Lasimac là thuốc gì

Furosemide: Thuốc lợi tiểu quai

Kích thước chữ hiển thị

  • Mặc định
  • Lớn hơn

Tên thường gọi: Furosemide

Tên gọi khác:

Frusemide Furosemid
Furosemida Furosemidu
Furosemidum

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Furosemide (Furosemid)

Loại thuốc

Thuốc lợi tiểu quai.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén 20 mg, 40 mg, 80 mg.
  • Dung dịch uống 40 mg/5 ml, 10 mg/ml, 20 mg/5ml.
  • Thuốc tiêm 10 mg/ml, 20 mg/2 ml.

Chỉ Định Của Furosemide

  • Phù trong suy tim sung huyết, bệnh thận và xơ gan.
  • Hỗ trợ điều trị phù phổi cấp.
  • Tiểu ít do suy thận cấp hoặc mạn tính.
  • Tăng huyết áp, đặc biệt khi do suy tim sung huyết hoặc do suy thận.
  • Điều trị hỗ trợ cơn tăng huyết áp.
  • Tăng calci huyết.

Chống Chỉ Định Của Furosemide

Chống chỉ định Furosemide trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với furosemide và các dẫn chất sulfonamide, như sulfamide chữa đái tháo đường.
  • Giảm thể tích máu, mất nước, hạ kali huyết nặng, hạ natri huyết nặng.
  • Tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan kèm xơ gan.
  • Vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.

Liều Lượng & Cách Dùng Của Furosemide

Người lớn

Điều trị phù

  • Liều uống: Liều thông thường 20 - 80 mg, 1 lần trong ngày vào buổi sáng. Nếu không đáp ứng, cho liều tăng thêm 20 đến 40 mg mỗi lần, cách nhau 6 - 8 giờ, cho tới khi đạt được tác dụng mong muốn (bao gồm cả sụt cân). Sau đó, liều có hiệu quả có thể cho uống 1 - 2 lần mỗi ngày hoặc cho uống mỗi tuần 2 - 4 ngày liền. Để duy trì, có thể giảm liều ở một số người bệnh. Trong trường hợp phù nặng, có thể thận trọng điều chỉnh liều tới 600 mg/ngày.
  • Liều thông thường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 20 - 40 mg, một liều duy nhất. Nếu không đáp ứng với liều đầu tiên, liều thứ hai và mỗi liều tiếp theo có thể tăng thêm 20 mg, nhưng không được cho sớm hơn 2 giờ mỗi lần, cho tới khi đạt được đáp ứng lợi niệu mong muốn. Sau đó liều đơn có hiệu quả có thể cho 1 - 2 lần mỗi ngày.
  • Để điều trị phù phổi cấp ở người lớn, có thể tiêm tĩnh mạch chậm trong 1 - 2 phút liều 40 mg. Nếu trong vòng 1 giờ không thấy tác dụng, có thể tăng liều tới 80 mg tiêm tĩnh mạch trong 1 - 2 phút. Ở người lớn có cơn tăng huyết áp, chức năng thận bình thường, có thể cho tiêm tĩnh mạch trong 1 - 2 phút liều 40 - 80 mg.

Điều trị tăng huyết áp: Uống 40 mg, ngày 2 lần.

Điều trị tăng calci huyết: Uống 120 mg/ngày. Trường hợp nặng, tiêm tĩnh mạch 80 - 100 mg mỗi 1 - 2 giờ.

Trẻ em

Điều trị phù

  • Liều uống thông thường 2 mg/kg, uống một lần trong ngày. Nếu cần, liều có thể tăng thêm 1 hoặc 2 mg/kg, cách nhau 6 - 8 giờ, cho tới liều tối đa 6 mg/kg.
  • Điều trị phù phôi cấp hoặc phù do suy tim sung huyết hoặc do thận, liều khởi đầu thông thường là 1 mg/kg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.

