Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là gì

Trong khối DN bảo hiểm phi nhân thọ, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc năm 2011 ước chiếm 39% doanh thu bảo hiểm phí gốc. 

Dù đã có nhiều cố gắng để hạn chế tỷ lệ bồi thường, nhưng năm 2011, mục tiêu này của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa đạt được. Thực tế, doanh thu tuy có tăng, nhưng tỷ lệ tổn thất của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa khống chế được như mong muốn.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ, doanh thu của công ty năm 2011 tăng trưởng khá tốt, nghiệp vụ bảo hiểm không lỗ, thậm chí có lãi. Tuy nhiên, ban giám đốc vẫn không vui, vì tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc dù đã cố gắng kéo xuống nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ lệ bồi thường cao khiến lợi nhuận không còn bao nhiêu và lương thưởng cũng vì thế bị hạn chế.

Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là gì

Trong những năm qua, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều chú trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh như tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách triển khai áp dụng công nghệ thông tin và quản lý tập trung, đa dạng hoá sản phẩm và kênh phân phối, sàng lọc khách hàng để hạn chế tối đa tỷ lệ bồi thường, nhưng tỷ lệ bồi thường thống kê hàng năm vẫn chưa được như kỳ vọng.

Theo một thống kê sơ bộ, doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2011 của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 20.723 tỷ đồng, tăng 20,73%. Tốc độ tăng trưởng năm 2011 đã giảm so với mức tăng 25,77% năm 2010. Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc toàn thị trường năm 2011 là 8.041 tỷ đồng, chiếm 39% doanh thu bảo hiểm phí gốc. Tỷ lệ bồi thường tăng 4% so với năm 2010 (bồi thường bảo hiểm năm 2010 là 5.967 tỷ đồng, chiếm 35% doanh thu).

Tăng 4% so với năm 2010, nhưng tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc/doanh thu bảo hiểm phí gốc 39% toàn thị trường năm 2011 không phải là con số quá cao. Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc chấp nhận được là dưới 40%. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ bồi thường trung bình của mấy chục công ty bảo hiểm phi nhân thọ cộng lại, còn tính riêng mỗi công ty thì số công ty bảo hiểm còn có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao trên ngưỡng 40% không phải là ít. Thậm chí, tỷ lệ bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm trong báo cáo cuối năm 2011 của từng nghiệp vụ có nhiều nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường lên đến 80 – 100%.

Bồi thường bảo hiểm cao có 3 nguyên nhân: thứ nhất, do nguồn tổn thất thật; thứ hai, do những nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai bão lũ; thứ ba là trục lợi bảo hiểm, với hai loại trục lợi là có tổn thất thật nhưng giá trị tổn thất bị nâng cao so với giá trị thật và tổn thất được tự tạo ra. Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, hồ sơ trục lợi ngày càng tinh vi và được làm khá “sạch sẽ”, vì thế để lật tẩy được những vụ này không phải dễ dàng và mất khá nhiều thời gian.

Năm 2011, thị trường bảo hiểm chứng kiến nhiều vụ bồi thường với giá trị lớn như vụ Vinalines Queen với số tiền bảo hiểm 27 triệu USD, chưa kể số tiền bồi thường bảo hiểm cho các thuyền viên ước tính khoảng 40.000 USD/người. Vụ Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) kiện Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) liên quan đến việc từ chối bồi thường bảo hiểm con tàu chở dầu trọng tải 104.000 tấn cũng đang chờ phán quyết cuối cùng, đây cũng là vụ bồi thường có số tiền bồi thường khá lớn.

Dù các vụ bảo hiểm có giá trị lớn như hai vụ nêu trên, các công ty bảo hiểm trong nước đã tái bảo hiểm hầu hết, nhưng giá trị giữ lại phải đền bù của mỗi công ty cũng không phải nhỏ. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ bồi thường có giá trị mà các công ty bảo hiểm vì nhiều lý do khác nhau không muốn công bố.

Báo cáo tổng kết cuối năm của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2011 như tổng doanh thu (doanh thu từ hoạt động), chỉ tiêu lợi nhuận…, đều được báo cáo đưa ra rất rõ nét. Tuy nhiên, trong báo cáo không hề đề cập đến tỷ lệ bồi thường/trên doanh thu bảo hiểm gốc. Thực tế, tỷ lệ bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm trong báo cáo cuối năm của từng nghiệp vụ sẽ phản ánh một phần khả năng kiểm soát rủi ro của công ty.

Theo một thống kê sơ bộ, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc năm 2011 của công ty bảo hiểm nêu trên chiếm hơn 50% doanh thu phí bảo hiểm gốc. Trong đó, có một số nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường lên đến xấp xỉ 80%, quá cao so với ngưỡng chấp nhận được là 40%. Khống chế tỷ lệ bồi thường xuống chuẩn dưới 40% vẫn là bài toán đau đầu của các công ty bảo hiểm trong thời gian tới, nhất là đối với những công ty bảo hiểm mới gia nhập thị trường.

(ĐTCK).

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp nào?

  1. Khi có sự thay đổi làm tăng các rủi ro được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm tính tăng phí cho thời gian còn lại của hợp đồng nhưng bên mua không chấp nhận.
  2. Bên mua bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm trong thời hạn mà doanh nghiệp bảo hiểm đã ấn định để bên mua thực hiện.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ gì?

  1. Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm
  2. Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm
  3. Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
  4. Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường
  5. Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thườngvề những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

3. Bên mua bảo hiểm có quyền gì?

  1. Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm
  2. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm và hoặc đơn bảo hiểm
  3. Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm
  4. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
  5. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

4. Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ gì?

  1. Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
  2. Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
  3. Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
  4. Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
  5. Áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất.

5. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp nào?

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp:

  1. Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm
  2. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại
  3. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra
  4. Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

6. Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp nào?

Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp:

  1. Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm
  2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong trường hợp bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
  3. Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

7. Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.

8. Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm trong vòng bao lâu?

Trong trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.

9. Trong trường hợp người được bảo hiểm chứng minh được rằng họ không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Trong trường hợp này, thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày người được bảo hiểm biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.

10. Trong trường hợp người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là bao lâu?

Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường là 1 năm kể từ ngày người thứ ba yêu cầu đối với trường hợp này.

11. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm theo Luật kinh doanh bảo hiểm là bao lâu?

3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.

12. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm kể từ lúc nào?

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm là một trong các trường hợp sau:

  1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm
  2. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm
  3. Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí BH.

13. Trách nhiệm bảo hiểm chưa phát sinh trong trường hợp nào?

Khi Hợp đồng bảo hiểm được ký kết nhưng Bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm cho Doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận.

14. Trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền gì?

Ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm.

15. Trường hợp trong hợp đồng bảo hiểm quy định phí bảo hiểm được đóng làm 4 kỳ, bên mua bảo hiểm mới đóng được 2 kỳ và không thể đóng phí cho 2 kỳ tiếp theo, nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác thì thế nào?

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm; bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng.