Cổ phần hóa tổng công ty đông bắc năm 2024

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho rằng, để tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tái cấu trúc hiệu quả các DNNN trong QĐ giai đoạn 2016 - 2020 cần phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức về CPH DNNN trong QĐ đến đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, xem đó là giải pháp cốt lõi để có chiến lược, bước đi phù hợp. Thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp lại các DNNN trong QĐ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thường vụ Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rà soát toàn diện, nhằm giảm bớt số DN 100% vốn nhà nước, tập trung phát triển DN phục vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), cắt giảm ngành nghề kinh doanh không hoặc ít liên quan đến ngành nghề chính; thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực kém hiệu quả.

Bám sát định hướng Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, các đề án, chương trình phát triển DNNN trong QĐ đã được phê duyệt, các DN công nghiệp quốc phòng cần đổi mới, sắp xếp theo lộ trình phát triển theo vùng và nhóm ngành, như: Đóng tàu, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ khí - chế tạo máy, vật liệu nổ - hóa chất, điện - điện tử..., hình thành các tổ hợp công ty mẹ - con, trong đó, công ty mẹ là Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, đồng thời, đa dạng hóa hình thức sở hữu các công ty con… Đối với các DN xây dựng, giao thông, công trình ngầm, CNTT,… nhất là dịch vụ cảng biển, đóng tàu, dịch vụ bay, công nghệ cao,... cần có chiến lược đầu tư phát triển, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giữa tổ chức DN với tổ chức lực lượng, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Đại úy Trần Thị Bích Liên, Chánh Văn phòng Công ty TNHH MTV Khe Sim - Tổng công ty (TCT) Đông Bắc kể: Chủ trương cổ phần hóa (CPH) được Đảng ủy, Chỉ huy TCT, Công ty quán triệt đến từng đơn vị, cá nhân. Tinh thần là sau CPH phải tốt hơn, bảo đảm đời sống, chế độ chính sách cho anh em. Nhưng dẫn đoàn về quê ăn cưới, có gia đình tâm tư lắm: “Không gì bằng con tôi được đứng trong đơn vị quân đội”. Lại có cậu bảo: “Bố em còn mắng: Mày sao không chịu mặc quân phục, đeo quân hàm về quê cho tao nở mày nở mặt với xóm làng?”.

Ngay sau hòa bình lập lại, năm 1956, thực hiện chủ trương giảm quân số và xây dựng miền bắc XHCN, QĐ đã điều chuyển 80 nghìn quân thường trực sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, bước vào “trận tuyến” mới có thành tựu, có “hy sinh” nhưng không tiếng súng. Sáu mươi năm sau, những người lính tiếp tục phải đương đầu với thách thức, khó khăn khi hàng nghìn cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, chiến sĩ sẽ phải chuyển sang là lao động hợp đồng sau CPH. Thiếu tướng Võ Hồng Thắng trầm ngâm: “Sẽ phải chuyển đổi không ít hơn một nửa trong khoảng 180 nghìn lao động của các DNNN trong QĐ. Nếu không có giải pháp, ngân sách không chịu nổi”. Nhưng “tư tưởng không thông, vác bình-tông cũng không nổi”, chưa kể về phía DN sau CPH, không cẩn thận sẽ lặp lại vết xe đổ “mất” người giỏi do sức hút của thị trường, nhất là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… như thời kỳ 2007-2008.

Đại tá Võ Cửu Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây lắp Thành An 96 khẳng định: Cái được của CPH là tạo ra cơ chế tự chủ. Cái không được là nguy cơ “mất” cán bộ. Trung tá Phạm Kiên Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khe Sim băn khoăn: “Trong CPH, cách gì để giữ chân người lao động? Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối hơn 51%, đặc biệt là với các đơn vị đặc thù đứng chân ở vùng địa bàn chiến lược như TCT Đông Bắc, để bảo đảm nhiệm vụ QS, QP và giữ được đội ngũ cán bộ”.

Thực tế đòi hỏi phải nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp, một mô hình DN phù hợp, đồng bộ trong tái cấu trúc DNNN trong QĐ để vừa bảo đảm các mục tiêu kinh tế gắn với QS, QP; vừa giữ được truyền thống, kỷ luật, ý chí và trách nhiệm người lính như một giá trị doanh nghiệp có thể phát huy; vừa khai thác những mặt mạnh của cơ chế thị trường cạnh tranh, trong quản trị nguồn nhân lực, đồng thời tránh được hệ lụy nghiệt ngã “sống chết mặc bay” của thị trường và lợi nhuận.

