Cty xử lý trứng sạch chị ba huân

Tuổi nhỏ chí lớn

Cty xử lý trứng sạch chị ba huân

Sinh năm 1954, bà Ba Huân (Phạm Thị Huân) là con thứ trong một gia đình nông dân có 8 anh chị em ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Phải bỏ học từ lớp 5, năm 13 tuổi, bà đã phụ mẹ buôn bán trứng. 16 tuổi, bà được tin cẩn giao quán xuyến toàn bộ việc kinh doanh của gia đình. Những năm gian khó đó, vựa trứng lớn nhất ở TP. Hồ Chí Minh do các thương gia người Hoa cầm trịch. Muốn có lời, trứng phải được buôn tận gốc, bán tận ngọn. Chính vì vậy, bà đã mạnh dạn thu gom trứng khắp vùng ĐBSCL rồi chạy ghe đưa về Sài Gòn. Ít vốn nên bà thuyết phục người nuôi gia cầm cho phép trả chậm và bà trả giá cao hơn các thương lái khác. Do cung cách làm ăn sòng phẳng, giá thu mua trứng cao lại biết san sẻ với nông dân trong lúc khó khăn nên uy tín Ba Huân ngày một tăng, khách hàng ngày một nhiều. Sau Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kinh tế tư nhân chưa được thừa nhận nên năm 1977, bà Ba Huân xin về Công ty Thực phẩm Nông sản Kiên Giang. Do có nhiều kinh nghiệm thu mua trứng, bà được giao làm trưởng bộ phận thu mua trứng của Công ty. Cứ vài ngày, Ba Huân lại gom được hàng trăm ngàn quả trứng, chở ghe cập bến Bình Đông (TP. Hồ Chí Minh). Ở Công ty, tỷ lệ sai hỏng cho phép trong thu mua trứng là 5%, nhưng nhờ dày dạn kinh nghiệm, nên tỷ lệ hao hụt được bà giảm tối đa. Phần chênh lệch này không chỉ đủ nuôi các em ăn học, mà còn giúp bà tích lũy được vốn liếng lên tới 200 triệu đồng, một khoản tiền lớn hồi đó.

Năm 1982, bà nghỉ việc công ty nhà nước, gom vốn mở vựa trứng Ba Huân ở TP. Hồ Chí Minh. Làm ăn ngày một khấm khá, năm 2001, vựa trứng Ba Huân nâng cấp thành DNTN, năm 2006 đổi thành Công ty TNHH. Lần lượt 6 anh em của bà về phụ giúp việc Công ty, người lo đối ngoại, người trông coi sản xuất, người phụ trách phân phối nguồn hàng…

Bại không nản…

Cty xử lý trứng sạch chị ba huân

Dây chuyền xử lý trứng sạch theo công nghệ châu Âu của Công ty Ba Huân

Là một người đặc biệt khi bàn tay có thể ôm trọn 5 quả trứng, kinh nghiệm bươn chải thương trường khiến Ba Huân trở thành một “chuyên gia” về trứng, đến độ chỉ cần cầm quả trứng bà có thể biết nó được đẻ vào lứa thứ mấy của con gà, lòng đỏ nhiều hay ít. Dần dà, doanh nghiệp của bà làm ăn ngày một phát đạt. Nhưng người tính không bằng trời tính. Năm 2003, đại dịch H5N1 tràn qua Việt Nam khiến người chăn nuôi điêu đứng. Với Ba Huân, ký ức những năm tháng ấy chưa bao giờ phai. Trước Tết âm lịch 2004 chỉ quãng 10 ngày, khi dịch bùng phát, toàn bộ các xe chở trứng của Công ty đành án binh bất động. Phải là người đã tự tay chọn từng quả trứng rồi lại tự tay châm lửa tiêu hủy liền lúc 300.000 quả mới thấu hiểu những giọt nước mắt xót xa của bà lúc ấy. Cú sốc H5N1 tưởng không gượng nổi này đã đốt 6 tỷ đồng của Công ty theo làn khói. Chưa bao giờ số phận Công ty Ba Huân chông chênh như lúc ấy. Nhưng nhìn cảnh ruộng nước tiêu điều, nhà lá xác xơ, vịt chết, trứng chất thối đầy đồng, tấm lòng trắc ẩn của vị giám đốc xuất thân nông dân thêm phần lay động. Quyết chí cùng nông dân thoát nghèo, Ba Huân gom góp được ít vốn tìm cách tái đầu tư sản xuất, đồng thời cho họ mượn thêm tiền để cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực.

Năm 2004, dịch H5N1 lại bùng phát. Trong một lần đi siêu thị, Ba Huân chợt thấy những quả trứng xuất xứ Malaysia vẫn được ung dung bày bán. Tại sao dịch H5N1 cùng xuất hiện tại nhiều nước, nhưng họ vẫn bán được trứng? Bà tự đặt câu hỏi rồi tự tìm ra câu trả lời: Thì ra người ta có công nghệ xử lý, diệt khuẩn đối với trứng, còn Việt Nam thì chưa nên trứng bắt buộc phải tiêu hủy. Mấu chốt nằm ở công nghệ. Cùng lúc ấy thông tin sốt dẻo về dây chuyền thiết bị xử lý trứng sạch của hãng Moba, Hà Lan đã khiến bà ngày đêm trăn trở. Sau khi tham quan khảo sát nước ngoài về, bà tâm niệm muốn việc kinh doanh trứng bền vững thì nhất định phải mua bằng được dây chuyền hiện đại này. Nhưng đầu tiên - tiền đâu? 650.000 euro không phải là một số tiền nhỏ. Quyết là làm, bà bán nhà xưởng, kho bãi được 16 tỷ đồng, số còn thiếu bà nộp đề án lên Sở NN&PTNT Long An xin được đồng thuận vay vốn và nhận được hỗ trợ vào năm 2005.

