Nhà thờ đức bà paris review

Những tiểu thuyết của Victor Hugo luôn tạo cho người ta một ấn tượng kỳ vĩ. Mở màn cuốn tiểu thuyết là sự miêu tả một lễ hội kỳ lạ của những người điên và xuất hiện nàng Esméralda xinh đẹp có nguồn gốc ở một xứ phương Đông. Nàng xuất hiện và kéo theo tình yêu của ba người đàn ông và đó đều là những mối tình chết người.

Tầm ảnh hưởng của Thằng gù nhà thờ Đức Bà không chỉ nằm ở phạm vi văn học mà tác phẩm của đại văn hào Victor Hugo đã được chuyển thể sang sân khấu opera, ballet, kịch nói, nhạc kịch và hơn 15 phiên bản điện ảnh, từ truyền hình cho tới hoạt hình.

Nói như thế để thấy rõ rằng, Thằng gù nhà thờ Đức Bà sớm đã trở thành một câu chuyện, một hiện tượng quá đỗi phổ biến với nhiều thế hệ độc giả và khán giả.

Và dường như đã có cả một thời kỳ liên miên các nhà sản xuất phim cũng như các kịch gia sân khấu chẳng thể cưỡng lại được tiếng gọi từ Thằng gù nhà thờ Đức Bà và tất cả phải khẩn trương bắt tay vào nhào nặn nên một phiên bản mới, dưới khung nền tiểu thuyết kinh điển.

Hiện tại, có lẽ Thằng gù nhà thờ Đức Bà đã hiện hình dưới quá nhiều phiên bản khác nhau và mọi người cuối cùng đã có thể cho kiệt tác này được "nghỉ ngơi" đôi chút. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng ngồi lại và đưa ra những nghiền ngẫm bất tận về thiên tiểu thuyết xuất sắc của Victor Hugo.

Nhà thờ đức bà paris review

Đã có vô số những phiên bản phim khác nhau của Thằng gù nhà thờ Đức Bà.

Có một điều khá thú vị là theo nhan đề đầu tiên mà Victor Hugo lựa chọn cho đứa con tinh thần gan ruột thì dường như, chính nhà thờ Đức Bà và thủ đô Paris hoa lệ, nước Pháp mới thực sự là những nhân vật chính của tác phẩm.

Thực vậy, nhà thờ Đức Bà như một chứng nhân lịch sử bất biến, là nơi đã xảy ra một cuộc hoán đổi ngoạn mục giữa hai con người đại diện cho hai tầng lớp xã hội khác nhau, một phó giám mục Claude Frollo cao sang quyền lực và một tên gù xấu xí bị cả xã hội cự tuyệt, Quasimodo.

Đồng thời, nơi đây cũng ghi dấu và làm chứng cho tình yêu cao thượng nhưng nghiệt ngã giữa Quasimodo và Esméralda, cô gái xinh đẹp kiếm sống bằng việc biểu diễn các vũ đạo trước quảng trường của nhà thờ Đức Bà.

Bi kịch ở chỗ, sự xuất hiện của Esméralda đã kéo theo tình yêu của ba người đàn ông mà cả ba đều sai trái, vô hậu.

Người đầu tiên, đại úy Phoebus, là người mà nàng Esméralda dâng trọn trái tim. Trớ trêu thay anh chàng lại là kẻ trăng hoa, lừa dối, sớm đã có vị hôn thê và chỉ xem Esméralda như một mối tình qua đường.

Tiếp đến là tình yêu đầy cấm kị của phó giám mục Claude Frollo với Esméralda. Vốn được xem là kẻ khổ hạnh cao thượng nhưng Frollo lại không cưỡng nổi vẻ đẹp của Esméralda. Và trong con người Frollo dần ngập tràn một thứ tình cảm chiếm hữu, ích kỷ đến bệnh hoạn.

Người cuối cùng là Quasimodo, một kẻ dị dạng không ai dám đến gần, một chàng trai tật nguyền, bị tổn thương và bị cả xã hội khinh thường. Thế nhưng, chính Esméralda đã làm thức tỉnh trái tim hoen rỉ của Quasimodo và gieo vào lòng anh một tình yêu mãnh liệt, cao thượng và chẳng cần hồi đáp.

Nhà thờ đức bà paris review

Tình yêu của Quasimodo đẹp đẽ và cao thượng đến khó tin.