Gỡ trúng vướng mắc, làm thực chất

Được biết, hiện vẫn còn 75 DNNN trong QĐ chưa tiến hành CPH; dự kiến đến hết năm 2016 sẽ CPH 35 DN; thoái vốn ở 12 công ty CP; giải thể hai DN… Theo các chuyên gia, chậm tiến độ chủ yếu do Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN trong QĐ chưa phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, đôn đốc các đơn vị, DN thực hiện. Lập đề án chưa sát thực tế, do vậy khi được phê duyệt không thể thực hiện được, hoặc chậm do vướng mắc tài chính. Nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy chưa đầy đủ; tổ chức sắp xếp còn tuỳ tiện, chưa tuân thủ các đề án đã được Thủ tướng phê duyệt; chưa mạnh dạn sáp nhập, giải thể, cho phá sản các DN kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ. Việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị 430 của Thường vụ Quân ủy T.Ư ở nhiều đơn vị chưa nghiêm, dẫn đến việc tham mưu lại để tránh, né CPH… Đại tá Trần Văn Quang, Trưởng phòng Tổ chức lao động và Đào tạo, TCT Đông Bắc khẳng định: Lãnh đạo TCT quán triệt chủ trương đến cuối năm 2016, Đông Bắc sẽ CPH hai đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV 397 và Công ty TNHH MTV Vận tải và Chế biến than Đông Bắc. Trong khi thừa nhận thực tế là nhiều đơn vị khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã CPH và từ 2008, TCT Đông Bắc đã CPH hai đơn vị kinh doanh cuối nguồn là Công ty CP than Sông Hồng và Công ty CP đầu tư và khoáng sản Đông Bắc thành công, Đại tá Quang cho biết, TCT Đông Bắc hiện vẫn “gặp khó khăn trong định giá tài sản khi CPH”. Thậm chí vẫn còn sự lo ngại “là đơn vị SX, KD gắn với nhiệm vụ QS, QP, nếu CPH rồi, khi có biến, chủ đầu tư rút hết thì thực hiện nhiệm vụ ra sao”. Cho nên, Đại tá Quang chia sẻ: “Tái cấu trúc DNNN trong QĐ, đối với TCT Đông Bắc, nên căn cứ nhiệm vụ QS, QP cụ thể để triển khai cho phù hợp. CPH phải làm thực chất; chọn lĩnh vực đúng sẽ thúc đẩy DN phát triển, tránh bình mới rượu cũ”.

Đại tá Võ Cửu Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây lắp Thành An 96 (Binh đoàn 11) cho rằng: Nhịp độ tăng trưởng của công ty khá cao (từ 30 đến 40%/năm), vì thế trong khi ngành xây lắp có triển vọng xã hội hóa, Nhà nước nên thoái vốn, giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ dưới 51% để Công ty có thể huy động vốn xã hội trên thị trường chứng khoán.

Theo Thiếu tá Nguyễn Sơn Hà, Phó Trưởng phòng Kiểm soát viên kiêm Trợ lý Pháp chế, Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng: Hành lang pháp lý cho DN dù tương đối đồng bộ, tiếp tục được bổ sung và dần hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, vẫn còn khoảng trống phải bổ sung. Chẳng hạn, chưa có quy định với DN có tài sản nhà nước rất lớn, nhưng vẫn dưới 50% thì quản lý thế nào? Thí dụ, một DN vốn điều lệ 10 tỷ đồng, Nhà nước chiếm sáu phần, tư nhân bốn phần thì được quản lý theo Nghị định 106. Nhưng một DN vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 200 tỷ đồng, mặc dù vốn Nhà nước chỉ 40%, nhưng giá trị tài sản tuyệt đối này rất lớn, nhưng lại thiếu quy định quản lý.

Luật Phá sản đã có từ lâu, nhưng chưa áp dụng được trong thực tế đối với quá trình sắp xếp, tái cấu trúc DNNN và tình trạng DN “chết” mà không "chôn" cũng là những vấn đề cần được chú ý. Ở đây có vấn đề, về pháp lý, tòa sẽ cho phá sản DN khi chủ DN đề nghị hoặc chủ nợ đề nghị, nhưng trên thực tế dường như có “sự liên thông ngầm” giữa các con nợ và chủ nợ để né, trốn tránh việc phá sản nhằm kéo dài vỏ “ổn định”, lẩn trách nhiệm và trục lợi. Thực tế đó đòi hỏi Nhà nước phải có biện pháp tạo áp lực mạnh hơn nữa, luật phải mạnh hơn nữa đủ sức buộc những DN nợ xấu đến mức phá sản này phải làm thủ tục phá sản, để việc phá sản trở nên bình thường.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì mở, cho phép Chủ tịch công ty là DNNN có thể kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc, nhưng Nghị định 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lại cấm, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý các công ty 100% vốn nhà nước, cần được nghiên cứu điều chỉnh.

