So sánh các loại hợp đồng dân sự thông dụng

Khi hợp đồng đã được xác lập, có những điều khoản các bên còn bỏ ngỏ nhưng sau khi đã bước vào giai đoạn thực hiện hợp đồng thì nhiều trường hợp các bên lại có mâu thuẫn trong cách hiểu về điều khoản của hợp đồng.

Chính vì có sự khác nhau trong cách hiểu nên vấn đề về giải thích hợp đồng là rất quan trọng, quyền lợi của các bên chỉ được đảm bảo khi việc giải thích hợp đồng thoả mãn được ý chí của các bên. Quy định về giải thích hợp đồng cũng đã được nhà làm luật dự liệu từ lâu điển hình như hai Bộ Dân luật Bắc kỳ 1931 và Bộ Dân luật Trung Kỳ 1936-1939 và đến nay được quy định tại Điều 404 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015. Bài viết sẽ phân tích một số điểm bất cập trong quy định về giải thích hợp đồng, từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

1.Một số vướng mắc trong quy định về giải thích hợp đồng

1.1.Về định nghĩa giải thích hợp đồng

Hợp đồng được tạo lập dựa trên cơ sở thoả thuận của các bên, tuy nhiên không phải sự thoả thuận nào cũng sẽ tạo lập nên hợp đồng chỉ có những thoả thuận tạo ra một sự ràng buộc pháp lý mới được coi là hợp đồng. Theo Điều 404 và Điều 121 BLDS 2015 vẫn chưa đưa ra được định nghĩ như thế nào là giải thích hợp đồng và hiện nay, trong khoa học pháp lý định nghĩa về giải thích hợp đồng được rất nhiều chuyên gia luật học đưa ra.

Theo tác giả Ngô Huy Cương thì giải thích hợp đồng là (1) Làm rõ nghĩa của một sự diễn đạt nào đó của hợp đồng; (2) Bổ sung các thiếu sót của hợp đồng. Theo quan điểm của tác giả, định nghĩa của tác giả Ngô Huy Cương có một phần hợp lý là việc giải thích hợp đồng làm rõ nghĩa của một sự diễn đạt nào đó của hợp đồng, bởi lẽ, việc giải thích hợp đồng chỉ xảy ra khi nội dung của hợp đồng có những điều khoản chưa rõ nghĩa và còn có nhiều quan điểm trái chiều về cách hiểu thì lúc này cần thiết phải xác định rõ lại nội dung của điều khoản hợp đồng. Còn việc “bổ sung các thiếu sót của hợp đồng” cần phải xem xét lại, bởi lẽ, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) hiện hành Toà án là chủ thể giải quyết các tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự, do đó nếu hiểu “bổ sung các thiếu sót của hợp đồng” sẽ dẫn tới việc bổ sung những điểm thiếu sót này dựa trên chủ quan cảm tính của Toà án chứ không dựa trên ý chí của các bên, hợp đồng là sự thoả thuận ý chí của các bên hay nói cách khác còn được coi như là “luật” giữa các bên, vì lẽ đó, việc bổ sung những điều khoản hay từ ngữ của hợp đồng phải dựa trên ý chí và phải phù hợp với ý chí của các bên.

Theo tác giả Đỗ Văn Đại, định nghĩa giải thích hợp đồng là xác định nội dung của hợp đồng và việc xác định nội dung chính xác của hợp đồng thông qua giải thích thường tiến hành ở Việt Nam để giải quyết vấn đề giao kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng để biết quyền và nghĩa vụ của các bên và theo tác giả Đỗ Văn Đại, khi hợp đồng được soạn thảo một cách sơ sài, nội dung hợp đồng đôi khi không rõ ràng hay có nhiều điều khoản mâu thuẫn nhau nên cần phải giải thích hợp đồng.

