Giải thích vì sao cần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ các chất kích thích sinh trưởng

09:09, 01/11/2010

Thuốc bảo vệ thực vật là tên gọi chung để chỉ các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp nhằm diệt sâu, bệnh, cỏ dại, các côn trùng gây hại và động vật gậm nhấm để bảo vệ cây trồng, các kho lương thực hàng hóa… Bên cạnh những lợi ích mà thuốc bảo vệ thực vật đem lại cho ngành nông nghiệp thì những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người, môi trường cũng là một vấn đề cấp bách. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hằng năm có trên 5000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong. Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với cơ thể con người và môi trường xung quanh xảy ra khi thuốc được sử dụng không đúng các tiêu chuẩn quy định.

Đối với người, khi được sử dụng không đúng cách, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nhiễm độc cấp tính: Bỏng mắt cấp tính, hủy hoại da, ảnh hưởng thần kinh, gan. Khi bị nhiễm độc mãn tính sẽ ảnh hưởng đến tủy xương (thiếu máu bất sản và loạn tạo máu); ảnh hưởng đến sinh sản (vô sinh ở nam, sảy thai, thai dị dạng...); gây độc thần kinh; ảnh hưởng đến cơ chế miễn dịch... Cơ thể con người bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật biểu hiện ở nhiều mức độ: giảm sút sức khỏe, gây rối loạn các hoạt động ở hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa hô hấp, bài tiết, gây các tổn thương bệnh lý ở các cơ quan, hệ thống nói trên từ mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí tàn phế hoặc tử vong.     Do đó theo dõi sức khỏe có hệ thống khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật là rất cần thiết.

Đối với môi trường xung quanh, thuốc bảo vệ thực vật diệt cả những côn trùng và động vật hữu ích cho con người, có thể làm biến đổi thế cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Các thuốc trừ sâu tồn dư lâu, không bị phân hủy ở trong đất và trong nước có thể làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu hằng ngày một cách gián tiếp, lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.

Nguyên nhân nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động là do không khí bị ô nhiễm thuốc, da và quần áo dây dính thuốc, do thuốc vào đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống. Mức nhiễm độc tùy thuộc vào lượng chất độc xâm nhập vào trong cơ thể, độc tính của từng loại thuốc và trạng thái sức khỏe của người khi tiếp xúc với chất độc.

Các nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động là trang bị bảo hộ lao động không chu đáo, thời gian phun thuốc quá lâu, máy bơm thuốc bị rò rỉ hoặc bị hỏng, vệ sinh cá nhân kém, nhầm lẫn…

Giải thích vì sao cần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ các chất kích thích sinh trưởng
Trạng bị bảo hộ lao động thích hợp khi phun thuốc trừ sâu. (Ảnh: T.L)

Để hạn chế những hậu quả không tốt do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần lưu ý: - Chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp thực sự cần thiết, tránh lạm dụng thuốc và chỉ dùng loại ít độc đối với người, gia súc. Để phòng nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật trong lao động: - Tất cả các thuốc bảo vệ thực vật phải đựng trong các chai, hộp, bao bì kín có đầy đủ nhãn hiệu, không giao cho một người nào cất giữ tại nhà mà phải có kho riêng biệt và sắp xếp ngăn nắp. - Kho thuốc bảo vệ thực vật phải ở nơi cao ráo, xa nhà dân ở, xa các nơi tập trung đông người như trường học, chợ, bến xe. - Có quy chế bảo quản, phân phát thuốc bảo vệ thực vật thật chặt chẽ để tránh nhầm lẫn và sử dụng bừa bãi. -  Pha loãng thuốc đúng nồng độ quy định - Dùng bao nhiêu pha bấy nhiêu. -  Không ăn uống, nói chuyện, hút thuốc lá khi làm việc trong kho và khi cấp phát thuốc độc. - Khi pha loãng thuốc bảo vệ thực vật nên đứng đầu hướng gió, pha nơi thoáng, rộng rãi. - Khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng trang bị bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ; phun bằng máy bay, máy bơm có động cơ, máy bơm tay; thực hiện khi trời râm mát; ruộng phun thuốc bảo vệ thực vật phải quản lý chặt 5-7 ngày, không để người và gia súc đi vào để tránh nhiễm độc; việc thu rau, quả, cây lương thực được tiến hành sau lần phun cuối bình quân từ 20-25 ngày trở lên tùy theo thời gian cách ly của từng loại hóa chất bảo vệ thực vật để tránh hại cho người sử dụng. - Tẩy độc thuốc bảo vệ thực vật:  Dùng nước xà phòng 3-5%, nước vôi sô-da 3-5% súc rửa nhiều lần các chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật; quần áo bảo hộ lao động và phương tiện cá nhân ngâm vào nước sút xà phòng vài giờ rồi giũ sạch nhiều lần

- Hủy thuốc còn thừa: Chôn sâu ít nhất 0,5m tại bãi hoang xa nhà dân, xa nguồn cung cấp nước, xa bãi chăn thả gia súc, mỗi hố chôn ≤200g, có thể ngâm tiếp xúc trong nhiều giờ với vôi tôi ( 3lít vôi tôi cho 100g thuốc trừ sâu).

