Ngôn sứ là ai

Phần I. DÀN BÀI TỔNG QUÁT

                       I.  DẪN NHẬP

II. NỘI DUNG CHÍNH

1.      Khái luận về ngôn sứ

1.1.      Khái niệm ngôn sứ

1.2.      Bối cảnh lịch sử của giáo huấn ngôn sứ

Ngôn sứ là ai
2.      Vai trò của ngôn sứ

2.1.      Về phương diện tôn giáo

a.       Vị trí của ngôn sứ trong mặc khải

b.      Đóng góp thần học của ngôn sứ

c.       Thái độ của ngôn sứ đối với việc tế tự

d.      Ngôn sứ dọn đường cho Đức Giê-su Ki-tô

2.2.      Về phương diện xã hội

a.       Công bằng xã hội

b.      Chính trị quốc gia

III. KẾT LUẬN

 Phần II. NỘI DUNG CHI TIẾT


I. DẪN NHẬP

Tuy chỉ mang sứ mệnh “dọn đường” và hình bóng cho Tân Ước, nhưng Cựu Ước vẫn luôn khẳng định mình là kho báu những giá trị thực tại thiêng liêng cũng như những giá trị nhân văn xã hội của nhân loại. Khám phá Thánh Kinh Cựu Ước, người ta sẽ ngạc nhiên về những bộ luật chi li, về những giá trị đạo lý rất thâm sâu lại tồn tại và phát triển trong một quốc gia - dân tộc dường như không được ghi tên vào bản đồ thời những nền vinh minh cổ đại của nhân loại. Trong việc bảo tồn và phát triển kho báu tinh thần ấy, không ai có thể phủ nhận được vai trò của các ngôn sứ.
Các ngôn sứ đóng một vai trò trung tâm và giữ nhịp cho những truyền thống tốt đẹp của Ít-ra-en được triển nở và tỏa hương thơm trên bầu trời Do Thái giáo, Ki-tô giáo và cho cả nhân loại. Chính trong những giờ phút khó khăn nhất của Ít-ra-en, các ngôn sứ đã khẳng khái lèo lái con thuyền dân tộc trên một dòng nước ngày càng tinh ròng hơn. Quả thật, sẽ không khoa trương khi có học giả đã từng coi các ngôn sứ như những bậc vĩ nhân đã gầy dựng một trong ba “nền văn minh thiên mệnh” của thế giới: Hy Lạp hãnh diện vì biết đề cao lý trí, Rô-ma tự hào vì đã sáng tạo nên nền pháp trị, thì Ít-ra-en với các ngôn sứ đã khai nguyên ra ý thức về công lý.
Sự hấp dẫn đó càng khiến ta khó lòng dừng lại ở một cái nhìn bao quát về các ngôn sứ. Và phần nội dung chính sau đây sẽ mở lối vào những vai trò cụ thể của các ngôn sứ trong Cựu Ước.

II. NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái luận về ngôn sứ
1.1. Khái niệm ngôn sứ
Trong các bản Việt ngữ, khi nói đến sứ vụ rất phổ biến trong Cựu Ước, nhiều học giả vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho danh xưng tiên tri hay ngôn sứ. Từ lâu người ta đã quen với cách gọi tiên tri, nhưng dường như danh xưng ngôn sứ càng ngày đang chiếm ưu thế và được ưa chuộng hơn trong nghiên cứu cũng như giới bình dân.

Trong nguyên bản Thánh Kinh, danh xưng này được gọi thông dụng là Na-bi. Theo Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, từ Na-bi có nhiều cách cắt nghĩa, như: người phát ngôn, người được đề cử để nói, người được Thiên Chúa gọi…Một cách bao quát là “người nói thay Thiên Chúa” hay “người được nghe Thiên Chúa nói”. Danh từ na-bi được dịch sang tiếng Hy Lạp trong bản LXX là prophetes, nghĩa là người nói thay Thiên Chúa[2]. Như thế, tiếng Việt dùng danh xưng ngôn sứ là thích hợp nhất. Ngôn sứ là một người nói, làm hay viết dưới tác động đặc biệt của Thiên Chúa, để mặc khải cho mọi người biết những ý định và ý muốn của Thiên Chúa.[3]

1.2. Bối cảnh lịch sử của giáo huấn ngôn sứ

Thời các ngôn sứ trong Cựu Ước trải qua một giai đoạn lịch sử lâu dài, với nhiều biến động phức tạp gắn với vận mệnh đầy sóng gió của dân tộc Ít-ra-en. Giai đoạn ấy tựu trung khoảng từ thế kỷ VIII cho tới thế kỷ thứ II (trước Công nguyên). Theo các nhà nghiên cứu, đây là những tháng năm, cùng với quốc gia Do Thái, vận mệnh dân Do Thái đã thay đổi tạn căn.

Về mặt chính trị, vương quốc Ít-ra-en phương Bắc đã trở nên cực thịnh dưới triều đại vua Om-ri và những vua kế vị ông, cho đến khi thôí nát và sụp đổ vào tay vua Át-sua (722 BC). Trong khi thời hoàng kim của vương quốc Giu-đa phương Nam diễn ra dưới triều vua Khít-ki-gia và việc cải cách tôn giáo do vua Giô-si-gia khởi xướng (662 BC). Tưởng chừng như con diều đang lên khi gặp gió, nhưng mọi việc bị dừng lại đột ngột vì cuộc xâm lăng của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Vua Khít-ki-gia cùng thân hào nhân sĩ bị lưu đày sang Ba-by-lon (587 BC). Cuộc lưu đày kéo dài năm mươi năm. Sau đó dân lưu đày được hồi hương (538 BC) nhờ sắc chỉ của Ky-rô, vua Ba Tư, nhưng Ít-ra-en vẫn sống trong nô lệ dưới sự thống trị của đế quốc Ba Tư và tiếp đó là đế quốc Hy Lạp (333-70 BC)[4].

Về mặt xã hội, so với các quốc gia lân bang, Ít-ra-en và Giu-đa là nước nhỏ và nghèo, nền văn minh kém hơn, dù rằng đã có thời tương đối thịnh vượng như đã nói trên. Người ta nhận thấy, dưới thời các vua, hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu đậm, nhất là tại phương Bắc - nước Ít-ra-en. Xã hội tràn ngập những bất công, người có chức quyền thì trục lợi, người tiền của thì sống xa hoa, tìm cách bóc lột người khác…Những điều này bị các ngôn sứ tố cáo, điển hình là ngôn sứ A-mốt.

Về mặt tôn giáo, tình hình cũng trở nên phức tạp không kém bình diện chính trị và xã hội. Ở phương Bắc, nhà vua đã cho xây đền thờ, trong đó có đặt tượng con bò vàng. Đây là hình thức tôn giáo ly khai khỏi đền thờ chính thức tại Giê-ru-sa-lem và mở cửa cho ảnh hưởng tôn giáo Ca-na-an du nhập vào. Riêng ở phương Nam, nhờ có đền thờ Giê-ru-sa-lem, nên tôn giáo ổn định hơn, nhưng người ta vẫn thấy cũng có nguy cơ khi phát triển theo chiều hướng nghi thức hơn là tinh thần. Bên cạnh đó, tôn giáo ngoại bang cũng xâm thực truyền thống phụng tự của dân.

Vì vậy, “để góp phần vào việc duy trì và phục hưng tôn giáo, để giúp dân luôn sống trung thành với minh ước trong những hoàn cảnh về mặt xã hội cũng như về chính trị, Gia-vê đã sai đến với dân Ngài các vị ngôn sứ”.[5]

2. Vai trò của ngôn sứ trong Cựu Ước

Khi đề cập đến lịch dân dân Ít-ra-en, nhất là những trang sử thời Cựu Ước, ít ai lại không nhìn nhận các vị ngôn sứ trong Sách Thánh đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn vong và phát triển của dân tộc Do Thái. “Chính trong những giờ phút khó khăn nhất, các vị đã khẳng khái lèo lái con thuyền dân tộc trên một dòng nước ngày càng tinh ròng hơn”. Sự đóng góp này diễn ra trên nhiều phương diện, nhưng trên hết và chủ yếu vẫn là về phương diện tôn giáo.

2.1. Về phương diện tôn giáo

a. Vị trí của ngôn sứ trong mặc khải

Mặc khải là cả một chương trình lâu dài của Thiên Chúa, có thể nói từ Sáng Tạo tới Ngày chung thẩm. Dĩ nhiên trung tâm của mặc khải không thuộc về thời thời các ngôn sứ - thời Cựu Ước. Trung tâm và tột đỉnh của mặc khải là chính Đức Giê-su Ki-tô - thời của Tân Ước. Khi nói về vị trí của ngôn sứ trong mặc khải, ở đây chỉ xin dừng lại trong phạm vi của Cựu Ước mà thôi.

Đọc lại trang sử thời Giao Ước cũ (Cựu Ước), các nhà nghiên cứu cho rằng ngôn sứ có chỗ đứng ở ngay tâm điểm của Cựu Ước, giữ nhịp liên tục với một truyền thống mà họ là người thừa kế. Họ còn bảo vệ và khuếch trương truyền thống đó trước khi trao nó cho Do Thái giáo. Nói rõ hơn, ngôn sứ lãnh nhận và khai triển cái dữ kiện thiết yếu được ấn định từ thời Mô-sê, tức là nền đạo đức căn cứ trên nền tảng độc thần. Mặc khải tiên khởi này, ngôn sứ đã biết vận dụng với sự khéo léo của một niềm trung thành kiến tạo. Các ngài đã khai triển tối đa cho đời sống tâm linh của mình, đồng thời để hướng dẫn dân trong suốt dòng lịch sử Cựu Ước. Ơ chiều kích này, điều nhận thấy rõ nhất là các ngôn sứ đã minh nhiên trình bày mặc khải về một Thiên Chúa duy nhất một cách mạnh mẽ, lý do chính là để ngăn ngừa ảnh hưởng tai hại của các tôn giáo ngoại bang có thể làm cho đạo thờ Đức Chúa thành ô hợp với các đạo khác. Các ngôn sứ không chỉ đả kích việc thờ ngẫu tượng mà thôi, mà còn thẳng thắn tuyên bố: chẳng có thần nào cả, ngoài Đức Chúa của Ít-ra-en. Các thần ngoại bang chỉ là hư ảo, giả dối, những giếng không đáy chẳng giữ được chút nước nào…hoàn toàn bất lực khi phải trợ giúp người phàm [7]. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã phản ánh khá rõ khi lên án các dân tộc khác. I-sai-a thì nói một cách hùng hồn rằng tượng thần chỉ là sản phẩm của thợ mộc, thợ gỗ:

Đặt tượng thần ư? Tượng thần chỉ do tay thợ đúc làm ra,

thợ kim hoàn thếp vàng một lớp,

rồi đúc dây chuyền bạc mà tô điểm thêm lên.

Người ít của muốn dâng lễ vật

sẽ chọn khúc gỗ không mục nát,

rồi tìm đến tay thợ lành nghề

đặt một tượng thần không lay không chuyển.

