Theo AI PHẢI CẨN THẬN Cổ học tinh hoa

đăng 05:32, 1 thg 2, 2012 bởi Điều Nguyễn Xuân   [ đã cập nhật 20:08, 20 thg 7, 2017 ]

Khổng Tử

Theo AI PHẢI CẨN THẬN Cổ học tinh hoa

Có một lần Khổng Tử đưa đệ tử của ông là Tử Cống đến tông miếu của Lỗ Hoàn Công để bái lạy. Trong tông miếu, ông nhìn thấy một cái đồ đựng nước để cúng tế gọi là “hựu ách”. Khổng Tử vui mừng nói: “May mắn thay, cuối cùng ta cũng thấy được cái bình đựng này”.

Khổng Tử quay sang nói với đệ tử của mình rằng: “Mang nước đến đây nào”. Sau khi đệ tử mang nước đến, ông rót vào đồ đựng. Khi rót nước vào được phân nửa bình  thì thấy hình dáng của nó ngay ngắn. Khi nước được rót đầy thì bình  đựng nghiêng đổ hết cả ra ngoài. Mặt Khổng Tử biến sắc, ông bỗng ngộ ra và quay sang nói với học trò của mình:  “Đúng rồi ! Đầy ắp chính là như thế này, đây chính là đạo “Giữ cho đầy!”

Tử Cống đứng hầu bên cạnh hỏi: “Thưa thầy, làm thế nào có thể giữ cho đầy mà không nghiêng đổ ạ?”

Khổng Tử nói: “Ức chế mà giảm bớt nó”.

Tử Cống lại hỏi:  “Đạo giữ cho đầy” là gì ạ ?

Khổng Tử nói: “Vạn vật sinh ra rồi trưởng thành, đến lúc thịnh nhất thì bắt đầu suy vong. Người đời cũng vậy, khoái lạc đến cực điểm thì sẽ chuyển sang bi thương. Ví như Mặt Trời đến quá trưa thì sẽ bắt đầu lặn xuống ở hướng Tây. Mặt Trăng đến ngày rằm thì vừa tròn vừa đầy đặn, sau đó bắt đầu sẽ chuyển từ tròn sang khuyết. Cho nên, người có trí tuệ thông minh, nên giữ lấy bằng cái ngu độn không minh mẫn; người vũ dũng, kiên cường, nên dùng cái khiếp sợ, nhu nhược để giữ lấy;  người học rộng biết nhiều,  nên dùng sự hiểu biết ít để giữ lấy;  người giàu sang phú quý, nên biết tiết kiệm để giữ lấy; người giỏi trị thiên hạ, nên lấy sự khiêm nhường, kính cẩn để giữ lấy!”

Đây chính là đạo “Giữ cho đầy” của Khổng Tử, Ngài cứ tuần tự mà khéo dạy dỗ người: Lấy “Văn học” làm rộng kiến thức, lấy “Lễ nghĩa” mà hối thúc hành vi…

Người học đạo là rất gần gũi với đức Khổng Tử.

Hà nội, Xuân Nhâm Thìn-Mồng 10 tháng Giêng 

đăng 22:32, 19 thg 11, 2011 bởi Điều Nguyễn Xuân   [ đã cập nhật 01:04, 21 thg 7, 2017 ]

Theo AI PHẢI CẨN THẬN Cổ học tinh hoa

Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử. Ở nhà thầy đã ba năm mà không mấy khi đọc sách.

Thầy Tăng Tử hỏi:
- Ngươi đến đây học đã ba năm nay, ta xem ý người không mấy khi học tập sách vở như các anh em, là tại làm sao?

Công Minh Tuyên nói:
- Thưa thầy, con vẫn học. Con thấy: thầy ở trong nhà, trước mặt song thân, lúc nào cũng hiếu thuận, hòa nhã, cho đến giống vật như chó, mèo, thầy cũng không quở mắng bao giờ; - Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay, ai nấy đều thiếp phục; - Thầy ở Triều đình, đối với kẻ dưới, bề ngoài rất là nghiêm trọng mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai bao giờ cả. Ba điều ấy con lấy làm vui lòng học mãi mà chưa được. Con đâu dám không học mà cứ ở cửa nhà thầy.

