Đánh giá luật viên chức 58 2023 qh12

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (Luật số 52/2019/QH14 được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020). Dưới đây là một số điểm mới của Luật này, cụ thể như sau:

1/ Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không được quy định là công chức.

Khoản 2 điều 4 của Luật công chức, viên chức được sửa đổi. bổ sung như sau: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Như vậy, theo quy định mới thì những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không được quy định là công chức. Đồng thời, Luật cũng quy định những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì vẫn tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm.

2/ Kéo dài thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức lên 60 tháng và chính thức bỏ chế độ “biên chế suốt đời” với viên chức

Theo đó, khoản 2 Điều 2 Luật này cũng sửa đổi, bổ sung thời hạn thực hiện hợp đồng. Luật sửa đổi sẽ nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn của viên chức từ 36 tháng như quy định hiện nay lên 60 tháng.

Trong đó, hợp đồng xác định thời hạn là loại hợp đồng mà hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng với những người mới trúng tuyển viên chức.

Đặc biệt: Trước khi hết hạn 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức. Trong đó, nếu viên chức đáp ứng đầu đủ các yêu cầu và đơn vị còn nhu cầu thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng. Ngược lại, nếu từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do vì sao.

Đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020. Căn cứ khoản 2 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3/ Đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức.

Trước đây, Luật Cán bộ công chức năm 2008 quy định cán bộ, công chức được phân loại đánh giá 04 mức là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; Không hoàn thành nhiệm vụ. Thì nay thay thế thuật ngữ “phân loại đánh giá” bằng thuật ngữ “xếp loại chất lượng” với 04 mức là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đó, kết quả xếp loại chất lượng cán bộ, công chức được lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, thông báo đến cán bộ, công chức được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức công tác. Đồng thời, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Riêng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 02 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại; Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn.

4/ Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức:

Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển. Trong đó, chỉ nêu 01 trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo...

Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 thì ngoài thi tuyển, Luật còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp sau:

- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng;

- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.

Không chỉ vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp:

- Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Cán bộ, công chức cấp xã;

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức;

- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước…

- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

5/ Đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Tại Điều 41 của Luật Viên chức số 58/2010/QH12 nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì Luật viên chức sửa đổi 2019 đã được quy định rõ: Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Đồng thời, mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, với quy định mới này, việc đánh giá viên chức sẽ dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với vị trí việc làm và thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể, tạo sự thuận lợi, công bằng hơn trong thực hiện nhiệm vụ đánh giá, phân loại kết quả hoàn thành nhiệm vụ của viên chức.

6/ Công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức ở nơi làm việc

Đây là một trong những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019.

Theo đó, kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Trong khi theo quy định hiện hành, kết quả chỉ được lưu vào hồ sơ và thông báo đến cán bộ, công chức được đánh giá.