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Khánh cũng đưa ra định nghĩa về giải thích hợp đồng theo đó giải thích hợp đồng là trong xét xử, Toà án sẽ có nhiệm vụ làm sáng tỏ ý nghĩa và nội dung của hợp đồng các bên đã giao kết. Hoạt động này của Toà án được gọi là giải thích hợp đồng. Theo các học giả Luật hợp đồng Trung Quốc định nghĩa giải thích hợp đồng được hiểu đơn giản là phân tích và giải thích ý nghĩa của hợp đồng và các tài liệu liên quan hoặc là công việc tìm hiểu ý nghĩa thực sự của các điều khoản hợp đồng và xem xét ý nghĩa hiệu quả của các bên thông qua tất cả các quy tắc và phương tiện giải thích để giải quyết tranh chấp.

Tóm lại, dù có sự khác nhau trong cách hiểu về giải thích hợp đồng nhưng nhìn chung đa số các quan điểm đều cho rằng mục đích chung của việc giải thích hợp đồng là việc làm sáng tỏ, làm rõ ý nghĩa những điều khoản hay từ ngữ có cách hiểu khác nhau và mâu thuẫn nhau. Từ những phân tích trên, theo tác giả giải thích hợp đồng là xác định ý chí thực sự của các bên, làm rõ ý nghĩa của các điều khoản, từ ngữ khi các bên trong hợp đồng có xảy ra tranh chấp về những điều khoản hay từ ngữ của hợp đồng có cách hiểu mâu thuẫn và được giải quyết thông qua những chủ thể có thẩm quyền theo thủ tục được pháp luật quy định.

1.2.Về chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng khi các bên có tranh chấp

Vấn đề chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng chưa được pháp luật quy định một cách rõ ràng. Nếu căn cứ vào Điều 404 BLDS 2015, thì có lẽ luật “ngầm định” thẩm quyền giải thích hợp đồng thuộc về Tòa án, cơ quan có quyền tài phán về hợp đồng, mặc dù khoản 4 Điều 404 cũng chưa thể hiện rõ ràng điều này. Có thể thấy, phần lớn các nhà khoa học pháp lý đều cho rằng chủ thể giải thích hợp đồng là Toà án. Theo giáo sư Vũ Văn Mẫu, khế ước có hiệu lực thúc buộc các người kết ước, các thẩm phán không có quyền thay đổi nội dung khế ước; nhưng các thẩm phán có quyền giải thích khế ước để biết rõ nội dung ra sao vì nhiều khi các người kết ước không đồng quan điểm về vấn đề này phải nhờ thẩm phán giải quyết mối phân tranh, tuy nhiên giáo sư cũng cho rằng quyền của các thẩm phán trong sự giải thích khế ước cũng cần phải hạn chế hay tác giả Nguyễn Ngọc Khánh cũng cho rằng Toà án có nhiệm vụ làm sáng tỏ ý nghĩa và nội dung của hợp đồng các bên đã giao kết.

Tác giả đồng tình với quan điểm Toà án là chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng khi ý chí của các bên không thống nhất, tuy nhiên nếu chỉ có Toà án thì sẽ gây khó khăn cho các bên khi trong những hợp đồng thương mại có thoả thuận về trọng tài và thoả thuận này hoàn toàn hợp pháp. Vấn đề đặt ra là Trọng tài có thẩm quyền giải thích hợp đồng hay không? Hơn nữa, điều khoản trong hợp đồng không rõ ràng, mờ nghĩa nhưng những điều khoản này lại liên quan tới hoạt động thương mại và các bên có thoả thuận Trọng tài, trường hợp này Trọng tài có thẩm quyền thụ lý và giải quyết không? Nếu căn cứ theo Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 tại khoản 2 Điều 7 quy định: “Trường hợp thỏa thuận Trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải thích”. Dựa vào căn cứ này có gây ra sự hiểu nhầm, Trọng tài chỉ có thể giải thích mỗi điều khoản thoả thuận Trọng tài trong hợp đồng chứ không có thẩm quyền giải thích những điều khoản khác thuộc nội dung của hợp đồng thương mại. Nguyên nhân của cách hiểu này do xuất phát từ sự tách biệt giữa thuật ngữ thẩm quyền “Toà án” và “Trọng tài” của Việt Nam dẫn tới việc xác định Trọng tài có thẩm quyền giải thích hợp đồng hay không thì sẽ phải đợi nhà làm luật hoàn thiện.

