Công văn hướng dẫn làm ngoài giờ cho bác sĩ năm 2024

Ngày 28.5.2020, tại Hà Nội, Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp với Công đoàn ngành Y tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Thực trạng và kiến nghị chế độ làm thêm giờ của cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập”.

Phan Trang (đưa tin)

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án“Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tuyên truyền về quyền lao động và công đoàn cho các Hội nghề nghiệp và KHKT theo quy định của pháp luật Việt Nam, đóng góp vào việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản”.

.jpg)

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, thời giờ làm việc là một trong những nội dung quan trọng của tiêu chuẩn lao động, cũng là vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm. Với mỗi ngành có chế độ làm việc, công việc khác nhau nhưng Y tế là một trong những ngành có số lượng không nhỏ người lao động phải làm thêm giờ rất nhiều, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.

Trong khuôn khổ Hội thảo này, đồng chí bày tỏ mong muốn các chuyên gia tiếp cận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, từ nhu cầu nhân lực của ngành đến nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; việc phân bố không đồng đều năng lực trình độ của cán bộ y tế; sự chưa công bằng giữa các khu vực trong phát triển kinh tế xã hội và điều kiện chăm sóc y tế ở nước ta; giữa quy định của Bộ luật lao động và điều kiện tái sản xuất sức lao động của ngành y tế.

Hội thảo góp phần tìm ra tiếng nói chung để kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật, đồng thời định hướng có công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn để đưa ra đề xuất thỏa đáng, hài hòa giữa nhu cầu của người dân, nhu cầu được làm việc của cán bộ ngành y tế, điều kiện để họ được nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động.

Tại Hội thảo, PGS, TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, theo khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch Covid-19 cho thấy, số giờ làm việc của cán bộ y tế gia tăng đáng kể, trung bình 3,65 giờ/ngày.

Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế năm 2019 cũng cho thấy, 87,4% cán bộ y tế cho rằng công việc luôn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, áp lực công việc nặng nề, căng thẳng hơn rất nhiều so với các ngành khác.

Nguy hiểm hơn là môi trường làm việc độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp và phơi nhiễm bệnh tật; thời điểm làm việc thường xuyên trái với quy luật sinh học (trực đêm)…

.jpg)

Góp ý tại Hội thảo có nhiều ý kiến xác đáng về thực trạng, nguyên nhân làm thêm giờ và việc thực hiện chế độ chính sách làm thêm giờ đối với cán bộ, nhân viên y tế.

GS.TS Vũ Văn Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Là một bệnh viện chuyên khoa 2, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phân loại lao động theo vị trí việc làm và phân công chế độ trực, chế độ làm việc thường xuyên cho từng vị trí, từng khu vực. Trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, bệnh viện gặp không ít khó khăn. Đơn cử, quy định cứng hiện nay đối với một ca phẫu thuật của bác sĩ chuyên khoa kéo dài 3 tiếng. Nhưng trên thực tế có những ca phẫu thuật phức tạp phải kéo dài 10 tiếng. Số giờ làm việc ngoài quy định sẽ không được bảo hiểm thanh toán. Do vậy, lương, phụ cấp của bác sĩ ép vào quy định khung 3 giờ. Bệnh viện rất cố gắng cân đối chênh lệch thu chi để đảm bảo thu nhập cho người lao động và giữ chân người lao động….

Khung giờ làm thêm tối đa hiện nay theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 là không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm. Đối với ngành Y tế, tình trạng làm “vượt giờ” có thể đạt tới 300 giờ/năm.

Theo ThS. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, do thiếu nhân lực cục bộ theo nghề, ví dụ nghề điều dưỡng thiếu trầm trọng (11.4 điều dưỡng/bệnh nhân) nên chấp nhận làm ngoài giờ. Bên cạnh đó là tình trạng là quá tải cục bộ, dòng người bệnh di chuyển ngang và dọc, tập trung nhiều ở tuyến trên.

Từ đó, ông Mục kiến nghị, cần xây dựng chỉ số nhân lực ngành Y tế theo người bệnh để xóa bỏ chỉ tiêu theo giường bệnh như hiện nay. Chỉ số này thực hiện không chỉ ở bệnh viện công lập mà cả các bệnh viện tư, qua đó có thể kiểm soát được việc các bệnh viện tự chủ có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển dụng. “Trong y tế có thời gian vàng, bệnh nhân đến được khám ngay thì có khả năng sống cao hơn. Các bác sỹ cùng một lúc ‘vừa xay lúa, vừa cõng em” thì sẽ không thể làm tròn được” – ông Mục khẳng định.

Bà Lương Thị Mai Anh, Cục Quản lý môi trường Y tế thì kiến nghị nên đưa ngành Y tế vào trong danh mục là ngành làm việc thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ. Nhân viên y tế thường trực cấp cứu 24/24h nên cho nghỉ bù từ 12h đến 12h hôm sau để đảm bảo đúng quy định của pháp luật lao động.

Các đại biểu thống nhất, cần đề xuất với Chính phủ có quy định đặc thù về thời gian làm thêm đối với ngành Y tế; cơ chế tài chính và vấn đề tự chủ; sửa luật bảo hiểm xã hội và quy định về thời gian khám chữa bệnh trong thời gian tới.