Kinh doanh ăn uống có bao nhiêu loại hình

Xu hướng Kinh Doanh F&B năm 2022 không hẳn phải có nguồn vốn mạnh, quy mô lớn mới mang lại sự thành công. Trong thời buổi hiện nay, xu hướng thị trường ngày càng thay đổi chính vì vậy những nhà đầu từ kinh doanh phải nhanh chóng thích nghi để tồn tại.

Vượt ra khỏi giới hạn “ăn no mặc ấm” để bước vào giai đoạn “ăn ngon mặc đẹp”, Xu hướng kinh doanh F&B cũng bắt đầu thay đổi bởi ẩm thực Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn.

Từ sự phát triển không ngừng của cuộc sống và nhu cầu ngày một cao của con người, ngành kinh doanh ẩm thực đã không còn đơn thuần là buôn bán sinh lời, mà còn là yếu tố văn hóa, một nét duyên dáng và cốt cách… Tuy nhiên, SARS-CoV-2 đã làm thay đổi tất cả.

Không chỉ cướp đi sự bình an của bao nhiêu con người, đại dich này còn mang lại những tác động nặng nề cho nhiều mô hình F&B, đòi hỏi sự thay đổi kịp thời của các xu hướng kinh doanh để ứng phó với tình hình chung của thời đại.

- Bán hàng mang đi thay cho thưởng thức tại chỗ

- Nhanh – gọn thay cho cầu kỳ, tốn thời gian

- Bữa ăn tiết kiệm thay cho xa xỉ và tốn kém

Trước những diễn biến khó lường và chưa có dấu hiệu kết thúc của đại dịch, 3 thay đổi trên chính là những định hướng tất yếu để các mô hình F&B chuyển đổi kịp thời trong giai đoạn hiện nay.

Tiềm năng phát triển của các loại hình kinh doanh F&B hiện nay

1. Xe đẩy đường phố

Loại hình kinh doanh nhanh - gọn này đang là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, nhất là cho những bữa ăn sáng. Là cách giải quyết hiệu quả cho bài toán tập trung đông người tại các hàng quán lưu trú, bài toán tiết kiệm và giảm “cơn ngán” cơm nhà của người dân.

Giai đoạn 2020 đến nay, chúng ta chứng kiến nhiều tác động không vui của SARS-CoV-2 đối với các ngành kinh doanh F&B tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một ngoại lệ mà chỉ cần quan sát trên các con phố thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra - đó chính là sự phát triển nhanh và mạnh của các thương hiệu xe đẩy.

Dạo một vòng quanh các tuyến đường tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng … kể cả tại các vùng quê, đâu đâu cũng là các xe đẩy bánh mì, fast food, cà phê … mọc lên như nấm.

Cũng trong giai đoạn này, các thương hiệu xe đẩy nhượng quyền bắt đầu vụt sáng, trở thành Xu hướng kinh doanh được nhiều người dân lựa chọn. Một số thương hiệu nổi bật, đang được tin dùng hàng đầu hiện nay như: Bánh Mì Que Đà Nẵng, Hamburger Ông Tây, Cà Phê Ông Bầu …

Tuy là cơ hội lớn để làm giàu trong thời kỳ hiện nay, nhưng nhượng quyền xe đẩy vẫn tồn tại các mặt trái do nhiều đơn vị nhượng quyền “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đòi hỏi người nhận nhượng quyền phải sáng suốt chọn ra 1 thương hiệu uy tín để hợp tác và đồng hành.

Xem thêm các bài viết khác tại đây.

2. Cửa hàng/ Quán

Cửa hàng truyền thống (hàng quán phục vụ tại chỗ)

Có người từng nói rằng: “Bạn có thể chưa từng ăn sáng tại nhà nhưng chắc chắn bạn đã từng ăn tại một hàng quán nào đó”

Giống như các xe đẩy, cửa hàng phục vụ ăn uống tại chỗ cũng có mặt ở khắp nơi, phục vụ đa dạng bữa ăn từ món khô đến món nước, từ buổi sáng cho đến tối khuya. Loại hình cửa hàng này tại Việt Nam thường phục vụ cho khách bình dân hoặc khách du lịch, tùy vào phân khúc khách hàng mà chi phí đầu tư ban đầu cũng khá khác nhau.

