Đánh giá văn bản bài học đường đời đầu tiên

Đề bài: Em hãy phân tích "Bài học đường đời đầu tiên" của Tô Hoài

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:

* Tác giả:

- Tô Hoài, tên thật là Nguyễn Sen (1920-2014).

- Quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), lớn lên ở quê ngoại - làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội

- Tô Hoài viết văn từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

- Ông có khối lượng tác phẩm phong phú và đa dạng, gồm nhiều thể loại. Ông được mệnh danh là nhà văn của thiếu nhi.

- Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật

* Tác phẩm

- “Bài học đường đời đầu tiên”(tên do người biên soạn đặt) trích từ chương I của “Dế Mèn phiêu lưu kí”

-“Dế Mèn phiêu lưu kí” được in lần đầu năm 1941, là tác phẩm nổi tiếng và đặc sắc nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Thân bài

1. Bức chân dung tự họa của Dế Mèn

- Tự họa là tự khắc khọa về bản thân mình. Qua cái nhìn của nhân vật về bản thân, ta có thể hiểu được đặc điểm, tính cách của nhân vật đó.

- Dế Mèn đã tự họa về hình dáng, hoạt động của mình: Chàng thanh niên cường tráng. Ở đây tác giả sử dụng hàng loạt các tính từ, các hình ảnh so sánh đã làm nổi bật vẻ đẹp của chàng dế này.

+ Đôi càng: mẫm bóng

+ Những cái vuốt: cứng dần, nhọn hoắt

+ Đôi cánh: dài kín đến tận chấm đuôi

+ Cả người: rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn

+ Đầu: to và nổi từng tảng, rất bướng

+ Hai cái răng: đen nhánh, nhai ngoàm ngoạp

+ Sợi râu: dài và uốn cong hết sức hùng dũng

+ Đi đứng: oai vệ, làm bộ dún dẩy

-> Đó là một vẻ đẹp khỏe mạnh, cường tráng, đầy oai phong, tràn trề sức sống của tuổi trẻ. Qua bức chân dung, ta có thể thấy Dế Mèn rất yêu bản thân, tự hào về những vẻ đẹp của bản thân và luôn biết cách thể hiện những điều đó. Cái cách chàng vuốt râu, đi đứng, nhún nhẩy đã giúp chàng phô hết ra vẻ đẹp của mình.

Nhận xét: Cách Dế Mèn tả bản thân rất phù hợp với chân dung tự họa: tả càng, vuốt, cánh... những bộ phận mình có thể nhìn thấy trước. Cách miêu tả tinh tế này, ta có thể bắt gặp trong bức chân dung của Rô-bin-xin khi ở đảo hoang.

-> Cách Dế Mèn yêu và chăm chuốt cho bản thân cũng nhắc nhở chúng ta cũng phải biết yêu bản thân mình và trau chuốt cho mình ngày càng đẹp hơn.

- Có thể nói, Dế Mèn có một ngoại hình đẹp, nhưng tính cách thì chưa đẹp.

+ Tự nhận rằng tôi tợn lắm, dám cà khịa với tất cả bà con trong xóm. Dế ta cà khịa, bắt nạt những kẻ ốm yếu, tội nghiệp, đáng thương mà không biết ngại ngùng, lại còn giương giương tự đắc.

+ Dế ta kiêu căng, xốc nổi: tự cho mình là giỏi, nghĩ rằng ai cũng sợ mình

-> Dế Mèn hung hăng, hống hách, không coi ai ra gì. Đó là một tính xấu mà bản thân Dế Mèn cũng không nhận thức hết được.

So sánh với Dế Choắt: lúc nào cũng tự ti, rầu rĩ => yêu bản thân như Dế Mèn là rất đáng khen. Còn tự ti quá mức như Dế Choắt lại là đáng chê. Nhưng không nên biến tự tin thành kiêu căng ngạo mạn.

