Phân lậ pvi sinh xử lý nước thải luận văn

Hiện nay, công nghệ sinh học đang được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, việc xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học đang là giải pháp hữu hiệu được sử dụng rộng rãi vì tính an toàn và thân thiện với môi trường.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, mời các bạn tham khảo các nghiên cứu được tổng hợp trên các tạp chí và kỷ yếu sau đây.

TÀI LIỆU IN CÓ TẠI THƯ VIỆN (Bản in được lưu tại Tầng 4)

1. Tối ưu hóa khả năng tổng hợp chất kết tụ sinh học của chủng vi khuẩn Bacillus subtilis PO.03.B và và thử nghiệm xử lý nước thải từ cơ sở sản xuất bún/ Lê Thị Loan, Cao Ngọc Điệp

Tóm tắt: Nước thải từ cơ sở sản xuất bún vẫn còn chứa một lượng lớn chất hữu cơ nhất là lượng tinh bột trong gạo còn lại sẽ gây ô nhiễm nước nên cần phải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Chất kết tụ sinh học (bioflocculants) là một hợp chất cao phần tử được tổng hợp trong quả trinh phát triển của các vi sinh vật. Chúng có tác dụng nhanh chóng và an toàn cho con người và môi trường nên được nghiên cứu và ứng dụng để xử lý nước thải. Chủng vi khuẩn Bacillus subtilis PO.03.B được phân lập từ mẫu nước thải cơ sở sản xuất hủ tiêu Mỹ Tho ở tỉnh Tiền Giang, có khả năng tổng hợp chất kết tụ sinh học với thành phần môi trường tối ưu cho khả năng tổng hợp chất kết tụ sinh học gồm tinh bột (1,0%), urê (0,05%), FeCl3 (0,75%) ở pH 9 cho tỷ lệ kết tụ 79,57% với dung dịch kaolin sau 5 phút để lắng, bổ sung dung dịch CaCl2 và 0,05% dịch nuôi sinh khỏi vi khuẩn. Ứng dụng chủng vi khuẩn này trong xử lý nước thải cơ sở sản xuất bún đã làm giảm các chi số BOD5 chỉ số TSS, chỉ số nitơ tổng, chi số photpho tổng và hàm lượng amonium lần lượt là 17,76, 11,26%, 21,87%, 21,67% và 36,61% so với chỉ số ban đầu. Chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng và hàm lượng amoni đạt tiêu chuẩn A của quy chuẩn QCVN 40/2011/BTNMT.

Nguồn trích: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/ 2019, số 19, tr.63-71

2. Nghiên cứu xử lý nước thải thủy sản bằng công nghệ A2/O - MBR/ Nguyễn Xuân Hoàng, Lê Anh Thư, Nguyễn Minh Thư, Lê Hoàng Việt

Tóm tắt: Nhằm nghiên cứu khả năng áp dụng quá trình A2/O-MBR (Anaerobic Anoxic/Oxic – Membrane BioReactor) trong xử lý nước thải, mô hình A2/O-MBR quy mô phòng thí nghiệm với thể tích bể A2/O 55 lít kết hợp bể lọc màng MBR 26 lít được sử dụng để xử lý nước thải chế biến thủy sản có nồng độ ni-tơ và phốt-pho tương đối cao. Nước thải đầu vào có COD, BOD5, N-NO3-, N-NH4+, TKN, TN và TP lần lượt là 749± 41,73 mg/L, 507± 49,08 mg/L, 4,35± 1,43 mg/L, 18,77± 0,92 mg/L, 72,9 ± 11,38 mg/L, 77,25 ± 10,01 mg/L và 37,67± 9,07 mg/L và ở pH 6,9. Mô hình A2/O-MBR được vận hành với thời gian lưu nước 8 giờ, tải nạp chất hữu cơ 1,52 kg BOD/m3.ngày, tải nạp COD cho ngăn yếm khí là 22,47 kg COD/m3.ngày và nồng độ MLSS trong bể A2/O là 4.163 mg/L. Nước sau xử lý có giá trị COD, BOD5, N-NO3-, N-NH4+, TKN, TN, và TP tương ứng lần lượt là 21,49 ± 0,86 mg/L, 16,8 ± 1,56 mg/L, 2,4 ± 0,28 mg/L, 0,75 ± 0,13 mg/L, 1,32 ± 0,39 mg/L, 3,72 ± 0,41 mg/L, và 5,87 ± 1,0 mg/L. Kết quả này đạt cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thuỷ sản QCVN 11-MT:2015/BTNMT với hiệu suất xử lý tương ứng COD 97%; BOD5 96%; N-NO3- 45%, N-NH4+ 96%; TKN 98%, TN 95%, và TP 84 %. Do đó, công nghệ A2/O-MBR hoàn toàn có khả năng áp dụng trong xử lý nước thải thuỷ sản và các loại nước thải có lượng chất ô nhiễm tương tự.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học - Đại học Cần Thơ/ 2019, Số Môi trường (Tập 55), tr. 149-156

