Hướng dẫn trẻ em sử dụng điện trong gia đình

Theo ước tính, trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 400 đến 800 vụ tai nạn do điện, làm hàng trăm người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương. Đáng lo ngại hơn là có đến 60-80% số vụ tai nạn xuất phát từ sự chủ quan và mất an toàn khi sử dụng điện tại gia đình, trong đó có nhiều vụ tai nạn gây thương tích cho trẻ em. Để hạn chế thấp nhất tai nạn do điện gây ra, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền giáo dục trẻ em sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, để giáo dục trẻ em sử dụng điện an toàn tiết kiệm, thì ngay từ độ tuổi mẫu giáo các em cần nhận diện được nguy cơ không an toàn với ổ điện, phích cắm điện, dây sạc; trẻ cần biết được đồ vật nào nguy hiểm không được chạm vào, những tình huống bất thường khi sử dụng điện. Đặc biệt, trong thời gian học trực tuyến với học sinh tiểu học, sự đồng hành quan tâm của người lớn trong gia đình là không thể thiếu. Để giảm rủi ro cho trẻ, phụ huynh nên đặt phích cắm an toàn hoặc nắp đậy ổ điện phía trên những ổ cắm không sử dụng hay dùng đồ đạc che lại; giấu dây điện ở phía sau đồ đạc hay dùng thiết bị không dẫn điện để bọc lại; tháo phích cắm máy sấy, máy vi tính và các vật dụng khác đặt xa tầm với của trẻ. Các thiết bị học trực tuyến nên được sạc đầy pin trước khi trẻ sử dụng để học. Một yếu tố quan trọng nữa là bố mẹ thường xuyên kiểm tra dây nối, thiệt bị điện, phích cắm điện của phương tiện học trực tuyến, hướng dẫn cho con cặn kẽ cách sử dụng phương tiện học an toàn. Nếu có bất thường cần báo ngay với người lớn, nếu bố mẹ không ở cạnh lúc đó có thể nhờ hàng xóm tin cậy giúp đỡ. Việc giáo dục trẻ sử dụng điện an toàn, tiết kiệm không chỉ ở nhà trường mà cần có sự phối hợp của gia đình.

Hướng dẫn trẻ em sử dụng điện trong gia đình
PC Hà Nam tuyên truyền cho khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: Trần Thoan

Chị Trần Thanh Hương, Phường Hai Bà Trưng (Phủ Lý) chia sẻ: Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, cháu lớn học lớp 5, cháu nhỏ học lớp 2. Để bảo đảm an toàn cho các cháu, gia đình thường xuyên hướng dẫn trẻ nhỏ học cách nhận diện đồ dùng điện trong gia đình và các biện pháp an toàn khi sử dụng đồ điện. Cụ thể, các cháu được hướng dẫn tuyệt đối không chạm tay vào chỗ hở của đường dây hoặc các bộ phận kim loại nghi là có điện; không chọc, ngoáy vào ổ điện bằng bất cứ vật gì; khi thấy dây điện đứt hoặc hở cần tránh xa, không tự giải quyết mà phải báo ngay cho người lớn, nếu thấy nguy hiểm cần chạy khỏi đó; khi thấy người bị điện giật phải lập tức ngắt nguồn điện bằng mọi cách như ngắt cầu dao, cầu chì, dùng vật khô không dẫn điện như gậy gỗ, gậy tre, que nhựa,… gạt dây điện ra khỏi người bị nạn.

Tại Hà Nam, để bảo đảm an toàn và nâng cao ý thức cho các cháu học sinh khi sử dụng điện, Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) đã triển khai nhiều biện pháp, phối hợp với các nhà trường, tuyên truyền qua nhiều hình thức khác nhau như: in băng rôn, tờ rơi, phát trên hệ thống loa phát thanh, bản tin thời sự. Mục đích hướng dẫn các em sử dụng điện an toàn phù hợp với nhu cầu của từng gia đình; triển khai các biện pháp chủ động ngăn ngừa, giảm nguy cơ cháy nổ và các tai nạn khác do điện gây ra. Các em học sinh còn được hướng dẫn một số kỹ năng sơ cứu người bị điện giật, xử lý tình huống khi điện rò rỉ, gây mất an toàn… Thông qua đó, PC Hà Nam mong muốn mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên để lan tỏa cho người thân, gia đình, cộng đồng cùng chung tay tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn, bảo vệ hành lang lưới điện.

