Đánh giá lượng máu mất trong chuyển dạ

Chảy máu sau đẻ là một tai biến sản khoa thường gặp tuy không nhiều như nhiễm khuẩn nhưng dễ gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bình thường khi chuyển dạ và trước khi thai xổ, thai phụ có thể ra ít máu (từ âm đạo) do cổ tử cung bị rạn nứt khi mở. Sau khi thai xổ thường có ít máu từ tử cung ra và sau khi rau xổ, máu từ vùng rau bám chảy ra. Lượng máu mất trong suốt thời kỳ đẻ và xổ rau thường chỉ 300ml, ta gọi là chảy máu sinh lý. Nếu lượng máu chảy quá 500ml là bệnh lý cần xử lý kịp thời.

Đánh giá lượng máu mất trong chuyển dạ

Theo dõi sát sản phụ khi đẻ để phát hiện kịp thời chảy máu.

Nhận biết vị trí chảy máu sau đẻ

Máu có thể chảy từ nhiều vị trí khác nhau của bộ phận sinh dục nên ta cần tìm đúng nguyên nhân để xử trí:

Chảy máu do rách tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ: thường máu chảy ra màu đỏ tươi, chưa kịp đông, nhìn thấy ngay vết rách và chỗ chảy máu.

Chảy máu do rách cổ tử cung: máu đỏ tươi chảy ra từ âm đạo, ta phải đặt van âm đạo và dùng hai kẹp hình tim kéo cổ tử cung ra ngoài mới nhìn thấy chỗ rách.

Chảy máu do rau không bong: máu tươi lẫn cục ra nhiều nhưng ấn đáy tử cung rau vẫn không bong.

Chảy máu do sót rau, sót màng: sau khi rau ra, máu tiếp tục chảy qua âm đạo, mỗi lần ấn đáy tử cung lại thấy máu tươi và máu cục.

Chảy máu do đờ tử cung: sau khi rau ra, tử cung không co hồi mà vẫn mềm nhão, máu tươi và cả máu cục ra nhiều. Thường gặp ở sản phụ đẻ nhiều lần cơ tử cung mất tính đàn hồi, gặp ở người đẻ sinh đôi, đa ối do cơ tử cung bị giãn quá mức khi có thai nên co hồi không tốt, còn gặp ở sản phụ chuyển dạ lâu, cơ tử cung mệt mỏi không co hồi được, đôi khi còn gặp ở người thể trạng suy kiệt do một bệnh toàn thân.

Hãn hữu gặp trường hợp chảy máu sau đẻ do rau bong quá sớm hoặc bong không hoàn toàn do nữ hộ sinh kéo vào cuống rau hoặc ấn đáy tử cung một cách thô bạo.

Cuối cùng cũng đừng quên chảy máu sau đẻ có thể do vỡ tử cung, bong rau non... là những bệnh lý xảy ra trong khi đẻ nhưng đẻ xong máu mới chảy ra ngoài.

Cách theo dõi chảy máu sau đẻ

Để xác định tình trạng chảy máu, cần theo dõi lượng máu chảy ra ngoài âm đạo (nên cho sản phụ nằm trên một săng vải hấp màu trắng để tiện theo dõi). Chú ý các trường hợp chảy máu ri rỉ nhưng liên tục và ước đoán khối lượng máu chảy bằng cách cân số lượng máu chảy ra ngoài.

Theo dõi tử cung, thấy tử cung quá to, quá mềm. Cuối cùng phải dựa vào thể trạng chung để phát hiện các máu chảy trong tử cung (máu không ra ngoài): sản phụ vật vã, hốt hoảng hoặc nằm li bì, mặt tái, chân tay lạnh, thở nông, mạch nhanh, huyết áp hạ.

Điều chủ yếu là phải theo dõi sát sản phụ sau đẻ để khi phát hiện lượng máu mới chảy với khối lượng còn ít để việc điều trị được kịp thời và có hiệu quả. Nếu để tới khi mất máu trên 500ml và thể trạng chung đã xấu mới phát hiện được thì việc điều trị trở thành khó khăn, dễ dẫn tới tử vong.