Khi nút thắt cao trào được đẩy lên đến đỉnh điểm, các nhân vật trong Thằng gù nhà thờ Đức Bà đã xô tụ lại với nhau, trong cái hỗn loạn của những âm mưu ghen tuông, mù quáng đến tuyệt vọng.

Từng nhân vật bị nhấn chìm trong các trang sách cao trào nghẹt thở để rồi bất ngờ, tình yêu vùng lên trên tất thảy như một tiếng thét gào giữa cơn bi kịch tăm tối.

Và đến khi tất cả được giải thoát, bằng sự hy sinh, thậm chí là cả cái chết, thì khúc ca cuối cùng của Thằng gù nhà thờ Đức Bà đã âm trầm vang lên. Thông qua những câu chữ sau chót ấy, ta lại thấy dư vị đắng cay man mác dâng trào của một tình yêu cao thượng, đẹp đẽ đến vô ngần.

Nhà thờ Đức Bà Paris ra đời không đơn thuần là đánh dấu cho một tình yêu cao thượng vượt lên mọi sự ganh đua, ghen ghét, không đơn thuần là sự đấu tranh vì lý tưởng cao đẹp chống lại cái ác, mà dường như ẩn đằng sau những ngôn từ hoa mỹ ấy là những trăn trở rất đời. Có lẽ, hiếm khi người ta lại nhìn nhận văn chương như một liều thuốc đắng, vì hơn hết, tận cùng của những tuyệt vọng luôn ánh lên những tia sáng cứu rỗi tâm hồn, dù le lói nhỏ nhoi. Nhưng nay, đứng trước một kiệt tác, phải chăng ta nên thử suy xét một lần, rằng không phải cuộc đời lúc nào cũng thật hồng, và dường như, ngay cả khi ta dành tặng cho cuộc đời một ánh nhìn trìu mến, song lại trớ trêu chịu cảnh bị dày vò, xa lánh. Mượn hình ảnh một kẻ si tình chân thành, một con người với trái tim ấm áp một thằng gù lần đầu có được và biết được thế nào là được yêu thương.

Tìm kiếm bài review cuốn sách bạn muốn

Nhà thờ đức bà paris review
Ảnh: Instagram amunbooks

Trái tim chân thành không phải lúc náo cũng vẹn nguyên và rực rỡ

Mặc dù được tách thành từng chương, từng quyển riêng nhưng Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn có sự kết nối theo một mạch nhất định, đó là đại diện cho quá trình chuyển biến tâm lý, bối cảnh, và những sự việc nhằm tạo nên một đặc sắc về sâu. Mượn hình thành Nhà thờ uy nghiêm lộng lẫy, lại ẩn hiện đâu đấy những con người nhiều đáng thương, ngước nhìn lên gần nơi cao nhất của Nhà thờ, mấy ai biết được đó là nơi trưởng thành của một đứa trẻ nhiều bất hạnh, khi sinh ra bị vứt bỏ, đến lưng chừng tuổi trẻ lại chẳng thể làm được “người” hợp lẽ, và đến cuối cùng là hóa thành bụi vàng mà bay vào không trung.

Victor Hugo có thể đã kể với đời câu chuyện của một thằng gù đem lòng si mê một cô vũ nữ, cũng có thể là đang gợi tả về một vị cha sứ đạo mạo, song lại ẩn tang là một bản tính thâm sâu, độc ác, mang trong tâm một dục vọng của kẻ phàm trân. Lúc bấy giờ, ta có thể tự cho mình cái quyền phán xét rằng chính cô gái kia là nguyên nhân làm cho mọi sự trở nên rối bời, cũng chính cô ấy là gián tiếp khiến một niềm tự hào của nước Pháp nguy nga chìm trong biển lửa, … Vâng có lẽ là như thế.

Tuy vậy, từ trong ánh lửa rực đỏ, nóng hổi, ta nhìn thấy một bóng lưng gù, một linh hồn bị cuộc đời xa lánh đang cứu lấy tia hi vọng duy nhất của cuộc đời mình. Với thằng gù – đó chính là niềm hạnh phúc, là tình yêu thương vượt lên cả tình cảm nam nữ mà con người đáng thương ấy có được trong đời. Có lẽ, với cha sứ, thằng gù chỉ là một đứa trẻ mồ côi, xấu xí, chỉ là một tên kéo chuông, “chui rúc” trong bóng đêm tịt mịt, với người dân xung quanh, thằng gù như một “ông kẹ” mà trẻ con gặp thôi cũng có thể phát khóc dù anh ta chẳng làm gì, …

