Học sinh bị stress từ việc học trực tuyến

Năm học mới đã đến nhưng dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cảm giác tù túng, thiếu vận động… khi phải ở nhà chống dịch, nay cộng thêm việc học online nhiều giờ mỗi ngày, liệu có khiến trẻ mắc các vấn đề về thể chất, tinh thần, đặc biệt là căng thẳng tâm lý? Đây cũng chính là lo lắng của phần đông các phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi đi học trong giai đoạn hiện nay.

Nghe tin con gái chuẩn bị vào lớp 1 sẽ học online, chị Huyền (32 tuổi, nhà ở Q.Tân Bình) hoang mang với bao câu hỏi trong đầu: Học chữ quan trọng nhưng trẻ con rất cần giao tiếp với thầy cô, các bạn. Trẻ cần có môi trường học tập đúng nghĩa, phải tham dự các lễ hội, sự kiện mới hình thành các kỹ năng xã hội, các kỷ niệm thời thơ ấu, tạo nên tính cách cho trẻ.

Học sinh bị stress từ việc học trực tuyến

Phụ huynh có con nhỏ không chỉ đối diện với lo lắng trẻ bị căng thẳng tâm lý khi học online mà còn mối lo về sức khỏe, thể trạng… của trẻ

Còn chị Đỗ Thị Hoàng Lan (38 tuổi, nhà ở Q.Bình Thạnh) suy nghĩ mông lung: Nhà có 2 bé, một bé vào lớp 1, một bé lớp 2 cũng học online thì ai sẽ kèm các con? Bởi chưa thể mua sách vở cho các con, bút thước cũng không… do dịch kéo dài. Dịch bệnh ba mẹ làm việc ở nhà nhưng giờ con học trùng giờ làm/họp của ba mẹ thì phải giải quyết bằng cách nào trong khi con chưa biết chữ và các thao tác trên máy tính? Một năm căng thẳng liên tục vì mỗi ngày chỉ lo chạy ăn, lo sức khỏe chống dịch, cứu trợ… thì tâm trạng nào để dạy con? Trẻ còn nhỏ mà ngồi học một mình trước máy suốt mấy tiếng đồng hồ, điều này quá khó với con, ép con thì cũng tội, mà không học tốt thì cũng không xong….

Những suy tư của chị Huyền, chị Lan cũng là nỗi lo chồng chất nỗi lo của phần đông phụ huynh có con trong độ tuổi đi học khi năm học mới đã cận kề.

Với cha mẹ có con trẻ ở giai đoạn tiểu học, họ lo cho con chưa biết cầm bút, con chữ, cái số viết chưa tròn, mẹ cha còn phải cầm tay “gò” từng chữ thì học online cách nào cho hiệu quả? Trẻ đang quen với chạy nhảy, hát ca, nay bắt trẻ ngồi 1 chỗ trước màn hình phẳng nhiều tiếng đồng hồ, liệu trẻ có hợp tác?

Học sinh bị stress từ việc học trực tuyến

Hơn một nửa trong số học sinh tham gia lớp học qua phần mềm zoom tại một trường trung học TP.HCM tắt camera

Với trẻ lớn hơn, nhu cầu giao tiếp với bạn bè và hoạt động xã hội cũng nhiều hơn. Thời gian học của trẻ cấp 2 kéo dài gần 8 tiếng/ ngày. Bắt đầu từ 6g45 sáng đến 16h30 giờ chiều, nghỉ trưa hơn 2 tiếng. Ngoài ra, chương trình học online thiếu tương tác, giao tiếp, học theo cách thụ động, dễ gây cảm giác buồn chán, học chống đối, tắt camera để chơi game, chat với bạn bè, có cả em tự động “rời khỏi nhóm”. Sự kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc, điều mà cả thầy và trò đã cố công xây dựng ở môi trường học đường, nay bị thách thức dữ dội ở lớp học online.

