Đức Phật có an thịt không

Có người nói nếu ăn chay mà thành Phật thì các loài ăn cỏ, nhất là loài khỉ (tổ tiên của loài người) đã thành Phật hết rồi. Với tôi, ý này có phần cực đoan, bởi ngay từ xa xưa, người ta quan niệm ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách chống lại những ham muốn tầm thường của con người và tỏ lòng sám hối tội lỗi có thể xảy ra qua những sự việc hằng ngày, chứ không phải ăn chay để thành Phật.

Đức Phật có an thịt không

Những ngày này, hầu như ai cũng biết ăn chay và lợi ích của ăn chay. Nếu ai muốn tìm hiểu kỹ, chỉ cần lấy ngón tay chạm màn hình, hoặc nhấp chuột thì có thể trở thành… chuyên gia ngay. Việc ăn chay có thể do nhiều lý do khác nhau: lý do đạo đức, y tế, tôn giáo, chính trị, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế… chứ không riêng gì tín đồ Phật giáo mới ăn chay. Như chúng ta đã biết Phật giáo nguyên thủy (Nam tông, Thượng tọa bộ) không kiêng thịt, song Phật giáo cấm sát sinh nhằm tránh mọi khổ đau cho chúng sinh. Do đó, trên căn bản Phật giáo khuyến khích việc ăn chay nhưng cũng không cấm ăn mặn. Phật giáo nguyên thủy thường không ăn chay. Tuy nhiên, những người xuất gia nếu nghe tiếng con vật bị giết, thấy con vật bị giết hoặc nghi con vật đó bị giết để thết đãi mình thì không được ăn, nếu ăn thì phạm vào giới luật. Ngoài ra, đức Phật cũng cấm không được ăn 10 loại thịt: thịt người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu. Theo Ajahn Brahmavamso viết trong cuốn What the Buddha said about eating meat?, thì việc đức Phật cấm không được ăn 10 loại thịt trên không phải là sự kiêng kỵ riêng cho một số loài nào (như Hồi giáo kiêng thịt heo, Ấn giáo kiêng thịt bò) mà vì những lý do sau: Thịt người thì không thể ăn vì quá dã man; không ăn thịt voi và thịt ngựa vì trong thời kỳ đó, hai con vật này được coi là thú vật của nhà vua; không ăn thịt chó vì dân chúng thường coi chó là con vật ghê tởm; không ăn thịt rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu vì người ta tin rằng ai ăn thịt những loài thú rừng nguy hiểm này sẽ toát ra một mùi đặc biệt có thể khiến cho các con vật đồng loại tấn công người đó để trả thù.

Với Phật giáo Đại thừa thì mỗi tông phái lựa chọn những kinh điển khác nhau để tu và hành, cho nên một số tông phái, bao gồm cả phần lớn các tông phái của Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo Nhật Bản đều ăn thịt, trong khi nhiều tông phái khác của Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc… thực hành ăn chay.