3. Đánh giá hiệu suất xử lý nước thải sau túi ủ biogas của một số chế phẩm sinh học/ Nguyễn Thanh Văn, Bùi Thị Nga, Nguyễn Phương Thảo, Huỳnh Văn Thảo

Tóm tắt: Đề tài đã được thực hiện nhằm xác định loại chế phẩm sinh học có khả năng xử lý nước thải sau túi ủ biogas quy mô nông hộ. Ở điều kiện thí nghiệm, các nghiệm thức được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên bao gồm nghiệm thức đối chứng (nước thải biogas không sử dụng chế phẩm sinh học) và 5 nghiệm thức bổ sung chế phẩm sinh học là EmTech Green, BioEm, Emc, Jumbo A và EmTech BKS. Kết quả cho thấy, hiệu suất xử lý tổng chất rắn lơ lửng (TSS), COD, tổng đạm (TKN), tổng lân (TP), tổng Coliform và E.coli của 5 chế phẩm sinh học đạt từ 28 - 97,3%. Chế phẩm sinh học BioEm và Emc đạt hiệu suất xử lý cao có ý nghĩa so với đối chứng và các chế phẩm khác. Trong điều kiện quy mô nông hộ, chế phẩm sinh học BioEm và Emc đạt hiệu suất xử lý TSS, COD, TKN, TP và tổng Coliform dao động trong khoảng 55,4 - 86,9%.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học - Đại học Cần Thơ/ 2017, Số Môi trường, tr. 1-12

4. Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt của một số loại thủy sinh thực vật/ Nguyễn Thành Lộc CTU, Võ Thị Cẩm Thu CTU, Nguyễn Trúc Linh CTU, Đặng Cường Thịnh, Phùng Thị Hằng, Nguyễn Võ Châu Ngân

Tóm tắt: Nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt của một số loại thủy sinh thực vật” thực hiện trên hệ thống đất ngập nước nhân tạo ở quy mô phòng thí nghiệm. Có ba loại thực vật thủy sinh được chọn là cây Thủy trúc, Lục bình và Bèo Tai tượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả ba loại thực vật thủy sinh đều xử lý tốt hầu hết các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt thông qua các chỉ tiêu pH, EC, DO, độ đục, COD, BOD5, TKN, TP và tổng Coliform. Tỉ lệ diện tích khoang khí/diện tích lát cắt rễ cây Thủy trúc tăng nhiều nhất 22,15%, Lục bình tăng 19,63%, thấp nhất là Bèo Tai tượng tăng 10,47%. Sự thành lập và gia tăng diện tích khoang khí được xem là một trong những cơ chế quan trọng giúp thực vật thủy sinh thích nghi với nước thải sinh hoạt.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học - Đại học Cần Thơ/ 2015, Số Môi trường, tr.119-128

TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ

- Địa chỉ truy cập: http://sti.vista.gov.vn/ (Chọn CSDL Công bố KH&CN Việt Nam)