Theo thống kê vào đầu tháng 6/2021 của Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Hà Nội), trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thời gian qua thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.

Đang là một học sinh chăm chỉ học hành, em T.H. (nữ sinh lớp 8, đang theo học một trường ở quận Tân Bình) bỗng trở nên chán học, học không tập trung, thường ngủ gục… kể từ khi em chuyển sang học online. Em cũng ít nói chuyện với ông bà, cha mẹ như trước.

Hay như tình trạng của bé Nh., năm nay lên lớp 3. Năm lớp 2, bé cũng trải qua thời kỳ học online do dịch bệnh. Lần đầu tiên trải nghiệm, bé háo hức được mấy ngày đầu. Sau đó, ngày nào bé cũng than chán, mệt và không thích học. Cha mẹ dỗ dành nhưng bé nhất quyết không chịu ngồi vào bàn học.

Học sinh bị stress từ việc học trực tuyến

Trẻ dễ sinh tâm lý chán nản, không còn hứng thú với học… nếu thời gian học trực tuyến kéo dài

Môi trường học đường cổ điển không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, mà bản thân bối cảnh trường lớp, mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ bạn bè cũng là những nguồn lực cung cấp sự hỗ trợ tinh thần cho trẻ. Việc một số em thoái lui ở môi trường học online đến từ nhiều nguyên nhân, mà nếu chỉ dựa trên biểu hiện học tập để dán nhãn trẻ là siêng hay lười học sẽ là sự thiếu thông hiểu đối với các em. Trẻ ở lứa tuổi nào cũng cần sự khích lệ, cũng thích thú cảm giác được khen ngợi, được chú ý từ cô giáo, bạn bè sau khi phát biểu một ý tưởng hay nào đó. Bên cạnh những giao tiếp bằng lời, thì những biểu hiện không lời từ giáo viên (gật gù, ánh nhìn động viên, nụ cười…) hoặc sự chú ý từ bạn bè là nguồn động lực cho các em để tham gia nhiệt tình, năng động phát biểu ý kiến. Ông bà ta có câu “Học thầy không tày học bạn”, ngoài việc học từ thầy cô, thì việc các em học nhóm, bàn luận, hoặc nhờ bạn giảng bài, nhìn thấy các bạn mình chăm chú nghe giảng cũng tạo nhiều động lực và hứng thú học tập cho các em. Ở lớp học online, các em sẽ khó tìm được nguồn động lực hay các cách khích lệ như vậy. Việc thiếu tương tác, và giải trí cũng ảnh hưởng nhiều đến sự cân bằng tâm lý của các em, đó là một phần lý do vì sao phụ huynh phàn nàn nhiều việc sao bây giờ các em chơi game nhiều hơn so với trước đây đi học.

Và những căng thẳng tâm lý trong đại dịch này không chỉ diễn ra ở các em, mà phụ huynh cũng là những người phải đau đáu gần như hằng ngày về nguồn lương thực, thu nhập, những lo lắng sức khỏe, ảnh hưởng việc làm… Trẻ em rất nhạy cảm, có thể có một số trẻ quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra trong gia đình, nhưng đa phần các em cũng cảm nhận được sự thay đổi tâm trạng, căng thẳng của ba mẹ hoặc người lớn xung quanh, chưa kể nếu gia đình đó có những mất mát người thân. Tâm lý các thành viên trong nhà ảnh hưởng lẫn nhau.

Bên cạnh những thay đổi về mặt xã hội đã kể trên, thì việc thay đổi phương thức học tập, cũng đang thách thức những thói quen, nếp học hằng ngày của các em. Việc học online đòi hỏi nhiều ở các em sự tự giác, sự kỷ luật, hay động lực học tập. Đây là những điều mà trước đó nhiều trẻ cũng chưa hoàn thiện, nhưng các nguyên tắc của lớp học và giáo viên đã giúp trẻ xây dựng kỷ luật tốt hơn, thì nay, việc học một mình khiến mọi thứ thay đổi.

