Nội dung của một tác phẩm văn học là gì?

Trả lời chi tiết, chính xác câu hỏi “Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học” và phần kiến thức tham khảo là tài liệu cực hữu dụng bộ môn Ngữ văn 10 cho các bạn học sinh và các thầy cô giáo tham khảo.


Mục lục nội dung

Trả lời câu hỏi: Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học

     Tính chỉnh thể của tác phẩm văn học được xem xét chủ yếu trong mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học có quan hệ mật thiêt như tâm hồn và thể xác. Nội dung bao gồm: đề tài, chủ đề, tư tưởng chủ đạo được biểu hiện qua nhân vật. Hình thức: ngôn ngữ, kết cấu, thể loại.


Kiến thức mở rộng về tác phẩm văn học 


 1. Khái niệm tác phẩm văn học

- Tác phẩm văn học là công trình nghệ thuật bằng ngôn từ, là kết quả hoạt động lao động nghệ thuật của cá nhân nhà văn, hoặc kết quả nỗ lực sáng tác của tập thể. Đây là đơn vị độc lập cơ bản của đời sống văn học.

- Tác phẩm có thể tồn tại bằng hình thức ngôn bản truyền miệng hoặc hình thức văn bản nghệ thuật (được ghi giữ bằng văn tự); có thể được tạo thành bằng văn vần hoặc văn xuôi; và bao giờ cũng thuộc một loại văn học (tự sự, trữ tình, kịch), một thể tài văn học nhất định. Độ dài của tác phẩm văn học có thể từ một câu (tục ngữ, ca dao, cách ngôn, đề từ,…) đến hàng ngàn vạn câu (sử thi, tiểu thuyết nhiều tập,…).

- Mỗi tác phẩm là một hệ thống phức tạp gồm hàng loạt các yếu tố thuộc những bình diện khác nhau (đề tài, chủ đề, tư tưởng, kết cấu, ngôn ngữ, hình tượng, nhân vật, cốt truyện…). Ở những sáng tác có giá trị, sự kết hợp và tác động lẫn nhau giữa các yếu tố này khiến tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật, mang tính thống nhất hữu cơ giữa nội dung thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật.

Tác phẩm văn học là phát ngôn phức hợp của người sáng tác ra nó; là sự phản ánh, khúc xạ, vang hưởng, dự cảm… của đời sống hiện thực; là đối tượng tích cực của sự tiếp nhận (cảm thụ) văn học.

- Xét từ chức năng giao tiếp và đời sống lịch sử, tác phẩm văn học không phải là một sản phẩm cố định, bất biến, không phải là một đối tượng vật thể (tuy nó tồn tại thông qua những dạng vật chất, vật liệu: tiếng nói, chữ viết, trang sách in…); tác phẩm văn học chủ yếu là một thực thể tinh thần, một tổng thể những hàm nghĩa phức hợp. Vì vậy, tác phẩm tồn tại ở dạng khả biến. Ngôn bản, qua truyền miệng, văn bản qua sao chép hoặc tái bản đều phát sinh dị bản (nhiều trường hợp là những dị bản ngang quyền nhau). Sự cảm thụ bởi độc giả, sự lí giải bởi giới nghiên cứu, phê bình, bởi dư luận xã hội  từng thời đại – đều làm phát sinh những phán đoán, đánh giá ít nhiều khác nhau về nội dung thẩm mĩ của tác phẩm. Như vậy, có thể coi tác phẩm văn học như là sự thống nhất giữa những hàm nghĩa thẩm mĩ tư tưởng đã được mã hóa trong văn bản và sự cảm thụ, lí giải bởi những thời đại và thế hệ công chúng khác nhau. Đây là sự thống nhất giữa cái tuyệt đối (mã hóa) và cái tương đối (sự giải mã bằng các cách đọc, lí giải, cảm thụ). Tất nhiên, chỉ có thể nói tới sự thống nhất này ở trường hợp những tác phẩm lớn, được tiếp nhận tích cực, rộng rãi. Tính xác định của tác phẩm văn học như một thực thể tinh thần chính là nằm trong tương quan giữa cái tuyệt đối và cái tương đối nói trên.

Nội dung của một tác phẩm văn học là gì?

2. Khái niệm về nội dung

- Đề tài: Là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản

- Chủ đề: Là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Nó là vấn đề được nhà văn quan tâm và thể hiện chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống

- Tư tưởng: là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc

- Cảm hứng nghệ thuật: Là nội dung chủ đạo của văn bản. Nó là trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm, hấp dẫn người đọc. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc sẽ cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả nêu lên trong văn bản.


3. Khái niệm về hình thức

- Ngôn từ: Là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học, là cơ sở vật chất của văn bản văn học, nhờ có chúng ta mới lần lượt tìm hiểu được từng tầng nghĩa của văn bản văn học.

- Kết cấu: là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh và có ý nghĩa

- Thể loại: là những quy tắc tổ chức văn bản thích hợp với nội dung văn bản: thơ, tiểu thuyết, kịch, trường ca,…

Xem thêm các bài cùng chuyên mục

Xem thêm các chủ đề liên quan

Loạt bài Lớp 10 hay nhất