Điều 404 BLDS 2015 và Điều 121 BLDS 2015 không chỉ ra chủ thể nào có thẩm quyền giải thích hợp đồng. Theo quan điểm của tác giả, giải thích hợp đồng xảy ra khi có những cách hiểu một hoặc một số điều khoản mà các bên không thống nhất ý chí được dẫn đến tranh chấp và do đó giải thích hợp đồng cũng được coi là một loại tranh chấp hợp đồng giữa các bên. Theo quy định tại Điều 26 BLTTDS 2015 và Điều 30 BLTTDS 2015 các tranh chấp sau thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bao gồm: Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự; tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận... Như vậy, Toà án là cơ quan đương nhiên có thẩm quyền giải thích hợp đồng khi các bên có tranh chấp. Theo Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài bao gồm: Tranh chấp từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Như vậy, Trọng tài giải quyết những tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại và những tranh chấp khác mà pháp luật quy định phải giải quyết bằng Trọng tài. Hơn nữa, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 tại Điều 15 quy định: “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”, ở đây luật quy định chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng là “tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp”.

Tại Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng 2004 tại Điều 1.11 quy định rõ khái niệm “Toà án” bao gồm cả Toà án Trọng tài, do đó cả Toà án và Trọng tài đều có thẩm quyền giải thích hợp đồng hay BLDS 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2014 của Nga tại Điều 431 quy định: “Trong khi giải thích các điều khoản của hợp đồng, Tòa án sẽ tính đến nghĩa đen của các từ và cách diễn đạt trong đó. Nghĩa đen của các điều khoản trong hợp đồng trong trường hợp mơ hồ sẽ được xác định bằng cách so sánh với các điều khoản khác và với ý nghĩa của toàn bộ hợp đồng”. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức tư pháp ở Nga rất khác Việt Nam, theo Hiến pháp Nga năm 1993 và đạo luật Liên bang “về hệ thống Toà án của Liên bang Nga” năm 1996 quy định bên cạnh Toà Hiến pháp, ở quốc gia này có hệ thống Toà án chung và hệ thống Toà án Trọng tài. Toà án Trọng tài là hệ thống cơ quan nhà nước độc lập, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống Toà án ở Nga, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế và một số thẩm quyền khác, như vậy, Trọng tài ở Nga thuộc một nhánh trong tổ chức hệ thống tư pháp của Nga và chủ thể này có thẩm quyền giải thích hợp đồng. Trái lại ở Việt Nam, Trọng tài là một thiết chế ngoài tư pháp, tức là một loại tổ chức phi chính phủ.

Tại Trung Quốc, các học giả về Luật hợp đồng chia ra hai trường phái tiếp cận về chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng, trường phái thứ nhất được gọi là “tiếp cận hạn chế” (restrictive) cho rằng việc giải thích hợp đồng được thực hiện bởi một số cơ quan có thẩm quyền. Theo trường phái này, việc giải thích chỉ có thể được thực hiện bởi Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài, các học giả ủng hộ cách “tiếp cận hạn chế” cho rằng việc giải thích hợp đồng theo nghĩa luật dân sự chỉ đề cập đến việc giải thích do Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài tiến hành. Các học giả lập luận thêm rằng việc giải thích hợp đồng chỉ trở thành một vấn đề khi tranh chấp về điều khoản hợp đồng phát sinh giữa các bên và do các bên hiểu khác nhau về điều khoản tranh chấp nên cần có “Trọng tài” (Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài) để giải thích. Trái lại, các học giả theo trường phái “tiếp cận mở rộng” (broad) lập luận rằng việc giải thích hợp đồng có thể được thực hiện bởi các bên và những người khác, bao gồm Thẩm phán, Trọng tài, người đại diện, nhân chứng, công chứng viên cũng như thẩm định viên, tùy thuộc vào hoàn cảnh cần giải thích. Ngoài ra, theo cách “tiếp cận mở rộng”, một số tổ chức nhất định như hội bảo vệ người tiêu dùng cũng có thể đủ điều kiện để giải thích các điều khoản nhất định của hợp đồng. Theo quan điểm của tác giả, nhìn chung các học giả Luật hợp đồng của Trung Quốc dù tiếp cận ở trường phái nào cũng đều đồng ý rằng Toà án và Trọng tài đều là chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng, đây là kinh nghiệm mà chúng ta nên học hỏi.