Nhưng dù chi phí đầu tư là bao nhiêu đi chăng nữa, thì loại hình cửa hàng này vẫn khó lòng trụ vững trong tình hình mở cửa vài ngày lại phải đóng cửa vài tuần để chống dịch như hiện nay.

Dù đã linh hoạt chuyển sang phục vụ mang đi, nhưng đại đa số các cửa hàng hiện nay đều phải bù lỗ vì phần doanh thu từ việc bán hàng mang đi - sai định hướng phục vụ tại chỗ ban đầu, vẫn thấp hơn rất nhiều so giá thuê mặt bằng và các chi phí phải bỏ ra.

Cửa hàng take away

Nếu nhắc đến quán ăn có bàn ghế, ngay lập tức ta sẽ liên tưởng đến: Cơm, cháo, hủ tiếu … Còn khi nhắc đến cửa hàng take away các bạn sẽ nhớ đến món gì?

Đó có phải là cà phê, nước mía, burger, hotdog … hay kể cả bánh mì. Nghe thì có vẻ quen đấy, đó không phải là những món ăn được bán trên mô hình xe đẩy hay sao?

Tuy đều là “cửa hàng” nhưng mô hình take away gần như khác biệt hoàn toàn so với các dạng cửa hàng truyền thống. Chúng thường không có bàn ghế, diện tích mặt bằng nhỏ, chỉ phục vụ mang đi, menu thường là những món thức ăn nhanh … và đặc biệt loại hình này đang là một trong những Xu hướng kinh doanh được quan tâm khá nhiều hiện nay.

· Không tốn quá nhiều vốn đầu tư về bàn ghế, không gian, mặt bằng … như các cửa hàng truyền thống

· Đáp ứng được yêu cầu tiện lợi, nhanh chóng trong cuộc sống hối hả hiện nay

· Không phục vụ tại chỗ, góp phần hạn chế việc tụ tập ăn uống đông người

· Các cửa hàng take away hướng đến phong cách chuyên nghiệp, giúp khách hàng có sự yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm

Cũng giống như xe đẩy, người có nhu cầu kinh doanh một cửa hàng take away giờ đây đã có thể thuận tiện làm chủ một cửa hàng với sự giúp sức của các thương hiệu nhượng quyền. Từ công thức món ăn, bài trí không gian đến các kinh nghiệm quản lý cần thiết, tất cả đều sẽ được đơn vị nhượng quyền thay bạn thực hiện, trong đó phải kể đến các thương hiệu nổi bật như: Cửa Hàng Buổi Sáng Tuyệt Vời, Rau Má Mix, Laha Cafe ….

3. Food truck

Nhắc đến food truck ta sẽ nhớ ngay đến Mỹ, đất nước đã sản sinh ra loại kinh doanh F&B đặc biệt này. Với hơn 4000 xe tải bán đồ ăn nhanh, food truck đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực khó thể nhầm lẫn và rất riêng của Mỹ.

Tại Việt Nam những năm gần đây, nhiều xe tải bán đồ ăn, trà sữa đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian duy trì vẫn không được bao lâu dù đã từng được kỳ vọng sẽ trở thành một xu hướng kinh doanh độc đáo, mới lạ, hướng đến khách hàng trẻ tuổi.

Nguyên nhân đến từ những hạn chế của thị trường Việt Nam:

· Chưa có chính sách riêng cho food truck như vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

· Chi phí đầu tư cho một chiếc xe tải để kinh doanh đồ ăn lưu động quá cao. Thay vào đó, nếu người dân dùng xe tải sẽ là để kinh doanh theo hình thức khác như vận chuyển, cho thuê có thể sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

· Đường phố tại Việt Nam hẹp, không có nhiều diện tích cho một chiếc xe bán hàng, khó di chuyển và tìm vị trí dừng đỗ.

· Lực lượng cạnh tranh hùng hậu: Hàng rong, xe đẩy, cửa hàng take away.