Thầy Tăng Tử nghe đoạn, tạ Công Minh Tuyên và nói rằng: 
- Ta nay không bằng nhà ngươi.

Thuyết Uyển

GIẢI NGHĨA

- Công Minh Tuyên: người nước Lỗ về đời Xuân Thu, học trò thầy Tăng Tử

- Tăng Tử: người Nam Vũ thành, nước Lỗ (nay là huyện Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông), là học trò xuất sắc của Khổng Tử; là một người chí hiếu với cha mẹ, người đời sau liệt ông vào một trong "Nhị thập tứ hiếu" (hai mươi tư tấm gương hiếu thảo). Ông làm ra sách Đại học gồm 10 thiên và là một trong Tứ thư của Nho gia. Học trò của Tăng Sâm là Khổng Cấp, cùng Nhan Hồi, Mạnh Tử và chính ông là Tứ phối của Nho gia, cũng là đại biểu xuất sắc của phái Nho gia. Khổng Cấp (hay Tử Tư) làm ra sách Trung Dung trong Tứ thư (cùng với Luận Ngữ, Đại Học, Mạnh Tử).

- Song thân: hai đứng thân, hai cha mẹ

- Thiếp phục: vui lòng chịu theo

- Tạ: tự nhận lỗi mình

LỜI BÀN

Học trò như Công Minh Tuyên, thầy dạy như Tăng Tử, mới thực là học trò biết học, ông thầy biết dạy, xứng đáng thầy trò vậy. Làm ông thầy, không những lấy tri thức mà truyền thụ, lại cần lấy đức tính mà làm gương giáo hóa cho kẻ đi học nữa. Sách có câu: “Dĩ ngôn vi giáo, dĩ thân vi giáo”, cũng là lấy nghĩa ấy. Làm học trò nhưng không những bo bo ở việc học tập văn bài, lại phải học cả động, tĩnh, ngữ, mặc, thái độ hình dung của thầy để bắt chước cho được được thầy nữa. Học như thế mới là học được cái tinh hoa. Công Minh Tuyên chỉ học trong ba điều kể trong bài này, mà tức là học được đủ bồn phận của người đối với gia tộc và xã hội vậy. 

đăng 00:36, 3 thg 10, 2011 bởi Điều Nguyễn Xuân   [ đã cập nhật 10:49, 18 thg 1, 2018 ]

Theo AI PHẢI CẨN THẬN Cổ học tinh hoa

     Lòng người ta sâu hiểm hơn núi sông, khó biết hơn là biết trời.

Trời thì hàng năm có xuân, hạ, thu, đông, hàng ngày còn có buổi sáng, buổi tối, ta do đấy mà biết được.

Đến như người ta thì có kẻ ngoài rõ như cẩn hậu mà trong thật kiêu căng, có kẻ trong rõ thật tài giỏi mà ngoài coi ra ngu độn, có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thái mà trong cuống rối nóng nảy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau khó lường như thế.

Cho nên quân tử dùng người cho ở xa để xem lòng Trung, cho ở gần để xem lòng Kính, sai làm nhiều việc để xem cái Tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái Trí, hẹn cho ngặt ngày để xem cái Tín, ủy cho tiền của để xem cái Nhân, giao cho việc nguy biến để xem cái Tiết, cho đánh chén say sưa để xem Cử chỉ, để ở nơi phiền tạp để xem Thần sắc. Xem người đại khái như vậy, thì may ra mới có thể biết được người.

                                                                                                                         Trang Tử

đăng 00:35, 3 thg 10, 2011 bởi Điều Nguyễn Xuân   [ đã cập nhật 03:36, 31 thg 7, 2017 ]

    Thấy người hay thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi.

     Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở thì phải cố mà trừ đi.

     Người chê ta, mà chê đúng, tức là Thày ta; người khen ta, mà khen đúng, tức là Bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậỵ

     Cho nên người quân tử trọng thầy, quý bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn... như thế dù muốn không hay cũng không được.

     Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cứ làm bậy mà lại ghét người chê mình; rất dở mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ xiểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê... Như thế dù không muốn không dở cũng không được.

(Tuân Tử)

Giải nghĩa:

Quân tử: Người có tài đức hơn người.

Tiểu nhân: Kẻ bất chính, gian ác, tự tư, tự lợị

Hổ lang: Cọp và chó sói, hai giống tàn bạọ

Cầm thú: Cầm giống có hai chân và hai cánh, thú giống có bốn chân; hai chữ chỉ loài chim và loài muông.

Chính trực: Ngay thẳng.

Trung tín: Hết lòng, thật bụng.

Tuân Tử: Tên là Huống, tên tự là Khanh, người nước Triệu, thấy đời bấy giờ cứ loạn luân mãi và phong hóa suy đồi, làm sách nói về lễ nghĩa, lễ nhạc, cốt ý để chỉnh đức và hành đạọ

Lời bàn:

Cái đạo tu thân rút lại chỉ có theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. “Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình” có như thế thì mới tu thân được.

đăng 00:34, 3 thg 10, 2011 bởi Điều Nguyễn Xuân   [ đã cập nhật 01:10, 21 thg 7, 2017 ]

Có một ông trưởng giả gần vùng ấy, một hôm ở chợ về, chén say khướt. Lúc đi qua gò Lê Khưu con quỉ hiện hình lên làm con ông ta, tay ôm đỡ dìu dắt, nhưng miệng cứ lẩm bẩm nhiếc móc, kêu say sưa là xấụ

Trưởng giả về nhà, lúc tỉnh rượu, gọi con ra mắng: “Tao là cha mầy, tao có điều gì là ác nghiệt mà lúc tao say, mầy lại nỡ mỉa mai tao như vậy”!

Người con khóc, lạy cha và thưa rằng: “Oan quá! Thật con không dám như thế bao giờ. Con nghe đâu ở gò Lê Khưu có giống quỉ khéo bắt chước hiện lên làm người, có lẽ đây chăng”?

Trưởng giả dò hỏi, thì quả nhiên ai cũng bảo có như thế thật, ông mới định bụng hễ gặp giống quỉ ấy là đâm chết.

Hôm sau, ông lại đi chợ, lại chén say khướt mới về. Người con sợ cha lại gặp quỉ nó quấy nhiễu gì, bèn săm săm đi đón. Trưởng giả trông rõ con mình, nhưng cho là quỉ, liền rút gươm ra đâm chết.

(Lã Tử)

Giải nghĩa:

Lê Khưu: Tên một cái gò cao, ở về địa phận huyện Ngu Thành tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) bây giờ.

Trưởng giả: Người đứng tuổi, thường chỉ những bậc có trí, có tài, có vai, có chức hay có củạ

Lời bàn:

Khó thật! Làm thế nào cho rõ giả thực mà phân biệt được. Cái trò đời, đã gian, thì lại ngoan, kẻ gian phi, đã rắp tâm lừa ai, thì dùng thiên phương bách kế, làm cho phải mắc lừa mà vẫn có bụng tin. Cho nên khi ta ngờ điều gì, ta phải để cái trí sáng suốt mà dò xét cho đến nơi. Chớ có vội hành động, lấy giả làm thực, cho thực là giả, nhận quỷ làm con, giết con tưởng quỷ như trưởng giả nói trong truyện này, sau có hối lại cũng không kịp. Đời này biết bao nhiêu chuyện vợ chồng, chuyện phe cánh, ngờ nhau tàn hại nhau, một khi sự thực hiện rõ ra, chỉ còn có ôm hận suốt đời, lúc nào cũng băn khoăn thương đến người đã khuất.

đăng 20:19, 30 thg 9, 2011 bởi Điều Nguyễn Xuân   [ đã cập nhật 02:20, 28 thg 3, 2013 ]

Nước Kinh có người xem tướng giỏi, nói câu nào trúng câu ấy.Trong nước xa gần đâu cũng biết tiếng.

