Công ty xí nghiệp may 20b thanh hóa năm 2024

Được giao quyền tự chủ, tự hạch toán trong điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng gặp không ít khó khăn, cán bộ, nhân viên, người lao động Công ty đã nỗ lực, đoàn kết, đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh (SXKD) hợp lý, sau hơn một năm đi vào hoạt động, các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Bước chuyển đổi lịch sử

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, anh Lê Đình Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty cho biết: Công ty thành lập năm 1974, tiền thân là một xí nghiệp may trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa. Sau nhiều lần thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế, năm 2003, Công ty sáp nhập vào Công ty Cổ phần X.20, với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất quân trang. Năm 2015, Công ty được cấp trên đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, trang bị thêm nhiều máy móc, dây chuyền hiện đại, chuyển sang tập trung chủ yếu sản xuất hàng kinh tế, xuất khẩu. Tháng 7/2017, Công ty chính thức được cấp trên chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHHMTV (mô hình công ty mẹ - công ty con) với tên gọi Công ty TNHHMTV X.20 Thanh Hóa gồm 310 cán bộ, nhân viên và người lao động.

Theo anh Hải, dù đã qua nhiều lần chuyển đổi, song, đây là bước ngoặt “lịch sử” của Công ty. Việc chuyển đổi hoạt động có nhiều thuận lợi vì Công ty vừa được đầu tư dây chuyền, máy móc tương đối hiện đại, đồng bộ, hệ thống nhà xưởng mới, có thể chủ động hoàn toàn trong việc SXKD, tìm nguồn hàng... Song, cũng gặp nhiều khó khăn do không được công ty mẹ bao cấp toàn bộ như trước nữa. Tất cả các khoản kinh phí về tiền lương, thưởng, các tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên, người lao động... phải tự bảo đảm toàn bộ. Trước đây, Công ty được trên giao đơn hàng, nên chỉ lo tập trung triển khai nhiệm vụ sản xuất, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu trên giao, còn hiện nay, Công ty phải tự lo tìm nguồn hàng, đối tác, duy trì hoạt động SXKD, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động.

Một khó khăn nữa đối với Công ty là, do đứng chân trên địa bàn thành phố, nơi có nhiều khu công nghiệp nên việc tìm nguồn lao động gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, những năm gần đây, thị trường dệt may bị “bão hòa”, do đó, mức lương cho công nhân ngành may bị hạn chế, khiến người lao động, nhất là đối tượng trẻ không thực sự gắn bó với nghề. Ngay tại khu công nghiệp Tây Bắc Ga (thành phố Thanh Hóa) nơi Công ty thuê trụ sở, vừa qua cũng có 2 doanh nghiệp may mặc phải đóng cửa do không tuyển dụng được lao động. Điều đó đã gây áp lực không nhỏ đến việc xác định chiến lược phát triển cũng như đặt mục tiêu, cam kết với công ty mẹ của Công ty TNHHMTV X.20 Thanh Hóa.

Đoàn kết, sáng tạo để phát triển đi lên

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi chuyển đổi hoạt động, song, khi đăng ký kế hoạch SXKD năm 2018 với cấp trên, Công ty TNHHMTV X.20 Thanh Hóa mạnh dạn cam kết năm đầu tiên sẽ có lãi. Đây là một cam kết khá “liều lĩnh”, vì trước đây, khi được “bao cấp”, mỗi năm, công ty mẹ chi cho Công ty TNHHMTV X.20 Thanh Hóa gần chục tỉ đồng để trả tiền lương và kinh phí hoạt động.

Để thực hiện thành công cam kết ấy, Hội đồng thành viên Công ty đã xác định tập trung chuyên sâu vào việc may gia công hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng hiện đang là thế mạnh của Công ty như: sản xuất hàng Jacket và quần bơi cho đối tác nước ngoài. Ngoài những đối tác truyền thống, đã có quan hệ từ trước, Công ty tích cực tìm kiếm các nguồn hàng mới, chủ yếu là lĩnh vực xuất khẩu. Có những đơn hàng, Công ty mạnh dạn tìm kiếm, ký kết trực tiếp với đối tác nước ngoài, không qua trung gian. Không chỉ giao chỉ tiêu cho bộ phận kinh doanh, lãnh đạo Công ty còn động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên, người lao động tích cực tìm kiếm nguồn hàng. Vì vậy, từ chỗ chỉ có ít đối tác, đến nay, Công ty đã mở rộng, ký kết được với nhiều đối tác, bạn hàng để sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Anh, Hàn Quốc, Bra-xin và nhiều nước châu Âu khác. Hiện nay, nguồn hàng gia công phục vụ xuất khẩu của Công ty chiếm tới 90% doanh thu, 10% còn lại là các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước như bảo hộ, đồng phục văn phòng... do Công ty tự thiết kế, sản xuất. Cùng với tìm kiếm nguồn hàng, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, Công ty cân đối kinh phí để tập trung đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Vừa qua, Công ty đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để mua thêm 3 máy cắt mẫu tự động ATA, máy lập trình khổ rộng tự động, máy 2 kim tự động và máy Kan - sai trần chun quần tự động. Đây là những loại máy tương đối hiện đại so với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Với hệ thống máy móc mới, Công ty đã mở rộng thêm chuyền, tuyển thêm thợ kỹ thuật có tay nghề cao để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng được tiến độ cho các đơn hàng lớn, đòi hỏi khắt khe về tiến độ, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm.

