Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú  khẳng định điều này tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022, được tổ chức sáng nay (29/5), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La. Hội nghị đối thoại năm nay mang chủ đề: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham gia đối thoại

Tại buổi đối thoại, ông Lê Quang Thắng - Giám đốc HTX Rau VietGAP đến từ Quảng Ninh đặt câu hỏi tới Thủ tướng Chính phủ về hai vấn đề:

Thứ nhất, sau khi chịu tác động bởi dịch COVID-19, nông dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi lại sản xuất. Chính phủ sẽ có giải pháp gì để chỉ đạo các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và tăng hạn mức vay để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất?

Thứ hai, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có quy định về vay vốn không cần tài sản thế chấp. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp cụ thể gì để nông dân thực sự được vay vốn mà không cần tài sản bảo đảm nhưng vẫn phù hợp với quy định hiện hành?

Trả lời 2 vấn đề nêu trên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây, chính sách về nông nghiệp, nông thôn nói chung và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn là những chính sách liên tục của Trung ương và Chính phủ.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên và đã có nhiều chính sách, giải pháp khuyến khích đầu tư tín dụng, tháo gỡ khó khăn về vốn vay.

Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú trao đổi tại Hội nghị đối thoại

Trước hết về chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân, trước tác động của dịch COVID-19, ngay từ khi có dịch, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; sau đó đã có 2 lần sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với diễn biến của dịch và hỗ trợ hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo dòng vốn không bị đứt đoạn, doanh nghiệp không giải thể.

Đây là chủ trương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian có dịch cũng như đến thời điểm hiện nay, 2 triệu tỷ đồng đã được thụ hưởng từ chính sách này, gần 700.000 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện cơ cấu, hoãn giãn những khoản nợ đến thời hạn phải trả, hơn 40.000 tỷ đồng bằng nguồn lực của NHTM đã hỗ trợ, giảm, giãn, hoãn các khoản lãi cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với nguồn lực của ngành Ngân hàng, Chính phủ tiếp tục ban hành gói 350.000 tỷ đồng, trong đó riêng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá chính sách vĩ mô hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn qua hoạt động của ngành Ngân hàng rất quan trọng, với việc chính thức triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN từ ngày 20/5/2022. Cùng với chính sách tiếp tục của ngành Ngân hàng sẽ được thực hiện về việc giãn, hoãn, giảm lãi suất của NHTM sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có người nông dân.

Theo Phó Thống đốc, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, chưa có lĩnh vực nào liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế. Đến nay, có thể nói các NHTM đã được tạo điều kiện tự quyết trong việc cho cho vay, tín chấp hoặc thế chấp.

Chính vì vậy, về việc vay không cần tài sản thế chấp, Phó Thống đốc thông tin, các TCTD được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản, các TCTD chịu trách nhiệm cung ứng vốn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên phải tạo điều kiện thuận lợi.

NHNN sẽ tiếp tục giao cho NHNN Quảng Ninh làm việc với ông Lê Quang Thắng, xem xét đề xuất chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng cần khẳng định, cho vay và thu nợ là nguyên tắc tín dụng, để đảm bảo thu nợ.

Thời gian tới, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Cũng tại hội nghị, chị Trần Thị Thanh Thoan đến từ huyện Duy Tiên, Hà Nam đặt câu hỏi: Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?

Đối với câu hỏi này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, giải quyết vấn đề tín dụng đen cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành. Tuy nhiên, năm 2017, qua việc khảo sát các tỉnh trọng điểm về tín dụng đen, ngành Ngân hàng nhận định việc mở rộng tín dụng chính thức sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Chính vì vậy, từ năm 2017, NHNN đã có nhiều hành động cụ thể.

Về cơ chế chính sách, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM mở rộng mạng lưới chi nhánh tới tất cả địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển. Những năm vừa qua, tín dụng tiêu dùng phát triển rất nhanh song song với đó là kiểm soát chặt lĩnh vực này, tránh sự biến tướng của tín dụng tiêu dùng chính thức, giúp người dân tiếp cận nhanh dòng vốn. Kết quả, đến nay có 2,1 triệu tỷ đồng phục vụ cho vay tiêu dùng, trong đó trên 700 nghìn tỷ đồng phục vụ cho những nhu cầu ngắn hạn, cấp thiết của người dân.

NHNN cũng giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng. Cụ thể, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ)... Đến cuối tháng 4/2022 đã cho 682.966 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 64.378 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.748 tỷ đồng với 95.948 khách hàng còn dư nợ.

Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trải xuống tận từng xã, đang triển khai 23 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng 6,03% so với cuối năm 2021 với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Với những chính sách hiệu quả trên, theo đánh giá sơ bộ của NHNN và Bộ Công an, tỷ lệ tín dụng đen so với năm 2017 đã giảm hơn một nửa. Phó Thống đốc khẳng định, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để mở rộng tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng đen.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, để giải quyết vấn đề tín dụng đen cần lực đẩy từ hai phía: Các tổ chức tín dụng chủ động tìm đến với người dân, tuyên truyền giúp người dân thấy thủ tục đơn giản, không ngại tìm đến với ngân hàng; hai là kết hợp với chính quyền cơ sở, tạo điều kiện để ngân hàng nắm được nhân thân, mục đích vay chính đáng.

NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc, quyết liệt thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại khu vực nông thôn.

