Kí tự đặc biệt trong LaTeX

Bài học 3

Mục lục Xem bài bổ sung của bài này Bài tiếp theo

Bài này giải thích bố cục cơ bản của các văn bản LaTeX, và một số câu lệnh cơ bản và hay dùng nhất của ngôn ngữ soạn thảo này.

Văn bản LaTeX đầu tiên sẽ rất đơn giản, ý tưởng là để cho bạn thấy bố cục của một văn bản và cách để biên dịch nó thành công. Đây cũng là cơ hội đầu tiên của bạn để sử dụng các ví dụ ở đây trên learnlatex.org.

Nếu bạn đang sử dụng một hệ thống TeX được cài đặt lên máy tính của mình, trong trình soạn thảo mã nguồn hãy tạo một tệp mới đặt tên là first.tex, và sao chép đoạn mã sau vào tệp hoặc gõ lại nó.

Nếu bạn đang sử dụng một dịch vụ trực tuyến, bạn có thể nhấn vào nút ‘Chạy với TeXLive.net’ hoặc ‘Mở trong Overleaf’ để thử nó!

Chúng tôi khuyên bạn nên thử những lựa chọn trực tuyến ngay cả khi đã cài đặt một hệ thống TeX, vì đây là một cơ hội tốt để thấy được các lựa chọn khác nhau hoạt động như thế nào.

Chú ý rằng ta sẽ dùng tiếng Anh cho các ví dụ ở đây. Cách dùng tiếng Việt trong LaTeX sẽ được nói tới trong một bài khác.

\documentclass{article}
\usepackage[T1]{fontenc}

\begin{document}
Hey world!

This is a first document.
\end{document}

Lưu tệp lại và biên dịch thành một tệp PDF. Nếu bạn đang sử dụng một hệ thống LaTeX trên máy tính của mình, nút biên dịch sẽ tùy thuộc vào trình soạn mã nguồn mà bạn dùng. Bạn sẽ được một tệp PDF có dòng chữ phía trên và số trang; LaTeX thêm số trang tự động.

Xem tệp output first.pdf với một trình đọc PDF. Chúc mừng, bạn đã biên dịch thành công tệp LaTeX đầu tiên!

Nếu bạn muốn nhận output dạng HTML thay vì PDF, đọc Hướng dẫn sử dụng trang để xem cách làm như vậy.

Xử lý lỗi

Nhiều khi quá trình biên dịch có thể sinh lỗi. Kiểm tra bạn đã gõ lại mỗi dòng trong tệp LaTeX giống hệt như đã viết ở trên. Đôi khi một thay đổi rất nhỏ trong mã LaTeX có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong văn bản, đôi khi thậm chí làm cho trình dịch không thể xuất ra văn bản được. Nếu bạn cảm thấy bị mắc, xóa toàn bộ mã và sao chép lại đoạn mã trên từ đầu.

Nếu quá trình biên dịch LaTeX kết thúc với một dấu hỏi chấm ?, bạn có thể thoát ra bằng việc gõ x và nhấn <Enter>.

LaTeX thường cố gắng để các đoạn lỗi có ích cho người dùng, nhưng chúng không giống các đoạn lỗi trong các trình soạn thảo văn bản. Một vài phần mềm sửa mã nguồn còn cắt đi một phần đoạn lỗi, và phần bị cắt có thể chứa những yếu tố quan trọng. LaTeX luôn viết lại những gì nó đang làm vào một tệp, đây là một tệp có định dạng .log. Bạn luôn luôn có thể xem toàn bộ đoạn lỗi ở đó, và khi bạn gặp một vấn đề nào đó, những người dùng LaTeX thành thạo thường đề nghị bạn cung cấp một bản sao của tệp log này.

Ta sẽ nói thêm về các cách xử lý lỗi trong bài 15.

Những kiến thức ta đã có được

Văn bản ở trên cho thấy những điều cơ bản nhất. Các văn bản LaTeX là sự kết hợp giữa các đoạn văn bản và các câu lệnh. Các câu lệnh bắt đầu bằng một ký tự \, đôi khi có những đối số (argument) trong cặp ngoặc nhọn {} (và đôi khi có những đối số không bắt buộc trong cặp ngoặc vuông []). Sau đó bạn có được một output PDF bằng việc yêu cầu LaTeX biên dịch mã nguồn của mình.