(Is 40, 19-20)

Trong một đoạn khác, khi nói về Ba-by-lon sụp đổ, I-sai-a mường tượng quân Can-đê trốn chạy phí sứ mang theo các ngẫu tượng của họ. Còn Ít-ra-en thì không cần mang theo các thần của mình, nhưng chính Thiên Chúa gánh vác dân Người:

Thần Ben đã quỵ, thần Nơ-vô sụp đổ,

tượng của chúng bị tải đi trên lưng thú vật, trên lưng gia súc.

Những gì xưa kia các người nâng lên vai mà kiệu,

giờ đây thành gánh nặng trên những con vật mệt nhoài.

Tượng thần đã sụp, đã quỵ cả đám,

không tài nào cứu những con vật tải chúng đi,

và chính chúng cũng phải đi lưu đày.

Hãy nghe Ta, hỡi nhà Gia-cóp,

và tất cả số sót của nhà Ít-ra-en!

Ta đã nâng các người từ trong lòng mẹ,

đã hứng các người từ lúc chưa chào đời.

Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác,

trước sau gì Ta vẫn là Ta;

cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc,

Ta vẫn còn gánh vác các ngươi.

Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử:

Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát.

Các ngươi so sánh Ta với ai, đặt Ta đồng hạng với ai nào?

Đối chiếu Ta với ai, để cả hai bên cùng tương xứng?

Có kẻ mở hầu bao đổi vàng, móc cán cân cân bạc,

mướn thợ bạc làm ra một ông thần,

rồi sụp lạy, rồi bái thờ nữa.

Chính chúng nâng tượng thần lên vai,

mang nó đi, đặt nó vào vị trí của nó.

Tượng đứng yên, không rời chỗ.

Thế nhưng giả như có ai kêu, nó chẳng đáp lời,

cũng chẳng cứu ai khỏi cơn khốn quẫn.

Những chuyện này các ngươi hãy nhớ mà sống cho ra người!

Hỡi quân phản trắc, hãy ghi lòng tạc dạ!

Hãy nhớ lại những chuyện thuở ban đầu,

những chuyện thời xa xưa,

nhớ rằng Ta là Thần, không có thần nào khác,

Ta là Thiên Chúa, và chẳng có thần nào như Ta

(Is 46, 1-9)



Mặc khải về một Thiên Chúa duy nhất không phải được khởi đi từ thời các ngôn sứ, mà chân lý này đã được hé lộ từ thời tổ phụ Ap-ra-ham, nhất là từ thời Môi-sê. Các ngôn sứ là người thừa kế gia sản truyền thống của cha ông và các ngài bằng mọi phương thế để bảo vệ, duy trì và phát triển nó như một huyết mạch chảy dài trong dòng lịch sử Ít-ra-en. Có thể nói chân lý độc thần là linh hồn, là tâm điểm của đời sống tinh thần nói chung và lãnh vực tôn giáo cách riêng của con cháu Ap-ra-ham trong thời Cựu Ước cũng như Do Thái giáo ngày nay. Bằng những lời sấm, ngôn sứ không chỉ hướng dẫn dân bước đi trong đường ngay nẻo chính, trong dòng suối tinh ròng của truyền thống, mà còn đi sâu vào tương quan giữa các ngài và chính sứ điệp Thiên Chúa.

Lời rao giảng của các ngôn sứ không phải là những loa phóng thanh trống rỗng chỉ biết hô hào nhưng là nhân chứng thi hành sứ điệp Thiên Chúa. Điều này hệ tại chính từ ơn gọi của các ngài. Các ngài không phải là các thầy chiêm chuyên nghề đoán định tương lai, bói toán phù phép trong các vùng Cận Đông ngày xưa. Các ngài cũng chẳng là những ngôn sứ chuyên nghiệp với phận sự chính ca ngợi Thiên Chúa bằng hát xướng, hành động có tính chất kỳ dị mê sảng…Các ngài chính là những con người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi với chủ đích: giáo dục và gìn giữ dân Chúa trung thành trong đạo thờ Đức Chúa, chuẩn bị và hướng dẫn dân dần dần tới thời sung mãn để họ lãnh nhận mặc khải tuyệt đỉnh nơi Đức Ki-tô. Yếu tố chính nơi các ngài là đạo lý về một Thiên Chúa duy nhất. Các ngài là những con người được Thiên Chúa chọn gọi. Cho dù đôi lúc các ngài cũng tỏ thái độ trốn tránh, nhưng mỗi khi đã chọn gọi ai, Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi họ một sự biến đổi thần bí thâm sâu. Từ đó, các ngài có được cái nhìn không tùy tiện vào suy đoán cá nhân nhưng trong chiều hướng của ý định Thiên Chúa. Tương quan giữ cá nhân ngôn sứ và sứ điệp Thiên Chúa, vì thế, có được mối giây kết nối như một thực tại thiêng liêng đi vào đời sống các ngài. Cũng chính ở điểm này, các ngài có một sức hút đối với dân chúng, cũng như có được lòng can trường trong sứ mệnh của mình. Sự nhất quán trong hành động với lời rao giảng của ngôn sứ là dấu hiệu của một ngôn sứ của Chúa. Điều này đã được sách Đệ nhị luật cảnh báo trước như sau:

Tất cả điều tôi truyền cho anh em, anh em hãy lo đem ra thực hành; anh em đừng thêm gì vào đó cũng đừng bớt gì. Nne6u1 ở giữa anh em xuất hiện một ngôn sứ hay một kẻ chuyên nghề chiêm bao và nó báo trước cho anh em một dấu lạ hay một điềm thiêng, nếu dấu lạ hay điềm thiêng nó đã nói xảy ra, và nó bảo: “Chúng ta hãy theo và phụng thờ các thần khác”, những thần mà anh em không biết, thì anh em đừng nghe những lời của ngôn sứ hay kẻ chuyên nghề chiêm bao ấy, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thử thách anh em cho biết anh em có yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ không. Chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải theo; chính Người là Đấng anh em phải kính sợ; anh em phải giữ các mệnh lệnh của Người, phải nghe tiếng Người; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em phải gắn bó với Người. Ngôn sứ hay kẻ chuyên nghề chiêm bao ấy sẽ bị xử tử, vì nó đã hô hào nổi loạn chống Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai Cập và đã chuộc anh em khỏi cảnh nô lệ, và vì nó đã muốn lôi cuốn anh em ra khỏi con đường Đức Chúa đã truyền cho anh em phải đi. Anh em phải khử trừ sự gian ác không cho tồn tại giữa anh em.

(Đnl 13,1-6)

Sự nhất quán ấy hay chính đời sống chứng nhân chứng tỏ ngôn sứ là người đã thể hiện được hòa điệu giữa họ và sứ điệp Thiên Chúa truyền. Các ngôn sứ đã làm cho sứ điệp “nhập thể” cùng lúc họ diễn tả chúng thành lời nói, thành công thức và những sứ điệp liên tiếp đó vừa là ân tứ Chúa ban, vừa là khám phá nơi người Chúa chọn, dần dần trở nên những lập trường định hướng.[8]

Không những là rường cột của dòng chảy truyền thống và nối kết sứ điệp với cuộc đời, ngôn sứ - như đã nói là ơn gọi - các ngài hoàn toàn là một ân huệ của Thiên Chúa, đối tượng của lời hứa. Điều này được Sách Đệ nhị luật loan báo rằng: “Các dân tộc anh em sắp trục xuất ấy thì nghe những thầy chiêm tinh, thầy bói, còn anh em thì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, không cho làm như vậy. Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18, 14-15). Người ta càng thấy rõ vai trò này trong thời kỳ phong trào ngôn sứ bị gián đoạn: lúc bấy giờ Ít-ra-en sống trong sự mong đợi vị ngôn sứ được hứa ban. Từ điều này, ta nhận thấy ngôn sứ vừa là công cụ để chuyển tải mặc khải, vừa là đối tượng của mặc khải.

Như vậy, vị trí của ngôn sứ trong mặc khải là rất quan trọng. Ngôn sứ vừa là giữ nhịp phát triển cho một truyền thống tinh ròng, vừa là đối tượng của mặc khải, lại vừa hòa điệu giữa chính mình với sứ điệp Thiên Chúa để Lời Đức Chúa được bám sâu vào thực tại cuộc sống. Ngôn sứ đã góp phần vào việc giáo huấn nhân loại trên đường tìm hiểu Chúa, đã biểu lộ và diễn giải hoạch định Thiên Chúa trong lịch sử. Ngôn sứ trong Cựu Ước là trung tâm của việc chuyển tải sứ điệp Thiên Chúa cho dân người. Tại đó, ngôn sứ đã bảo vệ đức tin cho thanh cao và dinh dưỡng lòng mong chờ ở Đấng Mê-si-a cứu độ.

b. Đóng góp thần học của ngôn sứ

Nói đến một nền thần học theo đúng nghĩa trong thời Cựu Ước có lẽ là xa vời. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là Cựu Ước đã không có những tưởng có tính thần học, mà thực sự đã khai mào bằng những chồi non tràn trề sự sung mãn cho tương lai. Ơ một góc độ như thế, ta sẽ nói đến sự đóng góp về thần học của các ngôn sứ trong dòng chảy tư tưởng thần học của lịch sử cứu độ.

Đề cập đến chiều kích này, có học giả đã nhìn nhận là phần đóng góp của ngôn sứ về thần học là rất vĩ đại[9]. Vai trò này của các ngôn sứ thể hiện trên nhiều phương diện. Ơ đây ta sẽ tìm hiểu đóng góp về tư tưởng độc thần, về mầu nhiệm ân sủng và tội lỗi, về thuyết nhân vị và về cánh chung học.

Như đã trình bày trên đây, đạo lý độc thần là tư tưởng chủ đạo trong giáo huấn của các ngôn sứ. Các ngôn sứ tuy không phải là người tiên khởi được đón nhận mặc khải về một Thiên Thiên Chúa duy nhất nhưng chính các ngài đã công bố giáo huấn này một cách minh nhiên, duy trì nó trong bao sự xâm thực và xáo trộn của văn hóa xă hội đương thời. Chính các ngôn sứ đã làm sáng tỏ hơn về Thiên Chúa độc nhất, thiêng liêng, siêu việt, toàn năng, công bình và gần gũi. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a, đồng thời với việc lên án dân thờ ngẫu tượng, cúng bái thần ngoại bang, cũng mặc khải về uy danh, sự khôn ngoan và siêu việt của Đức Chúa:

Không một ai sánh được như Ngài, lạy Đức Chúa,

Ngài cao cả, danh Ngài thật cao cả nơi những kỳ công của Ngài.

Ngài, ai mà không kính sợ, lạy Vua muôn vàn dân nước?

Ngài phải là như vậy!

Vì trong mọi kẻ khôn ngoan của chư dân,

và trong mọi vương quốc của họ, không ai sánh được như Ngài

Gr 10, 6-7

Còn Đức Chúa là Thiên Chúa thật,

là Thiên Chúa hằng sống, là Vua muôn đời

Người phẫn nộ, địa cầu run rẩy,

chư dân không chịu nổi cơn thịnh nổ của Người

(Gr 10, 10)

Đấng dùng sức mạnh làm ra trái đất,

lấy lẽ khôn ngoan thiết lập địa cầu,

Cũng là Đấng dùng sự thông suốt

trải rộng các tầng trời.

