Tây Tiến người đi không hẹn ước được hiểu như thế nào

Tây Tiến người đi không hẹn ước được hiểu như thế nào

Kí ức về cha :

Trong kí ức, cha tôi như một ông tiên hiền lành, vóc dáng cao lớn, khoan thai với mái tóc trắng bồng bềnh như cước và đôi mắt hiền từ. Đặc biệt  nụ cười tươi dễ gần dù ông cố làm nghiêm. Trong năm anh em, tôi may mắn là đứa con được cha đón tay từ nhà hộ sinh. Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm nhận được vòng tay ấm áp vững chãi của cha đang nâng đỡ tôi với ánh mắt âu yếm và nụ cười hiền hậu.

Tây Tiến người đi không hẹn ước được hiểu như thế nào
Tượng khắc họa nhà thơ Quang Dũng tác giả Tây Tiến

Ở bên cha trong suốt tuổi thơ ấu, tôi được đón nhận một tình yêu thương, chiều chuộng vô bờ từ ông, cũng có thể do tôi là con gái út trong nhà. Công việc của cha tôi hay đi công tác và mỗi chuyến đi nếu kèm được con là cha cho tôi đi theo. Bởi vậy mà tuổi thơ của tôi đầy ắp những chuyến đi đây đó, lúc lên rừng lên núi, lúc xuống biển rồi về các vùng nông thôn làng nghề, ở cùng gia đình những người nông dân làm ruộng, chài lưới…lúc đó tôi luôn tin rằng tất cả những gia đình ấy đều là người thân của cha tôi! Những năm sơ tán giặc Mỹ ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (Sơn Tây), gia đình tôi đông người được ưu tiên ở cả gian nhà kho nằm trơ trọi sát đường làng.Thời gian ở đây, cha hay luyện tập mấy thế võ mà ông  nói đùa là võ Tòng ( Võ Tòng – tên một nhân vật trong truyện Thủy hử- Trung Quốc), đi vài đường kiếm sáng loáng trước sự ngạc nhiên, háo hức như được xem diễn tuồng của lũ trẻ làng. Sau này, cha tôi tiết lộ ngoài việc rèn luyện sức khỏe còn có ý đánh tiếng “ ông chủ nhà này biết võ ”  do nghe đồn ở khu vực dân sơ tán hay có trộm, cướp… nhất là những nhà tăng gia nuôi gà, trồng rau cải thiện.

Từ nơi sơ tán chỉ đi gần hai cây số là đến lăng Ngô Quyền . Những lúc rảnh rỗi, cha lại đèo tôi trên chiếc xe đạp Thống nhất một gióng vào vẽ tại đây. Những bức tranh Quan Vân Trường, Võ Tòng đả hổ hay Quang Trung cưỡi chiến mã….ông vẽ xong lại thích thú tặng cho lũ trẻ chăn trâu trong làng đã vây quanh xem ông vẽ từ lúc nào…Những mảng tường đá ong bên giếng nước trong vắt giữa làng, suối Hai uốn mình quanh núi Ba Vì xanh sẫm, cổ kính Chùa Thầy… và mênh mông cánh đồng vàng óng…đã gieo vào tôi một tình yêu với vùng đất đẹp và nên thơ: Xứ Đoài – quê hương Ông.

Tây Tiến người đi không hẹn ước được hiểu như thế nào
Ảnh tư liệu Đoàn Tây Tiến được trưng bày tại nhà lưu niệm Khu di tích Tây Tiến – Mộc Châu, Sơn La