Điều trị tăng huyết áp

  • Liều uống khởi đầu thường là 0,5 - 2 mg/kg, ngày một hoặc hai lần, sau đó có thể tăng lên đến 6 mg/kg/ngày khi cần thiết.

Điều trị tăng calci huyết

  • Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 25 - 50 mg, nếu cần có thể tiêm nhắc lại, cách nhau 4 giờ cho tới khi đạt yêu cầu.

Tác dụng phụ của Furosemide

Thường gặp

  • Giảm thể tích máu trong trường hợp điều trị liều cao.
  • Hạ huyết áp thế đứng.
  • Mất cân bằng nước và điện giải bao gồm giảm kali huyết, giảm natri huyết, giảm magnesi huyết, giảm calci huyết, nhiễm kiềm, giảm clor huyết.

Ít gặp

  • Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa.
  • Tăng acid uric huyết và bệnh gout.

Hiếm gặp

  • Viêm mạch, viêm thận kẽ, sốt.
  • Ức chế tủy xương, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu.
  • Tăng glucose huyết, glucose niệu.
  • Viêm tụy và vàng da ứ mật.
  • Ù tai, giảm thính lực, điếc (nhất là khi dùng thuốc ngoài đường tiêu hóa với liều cao, tốc độ nhanh). Điếc có thể không hồi phục.

Không xác định tần suất

  • Mày đay, ban đỏ đa dạng, ban xuất huyết, viêm da tróc vảy, ngứa, phản ứng dị ứng, như phát ban trên da, các dạng viêm da khác bao gồm mày đay, tổn thương bóng nước, mụn mủ ngoại ban tổng quát cấp tính (AGEP), hội chứng Steven-Johnson.
  • Bệnh não gan ở bệnh nhân suy tế bào gan có thể xảy ra.

Lưu Ý Khi Sử Dụng Furosemide

Lưu ý chung

  • Theo dõi các chất điện giải, đặc biệt là kali và natri, tình trạng hạ huyết áp, bệnh gút, bệnh đái tháo đường, suy thận, suy gan. Tránh dùng ở bệnh nhân suy gan nặng. Giảm liều ở người già để giảm nguy cơ độc với thính giác. Khi nước tiểu ít, phải bù đủ thể tích máu trước khi dùng thuốc.
  • Nguy cơ ù tai, suy giảm thính lực có thể đảo ngược hoặc vĩnh viễn tăng lên sau khi dùng IV hoặc IM, đặc biệt ở liều cao, sau khi dùng quá nhanh, ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận nghiêm trọng và/hoặc ở bệnh nhân đang dùng các thuốc độc với tai khác (ví dụ, aminoglycoside).
  • Thận trọng khi dùng furosemide ở trẻ em, nhất là khi dùng kéo dài.
  • Phải theo dõi cẩn thận cân bằng nước và điện giải. Trẻ sơ sinh thiếu tháng khi dùng furosemide có thể có nguy cơ bị bệnh còn ống động mạch. Furosemide chiếm chỗ của bilirubin tại vị trí gắn albumin, phải dùng thận trọng ở trẻ em bị vàng da. Độ thanh thải của furosemid ở trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với người lớn, nửa đời thải trừ trong huyết tương dài gấp 8 lần, phải tính toán khi dùng liều nhắc lại.
  • Tốc độ truyền tĩnh mạch không quá 4 mg/phút, chậm hơn ở bệnh nhân suy thận, hội chứng gan thận hoặc suy gan.
  • Thận trọng với những người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc tiểu khó vì có thể thúc đẩy bí tiểu cấp. Dùng furosemide được coi là không an toàn ở bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, vì thường kèm với đợt cấp của bệnh.
  • Ở bệnh nhân giảm năng tuyến cận giáp, dùng furosemide có thể gây co cứng cơ (tetani) do giảm calci huyết.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Furosemide có thể làm ảnh hương đến thai do làm giảm thể tích máu của mẹ.
  • Các nghiên cứu trên động vật thấy furosemide có thể gây sảy thai, gây chết thai và mẹ mà không giải thích được. Có bằng chứng thận ứ nước xảy ra ở thai khi mẹ điều trị với furosemide. Không có đủ những nghiên cứu được kiểm soát tốt và đầy đủ ở phụ nữ mang thai, vì vậy chỉ dùng furosemide trong thời kì có thai khi lợi ích lớn hơn nguy cơ có thể đối với thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Dùng furosemide trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế bài tiết sữa. Nên ngừng cho con bú nếu dùng thuốc là cần thiết.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc do giảm sự tỉnh táo.