Không chỉ thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN đưa nông nghiệp vào 1 trong 5 lĩnh vực cho vay ưu tiên, tiềm năng của một đất nước có lợi thế lớn về nông nghiệp đã và đang thúc đẩy làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng (TCTD) về khu vực này trong những năm gần đây.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, các TCTD đã đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19 khôi phục và phát triển sản xuất khu vực nông nghiệp nông thôn bằng việc thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo, chính sách của NHNN, đồng thời xây dựng các chương trình chính sách hỗ trợ riêng có.

Theo báo cáo từ NHNN, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 22% bình quân tín dụng giai đoạn 2016-2020. Riêng năm 2020 (tính đến 31/10/2020), tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.168.852 tỷ đồng, tăng 6,21% so với cuối năm 2019, chiếm 24,89% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Dòng vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn không chỉ từ 2 hệ thống chủ lực là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội mà còn có sự tham gia của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và sự đổ bộ của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần về khu vực này, đặc biệt là tín dụng hướng tới nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp nông thôn.

Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm ước đạt 2,62%/năm, vượt mục tiêu; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 năm đạt trên 190 tỷ USD; hết năm 2020, ước có trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Cả nước có trên 7.500 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm 2016 - 2020, có 67 nhà máy, cơ sở chế biến lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trên đà diễn tiến này, từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN tiếp tục ban hành các văn bản tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại TCTD, xử lý nợ xấu; các chính sách nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chú trọng quản trị rủi ro của TCTD; tăng cường năng lực thể chế trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; rà soát, sửa đổi quy định về hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; Tạo cơ sở pháp lý khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đắc lực chuyển dịch cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các TCTD mở rộng cho vay khu vực này. Đặc biệt, trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp lan rộng do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các TCTD đã nghiêm túc triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, nhiều ngân hàng tung ra các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có khu vực nông nghiệp nông thôn.

Như Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh; Agribank hỗ trợ cho các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng; VietinBank giao quyền chủ động cho các Chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay, dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của VietinBank tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng)...

Đến cuối tháng 6/2021, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8% so với cuối năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước đạt 3,82%, đóng góp 8,17% GDP cả nước. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 0,11 điểm phần trăm.

Cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tái cơ cấu trong khu vực nông nghiệp nông thôn đang thêm rộng mở khi những nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp và người dân được hóa giải. Bên cạnh các sản phẩm tín dụng truyền thống và các tín dụng ưu đãi đang triển khai, nhiều TCTD đã tung ra các chương trình tín dụng mới hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng từ cuối quý II/2021.

Như VietinBank mới đây vừa “đo ni đóng giày” một gói tín dụng riêng tài trợ ngành máy móc, thiết bị nông nghiệp lên tới 700 tỷ đồng. Đây là một chương trình hữu ích trong Gói ưu đãi toàn diện VietinBank SME Stronger 2021 dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khẳng định sự cam kết đồng hành, mong muốn trở thành đối tác phát triển bền vững của VietinBank đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa cho nông nghiệp, từng bước đưa ngành sản xuất nông nghiệp trong nước theo kịp sự phát triển của nông nghiệp thời kỳ 4.0 trên toàn cầu.

Theo đó, các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh máy móc thiết bị nông nghiệp hoặc vay ngắn/trung/dài hạn mua máy móc, thiết bị nông nghiệp sẽ được ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,2%/năm, ưu đãi phí bảo lãnh chỉ từ 1%; miễn phí chuyển tiền từ đại lý tới các nhà cung cấp cùng nhiều ưu đãi khác dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại VietinBank.

VietinBank cho biết, ưu đãi theo Chương trình được áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa là đại lý của các nhà cung cấp máy móc, thiết bị nông nghiệp như: Công ty TNHH Máy nông nghiệp Yanmar Việt Nam (Nhật Bản), Công ty TNHH Kubota Việt Nam (Nhật Bản), Công ty TNHH TATA Việt Nam (Ấn Độ), Công ty Công nghiệp Deadong (Hàn Quốc); Tổng Công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) có nhu cầu vay vốn để mua máy móc, thiết bị nông nghiệp do các đơn vị trên phân phối; hoặc các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn để mua máy móc, thiết bị tại các đại lý của các đơn vị trên.

Ngoài ra, để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng trên nền tảng Internet, khách hàng chỉ cần đăng ký gói eFAST tài chính (bao gồm cả khách hàng mới hoặc khách hàng của VietinBank nhưng chưa từng phát sinh giao dịch tài chính trên eFAST) sẽ được miễn phí hoàn toàn các phí: Phí chuyển khoản VND trong và ngoài hệ thống; phí chi lương; phí nộp Ngân sách Nhà nước; Phí 2 thiết bị xác thực VietinBank OTP; phí đăng ký, duy trì VietinBank eFAST.

Hay như Agribank đang là ngân hàng chủ lực triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP nay là Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ "nông nghiệp sạch"; Cho vay xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Hiện Agribank là ngân hàng có dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ, chiếm gần 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 16/6/2021, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 triển khai từ năm 2020 với quy mô 100.000 tỷ đồng lên 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Mức lãi suất cho vay bằng VND với ưu đãi dưới 7%/năm.

Theo đó, tùy theo đối tượng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất giảm còn 4,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn, tương đương thấp hơn từ 2% - 2,5% lãi suất cho vay thông thường, cùng đối tượng. Mức lãi suất cho vay bằng USD với ưu đãi 2%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 4,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân. Chương trình tín dụng ưu đãi kéo dài đến hết ngày 31/12/2021 hoặc đến khi hết ngân sách chương trình và được áp dụng rộng rãi tại 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc.

Những nỗ lực của ngân hàng sẽ là một đòn bẩy đưa ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có; cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, sử dụng hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 48-50 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)