Đánh sách các nước bỏ phiếu chống loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày thứ Năm đã đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các báo cáo về "những vi phạm và xâm hại nhân quyền trầm trọng và có hệ thống" gây ra bởi quân đội Nga xâm lược ở Ukraine.

Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu được 93 nước biểu quyết ủng hộ, trong khi 24 nước chống và 58 nước bỏ phiếu trắng. Cần có đa số hai phần ba thành viên biểu quyết trong Đại hội đồng 193 thành viên ở New York - không tính phiếu trắng - để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên có trụ sở tại Geneva.

Việt Nam là một trong những nước bỏ phiếu chống.

Các trường hợp bị đình chỉ là rất hiếm, theo Reuters. Libya bị đình chỉ vào năm 2011 vì bạo lực nhắm vào những người biểu tình gây ra bởi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo khi đó là Muammar Gaddafi.

Đây là nghị quyết thứ ba được Đại hội đồng 193 thành viên thông qua kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Hai nghị quyết trước đó của Đại hội đồng lên án Nga đã được thông qua với 141 và 140 phiếu ủng hộ.

Nghị quyết được thông qua ngày thứ Năm bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine," đặc biệt là trước các báo cáo về những vụ Nga vi phạm nhân quyền.

Nga nói họ đang thực hiện một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine và phủ nhận việc tấn công thường dân. Ukraine và các đồng minh nói rằng Moscow xâm lược mà không có sự khiêu khích.

Nga trước đó đã cảnh báo các nước rằng biểu quyết ủng hộ hoặc bỏ phiếu trắng sẽ được coi là một "cử chỉ không thân thiện" với những hậu quả cho quan hệ song phương, Reuters đưa tin, dẫn một ghi chú mà hãng tin này đã xem qua.

Nga đang phục vụ năm thứ hai của nhiệm kì ba năm trong hội đồng có trụ sở tại Geneva, vốn không thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các quyết định của hội đồng gửi đi thông điệp chính trị quan trọng, và hội đồng có thể cho phép tiến hành các cuộc điều tra.

Các quan chức nói Moscow là một trong những thành viên lớn tiếng nhất trong hội đồng và việc họ bị đình chỉ ngăn họ phát biểu và biểu quyết, mặc dù quan chức ngoại giao của họ vẫn có thể tham dự các cuộc tranh luận. "Họ có thể vẫn sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến Hội đồng thông qua những thành viên ủy quyền," một nhà ngoại giao ở Geneva nói với Reuters.

Tháng trước, hội đồng đã mở cuộc điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm các tội ác chiến tranh khả dĩ, ở Ukraine, kể từ cuộc tấn công của Nga.

Vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam nằm trong số những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi HĐNQ.

Tuy nhiên các tờ báo trong nước trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2022, khi tường thuật về vụ việc này đã không hề đề cập gì đến lá phiếu chống của Việt Nam.

Trao đổi với RFA hôm 8/4, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, cho biết ý kiến của mình:

“Nga xâm lược Ukraine như thế, rồi bắn giết dân thường ở Bucha... vì vậy khi VN chống trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền là việc không đúng đắn và bất lợi cho đất nước. Bản thân VN cũng nhận thức được việc đó, nhưng tình thế phải làm để giữ quan hệ với Nga... cho nên không dám công khai việc đó với dân, nhưng những người hiểu biết thì người ta biết thừa VN bỏ phiếu như thế nào? Tôi cũng đọc báo Nhà nước thì thấy chỉ đăng quan điểm của VN tại cuộc họp đấy. Nhưng quan điểm từ trước đến nay cứ nói một đằng nhưng bỏ phiếu thì một nẻo, nên ngại. Quan điểm lên án như thế nhưng bỏ phiếu ngược lại nên không cho đăng báo.”

Mọi khi họ làm cái gì đều khoe ra, bây giờ họ giấu đi, chắc họ ngại nếu đưa ra thì trái với ý muốn của người dân, đều ghét quân Nga xâm lược. Dư luận người dân là như thế nên đưa ra cái đấy là bất lợi cho họ.
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có tiếng Anh là United Nations Human Rights Council, là một tổ chức liên chính phủ trực thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, có sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Đây là tổ chức nhân quyền lớn nhất thế giới mà Nga đang tham gia cho nhiệm kỳ 2021-2023.