Và thế là một dây chuyền xử lý trứng hiện đại công suất 65.000 trứng/giờ đã được Công ty Ba Huân tiên phong nhập về Việt Nam. 3 năm sau, Ba Huân lại tiếp tục vay vốn đầu tư nhập thêm dây chuyền công suất gấp đôi, trị giá lên tới 1 triệu euro. Có nhà máy hiện đại, Công ty làm ăn nên phát đạt và nông dân đã vơi hẳn nỗi lo đầu ra quả trứng. Có thể thấy, kỳ tích về trứng sạch Ba Huân đã được bắt nguồn từ ưu điểm tìm ra cửa thắng trong thất bại tạm thời của chính bà.

Thắng không kiêu

Cty xử lý trứng sạch chị ba huân

Cú đột phá về công nghệ của Công ty Ba Huân đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho một loạt công ty khác trong ngành chăn nuôi. Bà trở nên nức tiếng khi là Tổng Giám đốc một đơn vị chăn nuôi, chế biến thịt và trứng gia cầm có tiếng tại Việt Nam và được mệnh danh là “nữ hoàng trứng sạch”. Không chỉ là tấm gương doanh nhân điển hình trong nông nghiệp, hình tượng Ba Huân có sức lan tỏa và động viên to lớn với mỗi nông dân Việt đang ấp ủ khát vọng làm giàu. Tháng 2/2017, Tạp chí Forbes đã bình chọn Ba Huân là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Tuy vụ Quỹ VinaCapital đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty Cổ phần Ba Huân đến phút chót tạm dừng bởi những lý do chủ quan và khách quan, nhưng điều đó đã chứng tỏ thương hiệu trứng sạch Ba Huân có sức thu hút khá lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bại không nản, thắng không kiêu, hơn 40 năm gắn bó cùng quả trứng, Ba Huân vẫn luôn chứng tỏ mình là một nông dân Việt thuần chất. Bà tâm sự: “Đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân thoát nghèo là khát khao cháy bỏng cuộc đời tôi”. Có lẽ, nhìn vào những thành quả đạt được của bà, thấu hiểu lý tưởng yêu nước thương dân đầy tính nhân văn của bà mà Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) năm 2016 đã lựa chọn Ba Huân là đại diện duy nhất của Việt Nam và là một trong 4 đại diện thuộc 45 quốc gia nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là giải thưởng quốc tế uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp dành cho những nông dân có mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp lớn cho cộng đồng.

Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm gắn bó với nghiệp buôn trứng gia cầm, bà Ba Huân nhấn mạnh: Làm lớn làm nhỏ gì thì chữ tín cũng phải đặt lên hàng đầu. Ba Huân thu mua trứng của nông dân, dù thị trường có lên có xuống thì tôi vẫn cam kết giá ổn định và bao tiêu đầu ra cho họ. Không chỉ hỗ trợ đầu ra, nhiều năm qua Ba Huân còn hỗ trợ kỹ thuật đầu vào, hỗ trợ con giống và phương thức canh tác, chăm sóc giúp nông dân đạt hiệu quả chăn nuôi cao nhất. Hiện đang có hàng ngàn nông dân tham gia vào dây chuyền chăn nuôi an toàn sinh học, trong chương trình liên kết 4 nhà của Công ty.

“Bí quyết đầu tiên làm nên thành công của tôi chính là sự cần kiệm, chắt chiu, dám nghĩ lớn và làm lớn. Nhưng Ba Huân có được như ngày hôm nay chính là nhờ người tiêu dùng. Lúc vật giá leo thang Ba Huân sẵn sàng tham gia các chương trình bình ổn. Lợi nhuận Công ty tuy ít đi nhưng dòng chảy giữa sản xuất và tiêu dùng được khơi thông. Biết ơn người chăn nuôi, biết ơn người tiêu dùng, biết ơn nông dân Việt, chúng tôi sẽ cố hết sức để không phụ lòng trông đợi của mọi người”. Thú vị, khiêm nhường và chân thành, Ba Huân giản dị là một người như thế.

>> Công ty Cổ phần Ba Huân hiện đã khép kín quy trình sản xuất từ trang trại đến bàn ăn theo tiêu chuẩn công nghê cao với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, gồm 1 trang trại chăn nuôi gà lấy trứng quy mô 18 ha, tổng đàn trên 1 triệu con tại Bình Dương; 1 trang trại gà lấy thịt quy mô 24 ha, tổng đàn trên 5 triệu con tại Long An; 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương công suất 30 tấn/giờ; 2 nhà máy xử lý trứng gia cầm tổng công suất hơn 300.000 trứng/giờ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; 1 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An công suất 50 tấn/ngày. Ba Huân cũng đang triển khai xây dựng một trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở Hà Nội.