Người lên tiếng là nước trên trời cuồn cuộn;

Người đẩy lên từng lớp mây trời, từ cùng tận địa cầu xa tắp,

làm cho chớp giật mưa rơi,

mở kho thả gió khắp nơi tung hoành

(Gr 10, 12-13)

Trong những lời than thân trách phận, Giê-rê-mi-a còn bày tỏ tâm tình với một Thiên Chúa tuy siêu việt nhưng cũng rất gần gũi với con người. Những tâm tình đó bộc lộ một tấm lòng mộ đạo sâu xa và thân mật với Thiên Chúa:

Lạy Đức Chúa, chính Ngài biết rõ!

Xin nhớ đến con và thăm viếng con cùng,

xin báo oán những kẻ bách hại con.

Xin đừng nén cơn giận kẻo con bị chúng bắt đem đi.

Ngài biết đó: con phải chuốc lấy nhục vào thân, âu cũng vì Ngài.

Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào,

lời Ngài làm cho con hoan hỷ,

Làm vui thỏa lòng con, vì con được mang danh Ngài,

lạy Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh.

(Gr 15, 15-16)

Ngôn sứ Hô-sê, I-sai-a, Ma-la-khi thì cho thấy Một Đức Chúa hết mực yêu thương dân Người. Cho dù dân có “ngoại tình”, phản bội thì Ngài vẫn nhẫn nại trung thành với tình yêu như đã ký kết. I-sai-a còn diễn tả tình yêu đã ràng buộc Ngài như người mẹ hiền thương con:

Xi-on từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi,

Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!”

Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,

hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau?

Cho dù nó có quên đi nữa,

thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ

(Is 49, 14-15)

Quả thật, so với thời Mô-sê, các ngôn sứ đã họa lên một khuôn mặt của Đức Chúa với nhiều đường nét phung phú, đầy đủ hơn. Bức họa ấy tuy chỉ là quy hướng về Tân Ước nhưng vẫn là nền tảng Thánh Kinh cho những suy tư thần học.

Dưới góc độ ân sủng và tội lỗi thì sao? Trong chiều kích này, ngôn sứ đã tiến gần mầu nhiệm ân sủng và tội lỗi, ấn định bản tính của thưởng phạt. Đức Chúa là Thiên Chúa công minh khi xét xử nhưng cũng là Đấng giàu lòng xót thương hết mọi ai biết kính sợ Ngài. Ngài sẽ coi lỗi càng nặng khi hồng ân Ngài ban cho dân càng lớn lao quảng đại[10]. Ngay cả khi Ngài lấy lẽ công minh trừng phạt, Ngài vẫn dõi theo bước chân tội nhân và sẵn sàng mở rộng vòng tay đón họ về cùng Ngài. Công thức tội phạt, hối cứu dường như là phổ quát trong tư tưởng thần học Cựu Ước. Nhiều sấm ngôn của các ngôn sứ cho thấy Thiên Chúa tuy hết mực yêu thương nhưng sẽ trừng phạt dân Người khi họ cứng lòng và chạy theo tà thần. Ngôn sứ A-mốt, Xô-phô-ni-a, Ma-la-khi…diễn tả “Ngày của Đức Chúa” như là cơn thịnh nộ xuống đầu dân phản bội, bất trung. Nhưng đồng thời, các ngài cũng nói đến “số sót” sẽ được cứu. Thiên Chúa trừng phạt nhưng trên hết và cùng đích với Ngài vẫn là tình thương.

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en là người đã trình bày khá rõ về đề tài ân sủng và tội. Ê-dê-ki-en coi tội là cái gì rất nặng nề. Ông không chỉ thấy tinh thần phản nghịch đã ăn sâu vào trong lòng con người; ông còn chờ đợi rất nhiều ở thái độ con người phải có trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ong chủ trương có thể có sự ăn năn. Thế nhưng Thiên Chúa không hành động vì dân hối lỗi, mà vì sự thánh thiện của Người, và vì tình thương bộc lộ trong Giao Ước[11]: “Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với các ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Ngươi sẽ nhớ lại các lối sống của ngươi mà xấu hổ khi ngươi đón các chị và các em ngươi; Ta sẽ cho chúng làm con gái ngươi; nhưng chúng không được giữ phần vào giao ước giữa Ta với ngươi” (Ed 16, 60-61). Chính vì vậy mà Thiên Chúa sẽ ban cho Ít-ra-en một quả tim và một tinh thần mới. Ê-dê-ki-en đã tiến tới một bước xa hơn về ân sủng và tội. Cứ lẽ thường, các ngôn sứ cho thấy tội phạt hối cứu nhưng ở đây không phải vì dân sám hối mà Thiên Chúa mới cứu. Thiên Chúa đã đi bước trước trong việc cứu độ. Thiên Chúa thương trước, dân sám hối sau. Tình thương đó làm cho nhà Ít-ra-en sẽ thẹn thùng xấu hổ: “Không phải vì các ngươi mà Ta hành động-sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng- hãy biết rõ như thế. Các ngươi phải lấy làm thẹn thùng xấu hổ về lối sống của các ngươi, hỡi nhà Ít-ra-en” (Ed 36, 32)

Trong nhãn quan của Ê-dê-ki-en, tư tưởng thần học truyền thống dường như đi vào ngã rẽ và đang chớm nở những mầm xanh cho mặc khải của Tân Ước. Như thế, mầu nhiệm ân sủng và tội lỗi đã thấp thoáng từ môi trường Cựu Ước. Các ngôn sứ, cho dù trong bước đường còn hoang sơ của thần học, vẫn tìm được chỗ đứng và tiếng nói cho những tư tưởng thâm sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa.

Không chỉ trong mầu nhiệm cao siêu về Thiên Chúa, các ngôn sứ còn đóng góp những tư tưởng mà ngôn ngữ hiện đại gọi là mang tính nhân văn. Các nhà nghiên cứu nhìn nhận, các ngôn sứ đã đạt đến những bước tiến của thuyết nhân vị.

Khởi đầu, dân Ít-ra-en có một ý thức rất sắc bén về trách nhiệm tập thể của gia đình hay là quốc gia. Trong Gs 7,24, chúng ta thấy trường hợp gia đình kẻ có lỗi bị án tử hình cùng với người ấy, cũng như toàn dân bị phạt vì lỗi của một người trong dân. Tuy nhiên, trong những năm cuối cùng của vương quốc Giu-đa, ý niệm về trách nhiệm cá nhân rõ nét hơn. Các ngôn sứ trước đó đã tuyên bố rằng công lý phàm nhân không thể phạt con cái vì những gian ác của cha mẹ chúng (Đnl 24,16). Làm sao Thiên Chúa lại làm khác đi mà trừng phạt những người vô tội? Xưa kia, mọi lầm lỡ, dù là không cố ý, cũng đều bị coi là “tội”. Bây giờ các ngôn sứ dạy rằng chỉ điều xấu cố tình phạm mới là tội, và những tai họa không đáng chịu thì không phải là hình phạt của Thiên Chúa[12].

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nhắc tới tư tưởng cũ thâm căn trong dân thể hiện trong câu ngạn ngữ Cha ông ăn nho xanh, con cháu bị ê răng, và ông cho thấy quan niệm ấy đã lỗi thời và không còn thích hợp:

Vào những ngày ấy, người ta sẽ không còn nói:

“Cha ông ăn nho xanh, con cháu bị ê răng”

Nhưng mỗi người sẽ phải chết vì tội mình. Kẻ nào ăn nho xanh, kẻ ất sẽ bị ê răng

(Gr 31, 29-30)

Tư tưởng của Giê-rê-mi-a được Ê-dê-ki-en xác quyết và khai triển chi tiết hơn:

Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Sao các ngươi cứ truyền cho nhau câu ngạn ngữ này trong khắp đất Ít-ra-en: Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng.

Ta lấy mạng sống Ta mà thề-sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng- các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn ngữ đó trong Ít-ra-en nữa. Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết (Ed 18, 1-4).

Trong cái nhìn của Ê-dê-ki-en, công lý dành cho những người công chính, và tai họa cho những kẻ phản bội: mỗi người sẽ lãnh theo tội phúc của cá nhân mình. Nếu kẻ gian ác từ bỏ tội lỗi mình đã phạm, nó sẽ sống: ai cũng có thời gain để tự do quyết định. Nếu có những người ban đầu là hư hỏng nhưng rồi quyết định sống tử tế, thì Thiên Chúa sẽ đợi họ ăn năn trở lại và sẽ tính theo ý hướng cuối cùng của họ:

Nhưng các ngươi nói: “Tại sao con không mang lấy tội của cha?” Đứa con một khi đã thi hành điều chính trực công minh, đã tuân giữ cùng thi hành mọi quy tắc của ta, chắc chắn nó sẽ sống. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết; con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con. Sự công chính của người công chính ở với người công chính. Còn điều dữ của kẻ gian ác ở với kẻ gian ác.

Nhưng nếu kẻ gian ác từ bỏ tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết (Ed 18, 19-21).

Trong sứ điệp của mình, Ê-dê-ki-en có nói tới tội của dân đưa tới hình phạt. Bằng nhiều hành động tượng trưng, ngôn sứ tiên báo ngày Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy và dân bị lưu đày (3,22 – 5,17; 12,1-20). Giê-ru-sa-lem bị tàn phá xem ra là hình phạt giáng xuống cho tất cả mọi người, chẳng cứ là tốt hay xấu. Ê-dê-ki-en không phủ nhận việc Thiên Chúa giáng họa xuống mọi người, nhưng đối với ông, đó là chuyên quá khứ, đích đáng cho một dân đã hoàn toàn lầm lạc. Còn hiện tại và tương lai, ngôn sứ nói đến trách nhiệm cá nhân: mỗi người trách nhiệm về việc mình làm. Được cứu hay phải chết không phải vì cha mẹ họ hàng, nhưng tùy vào thái độ hiện tại của mình đối với Chúa.

Hãy còn quá sớm khi ta nói tới thuyết nhân vị, theo đúng nghĩa, trong thời Cựu Ước nhưng một điều hiển nhiên là tư tưởng các ngôn sứ đã chạm tới những giá trị về nhân vị mà trong thời hiện đại hôm nay nó đang được quan tâm đặc biệt. Điều này chứng tỏ, ngôn sứ đã đóng góp một phần không nhỏ trong tư tưởng thần học về trách nhiệm cá nhân hay thuyết nhân vị.