Để thu hút và giữ chân người lao động, Công ty mở rộng điều kiện tuyển dụng. Cụ thể là: Đối với lao động đã có tay nghề, khi vào làm việc sẽ được Phòng Kỹ thuật Công ty tổ chức đào tạo tại chỗ một thời gian ngắn rồi ký hợp đồng lao động, giao khoán sản phẩm. Ngoài tiền lương hưởng theo sản phẩm, các lao động mới còn được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng, với điều kiện phải làm trên 3 tháng, cho đến khi tay nghề vững, có thể đáp ứng được yêu cầu. Các lao động chưa có tay nghề, khi tuyển dụng sẽ được đào tạo miễn phí, hỗ trợ bữa cơm ca và số tiền 50.000đ/ngày, cùng với mức hỗ trợ cố định 2 triệu đồng/tháng (trả sau 3 tháng làm việc). Công ty cũng xác định hạn chế tổ chức tăng ca, làm thêm ngoài giờ, ngày nghỉ để giúp người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo đời sống gia đình. Trường hợp đơn hàng lớn, yêu cầu tiến độ gấp, Công ty sẽ chuyển hàng ra ngoài để thuê gia công. Công ty cũng bảo đảm đầy đủ các chế độ phúc lợi khác như: ăn ca 16.000đ/suất, nhà ăn được lắp hệ thống điều hòa, các ngày lễ, tết, sinh nhật, hiếu, hỉ... của công nhân và gia đình, Công ty đều có tiền thưởng, tặng quà. Nhờ bảo đảm tốt điều kiện làm việc, chế độ cho người lao động nên thời gian qua, mặc dù thị trường lao động có nhiều biến động, song, Công ty vẫn duy trì được số lượng công nhân đầy đủ, bảo đảm tốt cho hoạt động sản xuất.

Vừa trò chuyện, anh Hải vừa dẫn tôi đi thăm quan một lượt khu nhà xưởng. Anh phấn khởi tiết lộ, vừa qua, Công ty đã hoàn thành các tiêu chí để được đánh giá nhà máy đạt tiêu chuẩn WRAP (tổ chức độc lập, phi chính phủ đánh giá trách nhiệm toàn cầu về sản xuất may mặc). Đây là bộ tiêu chuẩn được coi là khắt khe nhất trong ngành dệt may thế giới hiện nay. Bộ tiêu chuẩn gồm hơn 1.200 tiêu chí, trong đó, chủ yếu tập trung vào các nội dung liên quan đến chính sách an sinh xã hội, chế độ phúc lợi cho người lao động; việc tuân thủ các quy định về pháp luật lao động và công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động SXKD. Để đáp ứng được bộ tiêu chuẩn này, Công ty đã tập trung xây dựng tỉ mỉ các tiêu chí, từ ngoài cổng vào đến khu sản xuất, trong đó, điều chỉnh lại các yêu cầu về môi trường, độ ồn, ô nhiễm không khí, các yêu cầu về bảo đảm an ninh truy xuất nguồn gốc hàng hóa... Sau khi được WRAP công nhận, Công ty có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp khác để thu hút các đơn hàng xuất khẩu có yêu cầu khắt khe từ các đối tác nước ngoài.

Nhờ có hướng đi đúng đắn, với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, nên năm 2018, Công ty đã xuất khẩu được 430.000 sản phẩm các loại của 120 lượt mã hàng, tăng hơn 11% so với năm 2017. Doanh thu năm 2018 của Công ty đạt gần 40 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch, tăng 19% so với năm 2017, lợi nhuận trước thuế ước đạt 650 triệu đồng. Đặc biệt, năng suất các mặt hàng cũng tăng lên rõ rệt, bình quân đạt từ 120-125%; thu nhập bình quân của người lao động đạt xấp xỉ 7,5 triệu đồng/người/tháng, vượt 5% so với kế hoạch đề ra. Những kết quả trên dù chỉ là bước khởi đầu song đã đem lại niềm tin, lạc quan rất lớn cho cán bộ, nhân viên, người lao động Công ty. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư các loại máy móc theo hướng tự động hóa, đẩy mạnh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mở rộng tìm kiếm nguồn hàng xuất khẩu để đảm bảo tốt hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng Công ty ngày càng phát triển, đứng vững trên thị trường dệt may trong nước và quốc tế.¨