Tại sao xe hơi bị đánh thuế cao

(News.oto-hui.com) – Mặc dù là nước thu nhập thấp nhưng giá xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam cao hơn khá nhiều so với các nước khác, điển hình như Campuchia. Vậy nguyên nhân là do đâu? Trong bài viết này, hãy cùng OTO-HUI tìm hiểu!

Bài viết liên quan:

Thuế chồng thuế

Tại Việt Nam, hầu hết các hãng xe nhập khẩu theo điều kiện thương mại quốc tế CIF (Cost, Insurance, Freight). 

Chẳng hạn, xe ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ, thì mức giá này bao gồm giá xuất xưởng tại Ấn Độ (Cost), phí bảo hiểm hàng hóa (Insurance) và cước phí vận chuyển từ Ấn Độ về Việt Nam (Freight).

Mức giá xuất xưởng thấp hơn nhiều so với giá bán sản phẩm tương đương tại thị trường Ấn Độ vì hãng xe tại nước này cũng phải chịu các thuế, phí về xe và bán hàng như tại Việt Nam.

1. THUẾ NHẬP KHẨU

Thuế nhập khẩu xe ô tô từ các nước ASEAN là 0% và từ ngoài khu vực Đông Nam Á là 70%. Chính khoản thuế này đã ảnh hưởng lớn nhất đến mức giá của những chiếc xe nhập khẩu, khiến giá xe tăng gấp đôi và làm nó có mức giá cao ngất ngưởng so với các thị trường khác trên thế giới.

2. THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Tùy thuộc vào mỗi loại xe mà thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có sự khác nhau đáng kể. Tuy nhiên, nhìn chúng, thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe dưới 9 chỗ tại Việt Nam sẽ rơi vào khoảng từ 40 – 150%. Xe có giá trị càng cao thì thuế cũng tịnh tiến tương đương. Đây cùng là một loại thuế khá cao mà người tiêu dùng xe ô tô phải chịu khi mua ô tô tại thị trường Việt Nam.

3. THUẾ VAT

Thuế giá trị gia tăng (viết tắt là VAT của từ tiếng Anh Value Added Tax). Nó là một dạng của thuế bán hàng, đây là một loại thuế có phạm vi và tác động vào tất cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường. Đối với xe ô tô, thuế VAT sẽ là được tính là 10% của giá sau thuế tiêu thụ đặc biệt.

Khi về Việt Nam, để thông quan, hãng phải nộp thuế nhập khẩu và khi bán ra thị trường phải nộp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (GTGT) cho mỗi chiếc.

Thuế nhập khẩu đánh lên hàng hóa nhập khẩu. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh lên những hàng hóa xa xỉ, cần hạn chế. Thuế giá trị gia tăng đánh lên những hàng hóa, dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng trong mỗi khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Ô tô nhập khẩu thuộc cả ba nhóm này.

Nguyên tắc đánh thuế ô tô là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ.

Thứ tự đánh thuế sẽ là thuế nhập khẩu, sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng là thuế GTGT.

Ví dụ: xe nhập về cảng giá 100 triệu đồng, chịu thêm thuế nhập khẩu 70% thì giá sau thuế nhập khẩu là 100 + 100 x 70% = 170 triệu đồng.

Sau đó, giả sử thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 45% thì thuế thuế tiêu thụ đặc biệt được tính là 170 x 45% = 76,5 triệu. Lúc này giá sau thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là 170 + 76,5 = 246,5 triệu.

Cuối cùng, thuế GTGT (10%) được tính là 246,5 x 10% = 24,65 triệu. Giá sau thuế GTGT trở thành 246,5 + 24,65 = 271,15 triệu đồng.

Con số 271,15 triệu vừa tính ở trên chưa phải là giá bán ra ngoài thị trường. Mức giá này mới chỉ là giá sau khi cộng ba loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và GTGT.

Hãng sau đó còn phải cộng thêm chi phí ở khâu phân phối bao gồm chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, thêm trang bị cho xe, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành, dự phòng rủi ro, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng lợi nhuận hãng.

Sau khi trải qua các loại thuế trên, 1 chiếc xe sẽ có thể bán ở Việt Nam nhưng để lăn bánh được thì bạn sẽ còn phải trả thêm 1 khoản tiền nữa cho các loại phí.

1. PHÍ ĐĂNG KÝ TRƯỚC BẠ

Giá tính lệ phí trước bạ là giá của mẫu ô tô đó được quy định tại bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy do Bộ Tài chính ban hành. Giá trị ô tô mới (kể cả nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước) đều tính chung một mức trên toàn quốc theo Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô xe máy do Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó phí này ở Hà Nội và 7 tỉnh thành khác như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%, ở Hà Tĩnh là 11% các tỉnh thành phố còn lại là 10%.

2. CÁC LOẠI PHÍ KHÁC

Phí cấp biển số: 2 – 20 triệu VNĐ (tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

Phí đăng kiểm: 240.000 VNĐ – 560.000 VNĐ/một lần kiểm định.

Phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật: 50.000 VNĐ – 100.000 VNĐ/một lần cấp.