Ngoài ra, ta dễ dàng nhận ra đóng góp thần học của ngôn sứ về cánh chung học. Dĩ nhiên cánh chung học ở đây được hiểu là ngày chung thẩm chứ không đề cập tới thời cánh chung. Danh từ cánh chung học đặt trong môi trường Cựu Ước xem ra lạ lẫm. Nhưng trong một góc độ nào đó, ta có thể nói trong giáo huấn của các ngôn sứ đã manh nha về mầu nhiệm cánh chung. Sứ điệp mà ngôn sứ nhằm diễn tả những cơn lôi đình của Thiên Chúa giáng xuống dân tội lỗi, bất trung; sự thưởng phạt công minh của Thiên Chúa… nhất là Ngày của Đức Chúa là những cuộc cánh chung dự báo cũng như tiên trưng cho ngày chung cuộc mà Đức Ki-tô sẽ toàn thắng sau này.

A-mốt là người đầu tiên đã nói tới “ngày của Giavê” là ngày vinh quang và vui mừng vì Thiên Chúa tỏ hiện cho dân Người. Về sau, các ngôn sứ lấy lại nhưng đảo ngược nội dung: Đó là ngày Thiên Chúa phán xét Israel và các dân vì tội lỗi của họ. “Ngày của Chúa” không những mang ý nghĩa ngày vinh quang và hoan lạc (A-mốt), ngày phán xét hãi hùng (Xô-phô-ni-a), nhưng còn nói lên niềm hy vọng. Đó chính là điều mà ngôn sứ Giô-en muốn diễn tả khi xác quyết Chúa sắp làm điều tốt lành cho dân Người trong tương lai, dĩ nhiên khi dân biết hoán cải và cầu khẩn Người:

Đoàn này nối tiếp đoàn kia trong cánh đồng Chung Thẩm,

Vì ngày của Đức Chúa đã gần kề,

Trong cánh đồng Chung Thẩm.

Mặt trời mặt trăng mờ tối đi, các vì sao chẳng còn chiếu sáng.

Từ Xi-on Đức Chúa gầm lên,

Từ Giê-ru-sa-lem tiếng Người vang dội,

trời và đất chuyển rung.

Nhưng Đức Chúa là nơi cho dân Người nương náu,

là nơi trú ẩn cho con cái Ít-ra-en.

(Ge 4,14-16)

Những viễn ảnh lớn của ngôn sứ Giô-en về các tai họa trong Ngày của Đức Chúa vượt mọi biến cố lịch sử. Ngôn sứ hướng tầm nhìn về ngày thế mạt.

Không giống như A-mốt, Xô-phô-ni-a hay Giô-en, Ngôn sứ Đa-ni-en không nhắc danh từ Ngày của Đức Chúa, nhưng bằng những thị kiến để trình bày về thời cùng tận. Đây là tư tưởng rất gần gũi với tư tưởng cánh chung luận của thần học sau này. Ở đây, Đa-ni-en nói đến sự sống lại và thưởng phạt và xem ra điều này quả là mới mẻ trong các giáo huấn thời Cựu Ước. Trong phần đầu chương 12, Đa-n-en trình bày như sau:

Thời đó, Mi-ca-en sẽ đứng lên. Người là vị chỉ huy tối cao, là đấng vẫn thường che chở dân ngươi. Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuoo6n1 sách của Thiên Chúa. Trong số những kẻ an ngỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao. (Đn 12,1-3)

Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh cho rằng đây là đoạn văn quan trọng vì đoạn Thánh Kinh đầu tiên nói đến sự phục sinh. Tư tưởng của Đa-ni-en, như thế, đã cho ta thấy một chiều sâu trong nhãn quan về cánh chung học.

Như vậy , dù chỉ là những lời sấm nhằm lên án thực tại cuộc sống đương thời, dù nói đến việc Thiên Chúa công minh xét xử, hay đã chạm tới thời cùng tận..., các ngôn sứ vẫn là người đã cung cấp những hình ảnh khá phung phú về một ngày chung cuộc mà trong ngôn ngữ thần học chuyên nghiệp gọi là ngày cánh chung. Đóng góp của các ngôn sứ trong đề tài này như thế cũng là đáng kể khi mà mặc khải vẫn đang trong thời non trẻ.

Khách quan mà nói, đóng góp của ngôn sứ trong lãnh vực thần học không thể chỉ giới hạn trong chiều kích về tư tưởng độc thần, về mầu nhiệm ân sủng và tội lỗi, về thuyết nhân vị và về cánh chung học như đã trình bày trên đây. Người ta có thể nhắc tới đóng góp của ngôn sứ cho thần học về đạo đức tính, về ơn cứu độ, về hình ảnh Đấng Me-si-a...Nhưng chỉ dừng lại ở đây, ta cũng thấy được vai trò của ngôn sứ trong các tư tưởng thần học là không thể phủ nhận, dù các ngài không có một ý niệm làm thần học như chúng ta hiểu bây giờ.

c. Thái độ của ngôn sứ đối với việc tế tự

Tế tự là một sinh hoạt biểu lộ tính tôn giáo của con người, nhất là trong thời Cựu Ước. Trong bối cảnh Cựu Ước, tế tự là trung tâm của hình thức sinh hoạt tôn giáo. Các ngôn sứ cũng không là những người ngoài cuộc với sinh hoạt tinh thần này. Nhưng các ngài, cho dù đồng hành, thì vẫn bày tỏ lập trường, thái độ trước sinh hoạt ấy. Vậy đâu là thái độ của các ngôn sứ đối với việc tế tự?

Xét về phương diện tế tự và nghi thức, các ngôn sứ cũng đã đính chính cái xu hướng của Ít-ra-en muốn nghiêng về một quan niệm máy móc và hình thức. Ngôn sứ đã giúp cho tế tự thấm nhuần đạo đức. Trong từng bối cảnh riêng và tùy vào từng ngôn sứ mà lời lẽ và thái độ ngôn sứ thể hiện khác nhau về việc phụng tự.

Ngôn sứ Mi-kha bằng lời lẽ nhẹ nhàng và muốn mọi người hiểu rằng tế tự không phải là yếu tố thiết yếu của chính giáo:

Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt,

điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn:

đó chính là thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa

và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn

(Mk 6,8)

I-sai –a lại bày tỏ thái độ cởi mở. Với ông, tất cả mọi người, dù không phải gốc Do Thái, cũng có thể gia nhập cộng đoàn dân Chúa, miễn là giữ các đòi hỏi luân lý và tôn giáo. Hơn nữa, con cái người ngoại trở lại cũng có thể được chọn làm Tư tế (66,18-21). Thái độ cởi mở này khá đặc biệt, so với quan niệm cổ truyền trong Đệ Nhị Luật 23,2-9. Chương 56-66, I-sai-a chú trọng nhiều đến đền thờ và các nghi lễ, các hình thức tôn giáo (như bàn thờ, ăn chay, ngày Sa-bát …). Nhưng đồng thời cũng rất nhấn mạnh đến tinh thần đạo đức nội tâm:

sự chay tịnh mà Giavê muốn không phải chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng là dẹp mọi áp bức, xóa mọi bất công và hết lòng phục vụ người khác:

Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:

Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,

trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?

Chẳng phải là chia cơm cho người đói,

rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;

thấy ai mình trần thì cho áo che thân,

không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?

(Is 58,6-7)

A-mốt tỏ thái độ mạnh mẽ hơn. Ong lên tiếng phản đối thái độ giả hình: người ta tưởng đã hợp lệ với Thiên Chúa bởi vì người ta thực hiện một số nghi thức tế tự trong khi vẫn khinh rẻ những giới sơ đẳng về công bình xã hội và bác ái đối với tha nhân:

Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;

Hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.

Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu...

Những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,

chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.

Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi

Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.

Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,

cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.

Hỡi nhà Ít-ra-en, bốn mươi năm trường trong sa mạc,

các ngươi có dâng lên Ta hy lễ hay lễ phẩm nào không?

Các ngươi sẽ kiệu Xích-cút, vua của các ngươi,

và Ki-giun, ngôi sao của thần minh các ngươi,

là những ngẫu tượng các ngươi làm ra để thờ.

Còn Ta, ta sẽ đày các ngươi đi xa hơn Đa-mát

- Đức Chúa phán như vậy,

danh Người là Thiên chúa các đạo binh.

(Am 5,21-27)

Giê-rê-mi-a thì bày tỏ lập trường về tế tự qua diễn từ về mối tương quan giữa việc tế tự trong đền thờ và việc thực thi công bình. Đây là một sấm ngôn lừng danh mãi mãi vang vọng sâu đậm trong lòng người thuộc mọi thời đại. Ong lên tiếng tấn công Đền Thờ, chỉ trích việc dân Ít-ra-en tôn thờ ngoại thần và tố cáo nền tế tự chỉ có hình thức mà chẳng có lòng trung thành đích thực: Thật, con cái Giu-đa đã làm sự dữ chướng mắt Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Chúng đã làm ô uế Đền Thờ là nơi danh Ta được kêu khấn, vì đã đặt vào đó những tương thần Ghê Tởm (Gr 7,30). Đối với Giê-rê-mi-a, vấn đề được đặt ra thật rõ ràng: mối tương quan giữa đời sống thường nhật và công việc phượng tự, sự đạo đức và việc tế tự. Việc thực hành tôn giáo trong đền thờ không thể thay thế cho sự công bằng trong tương quan người với người. Thiên Chúa của Ít-ra-en chỉ hiện diện giữa dân người với điều kiện dân sống tương quan huynh đệ và công bình. Ngược lại, Người sẽ phá hủy Đền Thờ.

Trong khi đa số các ngôn sứ đều phê bình và lên án việc tế tự nặng tính hình thức, thì Khác-gai dường như bày tỏ một lập trường khác. Chắc chắn ta khó chịu trước cách thức ngôn sứ nói về mối tương quan giữa tế tự và đời sống vật chất của dân. Ta có cảm tưởng có thể mua Thiên Chúa bằng việc xây đền thờ, bằng tế tự. Dân sẽ được phồn vinh về vật chất nếu lo xây dựng nhà Chúa và sốt sắng siêng năng tế tự. Ngược lại, dân sẽ bị bất hạnh nếu sao nhãng việc xây dựng đền thờ. Điều này thật khác xa với các ngôn sứ trước đó. Phải chăng là có mâu thuẫn trong giáo huấn của các ngôn sứ?

