Thanh lý hợp đồng tương tự như

(BĐT) - Hợp đồng tương tự để chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu là nội dung quan trọng nhằm tìm kiếm nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) đủ năng lực triển khai gói thầu. Trong nhiều năm qua, theo phản ánh của nhà thầu, đây cũng là nội dung dễ bị bên mời thầu lạm dụng, tự ý thay đổi các mẫu hướng dẫn để cài cắm tiêu chí gây hạn chế sự tham dự của nhà thầu.

Thanh lý hợp đồng tương tự như
Yêu cầu hợp đồng tương tự thực hiện trên một địa bàn cụ thể, hoặc công trình tương tự của một đơn vị cụ thể là hạn chế sự tham dự của nhà thầu. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Vừa qua, Gói thầu Mua sắm trang thiết bị làm việc thuộc Dự toán Mua sắm trang phục dân quân tự vệ và thiết bị làm việc năm 2022 do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư có một số tiêu chí về hợp đồng tương tự khiến phát sinh yêu cầu làm rõ từ phía nhà thầu. Cụ thể, về uy tín của nhà thầu trong công tác bảo mật và an ninh cho các cơ quan đặc biệt, HSMT yêu cầu nhà thầu có ít nhất 3 hợp đồng tương tự với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và được xác nhận hoàn thành tốt, bảo mật (đính kèm hợp đồng, thanh lý, hóa đơn tài chính tương tự, văn bản đánh giá xác nhận của chủ đầu tư và phiếu báo có của ngân hàng hợp pháp). Hợp đồng đã được thanh khoản và có thể hiện qua tài khoản ngân hàng của nhà thầu.

Trước đó, Gói thầu số 01 Xây lắp (xây dựng các hạng mục, hệ thống, thiết bị điều hòa, máy phát điện dự phòng, thiết bị phòng cháy chữa cháy) thuộc Dự án Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh (giá gói thầu 41,2 tỷ đồng), do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư, cũng đưa ra các tiêu chí bất thường trong nội dung hợp đồng tương tự.

Cụ thể, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có sự hiểu biết về các quy định thiết kế, thi công đối với các công trình thuộc ngành tư pháp; đã từng tham gia thi công hoàn thành các công trình trụ sở cơ quan ngành tư pháp cấp tỉnh trở lên, trong đó có ít nhất 1 công trình trụ sở cơ quan ngành tư pháp cấp tỉnh có giá trị trên 41 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, tình trạng “địa phương hóa”, “ngành hóa” hợp đồng tương tự khá phổ biến hiện nay. Mặc dù quy định tại các thông tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về việc lập HSMT đã yêu cầu không được chỉnh sửa các quy định nêu trong mẫu HSMT về chỉ dẫn nhà thầu và điều kiện chung của hợp đồng, nhưng vẫn còn nhiều bên mời thầu tùy tiện khi yêu cầu hợp đồng tương tự.

Một bên mời thầu trong ngành giáo dục Gia Lai tuy không nêu đích danh địa bàn nhưng lại yêu cầu hợp đồng tương tự đã từng cung cấp hàng hóa cho 150 trường học, 25 huyện, thị. Hàng loạt bệnh viện khi mời thầu cung cấp dịch vụ yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng ký với các đơn vị y tế công lập…

Nhiều lĩnh vực như xây dựng, hàng hóa, tư vấn, dịch vụ phi tư vấn… đều xảy ra tình trạng “ngành hóa” khi yêu cầu hợp đồng tương tự. “Điều này dẫn tới khó khăn rất lớn cho các nhà thầu muốn tham gia cạnh tranh, đồng thời kéo dài tình trạng những gói thầu chỉ là sân chơi nội bộ của những nhà thầu quen, thân hữu của các chủ đầu tư”, một nhà thầu tại TP.HCM chỉ rõ.

