Dục mỹ ở đâu

Dục mỹ ở đâu

Buôn Sim (Dục Mỹ)
Nguồn: Internet

Bài viết của Huyền Chiêu

Thuở bé tôi vẫn nhìn về phía núi Vọng Phu để lòng bồi hồi thương cho hai bóng người hóa đá. Bà tôi cũng kể rằng vùng núi ấy có kẻ ngậm ngải tìm trầm, đi lạc trong rừng mấy mươi năm, khi tìm về được quê nhà thì đã hóa thành con vượn không còn nói được tiếng người. Thỉnh thoảng, ở chợ Ninh Hòa tôi rất sợ khi nhìn thấy có một vài người da đen thui, tóc quăn tít, đàn ông mặc khố, đàn bà địu con trên lưng. Chắc họ từ núi Vọng Phu xuống. Có người nói họ là người Thượng ở Buôn Sim.

Buôn Sim chỉ cách thị trấn Ninh Hòa khoảng 14 km theo hướng quốc lộ 21. Người dân quê tôi không gần gũi với vùng đất này bởi khí hậu nơi ấy vô cùng khắc nghiệt. Nằm trong lòng chảo của nhiều rặng núi, buôn Sim là một vùng khô cằn, sỏi đá, đêm quá lạnh, ngày quá nóng.

Sau hiệp định Genève vài năm, Buôn Sim bỗng biến thành một quân trường khổng lồ gồm ba trung tâm huấn luyện Pháo Binh, Biệt Động, Lam Sơn.

Và cái tên Dục Mỹ ra đời.

Khác với thời chống Pháp mà người lính là những “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá”, các quân nhân miền Nam được huấn luyện và trang bị rất quy củ với các doanh trại khang trang, bề thế. .

Với số lượng quân nhân trong ba trung tâm huấn luyện kèm theo gia đình của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, thị trấn Dục Mỹ mọc lên giữa bốn bề núi non, tuy nhỏ bé nhưng vô cùng nhộn nhịp.

Cũng giống như những thị trấn mới toanh trong phim cowboy miền viễn tây, Dục Mỹ là nơi quy tụ của quá nhiều người tứ xứ về đây mang theo các giọng nói vùng miền.

Người có máu làm ăn cũng vội vàng tìm về đất hứa.

Chợ Dục Mỹ cung cấp đủ để nấu được các món ăn đặc trưng kiểu Sài Gòn, Bắc, Huế…

“Vợ Lính” thong dong chẳng cần làm việc, chỉ lo cơm nước và nuôi con.

Những chuyến xe lam như con thoi nối liền Ninh Hòa – Dục Mỹ. Người dân Ninh Hòa bây giờ hướng về thị trấn mới như một thị trường hấp dẫn, nơi họ có thể làm giàu nhờ nghề cung cấp thực phẩm.

Nhà thờ và nhà chùa đã được xây. Các xe schoolbus được chế biến từ xe GMC của ba quân trường chở con quân nhân xuống Ninh Hòa học ở các trường trung học. Những cô cậu học trò đã từng ngồi trên những chiếc GMC cải tiến này, nay đã trên dưới sáu mươi và tôi tin rằng dầu ở chân trời góc bể nào họ không bao giờ quên những chuyến xe chở học sinh kỳ lạ nhưng đầy ắp niềm vui một thuở.

Chủ nhật, con phố Dục Mỹ “Đi dăm phút trở về chốn cũ” có bóng dáng của những “thiếu úy”, “trung úy” trẻ trung, quân phục thẳng nếp, thong thả dạo gót rồi ghé vào một tiệm sách có cô bán hàng xinh xinh.

Bên con suối Dục Mỹ vài quán cà phê ra đời có tiếng nhạc hòa trong tiếng ầm ào thác đổ.

Người lính miền Nam thuở ấy vẫn còn mang vẻ thư sinh lãng mạn. Ra trận, thay vì nhìn tới trước “nhắm thẳng quân thù mà bắn” (*), họ quay nhìn lại phía sau “Người đi khu chiến, thương người hậu phương”(**)

Biến cố 1975 như một cơn động đất dữ dội làm sụp đổ hoàn toàn trung tâm huấn luyện. Toàn bộ cư dân gồm quân nhân từ ba trung tâm huấn luyện cùng gia đình họ đều chạy khỏi Dục Mỹ, tan tác hãi hùng như mảnh vỡ của một trái phá.