Vấn đề là cần đặt ngôn sứ trong hoàn cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo lúc ấy. Dân mới hồi hương, khẩn thiết cần một đời sống thiêng liêng và đời sống cộng đoàn. Việc xây dựng Đền Thờ, việc tế tự nói lên ưu tư phải ưu tiên cho Thiên Chúa trong cuộc sống, đồng thời cần có nơi tập họp để duy trì và phát triển tính cộng đoàn. Việc xây dựng Đền Thờ không mang mục đích trong chính nó, nhưng là dấu hiệu các lời hứa sẽ được hoàn tất: Thiên Chúa của Ít-ra-en và của toàn thể vũ trụ sẽ nâng đỡ thế giới và làm cho mọi dân nước tiến về Ít-ra-en. Chư dân hân hoan đón chào Đấng Mê-si-a xuất hiện: đó chính là “tương lai của Chúa” ngày cánh chung mà Khải huyền sẽ nói đến trong Kh 11,15.[13]

Một số tư tưởng của các ngôn sứ về việc tế tự trên đây, ta gặp thấy hai quan niệm chồng chéo nhau giữa đời sống đạo đức và việc phượng tự. Quan niệm của ngôn sứ, đó cũng chính là Lời Chúa, ý muốn của Chúa, và quan niệm của dân coi đền thờ và việc tế tự trong đền thờ như bảo đảm cho sự cứu độ hoàn toàn trái nghịch. Đối với dân, không có liên quan giữa cuộc sống và việc phượng tự. Ngược lại, ngôn sứ khẳng định một liên kết bất khả phân. Việc tế tự trong đền thờ không thể xóa bỏ các lỗi phạm trong cuộc sống. Tế tự diễn tả mối liên lạc giữa con người với Thiên Chúa. Thế mà Thiên Chúa vẫn có thể gặp gỡ con người trong cuộc sống của họ, chứ không nhất thiết trong việc phụng tự. Điều kiện để Chúa hiện diện thật sự trong đền thờ là thái độ sống tốt của dân Người. Đền thờ và việc tế tự không thể là cột thu lôi che chở cho những hành vi bất chính, nhưng tỏ cho thấy cái mâu thuẫn giữa lời và hành động, đạo và đời, đức tin và cuộc sống mà sau này Tin Mừng Mát-thêu đã quả quyết: Vậy, nếu anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thìu hãy để của lễ lại đó rước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình (Mt 5,23-24).

d. Ngôn sứ dọn đường cho Đức Giê-su Ki-tô

Mọi hoạt động của Cựu Ước nói chung và ngôn sứ cách riêng có lẽ sẽ không có được chiều kích thâm sâu, nếu không quy hướng về Đức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, Cựu Ước chỉ có thể được sáng tỏ khi được nối kết trong mặc khải tột đỉnh là Đức Ki-tô. Nói đúng hơn Cựu Ước là một phần trong toàn bộ chương trình của cùng một đạo diễn là chính Thiên Chúa. Đó là chương trình cứu độ con người.

Các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa mời gọi để khai hoang mở đất, đắp đập làm đường cho chàng rể Giê-su sẽ đến kết duyên với nhân loại. Ngôn sứ đã dọn cho Đức Ki-tô một dân tộc. Hơn thế, ngôn sứ còn phác họa dung nhan Ngài một cách diệu kỳ. Ta sẽ khó lòng khám phá Đức Ki-tô, nếu tách Ngài ra khỏi cộng đồng ngôn sứ. Ngài đã bằng lòng để người ta coi Ngài như một ngôn sứ tái giáng. Chính Đức Ki-tô khi đến trần gian cũng có những thái độ như ngôn sứ, vừa trung thành vừa phê bình trước tôn giáo quốc gia. Ngài cũng mượn lối ăn nói mạnh dạn của họ và cả những cách thức của họ làm dư luận phải lưu tâm. Ngài đã nhìn sứ mệnh Ngài theo ánh sáng họ cung cấp. Ngày Chúa biến hình, Mô-sê và Ê-li-a xuất hiện canh cánh như đúc kết cả phong trào ngôn sứ của Cựu Ước…Đích thân Ngài là ngôn sứ tuyệt hảo, là vị cải tổ tối hậu mà sứ điệp Tin Mừng đã vạch hướng quyết liệt cho lịch sử[14].

Những bức họa về Đấng Mê-si-a, về Người tôi tớ đau khổ, Đấng Thánh hay Con Người mà I-si-a và Đa-ni-en đã cung cấp là những hình ảnh báo trước về Đức Giê-su Ki-tô. Các ngôn sứ đã đóng một vai trò trung gian giữa Thiên Chúa với Ít-ra-en trong Cựu Ước, thì trong Tân Ước chính Đức Ki-tô cũng là trung gian duy nhất nối liền giữa Trời và đất. Cả đến ngay chính con người của các ngôn sứ cũng là hình bóng của vị Đại ngôn sứ trong Tân Ước, vì Đấng Mê-si-a xoay quanh ba dung mạo lớn là ngôn sứ, vương đế và tư tế. Hình ảnh ngôn sứ Giê-rê-mi-a đau khổ cũng không hoàn toàn xa lạ với những đau khổ Đức Giê-su sau này. Tất cả những tư tưởng và hình ảnh này đã được Tân Ước ứng nghiệm.

Như thế, tuy không phải là tiếng hô trong hoang địa cận kề dọn đường Chúa đi như Gi-an Tẩy Giả, các ngôn sứ vẫn chứng tỏ một vai trò quan trọng trên lộ trình mà Đức Giê-su Ki-tô đi qua.

2.2. Về phương diện xã hội

Như đã trình bày trên đây, vai trò trung tâm của các ngôn sứ là ở lãnh vực tôn giáo. Nhưng như thế không hẳn các ngôn sứ không có một tiếng nói nào trong xã hội đương thời. Mỗi người là tế bào của xã hội, dầu muốn dầu không, không ai có thể sống theo đúng nghĩa khi mình là một hòn đảo. Sống trong một xã hội có nhiều biến chuyển xoay vần như Ít-ra-en thời Cựu Ước, những con người có tâm huyết như các ngôn sứ lại càng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những nhiễu nhương của thời cuộc. Vậy thì, vai trò cụ thể của các ngôn sứ trên bình diện xã hội trong Cựu Ước là gì?

Sách Thánh cho thấy các ngôn sứ đã nhúng tay vào việc canh tân xã hội bởi vì họ là tín hữu. Họ cũng nhằm theo gương các nhà lập pháp, xây dựng một xã hội nhân đạo xứng đáng với cộng đoàn dân Thiên Chúa. Họ đã hết mình bênh vực những quyền căn bản của con người như quyền bảo đảm cá nhân (lương bổng), quyền tiểu tư sản, quyền có một nền cai trị chính đáng, nhân đạo…Họ đã đề xướng một lý tưởng bình đẳng, huynh đệ. Nhà cách mạng ngôn sứ chính là vậy. Hành động của các ngài là trong nội khám con người. Nếu ngôn sứ có khi gay gắt, ấy chỉ vì họ lạc quan. Thái độ hăng say trong lời ăn tiếng nói, niềm xúc động chân thành khi tố cáo những lạm dụng, những bất công, những chà đạp của xã hội, tóm lại cái lòng bác ái quá mức chứng tỏ là ngôn sứ không ngã lòng, mà lại tin họ đạt được những mục tiêu đã theo đuổi. Mặt khác, vì hướng về tương lai, sứ ngôn cũng mong đợi chính Chúa sẽ thể hiện cái xã hội họ ước mơ, đó là lý do uyên thâm của niềm lạc quan nơi họ. Họ tin vào Chúa đến thiết lập xã hội tương lai, trong đó có một bầu khí nhân đạo để dân an, quốc thịnh. Sau đây, ta sẽ tìm hiểu vai trò ngôn sứ ở một số khía cạnh cụ thể như về công bằng xã hội, về công lý và hòa bình và về chính trị quốc gia.

a. Công bằng xã hội

Đề tài công bằng xã hội hầu như được nhiều ngôn sứ quan tâm về đề cập đến. Các ngôn sứ nhận thấy trách nhiệm và sứ vụ của mình không thể tách rời với thực tại cuộc sống. Các ngôn sứ rao truyền mặc khải về Thiên Chúa tình yêu và tình yêu ấy không thể là lý thuyết trên môi miệng nhưng phải nhập thể để đem lại hạnh phúc cho con người. Tình yêu đó là phục vụ con người và phục vụ bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất. Do đó, một thế lực nào cản đường hay đi ngược lại với những quyền lợi con ngươi, với lẽ công bằng con người được hưởng thì ngôn sứ lên tiếng bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình.

Bằng nhiều cung điệu khác nhau, các ngôn sứ đã tích cực đóng góp vào lãnh vực đời sống thực tại như là khía cạnh khác của ơn goi. A-mốt có lẽ là người đã đi đầu trong vai trò đấu tranh cho công bằng xã hội. Bằng lời lẽ mạnh mẽ, A-mốt đã chỉ trích và kịch liệt chống đối bất công xã hội. Ông nhìn tình trạng vương quốc Ít-ra-en với cái nhìn sáng suốt và nghiêm khắc của Thiên Chúa: bất công xã hội và giữ đạo hình thức. Thiên Chúa của A-mốt đòi mọi người phải tôn trọng phẩm giá của người khác; mọi người đều phải bị phán xét. Người luôn luôn đứng về phía kẻ bị áp bức, nghe được tiếng than của họ. Lẽ dĩ nhiên, điều cuối cùng Thiên Chúa muốn là mọi người được cứu thoát, chứ không bị diệt vong. Từ đời sống một dân quê chăn cừu và châm sung, chắc chắn A-mốt đã lấy cuộc sống xa hoa nơi thành thị làm chướng mắt, nhưng điều làm ông trở nên cứng cỏi và nghiêm khắc chính là chỗ nếp sống văn minh thịnh vượng và nhất là tổ chức tôn giáo trang trọng ấy che đậy một sự ung thối xã hội và luân lý lớn lao.[15] Ông là vị ngôn sứ lừng danh của sự công bằng và đó là cốt lõi sứ điệp của ông. Ông gắt gao kết án sự bất công trong các mối tương quan xã hội: Người quyền thế xử án bất công, bóc lột hà hiếp dân nghèo để sống giàu sang phè phỡn. Ông còn tố cáo những kẻ chỉ biết ăn chơi hưởng thụ mà không lo đến vận mạng nước nhà (6,1-7). Ông thẳng thắn tố cáo những kẻ buôn bán tham lợi:

Hy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
Các ngươi thầm nghĩ:
Bao giờ ngày mồng một qua đi cho ta cịn bn la,
Bao giờ mới hết ngy sabt để ta bày thóc ra?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm,
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ,
Cả lúa nát, gạo mục, ta cũng đem ra bán.
Đức Chúa đ lấy thnh danh l niềm hnh diện của Giacĩp m thề:
Ta sẽ chẳng bao giờ qun hnh vi no của chng.
H chẳng phải vì vậy m đất rung chuyển,
Và toàn thể dân cư lâm cảnh tang tóc đó sao?

(Amos 8,4-8)

Cũng như A-mốt tại phương Bắc, tại miền Nam, I-sai-a tích cực dấn thân hoạt động trong lãnh vực công bằng. Sứ điệp của ông thời kỳ này giống với A-mốt. Mối bận tâm lớn nhất của ông lúc này là sự đồi trụy phong hóa tại Giu-đa do sự thịnh vượng mang lại. Cũng như A-mốt, ông lên án một thứ tôn giáo vụ hình thức, những lạm dụng quyền bính, những bất công áp bức. Ông khuyên phải giữ công bình bác ái. Khi hạch tội những kẻ bóc lột sống giàu sang phè phỡn, I-sai-a viết như sau:

Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh,

chính là nhà Ít-ra-en đó;

cây nho Chúa mến yêu quý chuộng,

ấy chính là người xứ Giu-đa.

Người những mong họ sống công bằng,

Mà chỉ thấy toàn là đổ máu;

Đợi chờ họ làm điều chính trực,

Mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.

Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia

Nối thêm ruộng này đến ruộng khác,

Tới mức không còn chỗ trống nào

Và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ!

