Hana alice và lời nguyền review năm 2024

Hana alice và lời nguyền review năm 2024

Phiên âm: Hana to Arisu satsujin jiken Tên dịch: Hana và Alice trong vụ sát nhân Tên khác: The case of Hana and Alice Nguyên tác (Anime): Iwai Shunji Chuyển thể (Sách): Otsuichi Thời lượng: 100 phút Quốc gia: Nhật Bản Năm sản xuất: 2015 Review: Phương Hoàng

Rate: 3/5 (Sách chuyển thể của bộ phim này đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Hana, Alice và lời nguyền của linh hồn Judas do Nhã Nam phát hành)

Hana alice và lời nguyền review năm 2024
~*~

Vừa mới sang năm mới được ba ngày tôi đã gắp trúng luôn phải cú lừa thế kỷ. Cũng tại cái tính đọc lướt thông tin với lại trí tưởng tượng quá phong phú, thành ra từ đầu phim cho đến đoạn gần cuối cứ nghĩ rằng nhân vật Hana là con trai (đọc nhầm phần giới thiệu, seiyuu của nhân vật này giọng lại còn trầm trầm giống giọng nam, chưa kể ngực của một đứa 14 tuổi éo có gì thể hiện rõ là trai hay gái, đã thế cái con bé Hana lại còn lạnh lùng thông minh như mấy đứa thám tử học sinh nữa chứ. OTL), vì nghĩ là con trai cho nên ship cmnl với nữ chính Alice. Thế rồi các bạn cũng thấy đấy, thuyền lật. Đến cái đoạn như trong ảnh tôi đang sung cmn sướng thì mấy phút sau thuyền chìm cmnl, đau khổ không lời nào tả xiết. Huhu. Cái phim này giống cái truyện Pedora Bigband éo thể tả được, vì khi đọc cái truyện ý tôi cũng nghĩ Lowell là con gái, và ship với ông Pedora chứ (nhưng cái này thì không phải lỗi của tôi vì Lowell được vẽ giống như con gái luôn, trong Alice in wonderland, Lowell cũng là một cái tên của đàn ông). Ngày phát hiện ra Lowell là con trai tôi quả thật mất hiết mịe niềm tin vào cuộc sống luôn. Cái con bé giúp tôi khai sáng ra điều này thì cứ cười hỉ hả vì nó là hủ nên ship cái căp đấy chả ảnh hưởng gì, nhưng mà tôi lại éo phải hủ mới nhọ đời tôi không cơ chứ. Giờ nhắc tới mới nhớ hình như sau tập hai Kim đã cho bộ này vào dĩ vãng rồi, bán ế với lại bên Hàn cũng ra đến tập ba thì dừng (không rõ có phải tập cuối không, nhưng mà nội dung nghe vẻ dài hơi lắm nên khả năng bị drop cao hơn). Art đẹp, nội dung có triển vọng, diễn biến hợp lý cả dễ thương tđn mà bán ế không biết. Quay trở lại với cái bộ phim Hana Alice này, nếu Hana là con trai thì phim này lọt top phim hay xuất sắc của tôi luôn nhá, nhưng cú tự lừa mình dối người này của tôi tự làm tôi tổn thương nặng nề quá nên tự thuyết phục mãi mà vẫn không thể nào kéo phim vô top được. Phim này có art không đẹp nhưng mà tôi thích, các phân cảnh góc quay (nghe đồn dùng đồ họa hướng 3D cái mẹo gì đấy) rất độc đáo, cảnh có chiều sâu, nét vẽ lại có nét giống mấy cái bộ phim hoạt hình câm ngắn tôi bị ám suốt thời thơ bé nên khỏi nói tôi ưng cái art của phim này thế nào, nhìn mãi không ra điểm để chê. Cốt truyện phim không có gì nổi bật, sàn sàn không có điểm nhấn dù phần giới thiệu nghe đậm chất trinh thám bí ẩn này nọ, nhưng mà tôi cũng khá già rồi nên tự thấy thích mấy cái cốt truyện nhấn mạnh vào cảnh đời thường hơn là plot twist hoành tráng. Mà mấy cảnh đời thường thì phim này nhiều lắm. Nên trừ vụ hiểm lầm giới tính dẫn dến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và các dữ kiện trong plot không quá chặt chẽ với nhau ra thì tôi không còn gì để chê. Sau tất cả những thứ trên, rating vẫn đạt 3/5 vì tôi vẫn còn lặn ngụp trong sự đau buồn sau khi thuyền lật vì một hiểu lầm éo biết từ đâu ra đây. Mới đầu năm đã thế này không biết sự nghiệp shipping sẽ ra sao?

T01/2017 Xuân Đinh Dậu Phương Hoàng

Cuốn sách này được mình mua bởi tên tác giả: Otsuichi. Mình từng rất ấn tượng các truyện của Otsuichi bởi cốt truyện độc đáo, mặc dù cách dẫn truyện khá đơn giản và chỉ sử dụng thủ pháp giấu nhân vật chính dưới góc nhìn thứ nhất và tráo đổi góc nhìn giữa các câu chuyện nhỏ. Từ Goth đến Zoo và ấn tượng bởi “7 căn phòng”, mình tìm đến Alice, Hana và lời nguyền của linh hồn Judas cùng tâm trạng háo hức mong chờ xem thử lần này, Otsuichi sẽ đưa câu chuyện nào ra cho độc giả. Nhưng có lẽ vì mong chờ quá nhiều nên mình có cảm giác câu chuyện này chưa thật sự đáp ứng được mình. Hoặc có thể do giọng văn dịch, hoặc do khung truyện là của người khác được Otsuichi viết lại…nhưng dù với bất kì lý do nào, thì mình cũng không đánh giá cao Alice, Hana và lời nguyền của linh hồn Judas cho lắm. Nó quá nông.

Nông về nội dung và cũng nông về cảm xúc khi đọc truyện. Về nội dung, thì câu chuyện quá đơn giản. Truyện kể về Arisugawa – một cô bé 14 tuổi vừa đổi từ họ cha sang họ mẹ mới chuyển đến một khu phố xa lạ, sống bên cạnh căn nhà có đầy hoa cùng người chủ là cô Arai trông có vẻ kì quặc. Cuộc sống của Arisugawa càng bị đảo lộn hơn khi chỗ ngồi của cô bé là vị trí cũ của một người tên Judas – kẻ được cho là thuộc về “Ma giới”. Chịu sự kì thị xa lánh của bạn cùng lớp, Arisugawa không thể chấp nhận được việc đó và cô bé quyết định đi tìm chân tướng sự việc, từ đây, mọi việc dẫn đến nhiều tình huống ngẫu nhiên bất ngờ hơn nữa.

Nhìn chung, câu chuyện của Arisugawa – hay Alice (chơi chữ của từ “Arisu” đồng âm với Alice trong bảng chữ cứng Katakana) khá đơn giản. Động cơ của cô bé chỉ là muốn kết nối với phần còn lại của lớp học và thay đổi cuộc sống của mình, mặc dù tác giả có đưa thêm vào chi tiết bố của Alice làm cảnh sát hình sự, nhưng sự xuất hiện của ông trở nên dư thừa và mờ nhạt đến độ khiến mình cảm thấy bực bội. Mình đã hy vọng rằng câu chuyện sẽ có diễn tiến kịch tính hơn khi người bố làm hình sự nói đến các vụ án, nhưng cuối cùng câu chuyện lại trở về với những lấn cấn rất đời thường và nhỏ bé của những cô bé cấp 2.