Quá Liều & Quên Liều Furosemide

Quá liều Furosemide và xử trí

Quá liều và độc tính

Mất nước, giảm thể tích máu, tụt huyết áp, mất cân bằng điện giải, hạ kali huyết, nhiễm kiềm giảm clor.

Cách xử lý khi quá liều

Bù lại lượng nước và điện giải đã mất. Kiểm tra thường xuyên điện giải trong huyết thanh, mức carbon dioxide và huyết áp.

Phải đảm bảo dẫn lưu đầy đủ ở bệnh nhân bị tắc đường ra của nước tiểu từ trong bàng quang (như phì đại tuyến tiền liệt). Thẩm phân máu không làm tăng thải trừ furosemide.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch.

Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Dược Lực Học (Cơ chế tác động)

Cơ chế tác dụng chủ yếu của furosemide là ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+/K+/ 2Cl- ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle, làm tăng thải trừ những chất điện giải này kèm theo tăng bài xuất nước. Thuốc cũng làm giảm tái hấp thu Na+, Cl- và tăng thải trừ K+ ở ống lượn xa và có thể tác dụng trực tiếp cả trên ống lượn gần.

Tương Tác Thuốc

Tương tác với các thuốc khác

  • Các thuốc lợi niệu khác: Làm tăng tác dụng của furosemide.
  • Các thuốc lợi niệu giữ kali có thể làm giảm sự mất kali khi dùng furosemide (có lợi).
  • Kháng sinh: Cephalosporin làm tăng độc tính với thận, aminoglycoside làm tăng độc tính với tai và thận, vancomycinlàm tăng độc tính với tai.
  • Muối lithi: Làm tăng nồng độ lithi trong máu, có thể gây độc. Nên tránh dùng nếu không theo dõi được nồng độ lithi huyết chặt chẽ.
  • Glycoside tim: Làm tăng độc tính của glycoside trên tim do furosemide làm hạ kali huyết. Cần theo dõi kali huyết và điện tâm đồ.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Làm tăng nguy cơ độc với thận, giảm tác dụng lợi tiểu.
  • Corticosteroid: Tăng nguy cơ giảm kali huyết, đối kháng với tác dụng lợi tiểu.
  • Các thuốc chống đái tháo đường: Làm giảm tác dụng hạ glucose huyết của thuốc chống đái tháo đường. Cần theo dõi và điều chỉnh liều.
  • Thuốc giãn cơ không khử cực: Làm tăng tác dụng giãn cơ.
  • Thuốc chống đông: Làm tăng tác dụng chống đông.
  • Cisplatin: Làm tăng độc tính với tai và thận.
  • Các thuốc hạ huyết áp: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp. Nếu phối hợp cần điều chỉnh liều. Đặc biệt khi phối hợp với thuốc ức chế enzyme chuyển angiotensin, huyết áp có thể giảm nặng.
  • Thuốc chống động kinh: Phenytoin làm giảm tác dụng của furosemide, carbamazepin làm giảm natri huyết.
  • Cloral hydrate: Gây hội chứng đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, toát mồ hôi.
  • Probenecid: Làm giảm thanh thải qua thận của furosemide và giảm tác dụng lợi niệu.
  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương (clopromazin, diazepam, clonazepam, halothan, ketamin): Tăng tác dụng giảm huyết áp.