(Is 5,7-8)

I-sai-a dấn thân quyết liệt vào các vấn đề chính trị, xã hội thời đại và cố gắng nhận định, sống mọi biến cố dưới ánh sáng đức tin. Điều đáng lưu tâm hơn cả, đó là I-sai-a luôn tỏ ra là một chứng nhân của niềm tin. Ngôn sứ quyết liệt nhắc lại cho con người mọi thời những đòi hỏi của đức tin: không thể bàng quan trước những thực tại con người, cần dấn thân hòa mình vào trong lịch sử, vì đức tin phải được sống và chiếu tỏa trong các biến cố chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo. Chính nơi ấy, thể hiện cuộc gặp gỡ thân tình giữa ta với Thiên Chúa, và cũng qua nơi ấy mối tương quan giữa ta với Chúa và tha nhân được cụ thể hóa cách sinh động. I-sai-a đã vẽ nên một viễn tưởng xã hội thật thú vị như sau:

Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.

Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,

một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

Bò cái kết thân cùng gấu cái,

con của chúng nằm chung một chỗ,

Sư tử cũng ăn rơm như bò.

Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,

trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá

trên khắp núi thánh của Ta,

Vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này,

cũng như nước lấp đầy lòng biển.

(Is 11,6-9)

Cùng thời với A-mốt và I-sai-a, Mi-kha cũng rất tích cực đấu tranh cho công bằng xã hội. Sứ điệp Mi-kha có thể tóm lại trong câu bất hủ: “Điều Giavê đòi hỏi, không là gì khác, ngoài việc thực thi công bình, yêu chuộng nhân nghĩa, và khiêm cung đi với Thiên Chúa” (6,8). Trong phần đầu chương 2, Mi-kha kịch liệt chống những kẻ trục lợi như sau:

Khốn thay những kẻ nằm trên giường

toan tính chuyện xấu xa, lập mưu làm điều ác!

Vừa tảng sáng đã đem ra thực hiện

vì nắm sẵn quyền bính trong tay.

Muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy,

muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt.

Chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp.

Vì vậy, Đức Chúa phán như sau:

Ta toan tính giáng họa xuống gia tộc này

khiến các ngươi không rút cổ ra được,

cũng không thể ngẩng đầu bước đi, vì thời đó sẽ là thời tai họa.

(Mk 2,1-3)

Mi-kha nhắm vào những vị có trách nhiệm về quyền lợi và sự công bằng của dân. Thay vì sống và tôn trọng công bằng như trách nhiệm đòi hỏi, họ đã đảo lộn mọi giá trị ưu tiên. Họ làm những điều bất công, áp bức bóc lột dân để hưởng lợi. Thiên Chúa sẽ đoán phạt họ. Người không nghe họ vì họ đã câm lặng trước lời kêu van thống thiết, đòi sự công bằng của người dân bị ức hiếp:

…Vậy hãy nghe đây, hỡi các thủ lãnh nhà Gia-cóp,

hỡi các tướng lãnh nhà Ít-ra-en, nhiệm vụ của các ông

há chẳng phải là thi hành công lý?

Thế mà các ông lại ghét điều lành, ưa điều ác,

các ông lột da khỏi thân người ta và lóc thịt khỏi xương của họ.

(Mk 3,1-2)

Đời sống tại Giê-ru-sa-lem thật khó khăn đối với Mi-kha, vì ông bị các ngôn sứ “công chức” chống đối; nhưng ông không ngừng tố cáo sự lạc quan giả tạo và việc trục lợi của họ:

Đức Chúa phán thế này

về các ngôn sứ đã làm cho dân tôi lầm lạc:

khi răng chúng cắn được cái gì thì chúng hô: “Bình an”,

còn khi không ai bỏ vào miệng chúng,

Thì chúng lại mở cuộc thánh chiến tấn công họ.

Vì thế, các ngươi chỉ có đêm mà không có thị kiến,

chỉ có tối tăm mà không bói toán được gì.

Đối với các ngôn sứ, mặt trời sẽ lặn, và ngày sẽ ra tối tăm.

Các nhà chiêm thị sẽ xấu hổ, bọn bói toán sẽ bẻ mặt hổ ngươi,

tất cả bọn chúng phải che môi bịt miệng

Vì Thiên Chúa không đáp lời.

Phần tôi, trái lại, nhời thần khí của Đức Chúa,

tôi được đầy sức mạnh, công lý và can trường

để loan báo cho nhà Gia-cóp biết tội phản nghịch,

Cho nhà Ít-ra-en biết tội lỗi của nó.

(Mk 3,5-8)

Điều làm Mi-kha đau lòng hơn cả là những sự lừa đảo gian lận trong việc kinh doanh và những tệ đoan xã hội: những chủ điền tai mắt ức hiếp tá điền, bóc lột những con nợ không trả nổi. Rồi các nhà lãnh đạo, các thẩm phán, cả các tư tế và các ngôn sứ cũng lạm quyền để khai thác dân nghèo.[16]

Với Giê-rê-mi-a, vấn đề được đặt ra thật rõ ràng: mối tương quan giữa đời sống thường nhật và công việc phượng tự, sự đạo đức và việc tế tự. Giê-rê-mi-a nhấn mạnh đến sự công bằng trong tương quan người với người. Đức Chúa của Ít-ra-en chỉ ở giữa dân người khi dân biết sống tình huynh đệ và công bình. Trái lại, Người cũng vì công bình mà sẽ xét xử những ai đi ngược đao lý ấy. Vào thời Giơ-hô-gia-kim, Giê-rê-mi-a đã lên án những bất chính của nhà vua như sau: “Khốn thay kẻ xây nhà xây cửa mà không đếm xỉa tới lẽ công bình. Khốn thay kẻ xây lầu son gác tía mà chẳng màng chi đến điều chính trực. Khốn thay kẻ bắt anh em mình làm lung vất vả mà không tính công sá, không trả thù lao…Nó sẽ được chôn cất như một con lừa” (Gr 22,13.19).

Riêng Xô-phô-ni-a thì đả kích những kiểu cách đua đòi vọng ngoại của quan chức triều đình, những kẻ buôn bán:

Trong ngày dâng hy lễ của Đức Chúa,

Ta sẽ trừng phạt các thủ lãnh, các hoàng từ

Và những kẻ mặc y phục ngoại bang.

Trong ngày đó, Ta sẽ trừng phạt

Tất cả những kẻ nghênh ngang bước lên ngưỡng cửa

Và những kẻ chất đầy cung điện chúa mình

Những của chiếm được nhờ bạo tàn và gian ác

Trong ngày ấy –sấm ngôn của Đức Chúa-

Từ phía cửa Cá vọng lên tiếng than van,

Từ thành mới vang ra tiếng rên siết,

Từ các ngọn đồi văng vẳng tiếng kêu la.

Hỡi dân cư Khố Phố Dưới, hãy rên siết,

Vì đám dân buôn bán đã bị hủy diệt

Hết những ai lắm bạc nhiều tiền đã bị tiêu vong.

(Xp 1,8-11)

Cũng như Amốt và Isaia, ông loan báo “ngày của Đức Chúa” (1,7.14.18; 2,2-3) sẽ là ngày thịnh nộ, ngày khốn quẫn và gian truân (1,15). Lời ngôn sứ thật cứng cỏi đối với hạng người giàu có và kiêu căng. Sau hình phạt giáng xuống trên Giê-ru-sa-lem, ngôn sứ loan báo Chúa sẽ cứu số “dư tồn”, gồm những người khiêm tốn và nghèo hèn trong dân. Đó chính là nét độc đáo của Xô-phô-ni-a.

Da-ca-ri-a thì không dừng lại trình thuật của mình bằng các thị kiến mà trong chương 7 ông còn nói đến công bằng xã hội như là trách nhiệm và nội dung trong lời kêu gọi dân. Bản tóm lược đòi hỏi về công bằng xã hội củ Da-ca-ri-a, như các ngôn sứ vẫn dạy, nhưng cha ông đã không thi hành. Họ đã chuốc lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa, khiến họ bị phân tán giữa các dân tộc, còn xứ sở của họ thì thành hoang vu. Đó là bài học quý giá cho con cháu họ ngày nay. Điều này được Da-ca-ri-a viết rằng:

Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Hãy xét xử thật công minh, hãy lấy lòng nhân ái và thương xót mà xử sự với nhau. Đừng áp bức người góa bụa và trẻ mồ côi, người ngoại kiều và kẻ nghèo hèn, chớ để lòng mưu điều ác hại nhau. Thế nhưng chúng chẳng thèm lưu ý; chúng đã quay lưng phản nghịch; chúng đã làm cho tai chúng ra nặng để khỏi phải nghe; lòng chúng, chúng để cho chai cứng như kim cướng để khỏi vâng giữ Lề Luật và lời dạy bảo mà Đức Chúa các đạo binh đã gửi đến nhờ thần khí của Người, qua trung gian các ngôn sứ thời xưa. Và chuyên xảy ra là Đức Chúa các đạo binh đã giáng xuống cơn thịnh nộ lớn lao. Chuyện còn xảy ra là: Ta đã kêu gọi mà chúng không nghe thế nào, thì khi chung kêu cầu, Ta cũng chẳng thèm nghe như thế. Đức Chúa các đạo binh phán. Ta đã cuốn phăng chúng đi đến mọi dân tộc chúng không biết; đằng sau chúng là một sứ sở hoang tàn, không người qua lại. Chúng đã biến một xứ xanh tươi màu mỡ nên chốn hoang tàn!

(Dc 7,9-14).

Như vậy, tuy cung điệu và lỡi lẽ có thể không giống nhau nhưng các ngôn sứ đều mang trong mình một tâm huyết, một trách nhiệm với các vấn đề hiện sinh trong cuộc sống con người. Khi nói đến công bằng xã hội, các ngôn sứ đòi tự do cho người bị giam cầm - tù đày; đòi công lý cho những người bị ức hiếp, bất công; đòi quyền sống và nhân phẩm cho những người thấp cổ bé họng, bênh vực và bảo vệ cho người nghèo cô thế cô thân…Đồng thời, các ngôn sứ lên tiếng mạnh mẽ đả kích vào những thế lực là những đầu mối gây lên sự bất công ấy. Ngôn sứ nhắm đến nhà cầm quyền, những người giữ cán cân công lý, những người có địa vị nhưng ức hiếp người vô tội, lợi dụng việc công để trục lợi, vun vén cho bản thân mà không màng chi tới những số đông dân chúng cơ cực mà mình phải phục vụ. Ngôn sứ lên tiêng tố cáo tầng lớp giàu có bất chính, bóc lột người khác để tích góp cho bản thân. Ngôn sứ kinh tởm những lối sống xa hoa, phè phỡn đi ngược lại luân thường đạo lý con người. Ngôn sứ phê phán tất cả những ai cứng lòng và không tuân giữ những điều lành thánh mà Đức Chúa đã truyền dạy và luôn được các ngôn sứ nhắc tới. Vai trò của các ngôn sứ như thế là cần thiết và có tầm vóc lớn lao trong xã hội Ít-ra-en ngày xưa. Và đó cũng là ý nghĩa vẫn còn nguyên giá trị cho cuộc sống con người trong bất kỳ ở một thời đại nào.


b. Chính trị quốc gia

Không chỉ thuần túy về xã hội, các ngôn sứ còn có một tiếng nói về phương diện chính trị quốc gia. Vì trong thời mà dân Chúa có cơ cấu quốc gia, thì ngôn sứ là cố vấn tôn giáo của quốc gia đó, của quốc vương và của hàng công chức phục vụ thể chế đó. Tư tưởng các ngôn sứ thường chủ trương là đừng liên lụy vào những liên minh với ngoại bang. Vì những liên minh kiểu này chỉ gây phiền toái quốc tế và đưa đến chiến tranh. Điều đáng ngại hơn là liên minh với ngoại lai đưa tới trà trộn về tôn giáo: liên minh thường được ký kết bằng những vụ hôn nhân, và như vậy nhà vua sẽ có những phụ nữ ngoại giáo bên cạnh mình. Điều này lịch sử Ít-ra-en đã minh chứng, điển hình là thời vua Sa-lo-mon.