Vua Trang Vương thấy thế, vời lại hỏi: “Nhà ngươi dùng thuật gì mà xem tướng giỏi như thế”?

Người xem tướng thưa rằng: “Thần không có thuật gì lạ cả. Thần chỉ xem bạn của người ta mà biết được người ta hay, hay dở. Như thần xem cho thường dân, mà thấy chơi với những bạn hiếu, đễ, thuần, cẩn, biết giữ phép nước, thì thần đoán người dân ấy là người hay, thân tất một ngày một vẻ vang, nhà tất một ngày một thịnh vượng. - Như thần xem cho quan lại mà thấy chơi với những bạn thành, tín, có phẩm hạnh, thích điều phải thì thần đoán cho ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một cao thăng, giúp vua tất mỗi ngày một ích lợị - Như thần xem cho vua chúa, mà thấy quan gần có lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc có lỗi, nhiều người can ngăn, thì thần đoán là ông vua giỏi, vua tất mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một trì yên, thiên hạ tất mỗi ngày một qui phục... Thần quả không có thuật gì lạ, chỉ xem người mà biết được người hay, kẻ dở”.

Vua Trang Vương cho là phải, bấy giờ kíp thu dùng những người tài giỏi, sau nước Sở thành cường thịnh nhất đời Chiến Quốc.

(Lã Thị Xuân Thu)

Giải nghĩa:

Kinh: Cũng là tên nước Sở. Hiếu, đễ, thuần, cẩn: - Hiếu: ăn ở hết lòng với cha mẹ; -đễ: kính thuận với bậc huynh trưởng; -thuần: chân thật, tự nhiên; -cẩn: chân chỉ không cẩu thả; thân: bản thân đối với nhà, với nước.

Cao thăng: Lên cao

Quan gần: Quan tại triều, ở gần vua

Quan xa: Quan ở các tỉnh xa kinh đô,  ở chỗ biên thùỵ

Chiến Quốc: Thời đại cuối đời nhà Chu 425-249 tr. Thiên Chúa, các nước hay đánh (chiến) nhau. Có bảy nước mạnh là: Tần, Sở, Yên, Tề, Hán, Triệu, Ngụỵ

Lời bàn:

Đại ý bài này cốt nói làm bạn với ai, thì rồi giống người ấy, làm bạn với người hay, thì thành hay, làm bạn với người dở, thì hóa dở, cũng như những câu phương ngôn của ta: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cái thuật xem tướng đây thực ám hợp với câu ngạn ngữ tây: “Dis-moi qui tu hantes, je te dirai qui tu es” nghĩa là: anh nói chơi với ai, thì tôi nói được anh là người thế nào. Bài này lại còn có ý chú trọng khuyên những người cầm vận mệnh một nước phải tín nhiệm hiền tài, để đồng công cộng tác và sửa đổi luôn luôn những quả ác cùng công việc sai lầm thì nội trị mới khá, ngoại giao mới hay được.

đăng 20:17, 30 thg 9, 2011 bởi Điều Nguyễn Xuân   [ đã cập nhật 19:50, 22 thg 1, 2018 ]

Đức Khổng Tử thấy Kẻ đánh lưới chim sẻ chỉ đánh được thuần sẻ non vàng mép. Ngài bèn hỏi rằng: "Không đánh được sẻ già là tại làm sao!"

Kẻ đánh lưới nói: "Sẻ già biết sợ, cho nên khó được, sẻ non tham ăn, cho nên dễ bắt. Nếu sẻ non mà theo sẻ già, thì bắt sẻ non cũng khó,  nhưng nếu sẻ già mà theo sẻ non thì bắt sẻ già cũng dễ."

Đức Khổng Tử nghe đoạn quay lại bảo học trò rằng: "Biết sợ để tránh tai hại, tham ăn mà quên nguy vong, đó đều là tính tự nhiên vậy. Song phúc hay họa lại do ở cái theo khôn hay theo dại. Cho nên người quân tử trước khi theo ai phải cẩn thận. Theo ai mà biết phòng xa như người lão luyện, thì được toàn thân, theo ai mà hay nông nổi như kẻ trẻ dại thì bại hoại."