Bây giờ, người sống trên trái đất không còn xa cách như xưa mà giống như sống cùng một làng. Vào ngày đó, giờ đó, trọng tài thổi tiếng còi khai cuộc trận bóng đá tận bên trời Tây thì ở Việt Nam, những tín đồ của “túc cầu giáo” cũng hồi hộp, cũng vỗ tay, cũng hò hét, cũng tiếc nuối… và biết kết quả trận cầu cùng lúc với những người đang theo dõi trên sân bóng. Do đó, dù không quan tâm song cũng có khi vô tình lướt qua mắt, hoặc thoảng qua tai một số cuộc tranh cãi và tranh luận về những vấn đề đạo đức của việc sát sinh (ăn thịt động vật). Một số người không ăn chay nhưng vẫn từ chối ăn thịt một số động vật nhất định, chẳng hạn như mèo, chó, ngựa, hoặc thỏ do những điều cấm kỵ trong văn hóa. Một số người khác ủng hộ việc ăn thịt vì những lý do về khoa học, dinh dưỡng và văn hóa, kể cả tôn giáo. Và “cuộc chiến” này chắc chắn không bao giờ chấm dứt và cũng khó nói bên nào thắng cuộc. Có người nói nếu ăn chay mà thành Phật thì các loài ăn cỏ, nhất là loài khỉ đã thành Phật hết rồi. Với tôi, ý này có phần cực đoan, bởi ngay từ xa xưa, người ta quan niệm ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách chống lại những ham muốn tầm thường của con người và tỏ lòng sám hối tội lỗi có thể xảy ra qua những sự việc hằng ngày, chứ không phải ăn chay để thành Phật. Vì lẽ đó mà nhiều tôn giáo ở phương Đông cũng như phương Tây (cụ thể như Ki-tô giáo, Giáo hội Cơ Đốc phục lâm,…) đều khuyến khích thực hành ăn chay - kiêng thịt, thậm chí có quy định một số ngày nhất định. Trong một cơ duyên xảo hợp, tôi nghe Hòa thượng Thích Minh Châu nói: “Ăn chay là tôn trọng đời sống của chúng sinh”. Nghe mấy lời này, tôi như được quán đỉnh. Tôn trọng đời sống của chúng sinh chính là một bước văn minh của nhân loại. Dẫu “vật dưỡng nhơn”, nhưng nếu ta tôn trọng đời sống chúng sinh thì ta có cái nhìn cuộc đời dễ chịu hơn, tâm sẽ bình an hơn; an lạc tự đến khỏi phải cầu khấn đâu xa.

Nhưng sát sinh có tốt không? Chắc nhiều người trả lời là “không tốt”. Tôi nhớ, lụt năm Giáp Thìn 1964, ở quê tôi (Quảng Nam) chết rất nhiều người. Hồi đó, tôi còn nhỏ nhưng nghe nhiều người than thở: “Thiên địa bất nhân, coi vạn vật là sâu kiến”, bởi cuộc sát sinh lớn quá, người dân quê tôi không lường được. Sâu, kiến cũng là chúng sinh, nhưng chắc vì chúng nhỏ bé quá nên con người cũng xem thường sự sống chết của nó. Đối với thiên địa thì con người cũng nhỏ bé vậy thôi. Đọc đây đó, tôi thấy các nhà khoa học cho biết hằng năm cứ vào khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8, các con suối đổ ra biển ở đảo Kodiak, Alaska (Mỹ) tràn ngập cá hồi ngược dòng đẻ trứng. Và cũng thời gian này, gấu xám Bắc Mỹ xem như mùa thu hoạch chính nhằm tích trữ năng lượng cho mùa đông băng giá. Khoảng 70% cá hồi ngược dòng bị gấu tàn sát không thương tiếc. Gấu chỉ ăn phần gờ lưng cá đực và moi trứng cá cái. Phần còn lại của những con cá hồi bị giết dành cho các loài sinh vật khác. Cả dòng suối đỏ ngầu máu cá. Nhưng từ năm 2014 thì có hiện tượng lạ. Đến mùa cá hồi ngược dòng đẻ trứng, người ta không thấy bất kỳ con gấu nào đến “thu hoạch mùa vàng”. Các động vật hưởng xái mùa thu hoạch của gấu như mòng biển, cáo, đại bàng, chó sói… bị “đói mờ mắt”.

Đầu năm 2017, một nhóm nghiên cứu thành công đánh dấu và theo dõi khoảng 15 con gấu Bắc Mỹ. Họ phát hiện khi đàn cá hồi ngược dòng, thì những con gấu đang thơ thẩn trên sườn đồi cách xa dòng suối. Chúng đang ôm đám cây bụi chỉ cao tầm người trưởng thành. Một thành viên của Dịch vụ cá và động vật hoang dã Mỹ (U.S Fish and Wildlife Service) nhận ra những con gấu đang say sưa ăn quả cây cơm cháy (trong tiếng Anh, nó có nhiều tên gọi: elder, elderberry, black elder…), thay vì điên cuồng thảm sát đàn cá hồi đang bơi ngược dòng suối. Người ta nói vui là gấu xám Bắc Mỹ sau bao đời ăn mặn đã chuyển sang ăn chay!