5. Phân tích tiềm năng và rào cản trong phát triển công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi lợn tại Việt Nam/ Lê Thị Thoa, Đỗ Thu Nga, Đinh Đức Trường

Tóm tắt: Chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và là ngành có mức phát thải khí nhà kính (KNK) lớn thứ hai trong hoạt động nông nghiệp ở Việt Nam. Phát triển mô hình khí sinh học (KSH), đặc biệt ở quy mô vừa và nhỏ là một giải pháp cho các vấn đề môi trường trong bối cảnh nguồn nhiên liệu đang ngày một cạn kiệt và biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ. Nghiên cứu này phân tích tiềm năng phát triển công nghệ KSH từ chất thải chăn nuôi lợn và đánh giá rào cản trong phát triển công nghệ này ở Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển công nghệ KSH.

Nguồn trích: Tạp chí Môi trường/ 2021, số CD1, tr.78-82

6. Phân lập và đánh giá đặc tính của chủng vi khuẩn có khả năng tạo màng sinh học định hướng ứng dụng trong xử lý nước thải/ Trần Thị Đào, Nguyễn Thị Thanh Phương, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Huy Thuần, Đỗ Thị Hạnh, Nguyễn Xuân Cảnh

Tóm tắt: Màng sinh học được tạo bởi các vi sinh vật sống bám dính và liên kết với nhau trên bề mặt cơ chất. Hệ thống màng sinh học đã được nghiên cứu, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu này nhằm tìm kiếm và xác định các chủng vi khuẩn có khả năng tạo màng sinh học định hướng ứng dụng trong xử lý nước thải làng nghề. Từ 15 mẫu nước thải thu thập tại làng bún Khắc Niệm, Bắc Ninh, 23 chủng vi khuẩn có khả năng tạo màng sinh học đã được phân lập và xác định đặc tính bằng phương pháp cấy trải trên môi trường LB. Trong đó, 7 chủng vi khuẩn có khả năng tạo màng sinh học tốt nhất gồm B22.5, B22.8, B22.9, B22.10, B22.11, B22.18 và B22.20 đều có khả năng đối kháng với 4 hoặc 5 chủng vi khuẩn kiểm định; 4 chủng có khả năng nhũ tương hóa dầu ăn cao đạt trên 60%. Chủng vi khuẩn đại diện B22.9 đã được xác định thuộc chi Bacillus spp., vi khuẩn gram dương, có khả năng hình thành màng sinh học tốt nhất trong môi trường có bổ sung glucose hoặc fructose, ở nhiệt độ 37C, pH 7. 

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học nông nghiệp Việt Nam/ 2021, số 3, tr.389-398

7. Nghiên cứu sử dụng than sinh học tổng hợp từ bã cà phê để xử lý ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi/ Trần Thị Thu Hương, Nguyễn Xuân Tòng, Trịnh Thị Hải Yến, Tô Thị Hằng, Đặng Thị Thanh Huyền, Vũ Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Phương, Đinh Thu Thủy

Tóm tắt: Bốn loại vật liệu than sinh học tổng hợp từ bã cà phê bằng quá trình nhiệt phân chậm CF1 (500°C/0,5 giờ); CF2 (500°C/1,5 giờ); CF3 (500°C/3 giờ); CF4 (500°C/6 giờ) được nghiên cứu để xử lý ô nhiễm COD và TSS trong nước thải chăn nuôi. Đặc trưng vật liệu được xác định bằng phương pháp hiển vi điện tử quét SEM và EDX. Kết quả cho thấy 4 mẫu vật liệu than sinh học được tro hóa có cấu trúc sợi rõ ràng, khoảng cách giữa các lỗ rỗng tương ứng với mặt phẳng mạng tinh thể. Hàm lượng C cao hơn so với mẫu vật liệu thô ban đầu, giá trị cao nhất ghi nhận đạt 90,61%C (CF4). Khi cho 100 mL nước thải chăn nuôi lọc qua các cột với bộ lọc nhồi 4g than sinh học CF1-CF4 trong các khoảng thời gian phản ứng thay đổi từ 0h, 1h, 4h và 8h thì hiệu suất xử lý và hàm lượng hấp thụ COD của mẫu CF4 cao nhất với giá trị là 96,41% và 188 mg/g sau 8 giờ xử lý và thấp nhất là 76,67% và 149,5 mg/g sau 1 giờ ghi nhận ở mẫu CF3, tuy nhiên giá trị COD sau xử lý vẫn cao hơn quy chuẩn Việt Nam QCVN 62:2016/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi từ 1,2 đến 1,46 lần. Mẫu vật liệu CF3 có khả năng xử lý TSS cao nhất với hiệu suất và hàm lượng hấp thụ là 95,19% và 6,425 mg/g sau 8 giờ và thấp nhất là 66,78% và 4,575 mg/g ghi nhận ở mẫu CF1 sau 1 giờ, đạt yêu cầu so với QCVN 62:2016/BTNMT. Kết quả thử nghiệm cho thấy than sinh học là vật liệu hấp thụ tiềm năng để loại bỏ ô nhiễm trong nước thải.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất/ 2020, Số 05 (Chuyên đề 2), tr. 135-144