2. Bài học đường đời đầu tiên

- Trong mắt của Dế mèn, Dế Choắt thật xấu xí, từ hình dáng cho đến tính cách, lối sống, không có điểm nào là tốt đẹp

-> Thái độ đối với Dế Choắt: khinh bỉ, coi thường

- Diễn biến tâm lí của Dế Mèn:

+ Khi nảy ra ý định trêu chị Cốc: thích thú, hứng chí, hung hăng, vênh váo

+ Khi trêu chị Cốc: hả hê, vui sướng

+ Khi chị Cốc đánh Dế Choắt: sợ hãi => hèn nhát

+ Khi Dế Choắt chết: ân hận, buồn bã, day dứt

-> Rút ra được bài học cho riêng mình:

+ Không nên kiêu căng, ngạo mạn, hành động xốc nổi. Phải suy nghĩ kĩ trước khi làm.

+ Phải biết yêu thương, giúp đỡ mọi người (Giá má Dế Mèn đào giúp Choắt một cái ngách thì có lẽ Choắt đã không phải chết).

-> Dế Mèn đã tự nhận được bài học về sự xốc nổi, ngông cuồng, kiêu căng của mình. Nhưng để có được bài học này, dế ta đã phải trả một cái giá quá đắt  - đó là mạng sống của người hàng xóm đáng thương.

* Hành động Dế Choắt tha thứ cho Dế Mèn, khuyên nhủ Dế Mèn đã cho thấy một tấm lòng cao đẹp, đầy bao dung, vị tha.

-> Mọi lỗi lầm đều có thể thứ tha. Nhưng vị quan tòa công tâm nhất chính là lương tâm của mỗi chúng ta. Bởi vậy, đừng bao giờ có những hành động xốc nổi, đáng ân hận như Dế Mèn.

Kết bài

1. Đặc sắc về nghệ thuật

- Nghệ thuật miêu tả nhân vật, tâm lí nhân vật sinh động, tỉ mỉ, chính xác

- Lời văn chân thực, hấp dẫn.

2. Nội dung

Bài văn miêu tả chú Dế Mèn mang vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi. Do bày trò trêu chọc chị Cốc nên đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt, từ đó hối hận và rút ra được bài học đường đời cho mình

-/-

Dựa vào những gợi ý tóm tắt nội dung trên thì các em sẽ lưu ý được các ý chính cho các bài văn tùy theo yêu cầu của đề tài đối với tác phẩm này nhé!

Văn mẫu phân tích Bài học đường đời đầu tiên ngắn nhất

Tô Hoài được mệnh danh là nhà văn của thiếu nhi. Với những áng văn sinh động, hấp dẫn đã biết bao thập kỉ qua, những tác phẩm của ông đã trở thành món ăn tinh thần của trẻ nhỏ. Và hẳn ai cũng biết đến Dế Mèn phiêu lưu kí - một tác phẩm xuất sắc của Tô Hoài và trích đoạn Bài học đường đời đầu tiên là chương mở đầu cho những biến cố trong cuộc đời Dế Mèn. Đoạn trích đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc.