Thị trấn bỗng chốc như bị thần đèn mang đi đâu mất.

Dục Mỹ trở lại là Buôn Sim hoang vắng thuở nào.

Cũng còn một số người ở lại vì họ không biết đi đâu về đâu và họ trở thành dân của một vùng kinh tế mới mang tên Ninh Sim.

Và người dân Ninh Sim đã phải làm gì để tồn tại khi 100% mang trên đầu bản án lý lịch xấu, con cái chắc chắn không được vào đại học, người thân không biết còn sống hay đã chết trong các trại cải tạo?

Nếu người Ninh Hòa khi ấy kiếm sống bằng cách bám vào bến xe đò và ga xe lửa với các chuyến đi buôn lậu gạo, đường, thuốc lá, đạp xe ba gác, làm phu khuân vác… thì người dân Ninh Sim Dục Mỹ kiếm sống bằng cách bám vào núi rừng. Họ lên núi đào khoai mài, cắt tranh, lấy đót. Họ “ngậm ngải tìm trầm” và có người đã mất xác trong rừng sâu núi thẳm. Họ chặt củi, hái trái rừng, trồng khoai mì, trồng mía. Họ tìm cách sống trong im lặng, chịu đựng mặc cho loa phường ngày ngày vang lên giọng tự hào chiến thắng giặc Mỹ để toàn dân xây dựng “thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Và tượng đá bồng con trên non cao kia chắc đã nhiều lần rơi lệ thương cho cảnh con người bức hại con người.

Năm ngoái, anh Phạm Văn Nhàn trở về Ninh Hòa, rủ vợ chồng tôi đi thăm lại Dục Mỹ, nơi anh có thời gian rất lâu là sĩ quan của quân trường Lam Sơn.

Xe ghé lại núi Đeo, nơi vẫn còn tháp huấn luyện của quân trường Biệt Động nằm bên Khu Mưu Sinh.

Khu Mưu Sinh được dựng bên một dòng suối đã biến mất nhưng ngôi tháp vẫn còn.

Anh Nhàn muốn chụp một tấm hình có người lính già trở về thăm ngọn đồi kỷ niệm.

Qua khỏi Dục Mỹ chúng tôi nhìn thấy những đồng mía bạt ngàn, những đàn bò gầy ốm đang gặm cỏ trên những cánh đồng nắng cháy.

Đến khoảng cây số 17 anh Nhàn cho dừng xe.

“Hình như trung tâm Lam Sơn hồi trước ở đây mà sao tui không còn nhìn thấy gì hết?”

Rồi anh ghé vào hỏi thăm một cô hàng nước:

“Cô ơi, trung tâm Lam Sơn ở đâu hả cô?”

Cô hàng nước mỉm cười, chỉ tay xuống đất:

“Dạ, ở ngay đây này.”

Anh Nhàn nhìn quanh. Chẳng còn gì là dấu vết của một địa danh lừng lẫy! Anh bước thêm vài bước, chẳng thấy phố, thấy người chỉ thấy toàn mía là mía.

Hơn mười năm tồn tại, Dục Mỹ của ba quân trường bây giờ chỉ là cát bụi thời gian.

Huyền Chiêu
tháng 3-2015

(*) lời của một người lính miền bắc.
(**) Chiều Mưa Biên Giới – Nguyễn văn Đông

(nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 64 – tháng 5.2015)