Mọi văn bản LaTeX đều có một \begin{document} kết hợp với một \end{document}. Giữa hai cái này là phần thân văn bản, nơi mà bạn để nội dung văn bản của mình. Trong ví dụ trên, phần thân có hai đoạn văn (chú ý rằng trong LaTeX ta phân cách các đoạn văn bằng các dòng trống). Phần đi trước \begin{document} được gọi là phần khai báo (preamble), phần này chứa các đoạn mã để thiết lập những cài đặt và thiết kế cho văn bản.

Lệnh \usepackage sẽ được giới thiệu trong một bài sau. Dòng \usepackage[T1]{fontenc} được thêm vào hầu hết các ví dụ trong khóa là để thiết lập mã hóa font (font encoding) cho các ví dụ này; chúng ta chưa cần phải quan tâm quá nhiều đến nó.

Ngoài ra, LaTeX cũng có nhiều cặp \begin{...}\end{...} nữa; những cặp này được gọi là các môi trường. Chúng không thể đứng một mình: đối với mỗi \begin{x} cần phải có một \end{x}. Bạn cũng có thể lồng các môi trường với nhau, nhưng đảm bảo rằng các môi trường phải ‘đi theo cặp’, nói cách khác, nếu bạn có \begin{x} ... \begin{y} bạn phải có \end{y} ... \end{x}.

Ta có thể thêm ghi chú vào mã nguồn bằng cách bắt đầu chúng bằng ký tự %. Hãy cùng thử nó xem:

\documentclass[a4paper,12pt]{article} % Lớp văn bản với một số tùy chọn
\usepackage[T1]{fontenc}
% Một ghi chú ở phần khai báo
\begin{document}
% Đây là một ghi chú nữa
This is   a simple
document\footnote{with a footnote}.

This is a new paragraph.
\end{document}

Bạn có thể thấy ta có hai đoạn văn: chú ý một dòng trống đã được sử dụng cho việc đó. Bạn cũng có thể thấy nhiều ký tự trống liên tiếp nhau đã được LaTeX hiểu là một ký tự trống duy nhất.

Đôi khi bạn có thể cần một ký tự trống mạnh hơn mà không bị phân thành các dòng; trong LaTeX ta có thể có được điều này bằng ~ – nó cho một ký tự trống nhưng ‘buộc’ hai từ bên cạnh lại với nhau làm cho chúng buộc phải hiện ra trên một dòng duy nhất. Điều này có thể rất hữu ích khi ta bắt đầu viết các đường dẫn trong văn bản ở phần sau của khóa học này.

Các ký tự đặc biệt

Bạn đã có thể thấy rằng \, {} có ý nghĩa đặc biệt trong LaTeX. Một \ bắt đầu một câu lệnh, {} được dùng cho các đối số bắt buộc: những thông tin mà một câu lệnh yêu cầu.

Có một vài ký tự khác cũng có ý nghĩa đặc biệt, ví dụ như ký tự ~ mà ta vừa mới biết. Hầu như tất cả các ký tự đặc biệt như vậy đều rất ít khi được dùng trong văn bản thông thường, đó là lý do tại sao chúng được chọn cho những việc như vậy. Nếu bạn cần phải viết những ký tự đặc biệt như thế này vào văn bản, bạn có thể đọc thêm trong phần bổ sung của bài học này.

Bài tập

Thử ‘thí nghiệm’ với hệ thống sửa và viết mã tại đây, ấn vào nút để biên dịch văn bản, sau đó sửa mã ngay trong trang này rồi biên dịch lại.

Thử thêm một vài dòng nữa vào văn bản của bạn, biên dịch và xem những thay đổi trong tệp PDF. Tìm hiểu cách hoạt động của trình sửa mã nguồn của bạn và thử tìm cách để đi từ một vị trí trong mã nguồn tới vị trí tương ứng của nó trong PDF. Thử thêm một vài ký tự ~ và xem những ảnh hưởng của nó đến việc tách dòng trong đoạn văn trong LaTeX.

Mục lục Xem bài bổ sung của bài này Bài tiếp theo