Hướng dẫn trẻ em sử dụng điện trong gia đình
Sử dụng Đèn LED sẽ tiết kiệm được điện và đủ ánh sáng cho học sinh học tập.

Ngoài ra, PC Hà Nam cũng khuyến cáo khách hàng, để tăng độ an toàn với hệ thống điện trong gia đình, đặc biệt là những hộ có con nhỏ, cha mẹ nên gắn thêm atomat chống giật. Đây là công cụ có chức năng ngắt điện khi có dòng điện rò xuống đất hay có người bị điện giật. Trong trường hợp không may có sự cố với các thiết bị điện học sinh đang dùng học qua mạng, cầu dao sẽ tự ngắt tức thì, nhờ đó giảm được tối thiểu mức độ nguy hiểm do tai nạn gây ra.

Ông Trần Văn Hoan, cán bộ làm công tác tuyên truyền (PC Hà Nam) cho biết: Các hộ gia đình lưu ý không gian cho trẻ ngồi học không nên đặt dây điện rườm rà, rắc rối khiến trẻ vô ý vướng phải. Với những trẻ nhỏ tuổi, phụ huynh cần giáo dục một số nguyên tắc an toàn điện cơ bản. Không để trẻ đưa ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện; tuyệt đối không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt. Việc học sinh được trang bị đầy đủ các kiến thức về sử dụng điện an toàn sẽ giúp các em có ý thức, trách nhiệm hơn trong sử dụng điện, hạn chế tối đa tai nạn đáng tiếc do điện gây ra.

Theo một thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích ngay trong chính ngôi nhà của mình chiếm đến 50%. Trong những nguyên nhân đó thì điện giật ở trẻ em là một trong những tai nạn sinh hoạt thường gặp. Vậy làm thế nào để giữ cho con được an toàn trước những thiết bị điện?

Điện giật là một tai nạn sinh hoạt có thể gặp rất phổ biến ở trẻ em do bản tính của trẻ hiếu động và hay tò mò. Mỗi năm khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện Nhi Trung Ương đều tiếp nhận các trường hợp bị điện giật gây ngưng tim ngừng thở, rối loạn nhịp tim hoặc bỏng nặng.

Trong thời gian gần đây, đã có nhiều vụ việc thương tâm về tai nạn điện giật ở trẻ nhỏ đã xảy ra như vụ việc bé trai 5 tuổi tại Kiên Giang bị hoại tử 2 bàn tay, bỏng mặt và mắt vì trong lúc nghịch đã cắm dây kẽm vào ổ điện. Hay vụ việc bé trai 4 tuổi tại Nghệ An đã tự vong, do không may bị dây điện chạy qua người....đã khiến không ít bậc phụ huynh hoang mang và lo lắng trước sự an toàn của con trẻ xung quanh các thiết bị điện tại gia đình.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra đối với trẻ em trong thời gian vừa qua, mà nguyên nhân sâu xa nhất lại chính là sự bất cẩn, chủ quan của người lớn khi không theo sát con em mình, trong khi trẻ con vốn thích khám phá những điều mới lạ.

Đúng là có rất nhiều tình huống xảy ra mà chúng ta không thể lường trước được. Vì vậy, đối với những gia đình có con nhỏ cần phải lưu ý và tuân thủ một số nguyên tắc để sau phòng tránh được những tai nạn không đáng có từ các thiết bị điện nguy hiểm.

Hướng dẫn trẻ em sử dụng điện trong gia đình

Trẻ có thể gặp nguy hiểm khi tự ý sử dụng đồ điện trong gia đình

Trẻ có thể gặp nguy hiểm khi tự ý sử dụng đồ điện trong gia đình

Một số nguyên tắc an toàn khi sử dụng thiết bị điện cần ghi nhớ:

- Thiết kế các ổ điện âm tường, ổ điện ngoài tầm với của các bé, nếu các ổ điện trong tầm với cần sử dụng các nắp che ổ điện để ngăn bé chọc tay vào.

- Một số đồ điện gia dụng như lò vi sóng, quạt, ấm đun nước, đặc biệt là những đồ điện trang trí có hình thù, màu sắc bắt mắt như: đèn ngủ, đèn nháy… Đây là những đồ vật trẻ dễ tiếp xúc nhất và cũng là những đồ vật khiến trẻ rất thích thú và tò mò. Vì vậy cần lưu ý phải để xa tầm với của trẻ, khi sử dụng xong cần cất lên cao.