Có một lần tôi ghé qua nơi đó, nhưng nhìn đi ngắm lại chẳng biết đâu là đâu, thành phố xưa giờ thay đổi quá nhiều, hỏi thăm người chung quanh, ai cũng quây quẩy lắc đầu, tìm kiếm lại ngõ xưa thì con đường xưa đà mất lối, cứ ví như mình là ..Từ Thức lạc thiên thai, đi bao nhiêu năm trở về thăm chốn cũ, dấu xưa đà thay đổi và người xưa cũng đã biền biệt phương nào, chỉ còn chăng là những kỷ niệm rớt rơi và phải lục tìm từ ký ức, một thời gắn bó với đường về Dục Mỹ năm nào….Vẫn là những chiếc xe Honda 50 phân khối, phương tiện di chuyển tiêu biểu thời bấy giờ, những tiếng nổ rầm rì rồi ngừng hẳn trong sân trường tiểu học PA, vẫn luôn gây sự chú ý của đám học trò nhỏ chốn quê. Chúng nhìn ra cửa và nhao nhao gọi cô ơi cô hỡi có mấy người Lính đến tìm cô giáo kìa. Ừ thì cô đã thấy rồi mà, cứ để họ đứng đó chờ cô, mình vẫn phải làm xong bài tập trước đã.Thầy hiệu trưởng trường tôi, vẫn “than phiền trong vui vẻ” rằng trường mình sao có quá nhiều người Lính đến viếng thăm, mà người đến hôm nay không giống người hôm trước. Thầy vui, vì ít ra các cô giáo dạy ở trường này, cũng là “điểm nóng” để các người hùng lui tới và tăng thêm không khí vui vẻ trong sân trường.Họ đến từ trung tâm huấn luyện Lam Sơn, trên lối về DỤC MỸ.Từ lúc rời trường sĩ quan bộ binh Thủ đức, người anh trai tôi đã được bổ nhiệm về làm Huấn luyện viên khoa Chiến thuật tại trung tâm huấn luyện Lam Sơn, và từ nơi anh tôi, những người Sĩ quan huấn luyện bạn của anh, đủ các bộ môn truyền dạy cho Lính, trong những buổi không có giờ lên lớp, chẳng lẽ ngồi bó gối trong cư xá sĩ quan buồn heo hắt, nhìn chung quanh chỉ có thấy núi đồi, họ đã …đổ dốc từ Dục Mỹ xuống Ninh Hoà, vừa nhìn phong cảnh, vừa ghé vào những tiệm nem nướng nổi tiếng ở Ninh Hoà, và thôi thì một công ba bốn việc, ghé vào trường PA. …thăm viếng cô giáo làng em của bạn, gọi là chút tình …quân dân cá nước.Vẫn là những lời nói đùa từ những người Lính may mắn mang chữ Thọ trước trán, trừ khi nào quân trường bị …pháo kích thì mới bị xui, và xui tận mạng mới bị phủi chân lên bàn thờ ngồi hưởng khói nhang . Còn thì họ cứ làm công việc đều đặn hằng ngày dẫn lính đi tập huấn ngoài bãi tập, và những lúc rỗi rảnh thì tìm người …tán gẫu cho qua ngày đoạn tháng.Rồi một hôm, tôi đã là vị khách phương xa độc nhất trong một buổi tiệc sinh nhật đứa con gái đầu lòng của vị sĩ quan ở TTHL Lam sơn: Trung úy T và Hương, cô gái gốc Hà dừa, bên đường rầy xe lửa, nhưng có một lần ghé qua Ninh Hoà, đã tình cờ gặp chàng Thiếu úy Đại đội trưởng Khoá sinh đang …la cà trong mấy quán nước, và mối tình “tình cờ” đó đã cho ra đời đứa bé kháu khỉnh, dễ thương, hôm nay là sinh nhật cháu... Đường về Dục Mỹ lần đầu tiên tôi đến sau buổi dạy sáng . Từ ngả ba Ninh Hoà, nơi có “căn nhà có mái ngói đỏ” của nhà văn nổi tiếng Nha Trang: N.X.H, căn nhà đã một vài lần, tôi và cô giáo Trường đến đó “năn nỉ” cô Mười Lớn- nhà có đến ba người thứ mười, nên phải xếp theo thứ tự lớn nhỏ- cho hai đứa một căn phòng đang còn trống, để hai cô giáo tá túc trong những ngày dạy học ở Ninh hoà ( nhưng cũng xa trường học, nên không đến ở) .Từ đó cứ nhìn về hướng Tây thẳng tiến, chiếc xe …jeep nhà binh mấy lần lên dồi xuống dốc, có lúc ngoằn ngoèo trên con đường nhựa mà hai bên đường là những rừng cây xanh mát mắt, nhìn vượt xa tầm mắt là những đồi núi chập chùng nhưng là quãng đường yên bình nhất thời bấy giờ khi mà hai bên đường cây xanh trùng điệp ( thường là chỗ trú ẩn của những tên VC chuyên đặt mìn khủng bố)Căn nhà thuê của vợ chồng anh Tr/uý T. và Hương nằm cạnh một dòng suối nhỏ đằng sau cây cầu gỗ từ đường chính đi vào. Đúng là tổ uyên ương của những người làm …Lính! Căn nhà nhỏ xíu xiu, nhưng cũng thơ mộng vô cùng. Mái hiên sau nhà, mấy người bạn Lính đến làm thêm cái sàn gỗ, ngồi nhìn xuống dòng suối với con nước nhẹ nhàng trôi mùa khô, và hình như cũng ào ào mùa lụt thì