8. Quy trình ứng dụng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ tại Khánh Hòa/ Lê Đặng Công Toại

Tóm tắt: Những năm gần đây, việc người nông dân sử dụng các phụ phẩm thu hoạch trong nông nghiệp dùng làm phân bón không còn xa lạ.  Để xử lý các phụ phẩm này có nhiều cách khác nhau trong kỹ thuật ủ mới, báo cáo này giới thiệu quy trình kỹ thuật mới ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR. Các kết quả đạt được có độ chính xác cao, sử dụng hiệu quả, dễ thực hiện và có khả năng nhân rộng lớn; kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đó.

Nguồn trích: Tạp chí Tạp chí Khoa học - Đại học Khánh Hòa/ 2020, số 1, tr.26-31

9. Phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh vật có lợi để xử lý nước thải sản xuất cồn/ Đặng Quang Hải

Tóm tắt: Nghiên cứu này nhằm phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật có lợi và ứng dụng để xử lý nước thải nhà máy sản xuất cồn theo phương pháp sinh học hiếu khí. Kết quả đã tuyển chọn được ba chủng vi khuẩn có hoạt tính amylase, cellulase và protease cao. Thực nghiệm quá trình tạo thành bùn hoạt tính từ các chủng đã tuyển chọn với thời gian nhân giống trong các bình tam giác 250 ml khoảng 36 giờ, nhân giống trong các bể lớn hơn để tạo đủ lượng bùn hoạt tính đưa vào xử lý khoảng 48 giờ cho mỗi cấp nhân giống. Kết quả nghiên cứu đã chỉ rằng xử lý nước thải sản xuất cồn có hàm lượng chất hữu cơ cao (COD 2840 - 4123 mg/l) bằng phương pháp hiếu khí với hàm lượng bùn hoạt tính bổ sung 30% đã cho hiệu suất xử lý khá cao đạt 84,46%, trong khi đó trường hợp không bổ sung bùn hoạt tính, hiệu suất xử lý chỉ đạt 63,72%.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công n ghệ (Đại học Đà Nẵng)/ 2020, số 5.1, tr.64-69

10. Nghiên cứu khả năng ứng dụng cột lọc sinh học dòng chảy ngược để xử lý nước thải chế biến nông sản thực phẩm tại làng nghề xã Minh Khai, Hoài Đức/ Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Tóm tắt: Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng được xã hội quan tâm rất nhiều, đặc biệt là nước thải từ các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm. Một trong những phương pháp được sử dụng để xử lý nguồn nước gây ô nhiễm này chính là phương pháp lọc sinh học. Trong bài nghiên cứu này, tác giả sử dụng cột lọc sinh học dòng chảy ngược để xử lý nước thải làng nghề chế biến nông sản thực phẩm. Các thông số cơ bản đánh giá chất lượng nước thải sau khi xử lý đều đạt tiêu chuẩn cho phép của nước thải công nghiệp chảy vào các nguồn nước chung (QCTĐHN 02:2014/BTNMT/cột B).