4. Nhà hàng

Không còn là nơi chỉ cung cấp dịch vụ ăn uống, nhà hàng ngày nay còn “bán” luôn những trải nghiệm về chất lượng phục vụ, cũng là nơi đáp ứng nhu cầu kết nối và hình thành các mối quan hệ xã hội của mọi người.

Tuy nhiên sau hơn một năm đại dịch đầy sóng gió, cũng như sự bùng nổ của công nghệ giao hàng, xu hướng kinh doanh nhà hàng đã bắt đầu có dấu hiện chững lại. Thậm chí hiện nay, đã không còn nhà đầu tư nào đủ liều lĩnh để mở một nhà hàng mới vì chưa biết sẽ được phép sẽ mở cửa bao nhiêu ngày trong năm.

Để mang lại thành công cho một nhà hàng khó hơn rất nhiều lần so với việc thành công ở các loại hình khác, không chỉ đòi hỏi cái tài của người quản lý mà còn cần sự phối hợp của rất nhiều bộ phân liên quan như đầu bếp, nhân viên phục vụ, bộ phận văn phòng, kể cả bảo vệ, lao công … Mỗi bộ phận đều là một phần quan trọng trong bộ máy, vừa đảm bảo khả năng chuyên môn, vừa luôn phải thể hiện tính chuyên nghiệp trong nơi làm việc.

Hiện nay, có rất nhiều cách để phân loại nhà hàng, ví dụ như:

· Theo loại ẩm thực: Nhà hàng món âu, nhà hàng Thái, nhà hàng Nhật, nhà hàng chay ….

· The quy mô: Nhà hàng cao cấp, nhà hàng tầm trung, nhà hàng bình dân …

· Theo loại hình phục vụ: Nhà hàng tự phục vụ (Buffet), nhà hàng chọn món (Alacarte), nhà hàng cà phê và có phục vụ ăn uống (Coffee shop), Nhà hàng đồ ăn nhanh (Fast food) …

5. Hàng rong

Đừng vội xem thường những cô bán hàng rong “một nắng hai sương” bên những cái đòn gánh hay những sọt hoa quả trên chiếc xe đạp cũ kỹ. Cũng đừng vội cho rằng “họ nghèo”, vì đôi khi vài người trong số họ chính là những đại gia ngầm với nguồn thu nhập cao mà đến các ông chủ lớn cũng phải xin thua.

Không chỉ là đại gia ngầm, nhiều người trong số đội ngũ hàng rong còn là những bậc thầy chính hiệu của việc kinh doanh và làm marketing.

- Là chuyên gia tâm lý: Thay vì chào mời người lớn, người bán hàng rong sẽ chào mời với con của họ. Bởi họ biết rằng món đồ ăn này cũng không quá mắc để chối từ.

- Luôn chiều lòng khách hàng: Khách xin thêm tí rau, tí bún có thể sẽ bị tính thêm tiền ở các loại hình khác, nhưng người bán hàng rong luôn vui vẻ đáp ứng những yêu cầu này.

- Bất cứ ai cũng là người quen: Luôn cư xử xởi lởi để chiếm cảm tình, có thể món ăn của họ sẽ không quá ngon nhưng vì sự gần gũi, thái độ tình cảm nên khách hàng sẽ luôn yêu mến họ.

- Quảng cáo đỉnh: Chắc hẳn chúng ta đã không còn xa lạ với các bảng xốp ghi giá của các xe hàng rong. Ví dụ: “Vải 20 nghìn nửa cân” họ sẽ viết số 20 rất to và chữ “1/2” sẽ viết bé xíu. Khi khách hàng vào mua biết là 40 nghìn 1 cân. Nhưng nhờ 3 kỹ năng phía trên họ sẽ thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm của mình.

Giờ đây, các bạn có thể nắm rõ được những loại hình kinh doanh F&B và biết được loại hình nào sẽ phù hợp với xu hướng kinh doanh trong thị trường hiện nay. Thông qua những thông tin kiến thức được Lâm Vũ Group chia sẻ, hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Chúc các bạn sức khoẻ và thành công!