Ba mẹ cần chú ý khi trẻ có những khác lạ về tâm lý và sinh hoạt như: thay đổi tâm trạng rõ rệt, thường xuyên, khó quản lý cảm xúc hơn trước đây (giận dữ, đau buồn,…), hành vi khác lạ, khó tập trung, tăng hoặc giảm cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, có những cơn đau về mặt cơ thể (nhưng không đến từ bệnh lý cơ thể), tự làm đau bản thân (vết khắc trên da, bứt tóc….), thu rút, ít giao tiếp hơn trước kia,…

Trong một bối cảnh đang diễn ra nhiều thay đổi phức tạp và khó khăn như hiện tại, thật khó để bảo vệ con trẻ hoàn toàn khỏi những biến động chung quanh, hoặc mong đợi trẻ cư xử như bình thường khi con bị tách khỏi trường lớp, bạn bè. Nhưng phụ huynh là những người đồng hành cùng con trong giai đoạn khó khăn này, cũng là những người có thể giúp làm giảm những tác động từ bối cảnh xung quanh tới con:

Học sinh bị stress từ việc học trực tuyến

Động viên con tham gia những hoạt động thể thao cùng gia đình giúp trẻ tăng cường thể chất, tăng khả năng tập trung trong các giờ học

Khả năng tiếp thu và sự biểu hiện học tập của con có thể bị thay đổi trong môi trường học online. Thế nên, khi mong đợi và kỳ vọng thành tích của con vẫn như ở môi trường học tập cũ sẽ là điều khó với trẻ. Ba mẹ có thể cùng con nói chuyện, thảo luận để xem xét kỳ vọng kết quả học tập của con ở mức nào là phù hợp ở hoàn cảnh hiện tại, tránh làm tăng nhiều áp lực cho trẻ.

Việc hỏi han, trò chuyện về việc học tập (môn nào con thích học hơn, khó khăn gì của con, các bạn của con…) sẽ giúp trẻ cảm thấy đang được chú ý và quan tâm đến.

Các trẻ ở độ tuổi lớn hơn chút (như tuổi dậy thì…) cũng sẽ cần được trò chuyện nhiều hơn về đa dạng chủ đề (những điều trẻ quan tâm, thay đổi về mặt cơ thể, tâm sinh lý, xa bạn bè…). Không hẳn lúc nào trẻ cũng nói khi được ba mẹ hỏi, ba mẹ có thể mở đầu bằng câu chuyện của bản thân hay ai đó, không nhất thiết buộc trẻ nói nhiều hay phải nói về trẻ, mà trò chuyện về các chủ đề mở rộng cũng rất quan trọng, điều này giúp trẻ duy trì giao tiếp và trò chuyện với những người xung quanh

Môi trường online khiến trẻ thiếu những tương tác có lời và không lời từ thầy cô, bạn bè (khen ngợi, vỗ tay, thưởng sticker,…), từ đó cũng ảnh hưởng đến động lực học tập. Trẻ càng cần ba mẹ lúc này là những người đồng hành và khích lệ trẻ. Khen tặng trẻ sau mỗi lần hoàn thành bài tập hay công việc được giao. Đây có thể là lời khen về kết quả, nhưng rất cần hơn là lời ghi nhận về cố gắng của trẻ “hôm nay mẹ thấy con ngồi học tập trung hơn nè, hôm nay con phát biểu nhiều hơn, con kiên nhẫn làm bài tập hơn….”. Những lời ghi nhận về sự cố gắng giúp trẻ thấy được ba mẹ có quan tâm, nhìn thấy nỗ lực của mình, cũng như giảm gây áp lực cho các em

Ba mẹ và con có thể thảo luận thời gian nào trong ngày là lúc con được vui chơi, giải trí theo cách con muốn.