Về tuyến nhân vật, câu chuyện bị dư thừa khá nhiều nhân vật. Trong khi tình tiết toàn truyện chỉ xoay quanh hai nhân vật chính là Alice và Hana – cô bạn đã nghỉ học 1 năm trời vì lỡ làm người con trai mình thích bị phản ứng với nọc ong đang không biết sống chết. Nhưng một loạt các nhân vật phụ được nêu ra và “làm quá” lên với vẻ bí ẩn khiến câu chuyện bị loãng hẳn đi, khiến độc giả như mình cảm thấy chán nản khi phải theo dõi tiếp. Người mẹ làm nhà văn của Alice được nhắc đến vài lần nhưng rồi cũng trôi tuột đi mà không để lại ấn tượng gì, tương tự với vấn đề múa ballet của nhân vật chính được nhắc tới trong vài chương cũng không nêu ra được vấn đề nào, hoặc cô bạn kì lạ vẽ pháp trận kêu gọi Ma giới được dành hẳn 2 chương dài để kể về…mẹ của cô bé cũng gây khó hiểu cho người đọc. Quá nhiều nhân vật thừa thãi, chiếm dụng hết phần lớn mạch truyện chỉ khiến người đọc cảm thấy mong chờ một cái kết xứng tầm hơn thế.

Tâm lý nhân vật được nhắc đến nhưng không thực sự sâu. Mình rất mong chờ tác giả đào sâu hơn về tâm lý của Hana hoặc nhân vật Mutsumi nhưng đáng tiếc, người đọc chỉ có thể nhìn thấy các tình tiết ngớ ngẩn của hai cô bé cấp hai cố gắng liên hệ lại với một người chưa rõ sống chết theo cách phức tạp hoá. Hana và Mutsumi thực sự là hai nhân vật ấn tượng nhất trong truyện nếu được khai thác tâm lý tốt. Một là hikikomori (tương tự như NEET – người không học vấn, không việc làm, không có mối quan hệ xã hội) bởi chấn thương tâm lý về việc lỡ tay khiến người mình thích bị sốc phản ứng với nọc ong. Một là người bị bắt nạt khi vô tình ngồi trúng vị trí xui xẻo trong lớp, phải chịu sự ghẻ lạnh của một xã hội thu nhỏ tại trường học. Nếu nhấn sâu được vào điểm này thì mình cho rằng câu chuyện sẽ cuốn hút hơn nhiều.

Cả câu chuyện khiến mình đọng lại một chút về việc bắt nạt học đường tại Nhật Bản (được nhắc qua rất mơ hồ trong vài đoạn), và tâm lý dễ hoảng hốt của lứa thanh thiếu niên tự nhốt mình trong nhà bởi những lý do nhỏ nhặt. Hướng giải quyết của câu chuyện cũng khá lằng nhằng, trong khi nhân vật trong truyện có thể lựa chọn một phương pháp nhanh chóng dễ dàng hơn nhiều. Vì thế, cả câu chuyện bị thổi phồng lên ở đoạn đầu và kết thúc quá nhẹ nhàng về sau cuối. Nó khiến mình không thực sự thoả mãn hoặc thích thú như khi đọc Zoo hoặc Goth trước đó.

Dĩ nhiên, cuối truyện kết thúc khá thoả đáng. Cách Hana quay lại trường học cũng khiến mình cảm nhận được tính chất “bầy đàn” của một xã hội thu nhỏ, khi có được một lý do để đặt niềm tin, thì dù điều đó có lố lăng đến mấy họ đều lắng nghe và gật đầu lia lịa, chẳng khác gì một bầy cừu non nghe gõ chuông là chạy ngay đến bất kể ở phía xa kia là sói hay người chăn cừu.

Tóm lại, Alice, Hana và lời nguyền của linh hồn Judas có lẽ sẽ thích hợp với các bạn thích anime ở lứa tuổi từ 13-17 hơn. Vì nó khá đơn giản, dễ đoán và nhẹ nhàng. Nếu cần một cuốn sách đọc để giải trí cho lứa tuổi thiếu niên, thì có lẽ nó rất thích hợp. Nhưng với mình thì Alice, Hana và lời nguyền của linh hồn Judas chưa thực sự đạt tới mức tiêu chuẩn để mình gọi nó là một cuốn sách có nội dung tốt.