Tại sao gấu xám Bắc Mỹ bỏ ăn tươi nuốt sống cá hồi mà chuyển sang ăn trái cây? Charles Robbins, Giám đốc Trung tâm Gấu (Bear Center), thuộc Đại học Washington (Mỹ), cho hay tổng số protein (chất đạm) trong thực phẩm không quan trọng bằng mức độ protein chứa trong chúng. Động vật chỉ lấy tối đa 17% protein từ đồ ăn. Đây là mức tiêu chuẩn cho phép chúng tăng cân nhanh nhất. Nếu quá tải protein, chúng sẽ bị giảm cân. Cá hồi rất giàu protein. 84% cơ thể cá hồi là chất đạm, còn lượng protein trong quả cây cơm cháy chỉ chiếm khoảng 13%, nhưng 13% protein này là số lượng tối ưu cho một chú gấu muốn tăng cân. Thời điểm quả cơm cháy chín mọng thường sau mùa cá hồi ngược dòng tìm chỗ sinh sản. Nhưng hiện tượng “gấu ăn chay” trong mùa cá hồi năm 2014 là do tình trạng biến đổi khí hậu làm cho quả cây cơm cháy chín cùng lúc với mùa cá hồi ngược dòng.

Chuyện tưởng như hết ngày lại đêm, xuân đi hạ đến, thu lạc đông lên chẳng có gì phải ầm ĩ. Thế nhưng, theo nhà sinh thái học Stephanie Carlson của Đại học California, việc gấu bỏ ăn cá hồi ở đảo Kodiak thì có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống những loài khác trên đảo này. Nhờ gấu xé nát những con cá hồi mà những động vật ăn thịt khác, như: mòng biển, cáo, đại bàng… được nuôi sống, sinh trưởng. Nhờ gấu lôi xác cá lên bờ, đất đai được nạp thêm phân bón. Máu cá hồi cũng giúp cho một số sinh vật, phiêu sinh vật dưới nước hưởng lợi, v.v… Nếu gấu thật sự bỏ tàn sát cá hồi thì điều gì sẽ xảy ra? Các nhà khoa học lo sợ nhịp điệu sinh học bị phá vỡ, gây tác động lên toàn bộ hệ sinh thái. Lúc đó, những loài chưa bao giờ sống cùng nhau có thể sẽ đồng xuất hiện. Khi rào cản về thời gian bị phá vỡ, chúng ta có thể thấy những kết hợp mới mà ngay cả trong tưởng tượng cũng chưa từng nghĩ đến.

Như vậy, nói cho cùng trong chừng mực nào đó sát sinh cũng chính là làm hài hòa nhịp điệu sinh học để chúng sinh cùng tồn tại. Nếu ai cũng ăn chay - kiêng thịt, thì hệ sinh thái trên trái đất này sẽ ra sao? Nhưng vì đạo đức, vì sức khỏe con người, chúng ta ăn chay, hạn chế sát sinh cũng là điều tốt. Điều này, khoa học đã chứng minh và chuyện những con gấu xám Bắc Mỹ “ăn chay” được Charles Robbins, Giám đốc Trung tâm Gấu (Bear Center), thuộc Đại học Washington (Mỹ), phân tích ở trên cho thấy ăn chay tốt hơn ăn mặn.

Mấy năm trước, tôi có đi chơi ở Mỹ, gặp gỡ một số nghiên cứu sinh Việt Nam tại một số trường đại học ở miền Đông Hoa Kỳ. Trong lúc ăn, các cháu cho biết các nhà khoa học Mỹ đã và đang nghiên cứu, sản xuất “siêu thực phẩm” nhằm tránh sát sinh. Các nhà môi trường kết hợp với các nhà khoa học trẻ ở Thung lũng Silicon và được các đại gia như Bill Gates, Li Ka-shing cùng với các nhà sáng lập Twitter, Kleiner Perkins… tài trợ, đã nghiên cứu làm ra thịt gà, thịt bò từ… rau, củ tại nhà máy Beyond Meat (Columbia, một thành phố nhỏ thuộc bang Missouri), hoặc nhà máy làm phó mát tại California, nhà máy sản xuất trứng tại San Francisco, v.v…

Tôi hỏi mức độ thành công của các dự án thịt nhân tạo vừa kể, thì được một cháu gõ lốc cốc lên bàn phím một thoáng rồi cho tôi biết tại nhà máy Beyond Meat, người ta pha chế các thành phần cơ bản: protein của đậu Hà Lan vàng, bột gạo, xơ cà rốt… sau đó qua máy ép sẽ có một miếng thịt như ý muốn của con người.