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Tài nguyên và Môi trường/ 2020, số 31, tr. 11-14

11. Nghiên cứu than sinh học từ thực vật xâm hại để xử lý thuốc nhuộm trong môi trường nước/ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thanh Hoàng, Nguyễn Xuân Cường

Tóm tắt: Than sinh học (biochar/ BC) từ cây mai dương (Mimosa pigra) được nghiên cứu loại bỏ thuốc nhuộm Crystal violet (CV) trong môi trường nước. Các đặc trưng của BC được xác định bằng phương pháp quang phổ hồng ngoại, kính hiển vi điện tử quét và diện tích bề mặt riêng. Hiệu quả hấp phụ CV của BC đạt giá trị cao nhất tại liều lượng 15 g/L và không thay đổi nhiều trong khoảng pH từ 4 đến 10. Thí nghiệm ảnh hưởng của thời gian cho thấy, hiệu quả loại bỏ CV tăng nhanh trong 30 phút đầu tiên, đặc biệt chỉ sau 5 phút phản ứng, hiệu suất hấp phụ CV đã đạt trên 70%. Thời gian đạt trạng thái cân bằng với nồng độ CV 50 mg/L và liều lượng BC 15 g/L là 360 phút. Dung lượng hấp phụ CV tối đa của BC theo mô hình đẳng nhiệt Langmuir đạt 30.27 mg/g.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Đại học Duy Tân)/ 2020, số 4, tr.78-85

12. Nâng cao hiệu quả xử lý nước ô nhiễm dầu bằng chủng bacillus cố định lên xốp polyurethane (puf)/ Kiều Thị Quỳnh Hoa, Nguyễn Vũ Giang, Nguyễn Thị Yên, Mai Đức Huynh, Nguyễn Hữu Đạt, Vương Thị Nga, Nguyễn Thị Thu Hà, Phạm Thị Phượng

Tóm tắt: Quá trình khai thác và vận chuyển hydrocarbon dầu mỏ gây ô nhiễm đất và nước ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển và sức khỏe của con người. Hiện nay, ứng dụng phương pháp phân hủy sinh học để xử lý đất, nước ô nhiễm dầu được xem là phương pháp hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để tăng khả năng sống sót và duy trì ổn định số lượng cũng như hoạt tính của các tác nhân phân hủy sinh học tại các vùng ô nhiễm, vi sinh vật (VSV) cần được cố định lên chất mang. Khả năng phân hủy dầu của VSV cố định lên chất mang đã được minh chứng là tốt hơn so với VSV ở trạng thái tự do. Trong nghiên cứu này, khả năng cố định chủng Bacillus sp. VTVK15 lên xốp polyurethane (PUF) đã được đánh giá. Hiệu quả cố định lên PUF của chủng Bacillus sp. VTVK15 đạt 92% tương đương với (5,38 ± 0,12) Í 108 CFU/g sau 8 ngày cố định. Kết quả phân tích GC/MS cho thấy, chủng Bacillus sp. VTVK15 được cố định lên PUF có khả năng phân hủy hydrocarbon là 90%, tốt hơn 25% so với ở trạng thái tự do không được cố định (65%) sau 14 ngày. Điều này minh chứng tiềm năng ứng dụng chủng Bacillus sp. VTVK15 cố định lên PUF trong xử lý ô nhiễm hydrocarbon dầu mỏ ở vùng nước mở ven biển bằng phương pháp phân hủy sinh học (Bioremediation).