- Luôn để mắt đến trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi từ 0-6 tuổi.

- Rút phích cắm, tắt công tắc các đồ điện tử trong trường hợp không sử dụng, cất dây sạc điện thoại khi xạc xong để tránh trường hợp trẻ nghịch ngợm và cho vào mũi, miệng.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thay thế các thiết bị đã bị cũ hỏng để đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị rò rỉ, hở, mát. Dùng các ống luồn dây điện để các đường dây điện gọn gàng và tránh bị vật nuôi hay chuột cắn.

- Sử dụng thiết bị ngắt điện khi hệ thống tiếp đất lỗi cho những ổ cắm trong phòng tắm, nhà bếp và sân vườn. Những thiết bị này sẽ giúp phòng ngừa sốc điện ở những khu vực ẩm ướt.

- Sử dụng các loại ổ cắm và phích cắm 3 chấu vì chấu thứ 3 của phích cắm, ổ cắm điện là chấu tiếp đất, giúp an toàn cho người sử dụng nếu không may điện bị rò rỉ.

- Không cho trẻ dùng máy sấy tóc và các thiết bị điện khác trong phòng tắm.

Dạy trẻ các nguyên tắc an toàn điện

Các bậc phụ huynh và nhà trường cần trang bị cho các bé kỹ năng về an toàn các thiết bị điện trong gia đình. Hiện nay có rất nhiều trường mầm non đã chú trọng đến việc dạy các kỹ năng này cho các bé từ độ tuổi mẫu giáo. Bởi hầu hết ở lứa tuổi mầm non các bé không thể nhận thức hết được những mối nguy hiểm từ nguồn điện cũng như các thiết bị điện mà phần lớn vẫn phải do sự sắp xếp, quản lý và hướng dẫn từ người lớn.

Cô Nguyễn Thị Huyền, Giáo viên trường Mầm non Hoa Linh Baby Home cho biết: "Chúng tôi xác định việc hướng dẫn kỹ năng sống cho các con là một phần quan trọng trong giáo trình giảng dạy của nhà trường nên chúng tối rất chú trọng đưa những tiết học như này đến với các con. Ngoài những bài giảng trên lớp thì nhà trường khuyên các bậc cha mẹ ở nhà thường xuyên nhắc nhớ con ghi nhớ các nguyên tắc sau: Với những trẻ dưới 6 tuổi, khi cần cắm điện hoặc bật công tắc để sử dụng phải nhờ người lớn giúp đỡ. Không được phép tự ý nghịch các thiết bị điện trong nhà như lò vi sóng, dây điện...Không được chọc bất cứ dụng cụ gì vào ổ cắm điện, đặc biệt là khi tay ướt. Trẻ trên 6 tuổi, khi tự cắm điện/bật công tắc điện cần giữ tay thật khô và đi dép nhựa. Không bao giờ đi gần một dây điện bị đứt, nhất là vào lúc trời mưa."

Sơ cứu khi bị trẻ bị điện giật:

1. Khi phát hiện ra trẻ bị điện giật. Lập tức ngắt nguồn điện bằng cách rút dây điện, ngắt cầu dao điện

2. Sử dụng que gỗ hay chổi, nhựa tách trẻ ra khỏi nguồn điện, không để chân trần, ướt.

3. Kiểm tra xem trẻ còn thở và mạch còn đập không. Nếu nạn nhân ngừng thở và không có mạch, không được vận chuyển đi nơi khác mà tiến hành:

+ Vỗ mạnh 3 – 5 cái vùng ngực.

+ Sau đó sơ cưu bằng phương pháp Hà hơi thổi ngạt: Với trẻ trên 8 tuổi mỗi phút phải thực hiện 20 lần, trẻ em dưới 8 tuổi mỗi phút thực hiện từ 20-30 lần

+ hoặc ép tim ngoài lồng ngực: Trẻ trên 1 tuổi mỗi phút ép tim khoảng trên 100 lần, trẻ dưới 1 tuổi mỗi phút ép 100-120 lần.

+ Kết hợp ép tim và thở ngạt cứ hà hơi 1 lần lại ép tim 5 lần. Với trẻ nhỏ tránh thổi quá mạnh làm vỡ phổi.

- Sau khi thực hiện các biện phát sơ cứu cơ bản, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.