Đấu giá quyền sử dụng đất là gì

Khoản 1 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật” . Theo đó, đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên, là tư liệu sản xuất, nguồn vốn quý giá của quốc gia và của người sử dụng đất. Thực tế đã chứng minh rằng, nguồn tài nguyên đất đã mang lại những lợi ích to lớn cho Nhà nước, người sử dụng, doanh nghiệp và cho toàn xã hội.Trong đó, quan hệ đấu giá quyền sử dụng đất có vai trò vô cùng quan trọng cho sự ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng của nền kinh tế quốc dân.

Đấu giá quyền sử dụng đất là phương thức phân phối đất đai đặc biệt của Nhà nước. Khác với giao đất đất theo cách thức thông thường, với hình thức đấu giá, các chủ thể có nhu cầu sử dụng đất phải tham gia đấu giá công khai với những người khác và người nào trả giá cao nhất là người được nhận quyền sử dụng đất. Có nhiều mục đích được đặt ra khi lựa chọn phương thức chuyển quyền sử dụng đất thông qua đấu giá, nhưng mục đích thường được hướng tới là nhằm đưa tài sản tiếp cận với người có nhu cầu thực sự, nhằm phát huy cao giá trị của tài sản hàng hóa đặc biệt đó là quyền sử dụng đất. Việc đưa quyền sử dụng đất vào đấu giá là một bước tiến trong hoạt động giao, cho thuê đất. Thông qua đó, góp phần làm giảm đầu cơ đất đai, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia đấu giá, huy động tối đa nguồn vốn cho ngân sách.

Sau đây xin giới thiệu một số vấn đề pháp lý có liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất.

1. Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 118 Luật Đất đai, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp:

  1. Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua;
  1. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê;
  1. Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng;
  1. Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

đ) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

  1. Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước;
  1. Giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân;
  1. Giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Tại Điều 118 cũng quy định các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm:

  1. Giao đất không thu tiền sử dụng đất;
  1. Sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;
  1. Sử dụng đất quy định tại các điểm b, g khoản 1 và khoản 2 Điều 56 của Luật Đất đai;
  1. Sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản;

đ) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ;

  1. Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền;
  1. Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
  1. Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
  1. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Điều kiện thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 119 Luật Đất đai, điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất như sau:

- Đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước;

- Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai và phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.

3. Một số vấn đề về trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất

Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo phương thức trả giá lên. Ngoài việc phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá như các loại tài sản thông thường, việc đấu giá quyền sử dụng đất còn phải tuân theo các quy định riêng. Trong đó, đáng chú ý là quy định về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Cụ thể theo Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá phải xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Việc xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải dựa trên các yếu tố sau: Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản; Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp; Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố; Các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.Sau khi xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.Người có tài sản đấu giá căn cứ hồ sơ tham gia tổ chức đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản, tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã ban hành để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn.

Việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia../.