Tôi cho rằng có khi giống mấy món ăn chay ở Việt Nam mà tôi từng thưởng thức qua, nghĩa là lạ miệng một chút, cũng có thể gọi là ngon song không phải thịt động vật dù người sản xuất cố gọi đó là thịt, như thịt heo quay, đùi gà rôti, chả lụa, thịt gà kho sả ớt…

- Chúng cháu cũng mới tìm hiểu trên mạng, vì nó liên quan đến ngành học của mình, song chúng cháu tin đó là thịt chứ không phải “cố gọi đó là thịt” như mấy món chay ở quê nhà mà bác vừa nói - cháu Đạo (ĐH Pittsburgh) lên tiếng phản bác ý kiến của tôi, rồi từ thông tin trên mạng nói lại cho tôi biết vấn đề của tôi đưa ra - cháu cho hay ông Ethan Brown, Tổng Giám đốc nhà máy Beyond Meat, nói: “Mùi vị không thành vấn đề. Tất cả thách thức nằm ở chỗ làm sao cho người tiêu dùng tin đó là thịt gà, thịt bò... Phải mất 10 năm, chúng tôi mới tìm ra được một cấu trúc sợi và như vậy khi nhìn hoặc nhai trong miệng, người tiêu dùng sẽ thấy giống như đang ăn thịt gà, thịt bò… Chúng tôi cho điều ấy là quan trọng, vì sau 2 triệu năm tiến hóa, chúng ta thấm sâu vào trong xương tủy cấu trúc của thịt và răng, lưỡi của chúng ta xác định điều đó. Để bộ não chấp nhận cái thay thế, chúng ta phải đạt được những điều kiện mà mắt nhìn, răng nhai, lưỡi nếm xác định đó là thịt gà, đó là thịt bò. Khoảng 5 năm nữa, người tiêu dùng sẽ không phân biệt đâu là rau củ, đâu là thịt gà, thịt bò do chúng tôi sản xuất”. Cháu Đạo nói: “Không phải khen Mỹ, song chúng cháu vững tin ở Mỹ sẽ có một loại thịt như thế chứ không phải như mấy món ăn chay được gọi là thịt ở quê nhà”.

Tôi cũng tin như thế, bởi có quyết tâm thật thì sẽ thành công. Trước đây, qua các trang mạng, tôi biết có rất nhiều người phản ứng gắt gao việc sát sinh động vật để lấy lông thú làm trang phục, bằng cách xuống đường bày tỏ thái độ, viết báo lên án, biếm họa chê trách... Hội Nhân đạo bảo vệ động vật (PETA) khẳng định: “Mặc trang phục từ lông hay sử dụng đồ da là bạn đang vô tình tắm máu của biết bao con thú vô tội và gián tiếp hủy hoại trái đất”, nên tôi nghĩ việc sản xuất thịt từ rau, củ chắc là sự hô ứng nhằm bảo vệ nhịp điệu sinh học của trái đất này. Hiện nay, nhiều nước ở phương Tây thành lập những hội đoàn ăn chay và cũng có trang mạng riêng để cổ xúy việc ăn chay, như: Hiệp hội Ăn chay ở Đức, Liên đoàn Ăn chay ở Áo, Liên đoàn Ăn chay ở Thụy Sĩ, Liên đoàn Ăn chay ở châu Âu, Liên đoàn Ăn chay quốc tế… Với tôi, ăn chay dù bất cứ lý do gì cũng tốt, bởi chúng ta biết “tôn trọng đời sống của chúng sinh”.