Trao quyền và kiểm soát quyền lực

Thực tiễn tái cấu trúc Công ty CP Xây dựng 565 cũng đặt ra một số vấn đề cấp thiết, khá phổ biến sau CPH ở DNNN: Vai trò lãnh đạo của Đảng tại công ty CP mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối ra sao? Quản lý, kiểm soát hoạt động của người đại diện phần vốn nhà nước thế nào là hiệu quả? Minh bạch thông tin DN, xử lý tài chính, nợ xấu ra sao…?

Trong hàng loạt các giải pháp tổng thể để CPH DNNN, việc minh bạch hóa thông tin, tỷ lệ CPH ở từng DNNN, các khâu trong quy trình CPH như: Đánh giá, thẩm định giá trị DN, công bố thông tin, chào bán cổ phần ra thị trường… là những vấn đề quan trọng. Đặc biệt là làm rõ những đối tượng không được phép mua (DNNN trong cùng tập đoàn, tổng công ty...), đối tượng bị hạn chế cổ phần (nhà đầu tư nước ngoài, những trường hợp cần hạn chế), đối tượng ưu đãi hoặc được khuyến khích (nhằm tận dụng công nghệ hoặc năng lực…). Đó còn là minh bạch hóa biện pháp Nhà nước áp dụng trong CPH như: Sửa đổi quy định pháp lý, chính sách, tạo thị trường cho mua bán DN và cổ phần DN, cải thiện môi trường kinh doanh… Các cơ quan chức năng bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy chế quản lý, điều hành tại các công ty CP có vốn góp của Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, cần thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động SX, KD của các công ty CP, bảo đảm đúng pháp luật và các quy định của Bộ, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Quyết định 35/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo cơ chế và giao trách nhiệm giám sát rất lớn cho Kiểm soát viên (KSV) trong DNNN. Tuy nhiên trên thực tế, chế tài cho KSV thực hiện quyền hạn của mình tại không ít DN lại không có. Thực tế không phải không có lãnh đạo DN, mặc dù phải chấp nhận sự có mặt của KSV, nhưng không thích thú gì với sự kè kè kiểm soát của KSV chưa nói năng lực, trình độ và tính độc lập trong hoạt động và báo cáo của KSV với chủ sở hữu đã bổ nhiệm anh ta. Cuối cùng, vẫn là nguồn lực con người. Đại tá, Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty CP Xây dựng 565 Mai Ngọc Kiên như “rút ruột” về cái được và mất của CPH: “Khi quyền lực cá nhân lớn mà lại thiếu quy chế kiểm soát quyền lực thì rất nguy hiểm”. Quá trình CPH tại DN mà Nhà nước chiếm hơn 51% vốn đặt ra một loạt các vấn đề nhằm bảo toàn vốn nhà nước - một khâu nóng bỏng. Thứ nhất, phải chọn và bổ nhiệm đúng người có năng lực để quản lý phần vốn nhà nước. Thứ hai, cần tách bạch chức danh giám đốc và chủ tịch HĐQT để tăng cường giám sát và quản lý. Thứ ba, phải tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với người đại diện phần vốn nhà nước. Thứ tư, phải xây dựng quy chế quản lý hoạt động người đại diện phần vốn nhà nước.

DNNN trong QĐ là công cụ chủ yếu để Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong thời bình và cả khi có tình huống xảy ra. Yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi DN Việt Nam nói chung, DNNN trong QĐ nói riêng phải tích cực, chủ động nâng cao hơn nữa hiệu quả và năng lực cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững. Thương trường như chiến trường ác liệt vẫn đòi hỏi sự dũng cảm, sáng tạo, kiên cường của những người lính.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23-8-2016.

“Sau CPH, hôm qua còn là bộ đội đeo sao, hôm nay về quê bảo là lao động hợp đồng. Các cụ có hiểu CPH là gì đâu, đổ riệt chắc là sai phạm, bị quân đội kỷ luật, tước quân tịch rồi, khổ thế!”.

Trung tá Phạm Kiên Cường

Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Khe Sim, TCT Đông Bắc

Cuối năm 2016, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.