phải. Nhưng hôm đó cả nhóm người chen chúc nhau trong căn nhà cũng làm ấm lòng gia chủ. Với tiếng đàn guitar classic của chàng Tr/u Hạt, lúc bổng lúc trầm du dương réo rắt bản nhạc Suối mơ, hay Thiên thai, Hoài Cảm giữa một khung cảnh thơ mộng hữu tình có núi có suối có rừng cây xanh mát mắt, làm những người hiện diện thấy cuộc đời đẹp đẽ, đáng yêu. Thế là họ cùng nhau hợp ca bản “Tiếng sáo thiên thai”, lời ca có lúc quên lúc nhớ, tiếng được tiếng còn, có lúc cứ… ừ ư ư ứ ứ ( tình tang ôi tiếng sáo), rồi thì “Không bao giờ ngăn cách, Anh không chết đâu em, Vườn tao ngộ…” những bản nhạc dành cho Lính đang thịnh hành lúc bấy giờ, được hoà quyện vào nhau bằng những tiếng hát của những người đang mặc quần áo Lính, những giọng ca cũng thật truyền cảm, điêu luyện của Tr/u Ph., của Đ/u H…., hoà nên một ban nhạc bỏ túi vô cùng sôi động, vui tươi, giữa buổi xế trưa của tháng mười một, không khí bên ngoài dịu nhẹ với làn gió núi hiu hiu thổi …đáng nhớ đời!Khi mặt trời chếch bóng, một cuộc đi “săn cá” bắt đầu. Tôi được đèo sau chiếc xe Honda của anh Tr/u Ph. Đường vào rừng, nhưng đoàn xe đến hơn nửa tá đèo nhau, lèn qua lách lại giữa đám cây rừng, nhưng hình như không người Lính nào lạ lẫm với địa hình địa vật, nơi đây là Bãi tập của những đơn vị lính mà.Và một dòng suối lớn hiện ra trước mắt, một trái lựu đạn quăng xuống từ tay anh H. sĩ quan huấn luyện môn “Vũ Khí”, nổ cái….bùm! Tiếng nổ có làm tôi giật mình, nhưng sau đó một lô cá từ từ nổi trên mặt nước trắng xoá. Cá là cá, thế là mấy ông sĩ quan huấn luyện viên tha hồ lấy vợt bắt cá. Một bữa tiệc thật là thịnh soạn do bàn tay của những người từng cầm súng bây giờ làm cá đãi đằng…. cô giáo khách.Không biết bao nhiêu lần tôi bước lại trên lối về Dục Mỹ. Những người Lính lúc này không muốn ở trong cư xá Sĩ quan, vì …buồn lắm! Anh tôi bảo thế, nên họ ra chợ thuê nhà mà ở, dù sao sau những giờ ở trong rừng với những người mặc quân phục, ra khỏi rừng nhìn người …phố thị , có chút đổi thay cái nhìn , khiến nguời còn thấy niềm vui. Khu phố Dục Mỹ lúc bấy giờ cũng nhỏ xíu xìu xiu, nhưng rộn rịp, náo nhiệt vô cùng. Khu chợ cũng buôn bán tấp nập, nhưng hình như chỉ có buổi sáng. Phố chợ đủ hạng người đi, đủ màu áo Lính, nào là Lính Pháo Binh, Lính Sư đoàn về thụ huấn, Lính từ trung tâm huấn luyện Lam Sơn, và cả những người Lính dạy ở trường quân đội. Người dân Dục Mỹ cũng rất hiền hoà và hiếu khách, có hôm tôi cũng lang thang ngoài chợ làm người khách lạ đến mua hàng, vậy mà những người bán hàng cũng nhận ra. Ở nơi đó tôi đã gặp cô H., cô gái con chủ nhà cho …Lính thuê ở tạm. Thường thì chỉ là những căn phòng nhỏ, nhưng cũng đủ chỗ cho những người Lính để những cái giường nhà binh và một căn bếp nhỏ. Nhà H. có đến mấy chị em đều xinh, và cũng là …điểm đến của những người Sĩ quan độc thân lúc bấy giờ, dù rằng họ chỉ độc thân tại chỗ. Nhà H lại phụ trách nấu cơm tháng cho những người Lính xa nhà, xa bàn tay …săn sóc của người thân, nên họ dễ dàng quyến luyến nhau, dù rằng Ông nào lại chẳng có người yêu ở thành phố? Và anh trai tôi cũng trong số người đó. Cô M. , cô gái lai Tàu rất xinh, có sạp bán hàng tạp hoá ngoài chợ, vẫn là vị khách được mời thêm mỗi khi “ban nhạc tạp lục” của quí anh quây quần trình diễn hát tặng cô giáo khách. Bỗng dưng một hôm chạy xuống Ninh Hoà chở tôi lên Dục Mỹ sau giờ dạy. Chuyện gì đã xảy ra mà cần có sự dàn xếp của tôi cho… thuyền tình về bến đỗ. Thì ra mấy người có máu Hoạn Thư trong huyết quản , chẳng là vì hôm trước, tôi có đưa mấy cô bạn từ Nha trang lên Dục Mỹ thăm chơi, không dè một cô bạn của tôi …phải lòng một chàng huấn luyện viên trong đó, mà người đó là …đối tượng của M. Chuyện tình thời trẻ cũng có lắm chông gai, cay đắng, đoạn trường. Muốn người ta người ta …không muốn, còn người chẳng thèm thì họ cứ quấn quanh ta, trường hợp của M. lần đó cũng làm tôi buồn theo không ít….