Những giờ hoạt động chung của gia đình cũng sẽ rất cần thiết cho trẻ: cả nhà cùng tập thể dục, xem phim, chơi trò chơi, ăn cơm tối cùng nhau, ba mẹ kể chuyện của ba mẹ, và lắng nghe con kể chuyện trường lớp của con,…

Xem xét nơi con học online có đủ yên tĩnh không, đường truyền internet có tốt, có các yếu tố gây nhiễu ảnh hưởng đến sự tập trung của con không (đồ chơi xung quanh, ồn ào,…) và thay đổi nó.. Những hoạt động thể chất nhẹ nhàng trong giờ giải lao có thể giúp cải thiện sự tập trung của con.

Trao đổi với giáo viên về những khó khăn của trẻ để hiểu những thay đổi của trẻ ở hiện tại khác gì so với môi trường học trước đây, giáo viên có thể hỗ trợ trẻ thêm không (trò chuyện động viên trẻ, khen ngợi trẻ,…)

Giúp con chia nhỏ các nhiệm vụ, bài tập phải làm. Từng bước từng bước để trẻ không cảm thấy chán nản.

Chú ý đến những biểu hiện khác lạ, thay đổi của các em

Tùy vào mức độ của trẻ và thời gian kéo dài các dấu hiệu mà ba mẹ nhận diện những điều khác lạ ở trẻ, trò chuyện và quan sát để hiểu những khó khăn, ba mẹ sẽ hỗ trợ các em, hoặc tìm đến sự trợ giúp từ xung quanh (giáo viên, một ai đó mà các em yêu quý, thích nói chuyện cùng,…) hoặc tìm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn như bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý.

Phòng khám Tâm lý BVĐK Tâm Anh TP.HCM là mô hình phòng khám tích hợp trong bệnh viện đa khoa, dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh toàn diện. Phòng khám áp dụng phương pháp trắc nghiệm, tham vấn hoặc chọn lọc phương pháp điều trị phù hợp cho từng trẻ. Các liệu pháp vẽ tranh, âm nhạc, trò chơi hoặc trò chuyện phù hợp với từng lứa tuổi. Phòng khám còn phối hợp làm việc giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh và chuyên viên tâm lý mang đến hiệu quả điều trị cao. Đặc biệt, thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối.

BS.CKII Lâm Hiếu Minh, nguyên Phó trưởng khoa khám Tâm lý – Tâm thần trẻ em tại Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM, từng là bác sĩ nội trú tâm thần trẻ em tại Bệnh viện Théophile Roussel và Đại học Paris 5 (Pháp), Phó Tổng thư ký hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TP.HCM… sẽ đưa ra những liệu pháp tâm lý chuyên biệt dành cho trẻ nhỏ thông qua việc quan sát, lắng nghe hay chơi đùa cùng trẻ.

ThS Huỳnh Thị Phương Dung cũng có nhiều kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực tâm lý: chuyên viên tham vấn học đường trường Lê Hồng Phong và phòng Tâm lý Trường Việt Úc, nguyên giảng viên Đại học Mở, chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý tại phòng khám Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược.

Phụ huynh có thể đặt lịch khám cho trẻ với bác sĩ tại Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh:

  • BS.CKII Lâm Hiếu Minh
  • ThS Huỳnh Thị Phương Dung

Không thể phủ nhận mặt tích cực của hình thức học online trong giai đoạn dịch bệnh. Học online không chỉ giúp trẻ ôn lại, bổ sung kiến thức mà còn kích thích, phát triển khả năng tự sắp xếp giờ giấc học hành, chủ động trong mọi tình huống xử lý (mạng bị treo, camera bị tắt…), thành thục hơn các kỹ năng về công nghệ, tiếp cận internet… Thế nhưng, để trẻ vừa được thừa hưởng những lợi ích của học online mang lại, vừa duy trì trạng thái tâm lý, sức khỏe ổn định, tránh để trẻ bị rối loạn tâm lý khi học online, chính là điều mà tất cả các bậc phụ huynh mong muốn trong giai đoạn hiện nay.