Đèo Bảo Lộc đốc bao nhiêu?

Đèo Bảo Lộc có tổng chiều dài khoảng 10 km nhưng khá nguy hiểm với nhiều khúc cua, đường quanh co liên tục. Trong thời gian qua trên tuyến đèo này liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông, lật xe khiến nhiều người chết và bị thương. Đặc biệt vào các thời điểm trời tối, mưa và sương mù khiến tầm nhìn bị hạn chế./.

Suốt quãng đường từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Lạt, hành khách nói riêng và người tham gia giao thông nói chung phải đi qua 3 cung đèo là đèo Chuối, đèo Bảo Lộc và đèo Prenn. Trong đó, đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai và TP. Bảo Lộc) luôn được chú ý bởi sự quanh co và nguy hiểm nhất. Bởi lẽ, với chiều dài 10km, đèo Bảo Lộc có đến trên 80 khúc cua liên tục uốn lượng như “con trăn khổng lồ” đang trườn mình trên các vách núi cheo leo; trong đó, có những đoạn “cua nối cua” làm che mất tầm nhìn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Cùng với đó, một bên đèo là chi chít những vực sâu thăm thẳm đến lạnh người.

 

Với sự hiểm trở như vậy, để đảm bảo an toàn khi lưu thông qua đèo thì đòi hỏi người điều khiển phương tiện phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, từ thực tế những vụ TNGT đã xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, tình hình mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên đèo rất đáng báo động. Từ năm 2013 đến nay, trên đèo Bảo Lộc đã xảy ra 5 vụ TNGT nghiêm trọng, làm 12 người chết và nhiều người bị thương. Cùng với đó, trung bình mỗi tháng, trên đèo còn xảy ra ít nhất từ 2 đến 4 vụ va chạm và lật xe làm hành khách hú vía, giao thông ách tắc. Theo Công an huyện Đạ Huoai, nguyên nhân cơ bản của hầu hết các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua trên đèo Bảo Lộc là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về TTATGT. Trong đó, phần lớn vi phạm các quy tắc giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đường, tránh đường sai quy định, kỹ năng xử lý tình huống khi vào cua kém… Vì vậy, để đảm bảo an toàn nhằm giảm thiểu TNGT xảy ra trên đèo thì ý thức tuân thủ, chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện là yếu tố quyết định hàng đầu.

 

Đến chuyện biển báo

 

Sau khi Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dụng khi tham gia giao thông có hiệu lực, thì các biển báo quy định tốc độ dưới 40km/giờ trên các tuyến quốc lộ đều được tháo gỡ. Theo đó, tại đèo Bảo Lộc, 26/26 biển báo tốc độ 40km/giờ đã được thay thế bằng biển số hiệu 245 “đi chậm”. Hiện tại, trên đèo chỉ còn lại một số loại biển báo giao thông, như: các biển báo chỉ dẫn vào cua, biển báo “đi chậm” và các biển báo có nội dung “lái xe chú ý, đường đèo dốc nguy hiểm”.

 

Bên cạnh các biển báo giao thông, thì gương cầu lồi là thiết bị cần thiết đối với đường đèo để phục vụ nhu cầu quan sát của người điều khiển phương tiện. Đối với độ dốc lớn và đường cua gấp như đèo Bảo Lộc thì gương cầu lồi là thiết bị vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, trên đèo Bảo Lộc chỉ còn lại 3 chiếc gương cầu được gắn tại các khúc cua (thuộc địa phận TP. Bảo Lộc). Ông Lưu Tiến Chinh - Trưởng Ban ATGT huyện Đạ Huoai cho biết: “Sau nhiều quy định thay đổi của các ngành chức năng, gần đây, việc tuần tra kiểm soát và quản lý cơ sở hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 20, trong đó có đoạn qua đèo Bảo Lộc đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Ban ATGT và Công an huyện. Riêng, đối với đèo Bảo Lộc (đoạn từ Km 98 đến Km 104 thuộc địa phận của huyện Đạ Huoai), Ban ATGT huyện đã nhiều lần có văn bản kiến nghị tới các ngành chức năng liên quan lắp đặt thêm gương cầu lồi và gắn thêm các biển báo giao thông tại các vị trí trọng yếu để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các kiến nghị của huyện vẫn chưa được chấp thuận”.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại thời điểm bàn giao giữa Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 78 với Công ty 7/5 - Bộ Quốc phòng (đơn vị thực hiện Dự án BOT) vào tháng 1/2009, đoạn từ Km 98 đến Km 108 trên đèo Bảo Lộc có tất cả 19 điểm được bố trí lắp đặt gương cầu lồi. Tuy nhiên, hiện tại, gương cầu lồi tại 16/19 điểm được bố trí trên đèo đã “biến mất” không rõ nguyên nhân. Để giảm thiểu tình trạng TNGT trên đèo Bảo Lộc, trong Văn bản số 105 của Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 cũng đã kiến nghị việc lắp đặt thêm 10 biển báo số hiệu 219 (dốc xuống nguy hiểm) và số hiệu 220 (dốc lên nguy hiểm); 6 biển báo số hiệu 244 (đoạn đường thường xảy ra tai nạn) để Cục Quản lý đường bộ IV xem xét. 

 

Những “điểm đen” TNGT

 

Tình hình TNGT xảy ra trên đèo Bảo Lộc là đáng báo động và gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân cũng như người điều khiển phương tiện giao thông. Đặc biệt, trong tất cả 5 vụ TNGT nghiêm trọng làm 12 người chết xảy ra trên đèo Bảo Lộc từ năm 2013 đến nay, đều thuộc địa phận của thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai). Trong đó, những “điểm đen” TNGT thuộc các khúc cua ở những vị trí Km 98, Km 101 và Km 103. Rõ ràng đây là những “con số” đáng báo động về TNGT tại các “điểm đen” nói trên đã và đang khiến những ai khi đi qua cung đèo này cũng cảm thấy lo lắng và run sợ. Anh Phạm Công Sỹ, người thường xuyên đi xe khách qua đèo Bảo Lộc, cho hay: “Trung bình mỗi tháng, tôi đi xe qua đèo Bảo Lộc 2 lần. Khi xe khách qua đèo, dù đêm đã khuya hay mỏi mệt đến mấy tôi cũng không dám ngủ vì tôi biết, đèo này thường xuyên xảy ra TNGT, nên phải cố tỉnh táo đề phòng khi có chuyện không may xảy ra…”. 

 

“Đã 5 năm nay, hàng ngày, tôi có 2 lần lái xe qua đèo Bảo Lộc để lên Tp. Đà Lạt thu mua rau đưa về Đồng Nai cho kịp các phiên chợ. Thú thật, dù làm nghề tài xế đã lâu nhưng mỗi khi lái xe đi qua đèo Bảo Lộc là tôi lại có cảm giác lo lắng, bất an…” - ông Trần Văn Bình, tài xế xe tải ngụ tại tỉnh Đồng Nai tâm tư.

 

Quốc lộ 20 là tuyến đường “huyết mạch” nối tỉnh Lâm Đồng với trung tâm kinh tế lớn TP. HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Để giảm thiểu TNGT nhằm đảm bảo an toàn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, khảo sát những đoạn đường tiềm ẩn nguy hiểm trên đèo Bảo Lộc nói riêng và Quốc lộ 20 nói chung để có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn cho việc lưu thông