Bs. Nguyễn Thị Thanh Huyền

Có những loại thuốc kích thích nào?

Hiện nay trên thị trường, các thuốc KTST thực vật được sử dụng dưới hàng ngàn tên thương mại khác nhau như: Siêu ra rễ, thuốc kích mầm, thần dược siêu tăng trưởng... Ngoài ra, một số loại phân bón lá cũng có chứa một hàm lượng chất KTST nhất định.

Bản chất chung của các loại thuốc KTST nói trên đều có chứa hoạt chất gibberellin (GA), auxin (NAA) hoặc xytokilin đóng vai trò kích thích phân chia, giãn nở tế bào thực vật, kích thích sự ra rễ, phân cành, ra chồi, tăng sinh khối cây trồng.

Riêng các chế phẩm KTST thực vật rau quả, chủ yếu chứa các hoạt chất acid gibberelic (GA3) kích thích sự giãn nở tế bào, tăng sinh khối cây trồng. Tuy nhiên, các chất KTST thực vật không phải là một loại dinh dưỡng thay thế cho phân bón. Đặc biệt các chất KTST thực vật cũng độc hại không kém gì thuốc trừ sâu.

Giải thích vì sao cần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ các chất kích thích sinh trưởng

Hậu quả khi lạm dụng

Có thể nói, việc nghiên cứu và tạo ra các chế phẩm KTST thực vật là một thành tựu công nghệ sinh học của loài người. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu sử dụng chế phẩm KTST đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng đối tượng và giai đoạn sinh trưởng của cây trồng sẽ giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả gieo trồng. Nếu lạm dụng chất KTST trên mọi đối tượng cây trồng, đặc biệt là trong sản xuất rau quả như sử dụng quá liều lượng, không đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu... sẽ gây ra hệ luỵ khó lường cho sức khoẻ người tiêu dùng, nhẹ thì gây ngộ độc thực phẩm, nặng dẫn đến ung thư, tử vong.

Thực tế là, trong một số năm gần đây ở một số địa phương nước ta, việc lạm dụng quá mức chất KTST trên cây trồng vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là trong sản xuất một số loại rau ăn lá, ăn ngọn (rau muống, bí ngô, su su, rau cần...), đã gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm rất đáng tiếc.

Hầu hết các loại thuốc KTST người dân hay dùng phun, ngâm rau quả hoặc các chất điều tiết sinh trưởng khác trong giấm trái cây đều có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc, vì giá thuốc rất rẻ, chỉ bán 1 - 2 mớ rau đã đủ tiền mua thuốc phun cho cả sào bắc bộ của cây rau muống. Các thuốc này đều không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Các loại rau sau phun thuốc KTST nói trên 2 - 3 ngày sẽ gia tăng sinh khối gấp nhiều lần, ngọn dài, rau  xanh non mỡ màng, rất bắt mắt. Đa phần người dân sẽ thu hái rau trước thời gian qui định cho phép. Vì nếu chờ đủ thời gian cách ly, rau quả sẽ mất mã không còn hấp dẫn. Đây chính là cái “bẫy” giết người vô hình. Không ít người tiêu dùng vẫn ngộ nhận tin mua các loại rau mẫu mã như trên.

Giải pháp ngăn chặn lạm dụng chất KTST thực vật

Để đẩy lùi và ngăn chặn hiệu quả việc lạm dụng chất KTST trên cây trồng, đặc biệt là trên các loại rau quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng xã hội, bao gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và các cơ quan truyền thông đại chúng.