Phòng chống thế nào?

Phát hiện sớm những sản phụ có nguy cơ chảy máu sau đẻ để gửi lên tuyến trên: những sản phụ sinh đôi, thai to, đa ối, đẻ từ lần thứ 5 trở đi, có bệnh nội khoa, chuyển dạ kéo dài, tiền sử có chảy máu sau đẻ. Theo dõi sát các sản phụ sau đẻ: đếm mạch, đo huyết áp quan sát toàn thể trạng, vùng âm hộ, sự co hồi tử cung để phát hiện sớm chảy máu.

Đối với những sản phụ có nguy cơ chảy máu sau đẻ thì sau khi rau ra và kiểm tra không thấy sót rau, tiêm vào đáy tử cung oxytoxin 5 đơn vị.

Không kéo vào dây rốn, không ấn thô bạo vào đáy tử cung. Sau khi đỡ rau kiểm tra kỹ rau đề phòng sót rau gây chảy máu.

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng sau khi xem xong nội dung câu trả lời!

BĂNG HUYẾT SAU SINH

1. Định nghĩa

Băng huyết sau sinh (tiếng Anh là Postpartum Hemorrhage) là tình trạng máu chảy trên 500ml đối với sinh đường âm đạo hoặc trên 1000ml đối với mổ lấy thai. Mất máu trong băng huyết sau sinh có thể xảy ra ồ ạt, đột ngột hoặc một cách từ từ, kín đáo. Mức độ nặng của BHSS không chỉ phụ thuộc vào lượng máu mất, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của sản phụ trước khi bị băng huyết.

Băng huyết sau sinh (BHSS) hiện nay vẫn còn là một trong những tai biến sản khoa đứng hàng đầu gây tử vong mẹ trên thế giới và Việt Nam.

2. Phân loại

- Băng huyết nguyên phát: Là tình trạng băng huyết sớm, xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau sinh

- Băng huyết thứ phát: Là tình trạng băng huyết xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau sinh hoặc hơn. Băng huyết sau sinh 1 tháng hoặc 2-3 tháng là vấn đề đáng lo ngại.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có thể chia làm 4 nhóm lớn (4T):

3.1 Đờ tử cung (Tone): là nguyên nhân thường gặp nhất, nguy cơ cao ở các sản phụ:

- Tử cung quá căng: đa thai, đa ối, thai to…

- Cơ tử cung co hồi kém: chuyển dạ nhanh, chuyển dạ kéo dài, tăng co lâu bằng oxytocin, đa sản…

- Nhiễm trùng ối: vỡ ối lâu

- Cấu trúc tử cung bất thường: u xơ tử cung, nhau tiền đạo, tử cung dị dạng, có sẹo,…

- Suy nhược, thiếu máu nặng, huyết áp cao trong thai kỳ,…

- Sử dụng các loại thuốc vô cảm đường toàn thân.

3. 2 Sót nhau (Tissue): thường gặp trong các trường hợp:

- Bánh nhau phụ, cuống rốn ngắn, thể tích và diện tích nhau quá lớn như trong đa thai, phù nhau thai…

- Nhau bám bất thường: nhau cài răng lược, nhau bám đoạn dưới, nhau bám ở góc tử cung…

- Nhau dính vào lớp nội mạc một cách bất thường do viêm, teo bẩm sinh hay do nạo thai, u xơ dưới niêm mạc, nguyên nhân nội tiết…, gây cản trở hiện tượng tróc nhau sinh lý.

3.3 Sang chấn đường sinh dục (Trauma):

Do sinh nhanh, sinh thủ thuật, cắt tầng sinh môn quá rộng hoặc sâu, vỡ tử cung, lộn tử cung do thủ thuật bóc nhau thô bạo…

3.4 Rối loạn đông máu (Thrombosis):

- Bệnh lý đông máu di truyền hoặc mắc phải: Hemophilie, xuất huyết giảm tiểu cầu, xơ gan, điều trị thuốc kháng đông…

- Do nhau, thai: nhau bong non, thai lưu, tiền sản giật gây xuất huyết giảm tiểu cầu, hội chứng HELLP, thuyên tắc ối…

4. Chẩn đoán

4.1 Lâm sàng:

- Triệu chứng toàn thân: có thể có tình trạng thiếu máu cấp: Mạch nhanh, huyết áp tụt, tay chân lạnh, vã mồ hôi, da xanh xao.