Theo quan điểm của tác giả, việc giải thích hợp đồng chỉ phát sinh khi những điều khoản trong hợp đồng không rõ nghĩa hoặc ý nghĩa của nội dung trong hợp đồng có sự mâu thuẫn và các bên không thống nhất được cách hiểu nên xảy ra tranh chấp và tranh chấp này cũng thuộc tranh chấp về hợp đồng, hơn nữa Toà án và Trọng tài được pháp luật quy định là chủ thể giải quyết tranh chấp nên do đó Toà án và Trọng tài đều có thẩm quyền giải thích hợp đồng.

2.Một số kiến nghị hoàn thiện về giải thích hợp đồng

Từ những phân tích trên, có thể thấy những quy định về giải thích hợp đồng trong BLDS 2015 có những điểm tương đồng đối với các BLDS một số quốc gia, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm chưa rõ ràng cần phải được minh định rõ để cho các chủ thể có thẩm quyền khi giải thích hợp đồng để giải quyết tranh chấp của các bên một cách hiệu quả. Tác giả có một số kiến nghị sau.

Cần đưa ra định nghĩa về giải thích hợp đồng

BLDS 2015 của chúng ta chưa đưa ra được định nghĩa giải thích hợp đồng được hiểu như thế nào do đó trong khoa học pháp lý còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về giải thích hợp đồng. Theo tác giả, cần bổ sung định nghĩa về giải thích hợp đồng vào Điều 404 BLDS 2015 như sau:

“Điều 404. Giải thích hợp đồng

Giải thích hợp đồng là xác định ý chí thực sự của các bên, làm rõ ý nghĩa của các điều khoản, từ ngữ khi các bên trong quan hệ hợp đồng có xảy ra tranh chấp về những điều khoản hay từ ngữ của hợp đồng có cách hiểu mâu thuẫn thông qua những chủ thể có thẩm quyền theo thủ tục được pháp luật quy định.”

Xác định chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng là Toà án và Trọng tài

Vấn đề chủ thể nào có thẩm quyền giải thích hợp đồng khi các bên trong hợp đồng không thống nhất được ý chí chung thì BLDS hiện nay cũng chưa thật sự rõ ràng, do đó, pháp luật cần ghi nhận rõ hơn chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng khi các bên có tranh chấp và không thể thống nhất được. Theo tác giả cần quy định rõ ràng Toà án và Trọng tài là chủ thể có thẩm quyền giải thích hợp đồng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Toà án và Trọng tài đều là cơ quan giải quyết tranh chấp, như đã phân tích, khi các bên không thống nhất được cách hiểu thì lúc này xảy ra tranh chấp và tranh chấp này thuộc tranh chấp về hợp đồng mà Toà án và Trọng tài đều là cơ quan giải quyết tranh chấp, do đó, Toà án và Trọng tài đều có thẩm quyền giải thích hợp đồng.