Dưới ngòi bút tài hoa của Tô Hoài, chân dung Dế Mèn hiện lên vô cùng đẹp đẽ, sống động. Để làm nổi bật vẻ đẹp của chàng dế thanh niên cường tráng Tô Hoài đã liệt kê hàng loạt chi tiết miêu tả ngoại hình của Mèn: đôi càng mẫm bóng, những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứng và nhọn hoắt chẳng khác nào thanh kiếm. Không chỉ vậy đôi cánh của Dế cũng thật đẹp đẽ, dài xuống tận chấm đuôi, thân hình mang một màu nâu bóng mỡ, rắn chắc, khỏe mạnh,… Và cậu chàng hãnh diện về vẻ đẹp ấy của mình lắm. Không chỉ miêu tả dáng vẻ bề ngoài, mà thông qua ngoại hình người đọc phần nào còn thấy được những nét tính cách của nhân vật. Dế ta không chỉ cường tráng về sức khỏe co cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ, đôi cánh vũ lên nghe phành phạch giòn giã,… chú ta còn kiêu ngạo với cặp râu rất đỗi hùng dũng của mình, những bước đi luôn trịnh trọng khoan thai cho ra kiểu cách con nhà võ; bản tính Dế vẫn xốc nổi, dám đi khà khịa với cả hàng xóm và coi mình sắp đứng đầu thiên hạ. Bằng việc sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa cùng với đó là năng lực quan sát tỉ mỉ, khả năng chắt lọc ngôn ngữ tinh tế, trí tưởng tượng phong phú Tô Hoài đã phác họa bức chân dung của Dế Mèn cường tráng, khỏe mạnh, tràn đầy sức sống. Dế Mèn còn giống như chàng trai trẻ tuổi, vừa tự tin, vừa yêu đời, tự hào về bản thân nhưng bản tính còn có sự xốc nổi, kiêu ngạo, ngông cuồng.

Cũng chính tính kiêu căng, xốc nổi, tự coi mình là sắp đứng đầu thiên hạ mà Dế Mèn đã gây ra những chuyện hết sức đau lòng. Nhà văn đã rất công phu khi dựng lên chân dung đối lập, tương phản giữa Dế Mèn và Dế Choắt – người bạn hàng xóm của Mèn. Ngược lại với ngoại hình vạm vỡ của Dế Mèn, Dế Choắt là một cậu chàng gầy gò, ốm yếu, trông hệt một gã nghiện thuốc phiện. Trước lời thỉnh cầu của Choắt, Mèn đã gạt phắt đi bằng giọng khinh thường. Nhưng đó không phải là chuyện đáng để cho một anh chàng vừa ngông nghênh vừa kiêu ngạo quan tâm. Chỉ đến khi vì sự dại dột của mình, Mèn trêu chị Cốc rồi dẫn đến cái chết thảm thương của Dế Choắt, lúc này chàng ta mới nhận ra được những lỗi lầm của bản thân. Dế Mèn ngông cuồng trêu chị Cốc, thấy chị Cốc nổi giận, Mèn ta cậy mình có hang sâu đã chui tọt vào hang để tránh hậu họa, nào ngờ Dế Choắt lại là người phải chịu hậu quả. Cái mỏ chị Cốc cứ thế giáng xuống Choắt gầy gò ốm yếu, khiến Choắt vẹo cả xương sống. Chỉ khi chị Cốc đi rồi, Mèn mới dám bò lên, thấy Dế Choắt không dậy được nữa và nghe những lời trăng trối của Choắt, Mèn đã vô cùng đau khổ, ân hận. Những lời trăng trối của Dế Choắt chính là bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn, đó là bài học đau xót phải trả bằng cả bằng mạng sống của người khác.

Bằng việc sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật kết hợp với cách kể chuyện hấp dẫn, vốn ngôn từ phong phú, sinh động, lối nói dân dã đã làm cho câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên trở nên thú vị, hấp dẫn hơn.

Qua đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên, bạn đọc không chỉ thấy được những vẻ đẹp về ngoại hình của Dế Mèn, mà qua sai lầm, bài học đầu tiên của Mèn, chúng ta còn rút ra bài học cho chính bản thân mình: phải luôn quan tâm, giúp đỡ người xung quanh, không được có thói kiêu căng tự phụ, xốc nổi không chỉ gây ảnh hưởng đến chính mình mà còn làm hại những người khác.

-/-

Trên đây là dàn ý kèm 1 bài văn mẫu phân tích tác phẩm Bài học đường đời đầu tiên Tô Hoài do Đọc tài liệu thực hiện, mong rằng với nội dung này các em sẽ hoàn thiện bài văn của mình tốt hơn!