Nhưng nếu được hỏi rằng vị thế của những con người vô cảm kia là ai trong sự sống của mình, anh ta sẽ chẳng ngần ngại mà bảo rằng, đó chính là “cha” – người đã nuôi tôi khôn lớn, là những người bạn thân thiện và tốt bụng, chắc chắn là như thế. Lúc này, hình như có điều gì đó đang nhói lên, đó như một nỗi niềm khó tả, giống như khi ta dành cả tâm can đối đãi, mặc dù nhận lại toàn là những bủa vây dè bỉu, nhưng ta vẫn vui, vì ít nhất vẫn còn có ai đó, quan tâm đến mình dù là nhỏ bé….

Ngoại hình không phải là tất cả, nhưng chính bởi vì “trông mặt” mà khiến con người “bắt hình dong”

Một tình yêu thiêng liêng cao cả được tôi luyện từ lửa đỏ, sự thiêu đốt cái ác từ những trái tim bất tử vì lẽ thiện, song suy cho cùng, sau tất cả, điều mà con người xấu xí và đáng thương ấy có được, chỉ là một cái ôm nhẹ nhàng dành cho người mình tin yêu trên ngọn tháp, là cái ôm khi chạm khẽ sẽ hóa bụi vàng – một minh chứng cho thứ tình cảm cao quý thoát tục. Lần giở những trang đầu tiên của kiệt tác, liệu ta có để ý thấy không ý ảm đảm bao trùm khi nói về một thằng gu như ngọn đèn leo lét trong Nhà thờ, có thể đó là những giây phút ngắn ngủi người ta mới lần đầu “thấy rõ” được sự khốn khổ mà mấy mươi năm con người ấy phải chịu.

Giai đoạn gặp và dành niềm cảm mến cho Esmeralda, trái tim chai sạn của Quasimodo dường như nở rộ, dù là nhen nhóm nhưng ắt hẳn đã khiến cho đời sống của một thằng gù ầm dần trở lên. Nhưng rồi có lẽ, ngay từ giây phút bắt đầu, cuộc đời con người đó cũng như được đoán trước. Trước khi cứu lấy niềm hi vọng cuối cùng của mình, anh chàng ấy chắc đã mang trong lòng một lời ngỏ hẹn, chắc mẫn đôi ba lần ngẫm nghĩ về chính mình. Nhưng làm sao đây khi nàng vũ nữ xinh đẹp ấy lại đem lòng cảm mến một người khác – mà ở bên chàng trai đó, nàng bỗng hóa hạnh phúc lạ thường.

Nhà thờ đức bà paris review
Ảnh: Instagram motmanhmauxanh

Dù là người bảo vệ Esmeralda, dù là người chặn đứng những ác niệm của Phó giám mục độc ác, nhưng phải nói rằng, trên cả tình cảm, hay chân lý, thằng gù ấy cũng bị tụt về một bước. Sẽ chẳng có câu chuyện cổ tích nào được viết lên ở đây, khi bản thân con người ta mang lấy những hình hài bị cho là kỳ dị. Có lẽ, Victor Hugo chỉ đơn thuần viết về một lối sống sa đọa, ẩn bởi những toan tính trong xã hội bấy giờ song khi nhìn thấy dáng hình Quasimodo hiện dần qua từng trang sách, bất giác thấy ngột ngạt, bất giác cảm thấy một nỗi buồn mênh mông. Sau cùng, mà Victor Hugo ghi nhận, chính là ngay cả khi con người sinh ra với một hình hài dị dạng, người ta cũng không bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống, vẫn tin yêu, vẫn hi vọng và luôn bảo vệ trái tim thánh thiện của mình trước ngọn lửa hung tàn của ác tâm.

Lời kết cho tác phẩm cũng giống như những hạt bụi vàng tung bay hòa vào không khí, ta chỉ có thể cảm nhận, có thể nhìn, nhưng chẳng thể bắt lấy. Điều ấy cũng đồng nghĩa với những điều tốt đẹp ta gieo trồng trong cuộc sống, miễn ta còn trân trọng, vẫn còn khát khao được nắm giữ, với tất cả sự chân thành, rồi mỗi con người trong xã hội nay, sẽ tìm được điều mình xem là mơ ước. Mong mỗi độc giả rồi sẽ tìm được những tâm hồn đồng điệu, những mẫu truyện thân thương gần gũi với chính mình.