Là một người được mời gọi bảo vệ những giá trị tôn giáo, các ngôn sứ đã lên tiếng chống lại những đường lối chính trị có thể xâm hại đến giá trị thiêng liêng đó và chống lại tất cả những toan tính con người đi ngược lại ý định tốt đẹp của Đức Chúa. Chế độ thần quyền không biến chuyển theo như sứ ngôn mong muốn. Vì ý thức rằng dầu vương quyền hay chính trị quốc gia cũng là những thiết chế phải quy chiếu về vương quốc Thiên Chúa nên các ngôn sứ không thể làm ngơ trước vận mệnh quốc gia – dân tộc.

I-sai-a đã mạnh dạn chống lại vua và các vị hữu trách nước Giu-đa bằng những lời sấm, như chống đoàn sứ giả được phái qua Ai-cập:

Khốn thay những đứa con phản nghịch

- Sấm ngôn của Đức Chúa!

Chúng thực hiện kế hoạch, nhưng không phải của Ta,

chúng ký kết thỏa hiệp, nhưng không theo thần khí của Ta,

cứ chồng chất tội này lên tội khác.

Chúng đâu thỉnh ý Ta khi lên đường đi xuống Ai-ập

tìm sự che chở của Pha-ra-ô, và núp bóng Ai-cập.

Sẽ khiến các ngươi phải thẹn thùng,

và việc ẩn núp dưới bóng Ai-cập

sẽ làm cho các ngươi phải nhuốc hổ.

Dù thủ lãnh của nó đã ở Xô-an,

và sứ giả của nó đã tới Kha-nết,

tất cả sẽ thất vọng ê chề vì một dân vô tích sự,

chẳng giúp đỡ, chẳng làm gì cho ai cả,

chỉ đem lại then thùng với ô nhục.

(Is 30,1-5)

Lập trường của I-sai-a luôn từ khước mọi liên minh quân sự. Vua Khát-ki-gia bắt liên minh với Ai Cập. I-sai-a phản đối vì theo ông, phải tìm nương tựa và bảo đảm nơi một mình Thiên Chúa, chứ không ở một quyền lực thế trần nào. Chính Người mới thực sự nắm quyền trên thế giới và có thể giải thoát Giu-đa. Các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong vùng cho tới cuối thế kỷ VII (TCN), nhất là những khi có một vua At-sua qua đời. Mỗi lần như vậy, I-sai-a đều can thiệp để khuyên người ta theo con đường chính trị không thỏa hiệp ấy, vừa thực tế lại vừa hợp với lòng tin vào Thiên Chúa. I-sai-a dấn thân quyết liệt vào các vấn đề chính trị, xã hội thời đại và cố gắng nhận định, sống mọi biến cố dưới ánh sáng đức tin. Ông quả là một đại biểu xứng đáng cho niềm tin truyền thống Ít-ra-en!

Một trong những ngôn sứ cũng có tầm quan trọng khác - Giê-rê-mi-a - đã phê bình một cách rất hệ thống những yếu tố của chế độ đương thời. Ơ triều đại Giô-gia-khin, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã từng cảnh báo nhà vua:

Ngươi hãy nói với vua và thái hậu: Xuống chỗ thấp mà ngồi đi,

vì vương miện huy hoàng đâu còn trên đầu các ngươi nữa.

Ở Ne-ghép, các thành bị phong tỏa, không một ai có thể giải vây.

Toàn thể Giu-đa phải đi lưu đày, đi lưu đày tất cả.

(Gr 13,18-19)

Trong một sấm khác, Giê-rê-mi-a còn lên án nhà vua rằng:

Hãy lên núi Li-băng mà kêu gào;

hãy cất tiếng trên dãy Ba-san;

hãy kêu gào từ dãy núi A-va-rim,

vì mọi kẻ yêu mến ngươi đã bị đè bẹp.

Ta đã phán với ngươi lúc ngươi được yên ổn,

nhưng ngươi đã nói: “Tôi chẳng thèm nghe!”

Từ lúc còn trẻ, ngươi vẫn sống như thế,

ngươi đâu có chịu nghe tiếng Ta.

Mọi kẻ chăn dắt ngươi sẽ bị gió cuốn sạch,

những kẻ yêu mến ngươi sẽ phải đi đày.

Thật vậy, bấy giờ ngươi sẽ phải hổ ngươi bẻ mặt

vì mọi thói gian ác của ngươi.

Chính ngươi là kẻ đang cư ngụ trên núi Li-băng,

tổ ấm của ngươi ở giữa các cây hương bá.

Nhưng than ôi! Khi cơn đau ập xuống thình lình,

ngươi sẽ phải rên siết quằn quại như sản phụ lâm bồn!

(Gr 22,20-23)

Ngôn sứ nói sự thật không được đón nhận lại còn bị xem như phản quốc. Đồng bào của Giê-rê-mi-a đã không hiểu gì về vai trò của ông: vai trò nhằm bảo vệ những giá trị tôn giáo. Nhiệm vụ ngôn sứ bắt ông phải lớn tiếng can thiệp vào đời sống chính trị và tôn giáo của dân, để cảnh cáo những tội lỗi và đe dọa hình phạt do Chúa gởi đến. chính do tính nhạy cảm ấy mà những liên lạc của ông với Chúa rất sống động, đôi khi gay gắt, nhưng bao giờ cũng thành thật sâu đậm. Đây chính là sự đóng góp độc đáo của Giê-rê-mi-a: giúp đào sâu mối liên lạc mật thiết giữa Thiên Chúa và mỗi con người trong đời thường, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn. Ông hoạt động hăng say và mãnh liệt cho tới khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ: không ngừng kêu gọi những người còn lại ở Ít-ra-en phải cấp bách hoán cải, chủ trương phục tùng Ba-by-lon bấy giờ là ông chủ mới của Phương Đông. Lập trường chính trị này không được người đương thời tán thành, đặc biệt những người quyền thế ở Giê-ru-sa-lem. Do đó, ông bị bách hại và tra tấn, nhưng thoát chết nhờ ít bạn bè có địa vị cao che chở. Tuy thời Xít-ki-gia-hu, con của Giô-si-gia, lên ngôi, nhà vua coi trọng và thường tham vấn Giê-rê-mi-a nhưng chủ trương của Giê-rê-mi-a vẫn không được áp dụng. Trong một lần tham vấn, nhà vua muốn hỏi Giê-rê-mi-a một điều và Giê-rê-mi-a trả lời: “Tôi mà nói thật với các ngài, các ngài lại không cho giết tôi sao? Tôi có góp ý kiến với ngài, ngài cũng chẳng thèm nghe!” (Gr 38,15). Quả đúng như thế, lời Giê-rê-mi-a không được người đương thời đón nhận; vì thế đại họa đã xảy đến cho Giu-đa. 597 (TCN) Ba-by-lon chiếm Giê-ru-sa-lem lần I và dân bị lưu đày đợt I. Năm 587 (TCN) Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, đền thờ bị phá hủy, dân bị lưu đày đợt II. Ông là người chống đoi liên minh chính trị với Ai-cập, cuối cùng phải trải qua những ngày cuối cùng trên đất nước này do sự bức bách của nhóm người cuồng nhiệt. Ông bị người đồng hương hành hạ, ghen ghét, đem xử án, bắt giam và sau cùng bị cưỡng bức sang Ai Cập và chết tại đó.

Cùng thời với Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, bằng những thị kiến, đã đóng góp không nhỏ vào thể chế chính trị quốc gia. Trong một thị kiến, ông được đưa tới cửa Đông và được Vị Thẩm phán tối cao soi sáng cho biết về các đường lối chính trị ngoan cố chống Ba-by-lon của nhóm 25 người lãnh đạo tại triều đình Xít-ki-gia. Những người này cuồng tín về tính cách bất khả xâm phạm của Giê-ru-sa-lem, tự cho rằng mình sẽ nhắm mắt bình an trong nội thành, như thịt chín dần trong nồi! Giờ đây Thiên Chúa dùng ngôn sứ nói cho họ hay: thịt chín dần trong nồi Giê-ru-sa-lem sẽ không phải là họ, mà sẽ là những kẻ bị thảm sát bởi tay họ và do đường lối chính trị của họ. Chính họ, trái lại họ sẽ chết bất đắc kỳ tử ở một nơi nào đó mãi tận ngoài biên cương xứ sở, dưới lưỡi kiếm của Na-bu-cô-no-xo, tên lý hình của Thiên Chúa[17]. Điều này, sách Ê-dê-ki-en có đoạn chép như sau:

Đức Chúa phán với tôi: “Hỡi con người, đây là những người bày ra chước độc và toan tính mưu thâm trong thành này. Chúng nói: Chưa xây nhà xây nhà ngay được đâu, vì thành là nồi, chúng ta là thịt. Vì thế, hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội chúng, hãy tuyên sấm.” Thần khí Đức Chúa ập xuống trên tôi; người phán với tôi: “Ngươi hãy nói: Đức Chúa phán thế này: Hỡi nhà Ít-ra-en, các ngươi đã nói như thế, và những gì nảy sinh từ thần khí các ngươi, Ta biết hết. Các ngươi đã tăng số thương vong trong thành này và các ngươi chất đầy thương vong ngoài đường phố. Vì vậy, Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: thương vong các ngươi để ở giữa thành sẽ là thịt, và thành sẽ là nồi; còn chính các ngươi, Ta sẽ bắt các ngươi phải ra khỏi đó. Các ngươi sợ gươm đao, nhưng Ta sẽ khiến gươm đao đến trừng phạt các ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Ta sẽ bắt các ngươi phải ra khỏi thành và sẽ trao nộp các ngươi vào tay ngoại bang; Ta sẽ thi hành án phạt các ngươi. Các ngươi sẽ ngã gục vì gươm đao; Ta sẽ xét xử các ngươi ở biên giới Ít-ra-en và các ngươi sẽ nhận biết chính ta là Đức Chúa. Đối với các ngươi, thành sẽ không còn là nồi và các ngươi cũng dẽ không còn là thịt trong nồi nữa; Ta xét xử các ngươi ở biên giới Ít-ra-en. (Ed 11,2-11)