Khi về lại Nha Trang, đường về Dục Mỹ không còn thường xuyên như trước nữa, nhưng con đường trong tôi có quá nhiều kỷ niệm. Những buổi xế trưa ngồi sau chiếc xe Honda của chàng Tr/uý huấn luyện viên từ Dục Mỹ trở về, vừa nghe tiếng máy xe xành xạch nhẹ nổ, vừa hưởng cơn gió thổi lướt qua làm bay bay những làn tóc rối, nghe chàng tâm sự tỉ tê những giờ lên lớp căng thẳng như thế nào nếu bữa đó gặp đoàn Thanh tra đến viếng, rằng người Lính huấn luyện coi nhẹ nhàng nhưng trách nhiệm rất căng, “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” ! Nhiều và nhiều lắm những nỗi niềm tâm sự riêng mang, để người nghe ghi đầy nỗi nhớ, để những hôm một mình đi trên bãi biển Nha trang cũng thấy trống vắng, nhớ nhớ làm sao, nỗi nhớ nao lòng.

Những ngày tháng tư đen ụp đến, những người Lính huấn luyện cũng theo đoàn quân di tản, bỏ những người Lính khoá sinh tan hàng trở về quê cũ, bỏ lạị quân trường Lam sơn cho những người phe nghịch mới đến tiếp quản. Những cô H, cô M. cũng đã lưu lạc nơi nào, không ai biết được. Đã bao nhiêu năm rồi, bao vật đổi sao dời, đầu người hai thứ tóc, kỷ niệm xưa rồi cũng mờ nhạt với thời gian. Những người cũ bây giờ ở đâu? Hy vọng gì có ngày gặp lại. Đường về Dục Mỹ thì có lắm đổi thay, một lần ghé lại nhưng chẳng tìm được chút dấu tích nào, có còn chăng là…. tìm trong kỷ niệm!!!!.

Với giọng văn nhẹ nhàng man mác chút nhớ, chút bâng khuâng, nhà thơ Hoài Niệm, đang mơ màng dắt người đọc tìm về những kỷ niệm xưa, nơi quân trường Dục Mỹ, với bạn bè, người thân...Rồi bây giờ bâng khuâng xa cách ngàn trùng. Cám ơn Tác giả với một đoản văn thật dễ thương về DỤC MỸ-TÌM TRONG KỶ NIỆM

mạc phương đình


Page 2