- Triệu chứng tại chỗ: Chảy máu từ đường sinh dục: lượng máu chảy ra ngoài có thể nhiều hoặc ít, máu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu cục hoặc máu loãng. Máu chảy ứ trong buồng tử cung làm tử cung tăng thể tích: đáy tử cung lên cao dần, tử cung to ra theo bề ngang, mềm nhão. Không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ,

4.2 Cận lâm sàng:

- Xét nghiệm Huyết đồ để đánh giá tình trạng máu mất

- Chức năng đông máu để đánh giá tình trạng rối loạn đông máu

- Nhóm máu để truyền máu (nếu cần)

- Các xét nghiệm khác tùy tình trạng bệnh nhân.

5. Điều trị

- Khi BHSS xảy ra, cần nhanh chóng kết hợp hồi sức cấp cứu nội khoa song song với xử trí sản khoa.

- Hồi sức tích cực: cho sản phụ nằm đầu thấp, thở oxy, xoa bóp đáy tử cung qua thành bụng, đè động mạch chủ bụng để giảm lượng máu đến tử cung. Đảm bảo huyết động bệnh nhân ổn định. Theo dõi huyết áp, mạch, tri giác, nhịp thở, niêm mạc thường xuyên. - Truyền dịch, truyền máu, tiểu cầu, yếu tố đông máu, thuốc vận mạch khi có chỉ định.

- Xác định nguyên nhân gây BHSS và điều trị theo nguyên nhân. Việc xác định kịp thời nguyên nhân gây BHSS là vô cùng quan trọng, vì nó giúp cho người bác sĩ điều trị nhanh chóng xử trí nguyên nhân bên cạnh việc hồi sức chống sốc. Chỉ có loại bỏ được nguyên nhân thì mới có thể chấm dứt được chảy máu.

- Cắt tử cung: là cứu cánh cuối cùng nhằm cứu tính mạng người mẹ. Đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa đủ con, có thể dùng thuyên tắc mạch hoặc thắt động mạch tử cung hoặc động mạch hạ vị hai bên.

6. Biến chứng

- Tử vong mẹ: là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ sau sinh.

- Tổn thương tạng: ruột, bàng quang, niệu quản, bó mạch vùng chậu khi xử trí.

- Cắt tử cung: do thất bại điều trị bảo tồn.

- Biến chứng khác: suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và dễ nhiễm khuẩn hậu sản.

7. Dự phòng

- Tránh chuyển dạ kéo dài.

- Phòng ngừa nhiễm trùng ối.

- Sử dụng cẩn thận các loại thuốc tê, mê, giảm đau trong chuyển dạ.

- Điều chỉnh các rối loạn đông máu nếu có.

- Xử trí tích cực giai đoạn 3 chuyển dạ.

8. Tại bệnh viện Hùng Vương

Nguyên tắc chung để phòng ngừa băng huyết sau sinh cũng như các biến chứng thai kỳ là cần phải theo dõi thai kỳ tốt, nhằm sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ và có hướng xử trí kịp thời. Chính vì vậy, các thai phụ cần lựa chọn các cơ sở uy tín như Bệnh viện Hùng Vương để được thăm khám, đánh giá các nguy cơ cũng như có quy trình chăm sóc thai sản an toàn.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Hùng Vương cũng là một trong những bệnh viện tiên phong tham gia nghiên cứu RED TRIAL của Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong điều trị sớm BHSS. Các thai phụ khi đi sanh có thể đăng ký tham gia nghiên cứu này hoàn toàn miễn phí tại khoa Sanh của Bệnh viện Hùng Vương.