Nhà nước cần dành nguồn kinh phí thích đáng hỗ trợ cho các đề án, dự án nghiên cứu, khảo nghiệm, trình diễn mô hình sử dụng hiệu quả chất KTST trên cây trồng nói chung, cây rau quả nói riêng. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ mọi nguồn thuốc KTST thực vật nhập khẩu và lưu hành trên thị trường, đặc biệt là các loại thuốc KTST thực vật có nguồn gốc Trung Quốc. Có chế tài xử phạt nghiêm minh các tổ chức, cá nhân kinh doanh buôn bán và sử dụng thuốc KTST thực vật ngoài danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Nhà khoa học cần tăng cường nghiên cứu, giúp nông dân các giải pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng mà không cần sử dụng thuốc KTST. Mặt khác cũng cần nghiên cứu chỉ ra cho người dân thấy rõ những hệ luỵ của việc lạm dụng chất KTST trong trồng trọt. Và hướng dẫn nông dân cách sử dụng chất KTST thực vật hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Các cơ quan truyền thông cần tăng cường thông tin, nâng cao nhận thức cho nhà nông thấy rõ nguy cơ tiềm ẩn, tác hại khôn lường của việc lạm dụng chất KTST trong trồng trọt, đặc biệt là trong sản xuất rau quả. Các chất KTST trên rau quả đều độc hại không kém thuốc trừ sâu. Vì chất KTST thường ngấm sâu vào bên trong các mô và tế bào thực vật, mà không có biện pháp xử lý triệt để. Dư lượng chất KTST đi vào cơ thể rất từ từ, tích tụ lâu ngày sẽ gây rối loạn sinh lý và sinh hoá cơ thể người, cuối cùng là dẫn đến ung thư. Nếu dư lượng quá cao sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm, nặng thì bị tử vong.

Giải thích vì sao cần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ các chất kích thích sinh trưởng
Sử dụng quá liều lượng chất KTST gây hệ lụy khó lường, nhẹ thì ngộ độc cần được cấp cứu kịp thời.

Các nhà nông hãy nói không với sử dụng chất KTST thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ sử dụng thuốc KTST trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép trên cây trồng, phải tuân thủ đúng hướng dẫn cách sử dụng thuốc KTST ghi trên bao gói của nhà sản xuất. Chỉ nên sử dụng thuốc KTST thực vật trên các cây lấy gỗ, lấy sợi, cây ăn quả ở thời kỳ kiến thiết cơ bản và giai đoạn quả non, cây lương thực ở thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng, rau ăn trái để tăng đậu quả, rau ăn lá lúc cây còn nhỏ tuổi và trên hạt giống để phá vỡ sự ngủ nghỉ. Khi sử dụng thuốc KTST cần kết hợp cung cấp cân đối dinh dưỡng phân bón cho cây trồng và phải đảm bảo cách ly tối thiểu 7 - 15 ngày trước thu hoạch (theo hướng dẫn của từng loại thuốc). Tốt nhất không nên sử dụng chất KTST trên các loại rau ăn lá, ăn quả và củ.

Người nội trợ hãy là nhà tiêu dùng thông thái

Nhiều loại rau quả đang bị lạm dụng chất KTST, nhưng người dân nước ta không thể sống thiếu rau: “Cơm không rau như đau không thuốc”, nên vẫn phải mua sử dụng rau trong các bữa ăn thường ngày. Để giảm thiểu nguy cơ mua phải rau quả bị lạm dụng chất KTST, người nội trợ hãy là nhà tiêu dùng thông thái. Chỉ chọn mua các loại rau, củ, quả còn tươi nguyên, hình dạng bình thường, màu sắc tự nhiên, không bị bầm giập trầy xước. Rau quả còn giòn chắc, cầm nặng tay, không có mùi vị và chất lạ. Nên hạn chế mua các loại rau quả trái vụ, các loại rau dễ bị lạm dụng chất KTST thực vật như giá đỗ, rau muống, rau bí, su su, rau cần, cải xoong, cải ngồng...

Không mua rau củ quả quá tươi non, xanh mướt mỡ màng. Rau có lá hẹp mỏng, cuống lá dài, ngọn rau dài nhỏ bất thường so với sản phẩm bình thường cùng loại.

Tránh mua rau quả đã gọt vỏ sẵn ngâm trong nước, vì rất dễ có chất tẩy trắng hoặc thuốc bảo quản chống thối, làm giòn dai sản phẩm. Ví dụ như măng chua...

Cần kiểm tra kỹ rau quả trước khi mua, vì mẫu mã bên ngoài rau quả có thể rất tươi ngon, nhưng bên trong đã bị hư hỏng do trước đó đã được xử lý bằng chất bảo quản.

Khi sản phẩm rau quả lạm dụng chất KTST không còn chỗ đứng trên thị trường, người tiêu dùng đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn việc lạm dụng chất KTST, chất bảo quản trên cây trồng và sản phẩm cây trồng.