Bài tập tình huống luật bình đẳng giới năm 2024

Trà thường trú ở xã Đà Vị huyện Na Hang và Quân thường trú ở xã Tứ Quận huyện Yên Sơn, trong một lần lên công tác tại xã Đà Vị, Quân và Trà có gặp mặt và nảy sinh tình cảm với nhau. Sau một thời gian tìm hiểu, hai anh chị mong muốn tiến đến hôn với nhau, tuy nhiên, ông Nam (bố Trà) lại phản đối vì không muốn con gái đi lấy chồng xa nhà sẽ vất vả. Hỏi, hành vi của ông Nam có vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình không? Vì sao?

Trả lời:

Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

  1. Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
  1. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
  1. Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
  1. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

“1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

  1. Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
  1. Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
  1. Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
  1. Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

  1. Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
  1. Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
  1. Bạo lực gia đình;
  1. Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan k hác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình”.

Như vậy, căn cứ khoản 1 Điều 8 thì “việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”, ngoài ra, một trong những hành vi bị cấm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là “cản trở kết hôn”, do đó hành vi của ông Nam là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Tình huống 2

Vợ chồng anh Minh có 02 cô con gái, năm 2020 vợ anh sinh được một cậu con trai nên anh Minh rất yêu chiều đứa con trai út. Từ khi sinh được con trai, đối với 02 cô con gái, anh Minh bỏ mặc, không quan tâm, thường xuyên nói là “lũ vịt trời, bé thì ăn hại, lớn thì bay đi”... rồi không chăm sóc, cho các con ăn học đầy đủ. Hỏi, hành vi của anh Minh có vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình không? Vì sao?

Trả lời:

Hành vi của anh Minh là vi phạm pháp luật về về hôn nhân và gia đình, vì:

Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ và quyền của cha mẹ, như sau:

“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

Ngoài ra, hành vi của anh Minh còn vi phạm pháp luật về bình đẳng giới theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật Bình đẳng giới năm 2006 “4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển;...”.

Hành vi đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình của anh Minh như: “bỏ mặc, không quan tâm, thường xuyên nói là “lũ vịt trời, bé thì ăn hại, lớn thì bay đi” còn là hành vi bạo lực gia đình theo điểm đ, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022:

“1. Hành vi bạo lực gia đình:

... đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;...”.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, hành vi của anh Minh là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình và bình đẳng giới.

Tình huống 3

Vợ chồng anh Việt có một con Bò, do cần tiền, anh Mạnh quyết định bán gấp con Bò với giá 08 triệu đồng, vợ anh (chị Nga) không đồng ý vì giá quá rẻ, bàn với anh bán giá cao hơn để cho đúng với giá thị trường, nhưng anh không cho phép chị Nga góp ý, vì anh cho rằng mình là đàn ông, là trụ cột gia đình nên có thể tự quyết định, còn vợ thì phải phụ thuộc chồng, nên không được phép can thiệp? Chị Nga muốn biết, mình có quyền bình đẳng với chồng trong việc định đoạt tài sản chung không, hay nhất nhất phải nghe lời chồng?

Trả lời:

Chị Nga có quyền bình đẳng với chồng trong việc định đoạt tài sản chung của vợ, chồng, vì:

Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, như sau:

“1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”.

Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 18 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình”.

Tình huống 4

Anh Dương và chị Thu kết hôn được 10 năm và có với nhau 02 người con, 01 trai, 01 gái. Kể từ khi chị Thu sinh cháu thứ hai, hai vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc vì anh Dương nghi ngờ rằng bé gái không phải con của anh. Anh thường xuyên nói bóng gió, kiếm chuyện rồi gây gổ với chị Thu khiến chị cảm thấy bí bách, áp lực. Chị Thu muốn biết pháp luật quy định như thế nào về xác định cha cho con để giải thích cho anh Dương?

Trả lời:

Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc xác định cha, mẹ, như sau:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”.

Như vậy, chị Thu căn cứ quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình để giải thích cho anh Dương hiểu hành vi không thừa nhận con mình là không đúng quy định của pháp luật, vì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng, ngoài ra chị Thu có thể đi xét nghiệm thêm ADN xác định cháu bé là con chung của hai anh chị để anh Dương chấm dứt việc nghi ngờ mà gây ảnh hưởng đến tình cha con và hạnh phúc của gia đình.

Tình huống 5

Anh Sơn và chị Hà thuận tình ly hôn, hai người có với nhau 01 bé gái 10 tuổi (cháu Linh) và thống nhất để cháu Linh ở với mẹ. Vừa rồi, do việc làm ăn của chị Linh không được tốt, chị Linh thường xuyên đi làm về muộn và không có thời gian đưa đón chăm sóc con nên Anh Sơn và chị Hà có thoả thuận là để cháu Linh cho anh Sơn trực tiếp nuôi con vì chỗ ở anh Sơn gần trường học của cháu Linh và có nhiều thời gian chăm sóc cháu. Anh Sơn và chị Linh muốn biết có thể yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn không?

Trả lời:

Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

  1. Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
  1. Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

  1. Người thân thích;
  1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  1. Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  1. Hội liên hiệp phụ nữ”.

