Công sinh thành là gì

Có 1 kết quả:

生成 sinh thành

Từ điển Nguyễn Quốc Hùng

Đẻ ra và nuôi lớn gây dựng cho. Chỉ công ơn cha mẹ Đoạn trường tân thanh có câu: » Để lời thệ hải minh sơn, làm con truớc phải đền ơn sinh thành «. Thiên sinh chi, địa thành chi 天生之, 地成之 ( Kinh Dịch ). Trời sinh ra có hình đất làm ra thành hình. Ta coi công đức cha mẹ như trời đất, cho nên gọi là sinh thành. » Làm con trước phải đền ơn sinh thành « ( Kiều ).

Một số bài thơ có sử dụng

Công sinh thành là gì

Thời gian cứ âm thầm lặng lẽ trôi, Xuân đến Hè sang, Thu lại về. Trời đất cũng theo quy luật của tự nhiên, thời tiết cũng theo từng mùa mà thay đổi. Xuân qua Hạ về, lặng lẽ nhường mình cho một mùa Thu lại đến. Mùa Thu, mùa của những cơn gió heo may nhè nhẹ, mùa của những cơn mưa bất chợt đổ rào, mùa của ánh trăng vàng vành vạnh. Mùa Thu cũng là mùa của những người con cất lên tiếng lòng mình để hướng về công ơn của hai đấng sinh thành – mùa Vu Lan báo hiếu.

 Gia đình là nơi con người được sinh ra và lớn lên trong tình thương và sự hy sinh của cha mẹ. “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Từ thuở ấu thơ đến ngày khôn lớn, gia đình đối với tôi luôn là hình ảnh đẹp, không thể nào phai mờ trong tâm thức, vì nơi đó chứa đựng biết bao niềm vui pha lẫn nỗi buồn. Tôi vẫn nhớ khi còn bé, những lúc ba uống rượu say, mẹ luôn là nơi để cho ba trút giận. Vì thương con, không muốn cho gia đình đổ vỡ, phần lại sợ miệng đời cười chê nên lúc nào mẹ cũng nhận thiệt thòi về mình, không một lời than trách. Rất nhiều lần chứng kiến hình ảnh ấy, tôi chỉ biết nhìn mẹ và rưng rưng nước mắt. Thương mẹ nhưng chẳng biết làm cách nào, những trận đòn cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Tâm hồn thơ ngây của một đứa trẻ vốn như tờ giấy trắng đã bị loang lổ những vết mực đen.

Thời gian trôi qua, tôi lớn dần. Ngày ngày thấy mẹ thức khuya dậy sớm, buôn gánh bán bưng để kiếm tiền mua đồ ăn, sắm những vật dụng trong gia đình, khi về tới nhà lại phải cơm nước, giặt giũ cho chồng con… Có những ngày, mẹ phải dang mình ngoài đồng để làm cỏ. Trông mẹ chịu nhiều vất vả khiến lòng tôi thêm xót. Hình ảnh mẹ chịu thương chịu khó, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chỉ mong sao cho gia đình được hạnh phúc, đó là hình ảnh một người phụ nữ sống trong xã hội không có tiếng nói, luôn lệ thuộc vào người đàn ông. Qua lăng kính những người cầm bút, hình ảnh ấy đã được khắc họa vào trong thi ca, từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố với hình ảnh chị Dậu, đã cho thấy thân phận của người phụ nữ thời xưa. Chính vì lẽ đó, tôi càng thấy thương mẹ mình nhiều hơn. Mẹ lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Những lúc tôi ốm đau bệnh tật, mẹ luôn gần gũi chăm sóc, có nhiều đêm phải thức trắng. Có những lúc tôi ham chơi về muộn, làm cho mẹ phải lo lắng, trông chờ, có khi làm mẹ giận vì tôi không nghe lời. Thế nhưng, mẹ không bao giờ la mắng hay đánh dù chỉ một lần.

Cuộc đời mẹ đã hy sinh cho các con quá nhiều. Mái tóc mẹ cũng dần phai màu theo năm tháng. Đôi bàn tay mẹ chai sần để đổi lấy cuộc sống ấm no cho gia đình. Ấy vậy mà chúng tôi chưa bao giờ nắm đôi bàn tay ấy để cảm nhận, đôi mắt sáng long lanh ngày nào giờ đây đã mờ dần. Thanh xuân của mẹ đã dành trọn cho chồng, cho các con, cho cả gia đình này. Thương mẹ gian truân, chịu nhiều khổ cực mà còn phải gồng mình chịu những trận đòn từ ba. Lúc ấy, trong tôi bắt đầu có những suy nghĩ hận ba mình. Mỗi lần gặp ba, tôi thấy khó chịu, ăn nói cộc cằn, không nghe lời. Ba chỉ dạy cũng mặc kệ. Ba quan tâm thì làm lơ xem như không. Thế rồi, thời gian như một phương thuốc hữu hiệu chữa lành mọi vết thương. Lúc hay tin ba nhập viện vì uống rượu quá nhiều, loét dạ dày kèm theo nhiều căn bệnh khác. Nhìn ba nằm trên giường bệnh, tôi mới cảm nhận được tình thương ba dành cho mình, và ân hận vì cách ứng xử trong bao năm qua. Có lẽ trái tim tôi quá nhỏ bé, không biết tha thứ lỗi lầm của ba đã gây ra với mẹ. Nhưng chính lúc này đây, tôi nhìn ba đang đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, tôi mới cảm nhận được rằng tình thương của ba quan trọng đến dường nào, chỉ cầu mong sao cho ba khỏi bệnh.