Ngày 1/8 tới, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Thông tư số 08) sẽ có hiệu lực. Tại Phụ lục số 09 ban hành kèm Thông tư số 08 đã chỉ rõ một số quy định của HSMT dẫn đến hạn chế sự tham dự của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP như: quy định hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện trên một địa bàn cụ thể, hoặc là công trình tương tự của một đơn vị cụ thể, hoặc phải ký với cơ quan nhà nước.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho biết, nguyên tắc đánh giá hợp đồng tương tự cần bám sát vào các nội dung như quy mô, tính chất, giá trị, thời gian thực hiện hợp đồng. “Các chủ đầu tư, bên mời thầu không nên tự ý thay đổi, chỉnh sửa các hướng dẫn hiện hành khi đánh giá hợp đồng tương tự, có thể dẫn tới kiến nghị từ phía nhà thầu. Đặc biệt, quy định hiện hành về đấu thầu đang xuyên suốt việc đánh giá hợp đồng tương tự của nhà thầu đã từng làm gì chứ không phải đã từng làm cho ai”, chuyên gia cho biết.

Các nhà thầu tin tưởng, với Thông tư số 08, tình trạng tùy tiện trong yêu cầu về hợp đồng tương tự sẽ được chấn chỉnh, khắc phục triệt để, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo nhà thầu tham gia.

Xử lý tình huống trong đấu thầu

Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Nghĩa Thông, email: .

Hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp (theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu, về hợp đồng tương tự yêu cầu nhà thầu trong vòng 05 năm gần đây đã thực hiện 01 hợp đồng tương tự với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ

Khi tham dự thầu gói thầu trên, nhà thầu X kê khai đã thực hiện 01 hợp đồng tương tự với vai trò là nhà thầu phụ và cung cấp các tài liệu sau:

- Hợp đồng, biên bản nghiệm thu công trình giữa nhà thầu Y (nhà thầu chính) với Chủ đầu tư (Dự án được điều chỉnh bởi Luật đấu thầu)

- Hợp đồng, biên bản nghiệm thu, hóa đơn VAT giữa nhà thầu Y và nhà thầu X.

- Hợp đồng đáp ứng yêu cầu của HSMT về giá trị và tính chất tương tự

Trong quá trình đánh giá HSDT, Tổ chyên gia kiểm tra các tài liệu mà nhà thầu X cung cấp và nhận thấy: Khối lượng mà nhà thầu X tham gia > 10% giá trị hợp đồng giữa nhà thầu Y ký với Chủ đầu tư. Nhà thầu X cũng không có tên trong danh sách và cũng không được Chủ đầu tư chấp thuận là nhà thầu phụ, nghĩa là đã đầy đủ điều kiện để chứng minh nhà thầu Y đã vi phạm hành vi “chuyển nhượng thầu” theo quy định của Luật đấu thầu. Tình huống cụ thể như sau:

1. Ý kiến của Tổ chuyên gia

Hợp đồng mà nhà thầu Y ký với nhà thầu X mặc dù đã vi phạm hành vi ”chuyển nhượng thầu”, nhưng việc chuyển nhượng thầu lỗi thuộc về nhà thầu Y không thuộc trách nhiệm của nhà thầu X. Thực tế nhà thầu X đã hoàn thành trách nhiệm với nhà thầu Y đúng theo hợp đồng đã ký (Biên bản nghiệm thu, hóa đơn VAT xuất cho nhà thầu Y phần khối lượng theo hợp đồng), như vậy nhà thầu X đã thực hiện hợp đồng này với tư cách là nhà thầu phụ đúng căn cứ theo quy định tại khoản 36 Điều 4 Luật đấu thầu năm 2013, “Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính”, hợp đồng đáp ứng yêu cầu của HSMT về giá trị và tính chất tương tự, do đó nhà thầu X được đánh giá là đạt yêu cầu về việc thực hiện hợp đồng tương tự

2. Ý kiến của đơn vị thẩm định

Hợp đồng mà nhà thầu Y ký với nhà thầu X đã vi phạm hành vi “chuyển nhượng thầu”, do đó hợp đồng mà nhà thầu X cung cấp phải loại bỏ và không được xem xét, do đó nhà thầu X không được đánh giá là đạt yêu cầu của HSMT về việc thực hiện hợp đồng tương tự với vai trò nhà thầu phụ

Xin hỏi Quý Bộ, 2 ý kiến trên ý kiến nào là đúng?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Luật Đấu thầu (Điều 4 khoản 36) quy định nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính.

Luật Đấu thầu (Điều 89 khoản 8) quy định một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết; chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

Theo đó, việc đánh giá nhà thầu có hành vi chuyển nhượng thầu hay không thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu./.