Ngày ấy, gia đình tôi ở trên căn gác tầng ba, số 296 phố Bà Triệu, thời gian đủ ngấm vào kí ức của tôi những tháng năm khó quên. Căn gác cũng đổi thay đến không nhận ra hình thù nhưng duy nhất có hai thứ không rõ vì sao chẳng thay đổi. Đó là khung cửa sổ với hai cánh cửa nguyên vẹn như khi gia đình tôi còn ở đó từ năm 1965 và cây lim nhỏ thó ở trước cổng vào nhà số 296 Bà Triệu vẫn không chịu lớn lên cùng thời gian. Có vẻ như chúng muốn lưu giữ những kỉ niệm của khu phố mãi mãi…Bao nhiêu bước chân nặng trĩu của cha tôi với đôi thùng gánh nước lên gác thượng, khẽ khàng đổ đầy nước vào cái chum sành to mang ở quê lên và đi dọc con phố xuống đến chợ Đuổi từ tờ mờ sáng, xếp hàng ở vòi nước công cộng. Cả cái cót đựng thóc và mùn cưa ở góc cầu thang, nơi tôi hay giấu vào đó cặp lồng cơm ủ cho ấm để mang lên cơ quan cho cha hay vùi chai bia hơi giữ  lạnh cho cha tôi tiếp khách văn chương. Căn phòng nhỏ đơn sơ ấy thường đầy ắp tiếng nói chuyện, tiếng cười và cũng lắng đọng nhiều ưu tư phiền muộn. Có những buổi gặp mặt bạn bè, không khí như trầm xuống kèm đôi tiếng thở dài…Nỗi buồn với những tâm hồn nghệ sĩ như ông cũng chỉ là cơn mưa bóng mây thôi, cha tôi là người luôn mạnh mẽ vượt qua những khó khăn gian khổ cho đến lúc từ giã cõi đời…

Tây Tiến người đi không hẹn ước được hiểu như thế nào
Hình ảnh đài lưu niệm Khu di tích “Tây tiến” tại Mộc châu Sơn La

Cha tôi thường dạy sớm và ngồi vào bàn viết, hoặc đôi lúc là ở bậc thang trên gác thượng. Công việc biên tập của ông cần sự tỉ mỉ và tâm huyết, những dòng nhận xét góp ý của ông trên bản thảo trong di cảo còn lại làm tôi hiểu và yêu thương cha muôn phần. Cũng chính cha tôi gợi ý và ủng hộ tôi vào học sư phạm để làm một cô giáo . Chặng đường cha tiễn tôi về nhận công tác ở một huyện ngoại thành Hà Nội ngày tôi ra trường là kỉ niệm không thể quên với tôi. Trên đoạn đường đất gần hai cây số vào trường thơm mùi lúa làm đòng, giọng ông ấm áp nhẩn nha từng câu nói với tôi: “ Bố mong muốn con trưởng thành từ công việc của một cô giáo và sau này trở thành một con người can đảm, biết yêu thương bố nhiều hơn”. Đó là lần duy nhất cha dặn dò tôi theo cách trò chuyện trực tiếp, sau này cha hay viết thư cho tôi. Những bức thư của cha là kỉ vật vô giá với tôi. Tôi biết ơn cha vô cùng , ông đã truyền cho tôi tình yêu cuộc sống, vượt lên gian khó và lạc quan trước mọi hoàn cảnh .

Tự hào Tây Tiến

 * Duyên cha – con:

Khi sáng tác Tây Tiến, cha tôi viết rất nhanh, ý tứ xuất thần, chắc hẳn cha tôi không bao giờ nghĩ sẽ có lúc bài thơ được đón nhận và yêu thương đến vậy. Trong một lần trao đổi với người con trai cả của mình là thầy giáo, nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh, tên bài thơ đã được bỏ bớt chữ Nhớbởi theo ông: “ Chỉ cần hai chữ Tây Tiến đã gợi lên nỗi nhớ rồi.”. Mùa xuân năm 1947, khi ông tạm biệt gia đình đi Tây Tiến, ông không biết rằng phải đến gần 5 năm sau ( 1951) hai cha con mới được gặp mặt nhau tại khu rừng thông Thanh Hóa khi ông đã chuyển sang công tác khác. Ông đã lấy tên con trai Quang Dũng làm bút danh và đặt tên con là Quang Vĩnh. Nhạc sĩ Bùi Quang Vĩnh là người đầu tiên phổ nhạc bài thơ tình Không đề của ông lấy nhan đề là Ta mãi là mùa xanh xưa. Giai điệu lãng mạn, dìu dặt không quá bi lụy và sang trọng, đúng như câu chuyện trong thơ của cha: “ Bỏ em anh đi/ Đường hai mươi năm dài bao chia ly… Có những vợ chồng không là trăm năm mà tình yêu thương…”. Con phổ thơ tình của cha cũng là một việc xưa nay hiếm. Sau ba mươi năm cha tôi đi xa, không biết bao nhiêu lần tôi đã đọc Tây Tiến , mỗi lần đọcTây Tiến là mỗi  lần cảm xúc trong tôi ùa về khác nhau và có cả những tiếc nuối vì tôi đã không thể chia sẻ với ông sớm hơn như cách một tri kỉ để cùng ông đàm đạo. Tôi đọc Tây Tiến và một số tác phẩm của cha khi tôi 14 tuổi và thực sự bị mê hoặc. Tôi trở thành độc giả mê thơ của cha mình mà chưa một lần thốt nên lời trước ông. Trong rừng kí ức về cha tôi – một chiến binh Tây Tiến– ( tôi thích hình ảnh và tên gọi này khi nhắc về cha) luôn hiện hữu một trái tim nhân hậu trong vóc dáng trượng phu.