So với các ngôn sứ khác, Khác-gai nói đến việc chính trị theo một giọng điệu riêng. Điều này dễ hiểu bởi Khác-gai đã ở trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn mới, thời sau lưu đày. Cũng trong bối cảnh ấy, bối cảnh mà Giê-ru-sa-lem đã bị phá hủy, dân đã thấm thía thử thách trong lưu đày và lời các ngôn sứ nói xưa đã ứng nghiệm, lời của ngôn sứ giờ đây trở nên ngọt ngào và dễ nuốt hơn với dân: “Bấy giờ, ông Dơ-rúp-ba-ven con ông San-ti-ên, thượng tế Giê-su-a con ông Giơ-hô-xa-đắc và tất cả những người còn sót lại trong dân đã vâng nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, và nghe lời ngôn sứ Khác-gai theo lệnh Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, đã truyền cho ông. Dân tỏ ra kính sợ Đức Chúa (Kg 1,12). Ngôn sứ loan báo cuộc phục hưng triều đại Đa-vít nơi con người Dơ-rúp-ba-ven (1,1.12-14). Dơ-rúp-ba-ven là con của San-ti-ên, cháu của Dơ-gio-gia-khim, vua Giuđa bị lưu đày năm 597 (TCN). Dơ-rúp-ba-ven là hậu duệ Đa-vít. Ông được vua Ba Tư đặt làm Thủ Lãnh tỉnh Sa-ma-ri, với sứ mệnh tái thiết đền thờ theo chỉ dụ vua Ky-rô năm 538 (TCN). Sách của ông kết thúc với những hy vọng phục hưng nền quân chủ nơi người hậu duệ Đa-vít này (2,20-23). Cùng với Dơ-rúp-ba-ven, Gio-suê nhận chức vụ thượng tế, là nhân vật chính yếu của cộng đoàn hồi hương hình thành quanh đền thờ và Tư tế.

Như thế, trên bình diện chính trị quốc gia, các ngôn sứ đã chứng tỏ trách nhiệm trong vai trò rất quan trọng của mình. Thoạt nghe, người ta cứ tưởng vai trò thuần túy của ngôn sứ chỉ gói gọn trong phạm vi tôn giáo. Nhưng không, tôn giáo vẫn là sứ vụ chính yếu song chưa phải là điểm dừng trong hoạt động của ngôn sứ. Ơn gọi ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến trần thế thì không giới hạn ở một phạm vi nhất định hay khoanh vùng ở một lĩnh vực nào. Ơn gọi đó là đồng hành cùng dân tộc, cùng đồng bào và cùng đồng loại vì tất cả họ đều là con một Chúa duy nhất, đều là công dân của một vương quốc vượt trên mọi thể chế trần gian. Trong ơn gọi, trong trách nhiệm và lương tâm của mình, ngôn sứ đã can trường đối diện với tất cả mọi thế lực, can trường đấu tranh vì chính nghĩa, cho dù có thể phải hy sinh đến cả tính mạng. Lịch sử Cựu Ước cho thấy, ngôn sứ là phát ngôn viên cho sự thật và công lý. Những chủ trương của các ngài cũng có lúc được đón nhận nhưng bị từ chối là phần nhiều. Đời ngôn sứ là vậy, lắm lúc họ xem ra khác người và lạc lõng giữa dòng đời vì thế gian luôn hướng chiều theo tối tăm hơn là bước theo con cái sự sáng.

III. KẾT LUẬN

Phong trào ngôn sứ thời Cựu Ước đã chấm dứt trong lịch sử, các ngôn sứ đã quá xa chúng ta ngày hôm nay, nhưng những đóng góp của các ngài vẫn âm vang mãi trong lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại. Vai trò của các ngài chính yếu và để lại dấu ấn sâu đậm nhất vẫn là trên bình diện tôn giáo. Tại đó, các ngôn sứ cho thấy một vị trí quan trọng của các ngài trong mặc khải, cho thấy những đóng góp quý báu cho thần học, cho thấy lập trường đúng đắn trong việc tế tự và cho thấy vai trò người dọn đường tích cực cho Đức Giê-su Ki-tô. Trên bình diện xã hội, các ngôn sứ là phát ngôn viên của những giá trị chân thiện mỹ và luân thường đạo lý. Họ là những nhà đấu tranh cho công bằng xã hội, cho quyền sống con người, cho công lý và tự do và cho sự an dân quốc thịnh. Chính các ngôn sứ đã đảm bảo cho một dân tộc được tồn tại, đúng như nhận định sau đây:

Làm thế nào quốc gia Do thái tồn tại được, trong khi biết bao tiểu bang thời Thượng Cổ đã mất bản chất của họ trong lò nung của các đại đế quốc Cận Đông. Ít dân tộc xuống dốc đến mức thấp đến như vậy: bị kiệt quệ vì bại trận liên tiếp, còn sót lại một nhóm nhỏ, lưu đày sang miền xa xăm, chịu ách thống trị lâu dài của những cường quốc mà nền văn minh vượt xa hẳn mình, thế mà dân tộc này đã tồn sinh nổi, lại kiến thiết một cộng đồng quốc gia và duy trì được một truyền thống mà tính cách liên tục và nhịp phát triển nội tại đã gây ảnh hưởng kiến tạo trong cả lịch sử hậu thế. Làm thế nào công tình đó đã thành công? Giải đáp duy nhất phù hợp với sự kiện là thế này: Các đại ngôn sứ đã biết soạn thảo một lối giải thích đặc biệt về nhịp tiến của lịch sử và đã làm cho ít ra một phần lớn đồng bào chấp nhận để đưa họ nhìn về tương lai theo một chiều hướng mới mẻ[18]


Liên hệ trong bối cảnh thời đại hôm nay, nhất là bối cảnh xã hội Việt Nam, ta nhận thấy hơi ấm nồng nàn của các ngôn sứ vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Giá trị, bài học và ý nghĩa thông qua vai trò các ngôn sứ để lại cho dù đã xa cách cả hàng ngàn năm nhưng vẫn còn rất thời sự trong cuộc sống của mỗi tín hữu thế kỷ XXI. Ý kiến sau đây cho thấy trách nhiệm của Giáo Hội cũng như mọi người Ki-tô hữu:

…để phục vụ con người cách hiệu quả, không thể không quan tâm đến chiều kích x hội ny, cũng cĩ nghĩa l phải quan tm đến các vấn đề x hội. Hơn thế nữa, các vấn đề chính trị và x hội lại lin quan đến khía cạnh đạo đức là trách nhiệm đặc thù của Giáo Hội, chẳng hạn chiến tranh, tham nhũng, phá thai, gian dối…, nên Giáo Hội lại càng cần phải quan tâm nhằm làm cho đời sống con người trở nên nhân bản hơn. X hội, v cng với x hội l chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hoá, tất cả đều hàm chứa trong nó những giá trị đạo đức, và vì thế, khơng thể xa lạ với sứ mạng loan bo Tin Mừng[19].

Là người Ki-tô hữu, tôi không thể từ chối sứ vụ ngôn sứ mà mình đã được chia sẻ trong chức vụ ngôn sứ của Đức Ki-tô ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Là người Ki-tô hữu, tôi phải làm chứng cho một nền phụng tự Ki-tô giáo không hệ tại ở hình thức hào nhoáng mà chính yếu là ở lòng thành. Là người Ki-tô hữu, tôi phải loan truyền mặc khải về Thiên Chúa Tình Yêu mà mình là người đã được yêu. Là người Ki-tô hữu, tôi phải dọn đường cho Đức Ki-tô đến với thực tại cuộc sống và với hết mọi người quanh tôi. Và là người Ki-tô hữu, tôi phải đồng hành với đồng bào của mình trong từng hơi thở của cuộc sống, trong từng biến cố của dân tộc và trong vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của hết mọi con người.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Điển ngữ thần học Thánh Kinh. Đà Lạt: Phân khoa thần học Giáo Hoàng học viện Thánh Piô X, 1973.

2. Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước. TPHCM: NXBTPHCM, 2002.

3. Lời Chúa cho mọi người (bản dịch của Nhóm Phiên dịch các giờ kinh phung vụ). Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2008.

4. A. Hari. Đường vào kho báu – Lịch sử Sách Thánh Cựu Ước. UBĐKVN: TPHCM, 1989.

5. Kinh Thánh tổng quát – Giáo trình của Đại chủng viện Thánh Giu-se.

6. Nguyễn Huy Lịch, O.P. Ngôn sứ vụ.

7. Nguyễn Ngọc Mỹ. Tìm từ Kinh Thánh Tân Ước. Hà Nội: Tôn Giáo, 2005.

8. Trần Phúc Nhân. Tìm hiểu Cựu Ước. Uy Ban Đoàn Kết Công Giáo TP. Hồ Chí Minh, 1993.

9. Nguyễn Ngọc Rao, O.P. Các sách ngôn sứ. TPHCM, 2006.

10. Nguyễn Ngọc Rao, O.P. Lịch sử dân Thiên Chúa trong Cựu Ước. TPHCM, 2006.

11. Hồ Thông. Ngôn sứ (Giáo trình Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang).


[1] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ (TPHCM: 2006), tr. 6.


[2] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sư (TPHCM: 2006), tr. 9-10.


[3] X. John A. Hardon, S.J, Từ điển Công giáo phổ thông (TPHCM: Phương Đông, 2008), tr. 409.


[4] X. I-nha-xi-ô Hồ Thông, Ngôn sứ – Giáo trình Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, tr. 78.


[5] X. LM. Trần Phúc Nhân, Tìm hiểu Cựu Ước (UB ĐKCG TP. HỒ Chí Minh, 1993), tr.144.


[6] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ (TPHCM: 2006), tr. 6.


[7] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sư (TPHCM: 2006), tr. 43.


[8] X. Nguyễn Huy Lịch, O.P, Ngôn sứ vụ, tr.72.


[9] X.Sđd, tr. 72.


[10] X.Sđd, tr. 72.


[11] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sư (TPHCM: 2006), tr. 235.


[12] X. Lời Chúa cho mọi người – bản dịch của Nhóm Phiên dịch các giờ kinh phung vụ (Hà nội: NXB Tôn giáo, 2008), tr. 1408.


[13] X. Giáo trình Kinh Thánh tổng quát - Đại chủng viện Thánh Giuse, tr. 570.


[14] X. Nguyễn Huy Lịch, O.P, Ngôn sứ vụ, tr.75.


[15] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sư (TPHCM: 2006), tr. 68.


[16] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ (TPHCM: 2006), tr. 79.


[17] X. Lm. Inhaxiô Nguyễn Ngọc Rao, O.P, Các sách ngôn sứ (TPHCM: 2006), tr. 247.


[18] Trích theo: Nguyễn Huy Lịch, O.P, Ngôn sứ vụ, tr. 1.


[19] X. Nguyễn Văn Khảm. Quan điểm Công giáo về trách nhiệm của Giáo hội trước các vấn đề x hội. Vietcatholic.org