Nhớ lại những ngày thơ dại, đi đâu ba cũng chở tôi theo và mua quà cho tôi. Những lúc tôi bị anh chị bắt nạt, ba luôn là người bảo vệ. Có khi tôi ham chơi không chịu tắm, ba phải tắm cho rồi nói: “Ông là cục nợ”. Có lẽ, tôi là người hạnh phúc nhất vì được ngủ chung với ba mẹ từ nhỏ đến lớn. Nhờ vậy, tôi cảm nhận được sự chăm sóc từ vòng tay của ba mẹ, sự yêu thương của ba mẹ dành cho tôi: bật quạt khi nóng, giăng mùng khi tôi ngủ, đắp chăn khi trời lạnh… Đối với ba mẹ, con cái là cả một bầu trời hy vọng, là động lực cho cuộc sống. Vì con mà chẳng ngại hy sinh, chẳng mưu cầu cho riêng bản thân, tất cả đều dành cho con.

Thời gian trôi qua, năm 18 tuổi, tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, lên đường nhập ngũ để làm tròn nhiệm vụ của một người công dân đối với Tổ quốc. Mặc dù, doanh trại ở xa nhà nhưng ba mẹ vẫn cố gắng đi thăm dù sức khỏe đã già yếu, mang đến cho con những món quà, tuy không lớn nhưng khiến tôi cảm thấy ấm lòng và phần nào xoa dịu nỗi nhớ nhà. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi trở về quê nhưng chưa báo hiếu, phụng dưỡng cho ba mẹ ngày nào, lại phải vào thành phố Vũng Tàu học tập và làm việc. Bao nhiêu nghịch cảnh của xã hội đầy bon chen phức tạp, đua tranh tưởng chừng như xô tôi gục ngã. Nhưng may mắn thay, tôi tìm cho mình một lối đi mới, chính là ánh sáng của Phật pháp.

Ngày bước vào chùa, tôi cảm nhận được sự hạnh phúc và bình yên nơi tâm hồn, vì thế, tôi quyết định xin tập sự xuất gia. Sau sáu tháng kiên trì tu tập, tôi vượt qua cuộc khảo hạch kinh kệ, pháp khí và đạo đức. Trước ngày làm lễ thế phát, tôi gọi điện về báo cho ba mẹ biết: “Ngày mai con sẽ xuất gia”. Mẹ khóc và nói nói: “Con đã lớn rồi, con hãy quyết định tương lai của chính mình, và mẹ tôn trọng sự lựa chọn của con”. Ba tôi thì một mực không đồng ý: “Con về đi! Có gì ba lo. Đừng đi tu!”. Nhưng vì lòng đã quyết, tôi chọn con đường xuất gia tu hành, một lòng hướng về đạo pháp, đem niềm vui đến với chúng sinh.

Mới đó đã sáu năm trôi qua, thỉnh thoảng mẹ, chị và cháu vào thăm. Khi mẹ thấy con đã trưởng thành và chín chắn, bà cũng đỡ lo phần nào. Còn ba, bao nhiêu lần muốn vào thăm con nhưng sức khỏe không cho phép, có khi mua cả vé máy bay nhưng cũng đành hủy bỏ. Những lần tôi điện thoại về nhà, hỏi thăm sức khỏe nhưng toàn nghe mọi người nói ba đang nằm bệnh viện. Tôi chỉ biết động viên ba cố gắng ăn uống điều độ, uống thuốc để mau khỏi bệnh, khuyên gia đình nên làm thiện, tránh ác, tu nhân tích đức, phải biết tạo phước và khuyên ba mẹ thường xuyên niệm Phật, ngày giỗ tổ tiên nên cúng chay để tránh sát sinh hại vật, tránh những xung đột anh em khi sa đà quá chén. Ban đầu, vì hủ tục của xã hội nên trong dòng họ có nhiều mâu thuẫn, nhưng rồi mọi việc cũng được chuyển hóa, thuận hòa. Từ đó, gia đình có nhiều sự thay đổi, hạnh phúc hơn trước.