Tây Tiến người đi không hẹn ước được hiểu như thế nào

*Thơ Tây Tiến- Bảy mươi năm hành trình :

Tây Tiến là bài thơ được ông dành cho tình cảm thật đặc biệt, ông từng nói: “ Tây Tiến là bài thơ mà tôi tâm đắc nhất”. Khi sáng tác bài thơ Tây Tiến cha tôi mới rời đơn vị Tây Tiến chưa lâu. Trung đoàn 52 Tây Tiến ra đời ngày 27.2.1947 là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công hiển hách góp phần vào việc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược khỏi ba nước Đông dương. Việc thành lập tổ chức mới của Đoàn Vũ trang tuyên truyền được cha tôi viết trong cuốn hồi kí thật cảm động với những tên người thật: “ Đoàn vũ trang tuyên truyền từ nay sẽ đặt là Đoàn vũ trang tuyên truyền liên quân Lào – Việt. Đoàn gồm ba trung đội , hai trung đội chiến đấu Lào và Việt, một trung đội nhạc binh. Ban chỉ huy gồm một Đoàn trưởng , ba cố vấn của quân đội Lào , hai của quân đội Việt”. Ông Thao Ma – cán bộ chỉ huy của Lào- phát biểu trước lúc hành quân: “ Chúng ta phải đoàn kết, phải làm anh em với nhau để cùng tiêu diệt giặc Pháp. Nước Việt Nam sẽ giúp cho nước Lào cùng tiêu diệt quân thù. Nước Lào cùng giúp nước Việt Nam cho đến bao giờ hoàn toàn độc lập. Hai dân tộc chúng ta dắt tay nhau bước lên thế giới văn minh, dân chủ”. Cuộc sống của người chiến sĩ những năm tháng cơ cực ấy biết bao gian nan vất vả. Trải qua bao khoảnh khắc mong manh sinh tử đã gắn bó tình cảm và xóa đi khoảng cách hai dân tộc cùng chung chiến hào đánh giặc. Với sức vóc của một chàng thanh niên 27 tuổi hừng hực tinh thần yêu nước, muốn chiến đấu, xông pha trận mạc, muốn cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước – “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Ông đã đưa được tinh thần ấy, sức trẻ ấy của ông và của cả một thế hệ thanh niên cùng thời vào thơ Tây Tiến . Tây Tiến là đứa con tinh thần vạm vỡ, tráng kiện của ông và đứa con tinh thần ấy đến nay đã tròn 70 tuổi thơ, sau  khi trải qua nhiều trắc trở và cũng gây không ít hệ lụy cho cuộc đời ông.

Đại tá Nguyễn Xuân Sâm, cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến , đồng đội và là bạn thân thiết của cha tôi kể lại : “ Trong thời gian đi Tây Bắc tham gia mặt trận Tây Tiến, được sống và chiến đấu ở một vùng rất nên thơ, hùng vĩ, điều đó góp phần lớn vào cảm hứng của bài thơ Tây Tiến dù trong điều kiện chiến đấu vô cùng gian khổ. Sau này Quang Dũng có nhiều tác phẩm nhưng tâm đắc nhất là bài thơ Tây Tiến. Sự nổi tiếng của trung đoàn 52 Tây Tiến có công lớn của ông Quang Dũng, bài thơ Tây Tiến phản ánh vô tư thời kì hoạt động của bộ đội Tây Tiến . Tây Tiến có Quang Dũng mới sáng danh. Quang Dũng sống thơ hơn làm thơ….”. Và thật cảm động, 70 năm sau chiến thắng Mường Láp ( 1945- 2015), Bác Xuân Sâm đã đích thân đưa bức tượng bán thân của cha tôi lên trưng bày ở nhà truyền thống khu Di tích lịch sử Lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Mộc Châu  như một cuộc hành quân cuối cùng của hai người bạn.

