Đánh giá tính bền vững của nguồn thu nsđp

Triển khai Chương trình số 28-CTr/TU ngày 24/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1195/KH-UBND ngày 05/5/2017 về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị “về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững” trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của Kế hoạch, nhằm: (1) Tăng tỷ trọng thu nội địa, nâng cao tính bền vững của nguồn thu ngân sách; phấn đấu đến cuối năm 2020 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 3.500 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015 (trong đó tỉ trọng thu nội địa khoảng 80%); tổng nguồn vốn huy động đạt 24.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân đạt 22%/năm; (2) Cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên; cơ cấu lại các lĩnh vực chi thường xuyên phù hợp với tình hình mới, gắn với việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy nhanh tiến độ triển khai tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công, giảm mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tăng nguồn đảm bảo chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách; khuyến khích xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước thời kỳ mới 2017-2020.

Kế hoạch đề ra 03 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, cụ thể:

1. Thực hiện quản lý tài chính chặt chẽ, linh hoạt, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách địa phương; tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai trình giá thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với những hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu của địa phương theo đúng quy định của pháp luật; Triển khai đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tăng cường đổi mới khu vực sự nghiệp công lập; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Kon Tum đến năm 2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tích cực rà soát, đề xuất cơ chế, biện pháp để đẩy mạnh khai thác, nuôi dưỡng tốt các nguồn thu trên địa bàn; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, tập trung thực hiện, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đầu tư phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen nhằm nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nhân lực, ươm tạo và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung kêu gọi đầu tư vào phát triển lâm nghiệp; hình thành các mô hình kết hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả, lâm sản ngoài gỗ, phát triển dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo người dân sống được bằng nghề rừng.

2. Tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách địa phương, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững tài chính, ngân sách địa phương. Theo đó, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm nguyên tắc vốn vay chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển; tích cực cải thiện cân đối ngân sách địa phương, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển; Tổ chức thực hiện tốt cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu; tăng tỉ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu; tăng cường quản lý, khai thác, huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên; rà soát các chính sách xã hội, an sinh xã hội để bảo đảm sử dụng ngân sách tập trung và có hiệu quả cao. Dành nguồn lực ngân sách để hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới, đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tập trung ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình cơ cấu lại ngân sách địa phương, quản lý nợ công sau năm 2020 theo định hướng, chủ trương của Trung ương và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

3. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước và quản lý nợ công; thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương; ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế. Theo đó, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu, ứng dụng phương pháp xây dựng dự toán thu ngân sách và dự toán chi ngân sách; thực hiện thu chi trong phạm vi dự toán; tăng cường kiểm soát chi ngân sách theo hướng phù hợp với khả năng thu và trả nợ; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước và nợ công. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, địa phương theo hướng tinh gọn; tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức. Tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; tăng cường thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định; chú trọng tổ chức thực hiện để công khai, minh bạch về kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.