Đây cũng là lần thứ ba Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Hai nghị quyết trước mà Việt Nam đều đã bỏ phiếu trắng là lên án và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai khi nói với RFA từ Hà Nội hôm 8/4 cho rằng, Việt Nam không cho đăng tin vì muốn che giấu cái xấu của mình:

“Đây là một trò xảo quyệt, để mà che giấu cái xấu của mình đi. Và cũng để ngỏ một cái ý rằng ‘thật lòng tôi không muốn như thế’... nhưng vì một mối quan hệ như thế nào, nên buộc phải làm như vậy, nhưng tôi không đưa tin... Đấy là cách của cái đám xảo quyệt, nhưng mà không che đậy được. Bởi vì bàn tay không thể che đậy mặt trời, đó là thái độ không đàng hoàng, không đúng và nó không chính nhân quân tử. Cái xấu mà thế giới người ta lên án, mà rõ ràng là nó xấu rồi, nó độc ác rồi... mà cũng không dám lên tiếng.”

Trước cuộc bỏ phiếu ngày 7/4/2022, Nga đã cảnh báo những nước bỏ phiếu thuận và bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là một ‘cử chỉ không thân thiện’ và gây ra hậu quả cho quan hệ song phương. Có lẽ vì vậy, báo chí quốc nội do Nhà nước Việt Nam kiểm soát khi đưa tin về vụ việc đã không hề đề cập đến là phiếu của nước nhà. Chỉ có duy nhất trang Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin dẫn lời của ông Đặng Hoàng Giang - Đại sứ Việt Nam tại LHQ phát biểu rằng, Việt Nam quan ngại trước ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine đối với người dân.

Đánh sách các nước bỏ phiếu chống loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền
Hình minh hoạ: một người dân đọc báo có bài viết về cuộc chiến Nga - Ukraine hôm 25/2/2022 ở Hà Nội. AFP

Bác sĩ Đinh Đức Long từ Sài Gòn hôm 8/4, phân tích rõ hơn với RFA:

“Tôi nghĩ cái này ai cũng biết, họ giấu hay đưa tin đều có mục đích của họ. Mọi khi họ làm cái gì đều khoe ra, bây giờ họ giấu đi, chắc họ ngại nếu đưa ra thì trái với ý muốn của người dân, đều ghét quân Nga xâm lược. Dư luận người dân là như thế nên đưa ra cái đấy là bất lợi cho họ. Nhưng không đưa thì người ta cũng biết vì bây giờ là thông tin mạng xã hội đa chiều. Cho nên tôi nghĩ việc này có chỉ đạo là chắc chắn... ý Đảng trái với lòng dân nên họ không muốn đưa tin.”

Dù vậy, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng nếu xét thực tế thì Hà Nội bỏ phiếu chống nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền là có lợi cho chính quyền Cộng sản Việt Nam. Ông giải thích:

“Là vì người Nga nói rồi, ai bỏ phiếu trắng hay phiếu chống là nước không thân thiện. Nhưng Việt Nam vẫn cần năng lượng của Nga, cũng như Ấn Độ, Hungary đấy... cho nên cái gì họ có thể linh hoạt và có lợi thì họ vẫn làm. Vì không có lá phiếu của Việt Nam thì Nga cũng vẫn bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền, có thêm lá phiếu Việt Nam thì cũng không thay đổi, họ đã tính rồi. Nhưng Việt Nam chống thì được lòng Nga, được mua vĩ khí, dầu lửa... Trở lại quá khứ khi Việt Nam bị cô lập lúc đánh nhau với Trung Quốc, lúc sang Campuchia, thì chỉ có Liên Xô cũ đứng ra bảo vệ Việt Nam.”

Theo bác sĩ Đinh Đức Long, đó là một cách Việt Nam trả nợ ơn sâu nghĩa nặng đối với Nga, nhưng thực chất cũng không mất gì trong chuyện này. Ông Long cho rằng đó là ngoại giao ‘cây tre’ và Việt Nam thủ lợi trong việc này.

Quan điểm từ trước đến nay cứ nói một đằng nhưng bỏ phiếu thì một nẻo, nên ngại. Quan điểm lên án như thế nhưng bỏ phiếu ngược lại nên không cho đăng báo.
-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Còn Giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 8/4 cho rằng, với lá phiếu chống lại nghị quyết trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã tự bắn vào chân mình:

“Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam.

Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa.”

Và theo Giáo sư Carlyle Thayer, nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì sẽ bị mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam. Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng, tại sao các nước phương Tây phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga?