhà, khi phát hiện có những triệu chứng nào phải liên hệ y, bác sĩ cơ sở và thực hiện theo chỉ dẫn, tránh việc dùng theo các đơn thuốc của người khác chia sẻ lại.

Hiện có 3 loại thuốc được Cục Quản lý dược Bộ Y tế cấp phép sản xuất trong nước, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm: Molravir 400 hàm lượng Molnupiravir 400mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất; Movinavir hàm lượng 200mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar sản xuất; Molnuporavir Stella 400 hàm lượng 400mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 8 tháng, do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm - chi nhánh 1 sản xuất. Tuy nhiên, mỗi thuốc kháng vi rút chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; trong quá trình sử dụng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Ngành Y tế khuyến cáo, những trường hợp người bệnh mắc Covid-19 cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về chuyên môn. Người dân không tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh. Các trường hợp F0 cần liên hệ các bác sĩ, y tế cơ sở để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Hoàng Thu