Căn cứ quy định trên thì Anh Sơn và chị Linh có thể yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Tình huống 6

Ông Trung và bà Thảo có một người con trai tên Thành tròn 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thành không muốn theo học đại học mà muốn học nghề sửa xe ô tô và đi làm. Ông Trung không đồng ý và muốn con trai anh phải nộp hồ sơ vào trường đại học. Thành muốn biết, bản thân đã có quyền tự định hướng, lựa chọn nghề nghiệp hay không? Pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của con để giải thích cho bố hiểu, tin tưởng và ủng hộ mình?

Trả lời :

Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của con như sau:

“1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình”.

Như vậy, Thành căn cứ quy định tại Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình giải thích để bố hiểu hiện nay anh đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ theo nguyện vọng và khả năng của mình, qua đó, ông Trung sẽ tôn trọng nguyện vọng và ủng hộ quyết định của Thành.

Tình huống 7

Vào đúng ngày sinh nhật tuổi thứ 15 của Tùng, Tùng được ông bà tặng một món quà là sổ tiết kiệm với số tiền là 50.000.000 đồng, Tùng hiện đang học lớp 10 và muốn tự quản lý số tiền trên để tiện phục vụ cho việc học tập mà không phải xin bố mẹ. Tùng muốn biết, mình có thể tự quản lý sổ tiết kiệm với số tiền là 50.000.000 đồng mà ông bà tặng không? Vì sao?

Trả lời:

Tùng có thể tự quản lý sổ tiết kiệm với số tiền là 50.000.000 đồng mà ông bà đã tặng, vì:

Khoản 1 Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định như sau:

“Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý”

Căn cứ quy định trên, thì ngày ông bà tặng Tùng sổ tiết kiệm thì Tùng đã tròn 15 tuổi, theo đó Tùng hoàn toàn có thể tự quản lý sổ tiết kiệm với số tiền là 50.000.000 đồng mà ông bà đã tặng.

Tình huống 8

Anh Kiên quê ở Na Hang yêu chị Hương quê ở Yên Sơn, hai anh chị hiện đang làm việc tại huyện Yên Sơn, sau khi kết hôn, Anh Kiên và chị Hương dự định thuê một căn nhà trọ ở gần nhà bố mẹ đẻ chị Hương (bố mẹ vợ) để tiện đi làm, tuy nhiên bố mẹ chồng chị Hương yêu cầu hai vợ chồng chị phải chuyển về huyện Na Hang để sinh sống vì bà cho rằng “thuyền theo lái gái theo chồng”, giờ Kiên còn về ở gần nhà vợ thì khác nào đi làm rể, họ cảm thấy bị mất mặt với bà con trên quê. Chị Hương muốn biết, pháp luật quy định như thế nào về quyền lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng để giải thích cho bố mẹ chồng hiểu và ủng hộ quyết định của hai vợ chồng?

Trả lời:

Điều 20 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định về lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng như sau:

“Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.”

Như vậy, chị Hương căn cứ quy định trên để giải thích cho bố mẹ chồng mình hiểu nơi cư trú là do vợ chồng thoả thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính, việc lựa chọn nơi cư trú này là để thuận tiện cho việc đi lại công tác của cả hai vợ chồng, qua đó bố mẹ sẽ hiểu, thông cảm và ủng hộ quyết định của hai anh chị.

Tình huống 9

Anh Tùng và chị Dược kết hôn từ năm 2010, họ cùng nhau kiếm tiền để xây dựng hạnh phúc gia đình, hiện nay đã tích góp được khá nhiều tài sản chung và anh chị muốn chia tài sản chung để dễ quản lý và chủ động hơn trong các công việc của riêng mình. Anh Tùng và chị Dược muốn biết có thể chia tàn sản chung trong thời kỳ hôn nhân được không?

Trả lời:

Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Căn cứ Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Anh Tùng và chị Dược có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Tình huống 10

Anh Hùng và chị Hiếu kết hôn được một năm, trước khi chưa kết hôn, anh Hùng đã đồng ý để chị Hiếu vẫn theo đạo của chị là đạo Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, vì lấy lý do mình là con trai trưởng trong gia đình, phải thờ cúng ông bà, tổ tiên nên anh Hùng đã ép chị Hiếu bỏ đạo để theo chồng. Chị Hiếu không đồng ý nên hai anh chị cãi vã dẫn đến mâu thuẫn. Bà Huyền là hàng xóm cũng là Tổ trưởng tổ hoà giải muốn biết pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này để đến hoà giải cho gia đình anh Hùng chị Hiếu?

Trả lời:

Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy đinh về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng, như sau:

“Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau”.

Điều 6 Luật Tín ngưỡng tôn giáo quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người như sau:

“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 nêu trên”.

Như vậy, chị Huyền căn cứ quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013, Điều 6 Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình để khuyên giải hành vi của anh Hùng ép chị Hiếu từ bỏ tín ngưỡng, tôn giáo của mình là sai, thuyết phục để anh Hùng hiểu vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau. Việc chị Hiếu theo đạo giáo không ảnh hưởng đến nghĩa vụ làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Chị Hiếu vẫn thực hiện trách nhiệm cùng chồng thờ cúng tổ tiên; các dịp lễ tết thực hiện các nghi lễ cúng bái, thắp hương gia tiên đầy đủ.