Tương tác với thực phẩm

Cam thảo: Ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu.

Tương kỵ thuốc

Dung dịch furosemide tiêm là dung dịch kiềm nhẹ, không được trộn lẫn hoặc pha loãng trong dung dịch glucose hoặc dung dịch acid, không được phối hợp bất cứ thuốc gì vào dịch truyền hoặc bơm tiêm có chứa furosemide.

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem.

ThuốcTương tác
Duloxetine Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của hạ huyết áp thế đứng và ngất có thể tăng lên khi Furosemide được kết hợp với Duloxetine.
Levodopa Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của hạ huyết áp và hạ huyết áp thế đứng có thể tăng lên khi Furosemide được kết hợp với Levodopa.
Allopurinol Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ có thể được tăng lên khi Furosemide được kết hợp với Allopurinol.
Canagliflozin Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của hạ huyết áp có thể tăng lên khi Canagliflozin được kết hợp với Furosemide.
Cisplatin Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của độc tính trên tai và thận có thể được tăng lên khi Furosemide được kết hợp với Cisplatin.
Dofetilide Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của QTc kéo dài, xoắn đỉnh, hạ kali máu, hypomagnesemia, và ngừng tim có thể được tăng lên khi Furosemide được kết hợp với Dofetilide.
Foscarnet Furosemide có thể làm giảm tốc độ bài tiết Foscarnet có thể dẫn đến một mức độ huyết thanh cao hơn.
Ivabradine Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của tim loạn nhịp tim có thể được tăng lên khi Furosemide được kết hợp với Ivabradine.
Probenecid Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ có thể được tăng lên khi Probenecid được kết hợp với Furosemide.
Risperidone Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của hạ huyết áp có thể tăng lên khi Furosemide được kết hợp với Risperidone.

Nguồn Tham Khảo

Tên thuốc: Furosemide

  1. Dược thư Quốc gia 2015

  2. Emc: https://www.medicines.org.uk/emc/product/107/smpc

  3. Drug.com: https://www.drugs.com/furosemide.html

Ngày cập nhật: 21/07/2021

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các Bệnh Liên Quan

  • Phù
  • Huyết áp cao / Tăng huyết áp

Các sản phẩm có thành phần Furosemide

  • Thuốc spiromide 20mg/50mg searle giảm phù, lợi tiểu, hạ huyết áp (2 vỉ x 10 viên)
  • Thuốc franilax 50mg/20mg davi pharm điều trị phù, báng bụng (30 viên)
  • Thuốc spiromide 40mg/50mg searle điều trị cao huyết áp (3 vỉ x 10 viên)
  • Thuốc urostad 40mg stella điều trị phù phổi cấp (5 vỉ x 10 viên)
  • Thuốc agifuros 40mg agimexpharm dùng trong phù phổi cấp, tim, gan (250 viên)
  • Thuốc furosemide 40mg mekophar điều trị phù phổi cấp (10 vỉ x 30 viên)
  • Thuốc diurefar 40mg pharmedic giảm phù nề (10 vỉ x 12 viên)
  • Thuốc furosemid 40mg traphaco điều trị phù phổi, phù não (2 vỉ x 20 viên)
  • Thuốc tiêm vinzix 20mg/2ml vinphaco điều trị phù nề (10 vỉ x 5 ống x 2ml)
  • Thuốc savi spirono-plus 50mg/20mg điều trị tăng huyết áp (2 vỉ x 10 viên)
  • Thuốc vinzix 40mg vinphaco điều trị tăng huyết áp (5 vỉ x 50 viên)
  • Thuốc furosemide 20mg vidipha điều trị phù phổi cấp (5 vỉ x 10 ống)
  • Thuốc lợi tiểu furosan 40mg hasan điều trị phù ở tim, gan, thận (100 viên)
  • Thuốc furosemide stada 40mg điều trị phù do tim, tăng huyết áp (5 vỉ x 10 viên)