Nguồn trích: Tạp chí Công nghệ Sinh học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam/ 2020, số 3  tr. 581-588

13. Quá trình kết hạt bùn sinh học hiếu khí trong xử lý nước thải và khả năng ứng dụng thực tiễn/ Lê Ngọc Thuấn

Tóm tắt: Quá trình kết hạt bùn sinh học thông thường được hình thành trong cả hai điều kiện hiếu khí và kỵ khí. Quá trình kết hạt bùn sinh học diễn ra trong điều kiện kỵ khí đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu, nhưng trong điều kiện hiếu khí thì chỉ mới được quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây. Công nghệ bùn hạt kỵ khí đã được ứng dụng rộng rãi với nhiều công trình trong thực tiễn, nhưng việc ứng dụng công nghệ này trong điều kiện hiếu khí còn chưa nhiều, còn thiếu những nghiên cứu cung cấp cơ sở cho việc ứng dụng này. Hạt bùn hiếu khí chủ yếu được ghi nhận trong hệ thống xử lý nước thải theo mẻ (SBR), có sự chọn lọc thủy lực. Hạt bùn hiếu khí được ghi nhận là có khả năng vượt trội về xử lý ni tơ và phân hủy chất hữu cơ ở tải lượng cao. Bài báo này cung cấp những thông tin về quá trình hình thành bùn hạt hiếu khí, đặc tính của hạt bùn hiếu khí, những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành và duy trì trạng thái ổn định của hạt bùn hiếu khí và những triển vọng ứng dụng trong thực tế xử lý nước thải.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Tài nguyên và Môi trường/ 2019, số 24, tr.13-18

14. Triển vọng ứng dụng vật liệu tổ hợp cấu trúc nano oxit sắt từ - than sinh học đê xử lý nguồn nước bị ô nhiễm/ Nguyễn Thị Luyến, Hà Minh Việt, Vũ Tiến Thành

Tóm tắt: Gần đây, tình trạng nguồn nước ở Việt Nam bị ô nhiễm ion kim loại nặng và/hoặc chất màu hữu cơ là vấn đề mà toàn xã hội đang quan tâm. Trong khi các phương pháp xử lý nguồn nước thông thường có một số hạn chế, công nghệ nano kết hợp các hạt nano oxit sắt từ - than sinh học có khả năng thu hồi sản phẩm sau khi xử lý hấp phụ để tái sử dụng và tiết kiệm được chi phí, đồng thời còn làm tăng cường khả năng hấp phụ. Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày tổng quan về tình hình nghiên cứu chế tạo vật liệu tổ hợp cấu trúc nano Fe3O4 – than sinh học để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm. Trong đó, vật liệu tổ hợp cấu trúc nano Fe3O4 – than sinh học được chế tạo bằng phương pháp biến đổi đồng kết tủa, nguồn than sinh học được tạo ra từ các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân lõi cây ngô, vỏ trấu, mùn cưa, vỏ trai hến, bùn đỏ,... Cơ chế và quá trình hấp phụ các ion kim loại nặng, chất màu hữu cơ của hệ vật liệu này cũng được thảo luận.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên/ 2018, số 4, tr. 119-126

15. Nghiên cứu xử lý amoni ( NH4+ -N) trong nước bằng than sinh học biến tính HNO3/ Nguyễn Thị Tuyết, Văn Hữu Tập, Nguyễn Duy Thành

Tóm tắt: Nội dung của bài báo là đánh giá khả năng xử lý amoni bằng than sinh học sản xuất từ lõi ngô (TSH) và biến tính bằng HNO3. Sử dụng phương pháp hấp phụ theo mẻ và đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố: nồng độ HNO3: 2-10M, tỉ lệ (g/ml) của TSH và dung dịch HNO3, pH: 4-10, nồng độ amoni đầu vào C0= 10-60 mg/l, thời gian hấp phụ t=30-210 phút đến khả năng hấp phụ. Các thí nghiệm được thực hiện ở điều kiện hàm lượng TSH biến tính là 300 mg/25 ml. Kết quả cho thấy, HNO3 8M và tỉ lệ 1:5 (g TSH/ml dung dịch HNO3 8M) tạo ra TSH biến tính tốt nhất. Các điều kiện tối ưu xác định được từ thực nghiệm là pH 8, thời gian hấp phụ 150 phút. Với điều kiện này và nồng độ amoni ban đầu 60 mg/l thì dung lượng hấp phụ đạt 18,75 mg/g.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên/ 2018, số 12/2, tr.67-71