Vi sao phải xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh

Thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ giúp giảm tai nạn mà còn góp phần xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh nơi công cộng. Việc xây dựng văn hóa giao thông trước mắt sẽ có tác dụng hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, việc tuân thủ pháp luật về giao thông trong người dân sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.

Để xây dựng văn hóa giao thông cho người dân, tại một số địa bàn, các cơ quan chức năng tiến hành phát tờ rơi, phát thanh tuyên truyền về luật giao thông trong khu dân cư để người dân nắm được, nhằm xây dựng văn hóa giao thông cho mỗi người. Cùng với đó, ban an toàn giao thông các địa phương cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông; triển khai hiệu quả các mô hình “Đội tuyên truyền an toàn giao thông trong các lớp học” và mô hình “Cổng trường xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông”./.

      An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức cần có những suy nghĩ và hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và để mỗi khi ra đường chúng ta không còn có cảm giác bất an khi tham gia giao thông.

Tai nạn giao thông là điều không mong muốn với bất cứ ai, gia đình và xã hội nào. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong những năm qua, tại Việt Nam công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tai nạn giao thông hàng năm liên tục giảm ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.

Chẳng hạn, năm 2019 số người chết do tai nạn giao thông là 7.624 người, năm 2020 giảm còn 6.700 người và năm 2021 là 5.799 người. Ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từng bước được kiềm chế.

Vi sao phải xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh
Xây dựng văn hoá giao thông trong trường học sẽ góp phần vun bồi và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngay từ thế hệ trẻ (Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch). Ảnh: Giang Nam

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông còn rất lớn. Theo phân tích, tai nạn giao thông liên quan đến người trong độ tuổi thanh niên thường chiếm gần 30%, trong đó chủ yếu là đối với người từ 18-27 tuổi.

Đáng lo ngại hơn, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lứa tuổi này gây ra đang có xu hướng ngày một gia tăng. Do đó, việc tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật, cùng xây dựng văn hóa giao thông trong người trẻ, đặc biệt là ngay trong môi trường học đường đóng vai trò hết sức quan trọng.

Tại Hà Nội, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong năm 2021 và quý 1 năm 2022, tai nạn giao thông trên địa bàn đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Điểm đáng chú ý, việc xây dựng văn hóa giao thông từ trường học được các ngành, các cấp trên địa bàn quan tâm, chú trọng. Không khó để thấy, hiện phần lớn các trường trên địa bàn đều sắp xếp chỗ dừng, đỗ xe tạm thời cho phụ huynh, hạn chế tình trạng dừng, đỗ xe lộn xộn, gây ách tắc khu vực cổng trường.

Ngoài ra, tại nhiều trường học trong giờ học ngoại khóa nhà trường đã mời cán bộ công an giao thông truyền đạt kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, những điểm cần lưu ý khi tham gia giao thông cho giáo viên và học sinh. Qua đó giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đạp, các quy tắc giao thông đối với người đi bộ, không tụ tập trước cổng trường, không đi hàng ngang, nô đùa khi đến trường và khi tan học; nghiêm túc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm...

Hướng đến Hà Nội văn minh, an toàn

Một trong những hình thức truyền thông tích cực trên địa bàn Thành phố không thể không kể đến đó là Cuộc thi trắc nghiệm về an toàn giao thông trên internet nằm trong chuỗi chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô”. Cuộc thi được diễn ra hằng năm và luôn được đông đảo học sinh, sinh viên cũng như nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Từ cuộc thi này, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của mọi người đã có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, thái độ của học sinh, sinh viên và các đối tượng khác khi tham gia giao thông cũng từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố. Em Nguyễn Khánh Linh – Trường THCS Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) cho biết, qua cuộc thi cá nhân em và các bạn cùng trường, lớp nhận biết được các luật liên quan đến giao thông, biết được cách tham gia giao thông sao cho đúng và an toàn để tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Tại buổi phát động chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2022”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022, phấn đấu tiếp tục kiềm chế giảm từ 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2021; phấn đấu không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2022.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, ý thức tự giác chấp hành của người dân trong việc thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là thế hệ trẻ, ở các cấp học phổ thông và đào tạo chuyên nghiệp.

Chia sẻ về hiệu quả chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô”, Trưởng Ban tổ chức, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, đây là năm thứ 11, báo được UBND thành phố Hà Nội giao chủ trì tổ chức chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô - năm 2022” và là năm thứ 6 liên tiếp triển khai Cuộc thi trên internet theo hình thức trắc nghiệm.

Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chương trình đã đạt kết quả đáng khích lệ: Kết thúc 3 vòng thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô” năm 2021 trên internet, đã có gần 280.000 lượt thí sinh tham gia. Kết quả này cao gấp hơn hai lần so với năm trước.

Ngoài ra, số lượng gương điển hình về đóng góp cho công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông gửi về Ban tổ chức nhiều gấp đôi so với năm trước. Cùng với đó, công tác tuyên truyền trực quan tại các tuyến phố và tại một số trường học lồng ghép với trao giải thi vòng được tổ chức thành công.

“Từ chương trình này, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên và của mọi người dân được nâng lên một bước. Ngoài ra, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh, sinh viên và các đối tượng khác khi tham gia giao thông cũng từng bước được nâng cao góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, thúc đẩy việc tham gia giao thông văn minh” – ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Rõ ràng, xây dựng văn hóa giao thông sẽ góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh, an toàn và thân thiện cho con người. Qua đó, kêu gọi mọi người tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản và sức khỏe của chính mình bằng những hành động hết sức thiết thực khi tham gia giao thông. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng đến xây dựng văn hoá giao thông ngay từ trong các trường học trên địa bàn Hà Nội đã và đang mang lại hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên và phụ huynh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thiết nghĩ, để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác này, thời gian tới các cấp, các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cần tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp; đồng thời để xây dựng văn hóa giao thông cũng không thể thiếu vai trò của gia đình. Các bậc phụ huynh cũng cần nêu cao tinh thần chấp hành pháp luật về giao thông, vun bồi văn hóa giao thông cho con trẻ. /.