Nhân dịp mùa Vu Lan về, tôi vô cùng hoan hỷ vì mình vẫn còn đủ hai đấng sinh thành. Nhớ những mùa Vu Lan trước, vào ngày Rằm tháng Bảy tại ngôi chùa thân thương mang tên Hoằng Pháp, đến phần cài hoa hồng, nghe bài hát Lòng Mẹ, nước mắt tôi rơi bao lần khi bắt gặp những hình ảnh xung quanh. Nhìn ánh mắt của mọi nguời, ai cũng ngấn tròng, đâu đó lại có những giọt nước mắt lăn dài trên má. Có người khóc vì hạnh phúc khi được cài trên áo hoa hồng màu đỏ, ý nghĩa vẫn còn cha và mẹ. Nhưng cũng có người khóc cho nỗi đau khi không còn cha mẹ cạnh bên. Một nhạc sĩ đã viết rằng: “Mỗi đêm con thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con. Còn cha còn mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây. Đờn đứt dây còn thay còn nối, cha mẹ mất rồi con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo”. Qua những ca từ mộc mạc nhưng sâu lắng, nó đã tác động đến tâm thức những người nghe. Hãy biết trân quý khi cha mẹ vẫn còn hiện hữu trên đời. Còn cha mẹ thì ta còn mọi thứ trong cuộc sống này. Có những lúc ta chỉ đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài như chạy theo tiền tài danh vọng, chạy theo những đam mê dục vọng của bản thân mà quên rằng, cha mẹ ở quê nhà luôn dõi theo từng bước chân của con. Chúng ta cứ nghĩ rằng, mỗi tháng đưa tiền cho cha mẹ là đủ, nhưng cha mẹ đâu cần những đồng tiền ấy. Điều cha mẹ cần chính là sự quan tâm, thăm hỏi sức khỏe và những lời tâm sự của con. Đó là những món quà quý giá nhất mà cha mẹ cần. Đôi khi ta lại xem cha mẹ như một gánh nặng, nên có người gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão, người để cha mẹ phải lang thang không ai nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến lúc cha mẹ mất lại làm mồ cao mả lớn, cúng mâm cao cỗ đầy, ghi trên bia mộ những lời thương tiếc… Những thứ đó, nào có ích gì?

Bao năm qua, tôi luôn cố gắng tu tập và sống tốt để cho ba mẹ khỏi phải phiền lòng. Hôm nay, nhân mùa Vu Lan báo hiếu, xin mượn những dòng chữ trong Văn Khuyên Phát Bồ-Đề Tâm của Đại sư Thật Hiền để gởi lời tri ân đến ân đức của hai đấng sinh thành: “Thế nào là nhớ ơn cha mẹ? Thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, mười tháng mang thai, ba năm bú mớm, nhường khô nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt, mới được nên người. Mong ta tiếp nối gia phong, lo phần tế tự. Mà nay đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, nhục hiệu Sa-môn, đồ ngon vật ngọt đã không phụng dưỡng, cúng tế chạp tảo càng không chu tất. Cha mẹ còn sống, ta đã không thể nuôi dưỡng, khi cha mẹ qua đời, ta lại không thể hướng dẫn thần thức. Đối với phương diện thế gian là sự tổn lớn, đối với phương diện xuất thế lại không có ích chi. Hai đường tổn thất thì tội nặng khó thoát. Suy nghĩ như thế, chỉ có cách trong trăm đời ngàn kiếp thường hành Phật đạo, mười phương ba đời khắp độ chúng sanh. Được như thế thì không phải chỉ cha mẹ một đời, mà song thân nhiều đời nhiều kiếp đều được độ thoát; không phải chỉ cha mẹ một người, mà song thân tất cả mọi người cùng được siêu thăng. Đó là nhân duyên thứ hai của sự phát tâm Bồ-đề”. Và mong những ai còn cha còn mẹ, hãy chân thành yêu thương, tận tâm chăm sóc khi song thân hãy còn hiện hữu trên cuộc đời này. Noi theo gương hiếu của ngài Mục-kiền-liên Bồ-tát, một người xuất gia phải nhớ bốn ơn trọng: thứ nhất, nhớ ơn cha mẹ; thứ hai, ân Tam Bảo, sư trưởng; thứ ba, ân Tổ quốc; thứ tư, ân đồng bào, chúng sinh vạn loài. Bản thân là một tu sĩ, tôi luôn cố gắng tinh tấn, làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo, để không phụ công ơn sinh thành của cha mẹ đã dày công dưỡng dục lúc còn tại gia. Tôi xin dâng tặng một bài thơ, như thể hiện tiếng lòng của mình lên hai đấng sinh thành:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

Tâm Trịnh