Phí sử dụng đường bộ: Bao gồm phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông khi ôtô lưu hành qua và phí bảo trì đường bộ (130.000 VNĐ – 1.430.000 VNĐ/một tháng tùy theo tải trọng xe).

Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc).

Phí xăng dầu.

Phí thử nghiệm khí thải.

Phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu.

Phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Có thể thấy, với số lượng loại thuế và phí rất nhiều, giá xe khi về Việt Nam đã tăng lên nhiều lần, gấp 3, 4 lần giá gốc. Hy vọng trong tương lai, các chính sách mới sẽ được áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người mua xe.

Hồng Sơn

Tại sao xe hơi bị đánh thuế cao

Câu chuyện giá xe ô tô là muôn thưở với nhà sản xuất xe hơi và cả người tiêu dùng, được nói nhiều và bàn luận nhiều khi mà mà người dân luôn phải chịu mua xe với mức giá cao.

Đến khi thị trường mở cửa, người dân cũng kỳ vọng giá xe thấp nhưng thực tế giá xe vẫn cao và không thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu.

Giá xe sản xuất trong nước cao vì khâu lắp ráp và sản xuất linh kiện phụ tùng trong nước ở mức cao. Vật tư nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu nên cứ theo thuế suất thì sẽ làm đẩy chi phí lên cao.

Đơn cử như với hãng Toyota, họ tính toán chi phí sản xuất xe tại Việt Nam so cao hơn 20% so với Thái Lan, nên tạo dung lượng thị trường cao hơn, sản xuất nhiều hơn, thì làm sao phải bù đắp chi phí cao hơn. Điều này dẫn tới khi không có chính sách khuyến khích sản xuất trong nước thì các nhà sản xuất xe ôtô sẽ chỉ nhập khẩu chứ không sản xuất trong nước trong nước nữa.

Nguyên nhân khiến cho chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao là do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam kém phát triển, nghĩa là, là lắp ráp ôtô, nhà cung ứng trong nước, nếu so với Thái Lan có hơn 2.000 nhà cung ứng, còn ở Việt Nam chỉ có hơn 200.

Không những ít nhà cung cấp mà năng lực cung ứng của doanh nghiệp cũng còn hạn chế, nếu có chăng chỉ vài linh kiện có độ phức tạp thấp, sản xuất đơn giản.

Còn lại các sản phẩm có giá cao hơn, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, mức độ phức tạp lớn hơn lại nằm ở khâu nhập khẩu, nên đẩy chi phí lên.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), trong cơ cấu sản xuất ôtô, các yếu tố như thủ tục hành chính giấy tờ, chi phí lao động ở Việt Nam dù tăng nhưng vẫn chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ nên tác động rất ít đến giá xe.

Chi phí giá xe ở Việt Nam cao chủ yếu nằm ở các linh phụ kiện, với khoảng 3.000 linh phụ kiện, do trong nước không sản xuất được, hoặc với chi phí cao, nên tác động đến giá thành, dẫn đến chi phí sản xuất xe ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực.

Vậy chi phí sản xuất linh phụ kiện, lắp ráp sản xuất xe hơi ở Việt Nam cao có phải do dung lượng thị trường quá bé, không đủ cho sản xuất?

Quả thật, quy mô thị trường ở Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, chỉ bằng 1/3, nên các nhà công nghiệp phụ trợ đầu tư thì bán cho ai? Vì thị trường nhỏ quá, nên tư duy của các nhà sản xuất lắp ráp ôtô ở Việt Nam thường là khi đầu tư vào, họ lôi kéo các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện, vừa phải sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa, vừa phải quay sang xuất khẩu để họ có lãi và vận hành hiệu quả.

Nhưng ở khía cạnh khác, rõ ràng tiềm năng thị trường vẫn rất cao, liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua. Nên với những doanh nghiệp khi đầu tư vào ngành xe hơi, cần phải có chính sách để hỗ trợ trước mắt, làm nền tảng cho những năm tiếp theo khi quy mô thị trường lớn lên, nhu cầu cung ứng trong nước nhiều hơn, thì mới phát triển được.

Theo đó, để thu hút công nghiệp phụ trợ thì phải có chính sách ưu đãi, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Khi thị trường lớn dần và quy mô doanh nghiệp phát triển lên, thì sẽ có thêm lợi nhuận.

Thực tế trong tư duy chính sách vừa qua Việt Nam đã làm rồi, vừa qua cũng đã có nhiều điểm mới trong chính sách, ví dụ như chính sách ưu đãi đầu tư cho ngành công nghiệp ôtô và sản xuất phụ tùng ôtô, ưu đãi thuế và hạ tầng, hoặc có giải pháp thị trường như ưu tiên hơn cho xe sản xuất trong nước, tạo thị trường để nhà đầu tư thấy thị trường có tiềm năng và nhà sản xuất mở rộng quy mô lên. Hoặc các chính sách hỗ trợ thuế đối với công nghiệp phụ trợ, và ưu đãi khác để nhà sản xuất tham gia vào được.

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ TUỆ ANH, Phó Viện trưởng CIEM

Tại sao xe hơi bị đánh thuế cao
Công nghiệp hỗ trợ cho xe hơi: Trông người Thái mà ngẫm đến ta

NGỌC AN ghi