Tây Tiến người đi không hẹn ước được hiểu như thế nào

Bài thơ Tây Tiến có một số phận đặc biệt, được đón nhận ngay, được yêu thương rồi cũng trải gian truân, chìm nổi như phận người… Năm 1988, sau 40 năm ra đời, Tây Tiến được công bố ở tác phẩm thơ in riêng  Mây đầu ô, bạn bè và gia đình coi đây là niềm an ủi tinh thần với ông đúng khi ông từ giã cuộc đời. Tôi đã kính cẩn đặt cuốn Mây đầu ô lên ngực áo liệm của Cha với lời cầu mong ông còn kịp cảm nhận! Tại các địa phương nơi quân Tây Tiến hoạt động như Lạc Sơn, Mai Châu – Hòa Bình, Mộc Châu- Sơn La, Mường Lát -Thanh Hóa những tượng đài vinh danh trung đoàn 52 Tây Tiến lần lượt được dựng lên và ở mỗi tượng đài, thơ Tây Tiến được trích và khắc vào bia đá trang trọng như một chứng tích lịch sử của Trung Đoàn .

Ngày 26.10.2017, Di tích lịch sử Lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến ( Trung đoàn 52) tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh sơn La được Xếp hạng di tích Quốc gia. Đây là sự tri ân xứng đáng của Đảng , nhà nước, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Sơn La với Trung đoàn 52 Tây Tiến – đặc biệt là UBND huyện Mộc Châu nơi ghi dấu đoàn quân Tây Tiến anh hùng. Thật vinh dự khi công trình được lấy ý tưởng từ bài thơ Tây Tiến .

Tây Tiến người đi không hẹn ước được hiểu như thế nào
Cô giáo Phương Thảo (áo đỏ – con gái út nhà thơ Quang Dũng ) Trương ban liên lạc Hội truyền thống – những người giữ lửa Trung đoàn 52 -Đoàn quân Tây Tiến năm xưa, cùng các hội viên trong lễ kỷ niệm QTN Việt Nam 10/2015

Thơ Tây Tiến chứa đựng trong nó nhiều địa danh sông, núi, bản làng… những sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, châu Mộc, Mai Châu… và không thể không nhắc tới thôn Phù Lưu Chanh, huyện Kim Bảng, Hà Nam, nơi cha tôi đã viết bài thơ để đời này. Tôi đã tìm về Phù Lưu Chanh trong một ngày gió bấc và chộn rộn nhiều cảm xúc, cha đã ở đâu- bên cổng nhà mái ngói cong cong  này hay ở cạnh một vườn chanh thơm hoa.. – đang hí hoáy ghi chép lại những câu thơ để rồi hoàn chỉnh thành Tây Tiến. Thật may mắn khi ông đã ghi nơi, năm sáng tác cuối bài rõ ràng và Phù Lưu Chanh đã theo Tây Tiến ở nơi nào Nó xuất hiện. Hiện nay đã có nhiều thay đổi cả về tên gọi và bộ mặt hành chính của xã, không ai còn nhớ và biết về một Đại hội toàn quân Liên Khu Ba đã từng họp ở Phù Lưu Chanh vào khoảng  tháng 3 năm 1948. Riêng tôi cứ đau đáu nghĩ sẽ làm một việc gì đó cho Phù Lưu Chanh vì sự được vinh danh theo bài Tây Tiến, được trưng bày ở khu di tích cấp Quốc gia. Một dấu ấn lưu niệm chẳng hạn hay cụ thể một hoạt động khuyến học ở nơi đây mà theo ông chủ tịch xã thì học sinh đang gặp rất nhiều khó khăn…

Tây Tiến, bảy mươi năm sừng sững một tượng đài!

       … Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy

           Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi…  

                                                             Bùi Phương Thảo

                                                (Kỉ niệm 30 năm – ngày mất của cha 1988-2018)