3.Kết luận

Khi các bên trong quan hệ hợp đồng không thống nhất được cách hiểu về các điều khoản và những từ ngữ tối nghĩa của hợp đồng thì lúc này việc giải thích hợp đồng là rất cần thiết, tuy nhiên quy định hiện hành về giải thích hợp đồng chưa đưa ra được những vấn đề như bản chất pháp lý của giải thích hợp đồng, chủ thể giải thích hợp đồng, thông tin tiền hợp đồng như thế nào để làm căn cứ giải thích hợp đồng. Tục dao La Mã có câu “UBI SOCIETAS, UBI JUS” nghĩa là ở đâu có xã hội thì ở đó có luật, xã hội luôn vận động phát triển câu hỏi nhà làm luật phải dự liệu rõ ràng để bảo đảm được quyền và lợi ích của các bên trong giao lưu dân sự.

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng góp vốn, rút vốn - Ảnh: Đăng Khoa


Điều 691 đến Điều 697 Bộ Dân luật Bắc Kỳ 1931.

Điều 732 đến Điều 738 Bộ Dân luật Trung Kỳ 1936-1939.

Điều 404 Bộ luật Dân sự 2015.

Bộ Tư pháp, Những nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu, H.1996, tr. 96.

Lê Minh Hùng, Hiệu lực của hợp đồng (sách chuyên khảo), Nxb. Hồng Đức, 2015, tr. 27.

Ngô Huy Cương, Giáo trình Luật hợp đồng - Phần chung, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr. 380.

Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2020, tr. 334.

Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Sđd, tr. 333.

Nguyễn Ngọc Khánh, Giải thích hợp đồng dân sự. So sánh nước ngoài và liên hệ Điều 408 Bộ luật Dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 10/2004, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208934, ngày truy cập ngày 13/2/2022.

Wang Liming - Cui Jianyuan, A new Commentary on Contract Law - General Provisions (reversed edition), Nxb. China University of Political Science and Law Press, 2000, tr. 471 - 474.

Li Guoguang, Explanation and Application of the Contract Law, Nxb. Xinghua Press, 1999, tr. 518.

Lê Minh Hùng, Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Sđd, tr. 216.

Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật - lược khảo, Quyển II “Nghĩa vụ và khế ước”, Phần thứ nhất: Nguồn gốc của nghĩa vụ, Nxb. Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1963, đoạn 316, tr. 260.

Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2007, tr. 252.

Phùng Bích Ngọc, So sánh quy định về giải thích hợp đồng giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số quốc gia, Tạp chí Kiểm sát, Số 17 tháng 9/2018, tr. 56.

Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, http://tailieuxnk.com/upload/sanpham/thumb/Tai-lieunguyen-tac-unidroit-ve-hop-dong-thuong-mai-317191556747.pdf, truy cập ngày 14/2/2022.

Article 431 Civil Code of Russian Federation: While interpreting the terms of the contract, the court shall take into account the literal meaning of the words and expressions, contained in it. The literal meaning of the terms of the contract in case of its being vague shall be identified by way of comparison with the other terms and with the meaning of the contract as a whole.

Trần Hoàng Hải, Khái quát về Trọng tài, mối quan hệ giữa Toà án và Trọng tài ở Liên bang Nga - Kinh nghiệm đối với Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 02(63)/2011, https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=f3707513-13f8-4c8a-a7a3-98d590630e4a, truy cập ngày 14/2/2022.

Xem thêm Pháp luật về Trọng tài thương mại, https://stp.thuathienhue.gov.vn/?gd=26&cn=696&tc=6068, truy cập ngày 14/2/2022.

Liang Huixing, Rules of Contract Interpretation, Nxb. Law Press, 1997, tr. 539.

Jiang Ping, A detailed Explanation of the Contract Law of China, Nxb. China University of Political Science & Law Press, 1999, tr. 102

Wang Liming, Studies on Contract Law, Nxb. People’s University Press, 2002, tr. 412 - 413.

Nguyễn Hoàng Bá Huy, “Bất cập trong quy định về ký cược trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/tapchi/public/index.php/bai-viet/xay-dung-phat-luat/bat-cap-trong-quy-dinh-ve-ky-cuoc-trong-bo-luat-dan-su-nam-20155797.html, truy cập ngày 15/2/2022.